Nay có chút thời gian mới đọc lại các cmt hôm qua...
Có mấy cụ mợ đề cập đến chuyện viết sách...
Em nghĩ là...không được ạ.
Loại trừ yếu tố người viết có đủ trình độ hay không, thì còn mấy lý do:
- Thứ nhất là hiện nay có đủ các loại sách về các lý luận và phương pháp phong thủy rồi, thậm chí quá nhiều, quá thừa rồi. Tất nhiên cái khó của người đọc là phải phân biệt đâu là man thư, đâu là ngụy pháp. Ngay trong các chân thư cũng cài đầy bẫy sai lầm (một cách có chủ ý) để buộc người đọc phải thực sự tìm hiểu, thực sự mầy mò trăn trở mới có thể phân biệt được đúng sai trong từng ý đó. Quan điểm viết sách (có cài sai lầm) này nhằm chọn lọc người đủ khả năng nắm được cốt lõi của học thuật, chứ người lớt phớt không chịu tìm hiểu sâu sẽ không phân biệt được đúng sai trong từng ý, sẽ không thể hiểu và sai lầm trong ứng dụng ngay thôi.
Các cụ xưa cũng hiểm lắm, ví như chỗ này nói về 3x5=15, lúc nữa lại thấy 3x8=24...thì người đọc phải tự mà hình dung ra quy luật như kiểu đó là nguyên lý bảng nhân 3 của bảng cửu chương. Thì 1 lúc nữa, thấy viết 3x9=28 chẳng hạn, người đọc phải chắc chắn được rằng: À, chỗ này sai, phải là 27 chứ!
Các thử thách đó là nhằm sàng lọc ra những người chuyên tâm và có khả năng tiếp thu kiến thức, chứ ông nào ào ào thì không nhận ra, ra ngoài thực tế cứ 3x9=28, sách nói thế đây này!?
Và các sách này lại rất đểu (vì với quan điểm chọn người khắt khe như đã nói ở trên), thì không bao giờ có định nghĩa hay công thức, mà chỉ loáng thoáng ví dụ cả đúng và sai. Chứ không như các môn tây học, cứ bày định nghĩa, bày công thức ra trước, rồi đến các ví dụ minh họa. Chẳng hạn như ví dụ phép nhân trên, thì ta học bảng cửu chương trước, sau đó tự nhân. Chứ sách học thuật thì nó cho lác đác vài ví dụ, rồi tự ta phải tìm ra quy luật, tức là tự ta phải lập lên được cái bảng cửu chương ấy. Đấy là chưa kể ví dụ bảng cửu chương thì toàn là số, rất dễ đọc, chứ phong thủy thì toàn là chữ mà lại là chữ không phổ thông, giáp ất tí sửu là đã hoa mắt rồi thì lấy đâu ra khả năng tìm được quy luật trong các chữ ấy, trong các nghĩa ấy?
- Thứ 2 là cách truyền thụ: Đa phần chúng ta quen với Công truyền, tức là thứ tự sách vở, trường lớp, bài bản...thì mới quen, mới học được theo kiểu từ thấp đến cao. Thế nhưng với lượng kiến thức nền thôi, dạy và học kiểu này thì có đến cả đời chả xong phần cơ sở. Nói các cụ mợ có thể không tin, nhưng thử tưởng tượng là chỉ riêng Tiên thiên và Hậu thiên bát quái, nhẽ đến ngồi lớp cả tháng chưa tỏ, khối ông còn bỏ cả học ngay trong giai đoạn này vì nản. Thế thì bao giờ cho hiểu, nắm chắc, và thực hành được các kiến thức phong thủy đỉnh cao?
Còn nếu không có kiến thức nền tảng tốt, có vớ được cuốn chân thư nào đó thì cũng y như trẻ cấp 1 mà đọc giáo trình đại học, hiểu được không?
Thế nên phương pháp truyền thụ đặc biệt lại là Tâm truyền, chứ không phải Công truyền. Kiểu như dự tuyển IELTS ấy, thì người thầy xét xem học trò đang ở trình nào, rồi sẽ ngâm nga 1 bí quyết tương đương trình ấy. Trò cảm nhận được, rồi lao vào mà tự nghiên cứu cho thấu rõ (có thể phải tìm cả 1 đống sách có lý luận liên quan cho đến khi hiểu rõ ý nghĩa câu quyết và vận dụng tốt nó), rồi thầy lại cho tiếp 1 quyết cao hơn, trò lại nghiền ngẫm...cứ thế.
Chứ mà thầy giỏi đến đâu, dạy trò từ ABC thì có cả đời cũng chưa đến được KLM chứ đừng nói đến XYZ.
Đọc sách cũng vậy, phải đủ trình đến đâu thì mới đọc được cuốn này, chứ không phải là bập vào đòi hiểu ngay. Ví như muốn nắm được Thái Ất thì phải nhuần nhuyễn Độn Giáp đã, chứ mua ngay Thái Ất về bập vào nghiên cứu có đến cả đời chưa vỡ ra được vài trang của nó.
- Thứ 3, quay về chuyện viết sách: Người viết sách có thể viết về kiến thức hàn lâm, cũng có thể viết về các thủ pháp ứng dụng hoàn hảo và nhanh chóng.
Thế nhưng quan trọng là người đọc có tâm cơ hay không (như đã nếu qua ở mấy phần trên). Chứ ai mà viết được từ ABC? Ví như người viết cao thủ, thì toàn viết XYZ thôi. Thứ nhất là để lại đỉnh cao học thuật của họ, thứ 2 là cũng chỉ đủ thời gian cho họ viết lại các tinh hoa thôi. Vậy nên sách chọn người, chứ người khó chọn sách, gọi là cái duyên. Kể cả viết rõ ràng lắm, ngắn gọn lắm...nhưng người đọc có hiểu được hay không thì lại tùy người đọc, ví như ông xong trình độ cấp 3 mà vớ được giáo trình đại học thì sẽ dễ tiếp thu hơn người chưa có trình gì, hoặc mới có trình cấp 2 trở xuống.
Mới vẽ ra có được tí ti thế thôi, mà đã thấy việc để lại sách là không đơn giản rồi. Đủ trình để viết đã khó, kiếm được người đọc còn khó hơn!