Giờ em mới để ý vụ này
Tự dưng nhớ tới tạp văn này, cach đây gần 20 năm
Món nợ của ngành giáo dục
Thảo Hảo
1.
“Ai bảo chăn trâu là khổ?
Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu tôi đội nón mê như lọng tre. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!”
Một trong những truyện ngắn của Sơn Nam mà tôi thích nhất là “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”, nói về cái tình cảm gắn bó giữa những con người dùng chung một hệ thống sách giáo khoa với nhau.
Trong truyện, một anh nhà báo đi thu tiền bạn đọc nợ quá hạn, khó đòi. Ðến nơi, sau ít câu trò chuyện, hai người phát hiện ra cùng từng học qua bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Họ cùng nhắc lại những bài học trong sách. Và cái “tình nghĩa giáo khoa thư” này đủ làm cho anh phóng viên không nỡ đòi nợ nữa.
Nhắc lại một tí, bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư này dùng cho hệ Tiểu học suốt gần nửa đầu thế kỷ 20, do nhà nước giao cho 4 ông, đứng đầu là ông Trần Trọng Kim, soạn. Nội dung sách dễ hiểu, dễ nhớ. Những bài trong sách không quá hay. Nó vừa phải, chừng mực thôi, nhưng mẫu mực giáo khoa. Tiếp theo lại có những câu hỏi dễ thương để trò nhỏ tóm được cái chân lý mà ông thầy muốn dạy, thí dụ trong bài trên, là:
Ta thường chăn trâu ở đâu?
Ta chăn trâu để làm gì?
Ði chăn trâu có gì là thú vị?
Lại cẩn thận tóm tắt cuối bài bằng một câu ngộ nghĩnh, không sai vào đâu được; Trong bài trên, câu tóm tắt đó sẽ là:
Dắt trâu ra đồng cho nó ăn cỏ.
Quay lại với sách giáo khoa ngày nay, các thế hệ học trò Việt Nam mình, trải qua bao đợt cải cách sách giáo khoa, có thể khó mà có được cái tinh thần “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” như ngày xưa nữa. Ngay cả trong một gia đình bây giờ, cái hố ngăn cách giữa bố mẹ và con cũng đã lù lù, do mẹ không thể dạy con vì không hiểu sách của con nói gì, và con thì chê mẹ dốt vì sách lớp 6 của con mà mẹ đọc mãi không hiểu thì đúng là mẹ dốt rồi.
(Quả thật, chẳng cần bạn là người yếu bóng vía, chỉ cần đọc sách giáo khoa của các thời kỳ rồi so sánh, cũng sẽ sợ hãi và hoang mang, nghĩ hay là thế hệ mình kém quá chăng, khi bọn trẻ con ngày nay giỏi thế, hiểu được những câu đặc từ kép Hán Việt, mà điểm số cuối năm vẫn cao ngút trời.
Thí dụ, nghĩ tới cảnh con mình, 11 tuổi, non nớt và ngây thơ, thỉnh thoảng còn đái dầm, mà đã có thể hiểu được và học thuộc lòng được đoạn “bác học” sau trong sách Ngữ Văn cải cách lớp 6, ngay bài 1:
Giao tiếp là hoạt động truyền đạt, tiếp nhận tư tưởng, tình cảm bằng phương tiện ngôn từ.
Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết, mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp.
… thì bạn chẳng hãnh diện sao? Vì đó rõ ràng là bằng chứng sống của sự tiến hóa (theo hướng tích cực) của loài người mà!)
2.
Soạn sách Giáo khoa chắc không phải chuyện đùa, cho nên ngày trước đã phải dùng tới tận ông Trần Trọng Kim để soạn cái bộ sách Tiểu học.
Không phải đùa, vì có lẽ, loại sách này, ngoài cái nhiệm vụ khai mở trí năng (tôi dùng từ Hán Việt nhé), hẳn còn phải làm thêm cái việc liên kết các thế hệ. Trong gia đình cũng có một thứ “tình nghĩa giáo khoa thư”, khi ông bà, bố mẹ có chung với con, với cháu một loại kỷ niệm “xuyên thời gian” là những bài văn mẫu mực, hợp tuổi, của sách giáo khoa.
Nhưng, như đã nói ở đầu bài, nếu sách giáo khoa cải cách xoành xoạch, thì cái sợi dây nối thế hệ ấy đừng mong mà có.
Và, sự cải cách sách giáo khoa chỉ tránh khỏi (hay chậm lại) được, khi mà những bài học trong đó thật mẫu mực, “thời nào cũng thuộc được”, với giá trị trải qua mấy chục năm vẫn không đổi.
Chuyện đó hơi khó với sách giáo khoa mình, khi còn những đoạn sau, nằm nghiễm nhiên trong sách giáo khoa (cũng sách Ngữ văn cải cách lớp 6, trang 29):
“Chiều ngày 3. 4. 2002, trại điêu khắc quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Ấn tượng Huế – Việt Nam 2002” đã khai mạc tại công viên 3. 2, mở đầu các hoạt động nghệ thuật của Festival Huế 2002. Tham gia trại lần này có 27 tác giả quốc tế từ 18 nước của 4 châu lục và 11 tác giả Việt Nam. Giúp việc cho các nhà điêu khắc có gần 100 thợ đá, gò, hàn lành nghề và 15 sinh viên khoa điêu khắc của Trường Ðại học Nghệ thuật Huế. Trại bế mạc vào ngày 11. 5. 2002. Tất cả tác phẩm sẽ được tặng cho địa phương để xây dựng một vườn tượng tại Huế.
(Báo Thanh Niên, ngày 4. 4. 2002)
Thật chẳng có gì sai cả, cái đoạn báo này. Nó đúng ngữ pháp, nó có thông tin, nhưng hình như nó thiếu một cái tiêu chuẩn gì đó để đưa vào sách giáo khoa – Một cái tiêu chuẩn gì đó tôi không biết gọi tên, nhưng nó mang “chất giáo khoa”, rất mẫu mực đặc trưng, không cũ với thời gian, để các thế hệ học trò cùng thuộc, cùng nhớ.
Thế rồi sao? Thế rồi một vài năm sau, chắc lại có người thắc mắc, người ta nói, đưa như thế thì đoạn báo nào chẳng đưa vào giáo khoa được. Và người ta sẽ lại đòi thay đổi, thay những đoạn văn đại loại như trên bằng những đoạn văn khác, và học trò sẽ lại có sách cải cách.
Nhưng học trò không phải là thứ để chúng ta thí nghiệm. Cái sợi dây “đồng môn” giữa các thế hệ học trò cũng không thể là thứ nạn nhân “bao cấp” của các nhà cải cách giáo dục. Và nếu sách cải cách cứ như thế này, thì cái món nợ “tình nghĩa giáo khoa thư” của ngành giáo dục đối với các thế hệ người Việt Nam chỉ càng chồng chất mãi lên thôi.
Theo Thể thao-Văn hoá 2002