HỘI QUÂN
Đã thành thông lệ, cứ đầu năm là các cựu chiến binh sư đoàn 7 bộ binh, quân đoàn 4 giai đoạn 1983-1989 lại tổ chức họp mặt đầu xuân.
Đây là năm đầu tiên nối lại truyền thống họp mặt đầu xuân sau 4 năm bị gián đoạn vì dịch bệnh, anh em cựu chiến binh sư đoàn 7 bộ binh lại có cơ hội về bên nhau để ôn lại kỷ niệm vui buồn những ngày quân ngũ.
Năm nay ngày hội quân của các cựu chiến binh do thằng Hồ “móm” ở E165, dân Ba Đồn đăng cai, được tổ chức tại Quảng Bình “quê ta ơi”. Đây là dịp để các anh chị em cựu chiến binh được gặp mặt hàn huyên sau 1 năm vất vả với cơm áo gạo tiền của cuộc sống đời thường.
Một số anh em đi xuyên Việt bằng ô tô đến buổi hội quân. Do bận nhiều việc nên gã không thể đi sớm bằng ô tô với các bạn đồng đội, vì vậy mà ngày 16 tháng 3 năm 2024 gã đành phải bay 1 mình từ Hà Nội vào Quảng Bình. Máy bay lượn 1 vòng rồi đáp nhẹ xuống sân bay Đồng Hới. Thời tiết Quảng Bình hửng nắng, gió nhẹ, thật đẹp, không nồm ẩm như Hà Nội.
Ra khỏi cửa phi trường Đồng Hới đã thấy thằng Trượng “khỉ”, thằng Hải “trố” và thằng Mạnh “cá ngão” dân Thanh Hóa, lính của E210 pháo binh, sư 7 năm xưa đang đứng hút thuốc vặt cạnh con Fortuner màu trắng của thằng Trượng “khỉ”.
Thấy gã ra, thằng Hải “trố” hất hàm: “Mệt không mày”. Gã bỏ chiếc ba lô lên ghế sau của chiếc Fortuner, tiện tay châm điếu thuốc rồi nhếch mép: “Có cái mẹ gì mà mệt. Bay từ Nội Bài vào đây, cảm giác máy bay chưa lên hết độ cao đã đến nơi rồi thì mệt cái gì”. Thằng Hải “trố” cầm lái, chiếc xe nhằm hướng khách sạn Mường Thanh, Nhật Lệ bon nhanh.
Về đến khách sạn đã thấy khá đông các cựu chiến binh sư 7 bộ binh giai đoạn 1983-1989 đứng ngồi lố nhố gần chỗ mấy cái xe điện đang đỗ. Gã thấy trong đó có cả anh Hữu “loi choi” dân Nam Định, nguyên Tác chiến E165. Em Quế, chị Thơm bên D quân y...
Xe vừa đỗ, chưa kịp dừng hẳn, các anh chị em đã í ới gọi nhau “Thằng Trượng “khỉ” đón thằng Nam “chẫu” về rồi nè” và chạy ùa về phía chiếc xe. Gã mở cửa, vừa đặt chân xuống đất chưa kịp nhìn xem ai với ai đã thấy “bộp” 1 cái vào vai, cảm giác như gẫy toàn bộ xương đòn vậy. Gã quay cổ xem ai, thì ra thằng Đồi, dân Thất Khê, Lạng Sơn, nguyên lính trinh sát của E209. Tay nó vỗ vai gã, còn tay kia bị cụt đến khuỷu phất phơ ống tay áo trong gió. Gã ôm chặt nó:
“Khỏe không mày, mấy lần tao lên Lạng Sơn nhưng vì vội quá nên chưa về Thất Khê thăm mày được…”.
Hai thằng trao đổi vội mấy câu vì chị Thơm khoác 1 bên tay gã, tay kia thì thằng Quảng thông tin của sư bộ ghì chặt. Gã quay ra chào nhanh các anh chị và các bạn đồng đội xung quanh. Chào nhanh và chung chung theo phép lịch sự thôi, chứ làm gì có thời gian chào từng người một đúng như sự trịnh trọng cần có.
Anh Dũng “kính”, D phó quân y chen qua mấy người đứng phía trước, tiến đến cạnh gã, hai tay anh nắm vai gã, mắt nheo nheo sau cặp kính cận, nhìn thẳng mặt gã: “Thằng khá lắm, tao không ngờ mày viết lách có nghề nha. Mày viết rất hay, rất chân thật về đời lính chiến của anh em mình. Đặc biệt là đầy chất lính. Bọn tao hầu như thằng nào cũng đọc các bài viết của mày trên Otofun, viết rất hay, anh em cám ơn mày nhiều lắm đó…”.
Tất cả các anh chị em đều ồ lên khen ngợi, cứ như gã là 1 nhà văn tên tuổi lắm vậy. Thật lòng gã thấy xấu hổ bỏ mẹ…
Theo chương trình, sau khi dành 1 phút tưởng niệm những đồng đội đã đi về cõi xa cùng bài hát tập thể “Đồng đội ơi ta về với nhau” thì buổi trưa ăn đúng theo kiểu lính chiến khi xưa để ôn lại 1 thời gian khổ ở chiến trường. Còn buổi tối mới là bữa nhậu chính thức.
Thằng Mẫn “hủi” dân Quảng Trị, trước là nuôi quân của E141 tự đi sắm đồ cách đó mấy hôm và hôm nay nó đích thân vào bếp như mấy chục năm về trước. Nồi niêu thì do con trai thằng Hồ “móm” hiện đang công tác tại Tham mưu tỉnh đội mượn hộ.
Thằng Tú “mọt” gắp miếng thịt heo lên săm soi ngắm nghía rồi phán: “Tay nghề thằng Mẫn vẫn như xưa, không hề thay đổi”. Nghe nó nói, mấy thằng ngồi gần cũng nhấc miếng thịt lên xem rồi gật gù: “Công nhận, thằng này thái thịt vẫn dạng đỉnh như xưa, mỏng dính như tờ giấy, chỉ có điều không phải thịt muối nên không đọc được báo thôi”.
Tất cả đều cười sảng khoái khi nghĩ về những miếng thịt heo mà năm xưa các anh chị nuôi thái. Đúng là mỏng đến độ không còn gì có thể mỏng hơn.
Vì là thịt ướp muối nên lớp mỡ gần như trong suốt, đặt lên tờ báo còn đọc được chữ ở phía dưới thì đủ biết độ mỏng như thế nào. Nhiều khi có cảm giác, chỉ cần hắt hơi 1 cái thì miếng thịt sẽ bay cả cây số lận. Cái hay là các anh chị nuôi thái trăm miếng thì cả trăm miếng như 1, không miếng nào dày hơn miếng nào, hệt như thái bằng máy vậy, dù chẳng ai qua trường lớp đào tạo nào cả. Các cụ nghệ nhân nấu ăn chắc tay nghề cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Thằng Minh “tây” ở tiểu đoàn hỗn hợp: “Mấy ông này đưa vào chương trình bữa ăn như lính chiến, nhưng tao thấy không giống mấy với kiểu lính xưa”. Nghe vậy, thằng Hồ và thằng Mẫn dẫy lên như đỉa phải vôi: “Chỗ nào không giống mi nói tau nghe?”.
Thằng Minh “tây”: “Đây này…đã ăn độn mà gạo ngon thế này là không đúng, gạo phải hôi, nhiều thóc, nhiều sạn, nhiều cứt gián mới đúng. Đã vậy sắn chúng mày mua lại toàn củ loại 1. Còn sắn ngày xưa anh em mình ăn toàn đầu thừa đuôi thẹo, làm gì có củ nào to và nần nẫn như vầy. Đã vậy, món ăn kèm ngày xưa của lính ở K làm đếch gì có muối vừng, lại còn vừng đen nữa, chúng mày nằm mơ à. Chỉ có muối rang trộn với ớt bột thôi”.
Thằng Hồ “móm” nghệt mặt ra, đầu thì gật gù. Thằng Mẫn “hủi” gãi đầu, ấp úng: “Mi nói đúng rồi, nhưng bây chừ kiếm được đúng loại gạo và sắn như thế cũng khó thật đó…”.
Thằng Hải “trố”: “Thôi xin bố, đừng bắt bẻ chúng nó nữa. Có những cái ngày xưa mà giờ muốn mua được đúng như vậy thì chỉ có quay về quá khứ thôi. Nhưng riêng rượu thì chẳng thấy mày nói gì cả. Ngày xưa anh em mình xài rượu thốt nốt hoặc rượu gạo của Miên, chứ làm đếch gì có rượu Hoàn Lão mà uống” (tên 1 huyện của Quảng Bình có rượu rất ngon, tuy chất rượu hơi nóng).
Anh em mỗi người 1 câu kể về các bữa ăn đời lính chiến khi xưa thật rôm rả, từ bát canh măng rừng cho đến món rau tàu bay, rau dại cùng với các chất Protein từ rắn, chuột, cóc, nhái…Đang vui, chợt con trai thằng Hồ “móm” kéo tay gã: “Con xin được kính bác 1 ly. Hôm nào bác rảnh con xin được mời bác qua đơn vị con chơi và hướng dẫn cho anh em chúng con cách bắn AK điểm xạ 3 viên ạ”.
Anh Toản, C trưởng, người anh cả của C trinh sát luồn sâu năm xưa ngồi phía đối diện: “Ngày xưa cả quân đoàn chỉ có mấy thằng tổ 4 B3 bắn điểm xạ 3 viên, giờ chỉ còn duy nhất mỗi thằng Nam “chẫu” là biết bắn điểm xạ 3 viên 1. Mà chẳng biết bây giờ thế hệ sau của quân đoàn có thằng nào xài AK điểm xạ 3 viên như thế không nhỉ?”.
Tất cả những người ngồi quanh cũng bàn tán về những thằng tổ 4 B3 của gã năm xưa. Gã chợt thấy buồn khi nghe mọi người nhắc đến bọn thằng Đực, Long “Polpot”, Phú “nhái”, những thằng bạn vào sinh ra tử cùng tổ với gã khi xưa…
Chị Thơm đang ngồi cạnh chị Hoa và em Quế ở đầu bàn nói: “Sinh lão bệnh tử chẳng ai tránh được cả. Mỗi năm gặp mặt lại thấy thiếu đi 1 vài anh em…”. Chị ngừng 1 chút rồi nghẹn ngào: “Ngay như em tuổi tác cũng cao rồi, bao nhiêu bệnh tật trong người. Chẳng biết là còn sống được đến hôm kỷ niệm 40 năm ngày rút quân về nước không nữa…”.
Anh Kỷ từ bàn bên kia đứng dậy quát: “Cái con kia, mày chỉ nói gở. Anh thấy mày khỏe lắm, anh đây chưa chết thì mày chưa thể chết được đâu”. Tiếng rằng là quát mà sao trong đó chứa đựng bao sự dịu dàng, thương yêu, đầy nghĩa tình đồng đội trìu mến. Tuy đầu đã 2 thứ tóc, có người đã lên ông lên bà nhưng mỗi dịp gặp nhau mọi người vẫn gọi nhau bằng mày tao 1 cách thân thương như cách đây mấy chục năm về trước, lúc mắt còn chưa đeo kính lão và tóc trên đầu còn đen nhánh…
Buổi chiều các anh chị em từ các tỉnh cũng dần đến đông đủ. Mới sẩm tối mà mọi người đã nôn nóng và háo hức tập trung thành từng nhóm nhỏ chờ đợi như chuẩn bị vào trận đánh lớn. Cả khoảng sân khách sạn rộng như vậy mà nhìn đâu cũng thấy các cựu chiến binh sư đoàn 7.
Tối nay tất cả uống rượu bằng bát đúng như mấy chục năm về trước. Bàn này đi chúc bàn kia, thằng này chúc thằng kia. Tiếng hỏi thăm, tiếng trêu chọc nhau vang lên khắp nơi, lúc thì rì rầm như sóng biển, lúc thì như cái chợ vỡ. Có tiếng cười, cũng không thiếu những tiếng nấc nghẹn ngào. Cười vì vui, vì thấy bạn mình còn khỏe mạnh. Khóc vì thương cho những đồng đội đã mãi nằm lại nơi đất nước chùa Tháp xa lạ và khóc cả cho những đồng đội tuy vẫn lành lặn đi qua chiến tranh nhưng lại đi về thế giới khác do tuổi tác hoặc do bệnh tật hoặc tai nạn, không thể vượt qua được lẽ sinh tử của cuộc đời…
Chị Hoa xáp vô bàn gã, tay nâng bát rượu đúng chất miền Tây: “Nào…mấy đứa, uống đi chớ…như chị đây tuy đã hơn 70 nhưng chưa già nha mấy cưng…uống đi rồi đặt ngày về miền Tây chơi mút chỉ với anh chị đó nghen…”.
Mấy thằng uống xong chưa kịp hạ bát xuống đã thấy thằng Mịch “chệt” ở đâu lò dò bước đến: “Tụi bay chưa uống với tao đâu đó”. Trong lúc đó mấy thằng ở các bàn khác cũng rục rịch tiến về phía bàn gã đang ngồi với anh Toản, thằng Tú “mọt”, Thịnh “vâu”, Long “đen”, Cội “híp”. Thằng Tú “mọt” thấy vậy: “Thôi xong, anh em ái mộ Nam “chẫu” nên ngồi chung bàn với thằng nhà văn (ý nó đang ám chỉ gã) hôm nay thì chắc hết đường về quê mẹ rồi”, nó nói xong định dợm bước vác bát chạy sang bàn khác. Anh Toản túm ngay áo nó kéo lại:
“Mày đi đâu vậy? Bỏ bạn lúc này coi được sao em? Ngồi đây mà uống đỡ cho nó chớ!”. Mặt thằng Tú dài ngoẵng ra, không dám cãi, ngồi xuống mà mắt cứ lấm lét hoang mang.
Nhìn nó vừa bực vừa buồn cười.
Bàn bên thằng Trượng “khỉ” thấy anh em vác bát sang bàn gã thì nó nhệch mồm ra cười, nụ cười cực đểu trên nỗi đau thương của người khác. Quả thật, bàn của gã được anh em “chăm sóc” hơi bị kỹ. Anh em nào cũng nhè bàn gã để “ghé thăm”, kể cả anh Hữu “loi choi”, người gầy như con cá mắm cũng mang bát sang mời bàn gã. Thằng nào sang chúc rượu cũng nhắc gã về trận đánh này, trận đánh kia để gã có thêm tư liệu viết tùy bút sau này.
Thấy anh em tin tưởng và quý mến như vậy, lúc đầu gã cũng thấy vui, nhưng sau đó thì hoảng thật sự. Mịa…chúng nó cứ xa luân chiến thế này thì sức voi cũng đổ chứ nói gì đến sức người có hạn của gã. Không uống thì không yên với chúng nó, mà uống thì…Đang lúc “nước sôi, lửa bỏng”, may sao chị Thơm bước sang bàn gã: “Mấy đứa uống kiểu đó thì thằng Nam “chẫu” chịu sao được.
Bây giờ thằng nào sang đây thì phải uống 1 bát, thằng Nam “chẫu” nửa bát. Còn lại thì chị sẽ thay nó tiếp chúng mày”. Nghe bà chị nói mà gã như chết đuối vớ được cọc, trong lòng thầm cám ơn bà chị đã sang giải vây cho thằng em dại đúng lúc.
Thằng Quýnh “lùn” tài vụ liêu xiêu cõng thằng Bách “đốm” vệ binh cụt 2 chân và cánh tay phải đến bên bàn gã rồi để nó ngồi xuống cái ghế cạnh gã mà thằng nào vừa nhanh tay đẩy đến.
Thằng Bách “đốm” đưa bàn tay trái còn lành lặn bá cổ gã: “Mấy tháng nữa, tao tổ chức cưới cho con. Mi ở đâu, làm chi thì làm. Nhận được tin của tao thì nhớ zề chung zui nghen. Ngày đó tao và bọn mi sẽ uống đến khi nào tè ra rượu thì thôi. Còn hôm nay uống thế thôi. Tao với mi cũng có tuổi rồi, đâu còn trẻ để uống như lúc còn trẻ nữa”. Nó nói và buông ánh mắt xa xôi, nhìn về cõi vô định nào đó...
Gã hiểu bạn, nó đang nhớ về quá khứ chinh chiến của nó và đồng đội. Một quá khứ oai hùng với rất nhiều gian khổ, tự hào trong nước mắt và máu cùng 1 phần cơ thể đã bỏ lại trên 1 đất nước xa lạ.
Em Lý nuôi quân trong bộ đồ nâu sống của nhà tu hành đứng sau lưng gã tự bao giờ: “Anh…anh…khi nào anh viết về anh Thạch đi nha…”.
Gã quay nhìn, hai dòng nước mắt từ đôi mắt đẹp của em chảy tràn gò má. Gã vội đứng dậy, 1 tay cầm bát rượu, 1 tay đặt hờ trên vai cô em gái nuôi quân năm xưa, giọng nghẹn lại: “Có chứ em, anh phải viết chứ. Chuyện về thằng Thạch “ngọng” anh đang viết dở rồi. Anh sẽ viết hết, viết về tất cả những anh em đồng đội, những thằng bạn chiến đấu năm xưa. Những thằng đã hy sinh, những thằng còn sống, lành lặn trở về sau chiến tranh. Anh hứa với mày và các đồng đội đó”…
Đêm đã sâu lắm rồi, thằng nào say cứ say, thằng nào ngủ thì cứ về ngủ, thằng nào thức cứ thức, thằng nào uống được thì uống tiếp, thằng nào không uống được thì ngồi nói chuyện. Tình đồng đội mấy chục năm không hề phai mờ, vẫn như ngày nào nơi trận mạc trong những giọt sương đêm lành lạnh đất Quảng Bình.
Chúc các anh em đồng đội, những người bạn chiến đấu 1 năm mạnh khỏe, hạnh phúc. Sức khỏe còn cho phép gặp nhau được thì cứ vui đi, vui hết mình trong vòng tay nghĩa tình đồng đội nha các bạn của tôi. Yêu và thương các bạn từ trái tim chai sạn của người lính chiến thật nhiều, thật nhiều…
ĐỒNG ĐỘI
Đầu xuân gặp mặt bạn bè
Một thời hoa lửa bây giờ còn ai
Có uống đâu mà đã say
Có khóc đâu mà mắt cay ướt chiều
Anh chị ơi! giờ nơi nao
Ai còn ai mất biết đâu mà tìm
Người cuối Bắc kẻ đầu Nam
Năm sau lại vắng mất thêm vài người
Anh chị ơi…đồng đội ơi…
Chúng mình cứ khóc cứ cười thật vui
Gửi lời chào phút chia tay
Năm sau gặp lại đừng ai quên về