Gửi các cụ thêm một bài nữa, em đã đăng bên mạch bên kia.
................................
Hôm trước em đã nghĩ đến cảnh này.
Theo em, chính sách cấm này quá hay! Một công đôi việc, và có lẽ hơn thế nữa, vì sẽ được cả 3 việc, 4 việc!
Nó góp phần giúp cho hoạt động kinh doanh quy củ hơn, bài bản hơn, dần xóa bỏ cái lối "đại" tiện của người Việt, bạ đâu mở cửa hàng ở đấy, bất kỳ là loại mặt hàng gì, ngành nghề gì, kể cả kinh doanh những thứ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ cao về an toàn, về cháy nổ cho những người dân xung quanh.
Chính cái cách kinh doanh của người Việt và sự dễ dãi, cũng như thói quen "đại" tiện lợi của người tiêu dùng Việt góp phần tạo ra bộ mặt đô thị xấu xí, lộn xộn, thiếu trật tự, thiếu quy hoạch tại không chỉ 2 thành phố lớn nhất là HN, HCM mà còn gần như tại tất cả các đô thị VN. Do kinh doanh tại mặt đường hấp dẫn vì thu nhiều lợi nhuận, nên đất mặt đường tăng chóng mặt liên tục trong 20 năm qua lên những mức giá không tưởng ở HN. Và vì giá trị của đất mặt đường cao như thế, nên bằng mọi cách, người ta đã chẻ nhỏ các ngôi nhà mặt đường ra làm các cửa hàng có chiều ngang từ hẹp đến siêu hẹp. Bao nhiêu con phố đẹp đẽ khi xưa do người Pháp thiết kế đã không còn có thể nhận ra do sự nhem nhuốc và lộn xộn của các cửa hàng hai bên, những ngôi nhà tuyệt đẹp, những mảnh vườn nhỏ trước nhà, những không gian mặt tiền thiết kế rất hợp lý khi xưa... giờ hầu như còn lại quá ít!
Mong cho chính sách quản lý chặt chẽ lần này được tiếp tục thực thi với mức độ nghiêm minh cao. Nó sẽ góp phần đẩy "giá trị cho thuê" của đất mặt phố xuống thấp hơn (thậm chí sẽ thấp hơn khá nhiều), và thị trường sẽ điều tiết lại việc kinh doanh, các cửa hiệu sẽ giảm về số lượng, nhưng tăng về quy mô và tính quy củ, bài bản.
Kinh doanh ế ẩm vì điểm trông xe bị 'xóa sổ'
10h sáng cuối tuần, các cửa hàng trên tuyến Bà Triệu, Hàng Bài, phố Huế (Hà Nội), đều vắng khách. Bảo vệ, nhân viên cửa hàng ngồi tán chuyện chơi game.
> Bãi trông giữ xe Hà Nội trước giờ bị xóa sổ
> Hà Nội xóa bỏ các bãi giữ xe
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2...-xe-bi-xoa-so/
"Từ 2 hôm nay, khách đi đâu hết cả. Bình thường giờ này đông khách lắm, nhưng giờ tuyệt nhiên không ai đến. Có người bảo, mua quyển sách mấy chục nghìn, bị bắt xe, phạt hàng trăm nghìn, quá tội, nên hầu như chẳng ai ghé cửa hàng", cô Thúy, bán sách, truyện tranh đầu phố Bà Triệu cho biết. Theo cô Thúy, từ khi thành phố thực hiện cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, doanh thu bán hàng sụt hẳn.
Đứng co ro dưới trời lạnh 16 độ C, ông Phan Mậu, bảo vệ cửa hàng quần áo đầu Bà Triệu cũng bày tỏ, 10h trưa là lúc đông khách nhất, nhưng từ hôm 15/2, khi quy định cấm dừng, đỗ xe có hiệu lực, thì ế khách hoàn toàn. Ông kể, từ sáng, chưa có khách nào vào mua hàng. Từ hôm 15/2, nếu có vài người vào xem, ông ngồi ngoài trông xe cho khách, vừa trông vừa nơm nớp lo lực lượng chức năng đi dẹp.
Vỉa hè phố Bà Triệu không có xe máy. Nhiều cửa hàng kinh doanh tại đây để xe của khách bên trong vì sợ lực lượng chức năng đi kiểm tra. Ảnh:
Hà Đan.
Chung cảnh ngộ, chị Hương, nhân viên một cửa hàng đồ jeans cũng thông tin, doanh số bán hàng giảm 20% so với trước 15/2. "Mấy ngày trước, trung bình mỗi hôm bán được 30 sản phẩm, nay chỉ còn khoảng hơn 20. Số khách đi xe máy đến mua hàng giảm hẳn, vì không biết để xe ở đâu", chị nói. Nhân viên bán hàng thay phiên nhau trông xe cho khách. Khi cơ quan chức năng đi dẹp, xe của khách được dắt tạm vào cửa hàng. "Song vì mặt bằng hẹp, nên chỉ dám để 1- 2 xe, còn lại, phải nói khéo để khách đi gửi hoặc lúc khác vào mua hàng", chị Hương ngao ngán kể.
>> Clip: Các hộ kinh doanh kêu trời khi đường phố bị cấm
Phần lớn các tiểu thương trên tuyến phố trung tâm cho biết, từ khi quy định cấm dừng, đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè có hiệu lực, việc bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề. "Bình thường, 11h đến 12h là lúc quán đông nghịt khách, nhưng 2 hôm nay, chỉ có vài người ghé cửa hàng. Lượng thực phẩm lấy về cũng ít hơn hẳn so với mọi khi", bà Ngọc, chủ quán cơm 53A Hàng Bài cho biết. Tầng 1 quán này, lúc 11h30 trưa, chỉ có 7 khách đang ngồi ăn. Trên tầng 2, không một bóng người. "Tiền thuê cửa hàng mỗi tháng 50 triệu đồng, lại phải trả lương hàng chục nhân viên, nếu kinh doanh ế ẩm như thế này, chắc tôi phải tính phương án khác, không thì không đủ bù lỗ", bà nói.
Không chỉ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, quy định cấm bãi gửi xe, dừng đỗ xe còn khiến cho công việc của những người làm nghề kinh doanh tự do bị xáo trộn. Chị Hải, nhân viên bán hàng thời trang trên phố Hàng Bài cho biết, bình thường, chị vẫn gửi xe tại một bãi tư nhân trong ngõ với giá 5.000 đồng một chiếc. Nhưng 2 hôm nay, bãi giữ xe cũng từ chối nhận khách. Bất đắc dĩ, chị Hải và một số nhân viên khác phải để xe nằm ngang cửa hàng. "Giờ, có bị bắt xe, cũng đành chịu, vì không có chỗ nào để nữa, cửa hàng thì nhỏ hẹp, không thể để vào trong", nhân viên này tâm sự.
Bà Ngọc, chủ quán cơm trên phố Hàng Bài (Hà Nội) cho biết, 11h30 trưa, tầng 2 không một bóng khách trong khi ngày thường chật kín. Ảnh:
Thanh Tùng.
Anh Dũng, nhân viên một quán ăn trên phố Huế cũng cho biết đã tính đến chuyện đi xe buýt đi làm. Mấy hôm nay, không tìm được chỗ gửi xe, anh Dũng phải nhờ bạn chở đi làm. "Giờ đi xe buýt cũng bất tiện, vì từ nhà mình ra bến đã 1,5 km, lại lo giờ cao điểm, tắc đường, tối về muộn hết xe, nên chưa biết phải làm thế nào cho hợp lý", anh nói.
Một số cửa hàng kinh doanh khác để xe của khách vào bên trong, song chỉ là giải pháp tạm thời. "Chúng tôi không phản đối chủ trương của thành phố, nhưng cũng mong các cơ quan chức năng xem xét có phương án hỗ trợ điểm trông giữ xe. Tình trạng này mà kéo dài thêm, chắc nhiều người sập tiệm", anh Cường, quản lý quán cafe 31 Bà Triệu nêu ý kiến.
Theo bà Ngọc, chủ quán cơm trên phố Hàng Bài, việc cấm xe ô tô đỗ ở lòng đường, vỉa hè hoàn toàn phù hợp để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tiểu thương này cũng đề xuất, với các tuyến phố có vỉa hè rộng như Bà Triệu, phố Huế, Hàng Bài..., cơ quan chức năng nên xem xét cho để xe hàng một. "Làm như vậy, vẫn có chỗ cho người đi bộ, mà người kinh doanh cũng thuận tiện hơn", bà Ngọc chia sẻ.
Thanh Tùng - Hà Đan