Bác
Nam "Chẫu" xử lý công việc nhanh nhanh rồi về viết tiếp những Hồi ức nhé! Em và các cụ/mợ vẫn đợi ạ,
!
Cũng cho em góp một vài lời, vì chủ đề lính K này rất hiếm trên Diễn đàn (từ khi em vào), không biết sau này, có còn ai kể lại những kỷ niệm nữa không...?
Ông bà nội em có 3 người con, hai bác tham gia chiến tranh chống Mỹ, một bác là thương binh hạng 3/4, một bác bị thương nhẹ, bị loà bên mắt trái, sau đó bác được chuyển về làm ở Kho lương thực. Năm 17 tuổi, bố em có giấy gọi sang chiến trường K. Bà nội em gàn mãi, vì anh chị đã đi theo nhiệm vụ của Tổ quốc rồi. Còn mình bố em, giờ đi nốt thì không biết ai hương hoả cho các cụ nữa.
Chắc khi đó, vừa làm bố, vừa làm mẹ, bà nội em phải cân nhắc, đắn đo lắm!
Cũng phải nói thêm rằng, ngoài "nhiệm vụ" hương hoả cho tổ tiên, bố em còn là người đàn ông duy nhất ở nhà: Lo làm kinh tế; cưới vợ sinh con, vì gia đình gần như kiệt quệ sau khi cụ nội khi còn sống, bị giặc bắt và phải bán hết ruộng để chuộc người (em nghe kể lại là thời cụ kị là địa chủ, bị chỉ điểm nên đàn ông chạy trốn, còn đàn bà (nghĩ rằng bọn nó sẽ thấy chân yếu tay mềm mà tha), ở lại. Sau cũng bị bọn chúng bắt hết). Nghèo, nên không có đàn ông thì đàn bà làm sao mà cáng đáng nổi?! Nên bà nội em đã gàn bố em - một chàng trai 17 tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Nhưng giấy gọi nhập ngũ đã có, làm sao mà ở lại khi Tổ quốc cần!!!
...
Rồi bố em lên đường, còn bà nội một mình. Mấy năm ở chiến trường, chắc bố em có viết thư về được vài lần. Bà vẫn ngóng đợi đứa con trở về...
Nhưng bà đã không đợi được, và ra đi khi bố em bặt tin tức suốt gần 1 năm trời. Cái đói, nghèo cùng với sự trông ngóng mòn mỏi, có lẽ đã làm cho bà héo mòn...
Trở về, bố em may mắn không sứt sẹo phần thân thể. Còn được hội ngộ đồng đội là chú Tài, rồi ngồi ôn kỷ niệm về những ngày mưa rừng; gặp vắt; ăn cơm thiu; sốt rét rừng và đi tìm chân của đồng đội khi phải cắt bỏ; những vết thương phải rạch và khâu sống,.... Khi đồng đội hi sinh, lại đi tìm lại để chôn cho đầy đủ các bộ phận. Những lời kể mà chỉ hình dung lại cũng thấy rùng mình!
Song chưa đủ, dư âm của sốt rét nó ám ảnh đến độ làm cho bố em thấy sợ hãi. Những cái "mất" là thanh xuân ấy, để khi trở về, người đàn ông đó vẫn ngồi bất động, ánh mắt trầm ngâm và lặng lẽ bỏ chiếc balo cùng với cuốn sổ bằng giấy dó ố vàng ra vuốt lại, bi-đông nước vẫn khư khư giữ dù ai xin cũng không cho.
Năm 2016, được nhận tiền từ Nhà nước hỗ trợ, một gói tiền xếp nếp phẳng phiu thêm vào trong "hành lý" của chiếc balo cũ sờn.
Hôm đọc Hồi ức của bác Nam, em có gọi về và tỉ tê "cho con ít tiền của bố đi, để lâu mục ra, phí lắmmmm!".
"- Hừ, chị giỏi thật! Lâu lắm chị còn chưa về, tôi còn chưa bảo gì đâu đấy!".
Nhớ nhà. Nhớ Cựu chiến binh ấy quá!!!