HÀ TĨNH NGÀY GẶP LẠI
“Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La…”.
Đã lâu rồi gã chưa có điều kiện quay lại Hà Tĩnh. Lần này vì công việc nên gã đã trở lại sau nhiều năm xa cách. Thành phố Hà Tĩnh đẹp và phong quang hơn lần cuối cùng gã đến. Do tính chất công việc bộn bề của những ngày giáp Tết nên gã dự định sẽ lưu trú lại thành phố trong 2-3 ngày chi đó thôi.
Với dự định như vậy nên gã không muốn làm phiền đến ai và cũng chẳng thông báo cho ai biết về chuyến đi này, ngoài mấy khách hàng đã đăng ký làm việc từ trước.
Vừa bước chân vào cửa khách sạn Thanh Bình ở 54 Trần Phú, Tp Hà Tĩnh thì điện thoại đổ chuông, ngó thấy số máy lạ gã nghĩ chắc lại mấy đứa bán bảo hiểm hoặc mấy đứa gạ gẫm rủ chơi tiền ảo nên định không bắt máy.
Nhưng như có gì đó thúc ép, nên cuối cùng gã vẫn bấm máy để nghe với giọng hơi sẵng pha chút bực bội: “A lô…tôi nghe…”. Đầu dây bên kia là 1 giọng thuần chủng Hà Tĩnh:
“Xin lỗi, có phải anh Nam, Nam “chẫu” không ạ?”
"Vâng tôi nghe đây”
“Chu choa, đúng mi rồi. Tau là Long, Long “ba toác” đây mi. Còn nhận ra tau không”
“Có, tao nhớ chứ. Mày là thằng Long “ba toác” bên C3 mà, quên sao được…”.
Hai thằng líu tíu hỏi thăm nhau và hẹn tối hôm sau sẽ gặp và nhậu 1 trận đã đời để kỷ niệm ngày gặp lại… Cái tên “ba toác” đã đủ nói lên tính cách con người của nó mà chẳng cần giải thích thêm làm gì.
Thằng Long “ba toác” khi xưa là lính C3 cùng khóa huấn luyện với gã tại trường hạ sĩ quan trinh sát luồn sâu ở Sơn Tây và cùng về quân đoàn 4 và sang Campuchia một đợt với gã, chỉ khác là nó về sư 9, còn gã về sư 7.
Chuyến đi này đúng vào ngày gió mùa đông bắc tràn về, trời Hà Tĩnh mưa rét run người mà gã thấy vui và ấm lòng. Vì từ ngày ra quân đến giờ gã cũng chẳng có tin tức gì về những thằng bạn chung khóa huấn luyện nhưng chiến đấu ở sư đoàn khác và hiện sinh sống ở các tỉnh khác nhau trên toàn “cuốc”…
Thằng Long “ba toác” hẹn 18h30, vậy mà lúc 18h đã thấy lễ tân gọi lên thông báo có khách chờ dưới nhà. Xuống đến sảnh đã thấy nó đang bồn chồn đi đi lại lại. Thấy gã, nó lao vào ôm lấy gã và nhấc bổng gã lên: “Mi tệ quá. Bây chừ nổi tiếng nên quên hết bạn bè cũ rồi. May mà tau theo dõi phở bò (facebook) của mi nên mới biết mi đang ở Hà Tĩnh và cũng may mà tau hỏi được số điện thoại của mi nên mới tìm được mi nè” “Ơ tao có chi đâu mà nổi tiếng?
Mà mày lấy số máy của tao ở đâu vậy?”. Nó hạ gã xuống đất: “Bọn tau đọc được bài “Ký ức của một Ofer về đời lính, về đồng đội, về những trận đánh ở chiến trường K, về quá khứ và về cuộc sống hiện tại.”của mi trên Otofun. Sau đó tau hỏi bọn thằng Đệ “lép” mới tìm được mi nè”. Nói xong nó quay ra vẫy ai đó trên chiếc Fortuner màu đen đang đỗ trước cổng khách sạn.
Cửa phụ cạnh ghế lái mở ra, 1 người phụ nữ tầm 50 tuổi nhưng vẻ đẹp thời thiếu nữ vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt. Nàng bước vào sảnh và nở nụ cười rất tươi với gã. Gã nhìn thấy thật là quen, mà không thể nhớ đã gặp nàng ở đâu rồi. Cái trí nhớ của gã độ này tồi tệ thật, chưa già mà đã chẳng thể nhớ được ai với ai.
Thằng Long “ba toác” vỗ vai gã, đưa gã trở về thực tại: “Sao…vợ tau đó. Mi nhận ra ai không?”.
Gã bối rối và khẽ lắc đầu: “Tao nhìn quen lắm mà chưa thể nhớ được là ai và đã từng gặp ở đâu”.
Thằng Long “ba toác” cười ha hả, vợ nó cũng tủm tỉm cười. Nhìn nụ cười quá quen mà vẫn không thể nhận ra nàng là ai, bộ nhớ của gã thật đáng nguyền rủa.
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của gã, nàng cất tiếng hát nho nhỏ:
“Nghe kể chuyện đời xưa. Có một nàng công chúa. Nơi vườn hoa mùa xuân. Vấn vương bao nỗi buồn…” (bài hát chuyện đời xưa chuyện đời nay của nhạc sĩ Thế Hiển), nghe đến đó bộ nhớ hỏng IC của gã chợt lóe lên, gã hét to lên:
“Hường…Hường…em là Hường tuyên văn quân đoàn 4 phải không? Hường nhà ở Bình Sơn, Quảng Ngãi…”.
Nàng cười rõ tươi kèm theo cái gật đầu rõ mạnh, thằng Long “ba toác” vỗ “đét” vào vai gã: “Trí nhớ mi tốt hỉ, tau cứ tưởng mi không nhận ra”. Gã cười ngượng: “Lúc đầu tao không nhận ra, nhưng khi em cất tiếng hát bài tủ ngày xưa thì tao mới nhận ra”.
Khi xưa, lúc còn ở chiến trường K, gã và cả đại đội trinh sát luồn sâu chẳng mấy khi được xem phim hay nghe ca nhạc cả, mặc dù quân đoàn rất chú ý đến món ăn tinh thần cho những người lính ở tuyến đầu, luôn đối mặt với gian lao, nguy hiểm. Tất cả cũng chỉ vì tính chất nhiệm vụ luôn luôn đi thám, chẳng mấy khi có mặt ở đơn vị nên lính trinh sát luồn sâu luôn chịu thiệt thòi.
Nếu gã nhớ không nhầm thì từ khi bước chân sang chiến trường K tháng 4 năm 1984 đến khi ra quân tháng 9 năm 1989, gã được xem “chớp bóng” đúng 2 lần, trong đó có 1 bộ phim hình như của Hungary thì phải. Phim nói về nhân vật chính sử dụng khẩu súng dạng như côn quay nhưng có 6 nòng. Khẩu súng đó không quay bằng ổ đạn mà quay bằng cả 6 nòng.
Còn xem văn công biểu diễn thì được nhõn 3 lần trong từng đó năm. Gã biết em Hường, vì thỉnh thoảng lên Bộ tham mưu hoặc phòng quân báo hoặc tác chiến quân đoàn báo cáo, mấy thằng gã hay lang thang sang tuyên văn nghe các em luyện giọng.
Xem và nghe vậy thôi chứ chẳng thằng nào dám lân la làm quen cả. Vì em nào cũng đẹp, hát thì hay, lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Trong khi mấy thằng bọn gã, thằng nào cũng quân phục rách thủng lung tung, mắt thì trắng dã, da bủng chì do sốt rét rừng.
Trong các em tuyên văn thì có em Hường là gã dám mon men đến để nhờ em chép lời cho bài hát “Chuyện đời xưa chuyện đời nay”, bài hát tủ của em.
Sau lần đó, thi thoảng có việc lên Bộ tư lệnh quân đoàn, tình cờ gặp nhau thì 2 anh em vẫn gật đầu cười hoặc chào hỏi nhau xã giao, đến khi quen lâu 1 chút thì em có kể về gia đình, quê quán, mọi việc cũng chỉ đến vậy thôi.
Bẵng đi 1 cái mà đã mấy chục năm trôi qua rồi, tóc mấy anh em cũng đã điểm nhiều sợi bạc thời gian rồi. Cũng không ngờ, hôm nay gặp lại thì em đã là vợ của thằng Long “ba toác” rồi, mừng cho nó, cho em…
Thằng Long “ba toác” kể, sau khi xuất ngũ nó trôi dạt vào Đà Nẽng mưu sinh, tình cờ gặp em cũng đang đi học tài chính - kế toán tại thành phố biển.
Cùng là lính chiến, lại cùng quân đoàn nên 2 đứa nhanh chóng cặp với nhau thành đôi. Sau khi cưới, nó về quê vợ sống, nhưng chẳng khá khẩm lên được nên 2 vợ chồng nó lại quay về Hương Khê, nhà thằng Long để sinh sống.
Bây giờ thì 2 vợ chồng đã là chủ xưởng gỗ cũng khá có tên ở Lào và Hương Khê. Gã cười bảo: “Hóa ra mày thành lâm tặc rồi”, nó bảo: “Tau chỉ buôn gỗ thôi chứ không phá rừng. Ai có gỗ bán thì tau mua, ai mua thì tau bán lại, miễn có tiền mua cho các cháu bát gạo nấu cháo thôi”.
Câu chuyện đang sôi nổi chợt dừng ngang khi 1 chiếc xe 16 chỗ, 1 xe 9 chỗ và 2 chiếc 4 chỗ đỗ xịch ngay trước cửa khách sạn. Một lũ lốc nhốc cả nam lẫn nữ, quãng 20 người ào xuống đi nhanh vào sảnh.
Thằng Long “ba toác” đứng ra giới thiệu gã với từng thằng và áp tải phu nhân đi kèm. Thì ra toàn lính chiến của quân đoàn 4 hoặc của sư đoàn 9 đã từng chiến đấu ở Campuchia giai đoạn 1983-1989 mà nhà ở quanh 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.
Trong số đó gã chỉ biết mỗi thằng Khôi “nháy” nhà ở Đô Lương, trước ở cục kỹ thuật quân đoàn. Vì nó là đồng hương của thằng Long “Polpot”, nên thỉnh thoảng tổ lên Bộ tư lệnh quân đoàn có việc thì nó hay rủ sang chỗ nó chơi, nhậu nhẹt…
Thằng nào cũng nhao nhao kể về kỷ niệm đời lính và nhắc đến những dòng hồi ức mà gã đã viết trong các bài tùy bút về những ngày chiến đấu trên đất Campuchia đăng trên kênh Otofun.
Tuy gặp nhau lần đầu, nhưng không thằng nào thấy xa lạ cả, cứ như quen nhau từ kiếp trước vậy. Có lẽ sợi dây cựu chiến binh chiến trường K đã kết nối tất cả thành 1 khối thống nhất. Chắc mọi người sẽ nói chuyện đến đêm nếu thằng Khôi “nháy” không nhắc: “Thôi được rồi đó bọn mi, kiếm chỗ mô ngồi nhậu rồi nói chuyện tiếp hề”.
Mấy thằng bản xứ chúng nó bảo gã là khách nên cho gã quyền quyết định chọn ngồi ở đâu và ăn gì. Gã thấy ở bên số 58 Trần Phú cạnh khách sạn có cửa hàng Thủy Dần bán các món lươn và bò cũng khá đông khách nên gã chọn luôn quán đó.
Quán bình dân hệt như tính cách của gã thôi, chẳng cao sang nhà hàng máy lạnh, đèn màu nhấp nháy chi, nhưng hết sức tiện cho gã nếu chẳng may “khướt” thì lăn về khách sạn cũng dễ…
Vài đĩa lươn, dăm ba bát bò sốt vang, thêm mấy đĩa thịt gà luộc, chỉ vậy thôi là sang rồi, vui rồi. Mấy thằng lộn ra xe bê vào cả bia Lào, rượu Chivas. Gã bảo nhậu với lươn mà xài bia hoặc rượu ngoại thì sang mồm đó…nhưng có vẻ không hợp lý và hỏi có cuốc lủi không, thì thấy thằng nào mặt cũng đần ra như ngỗng ỉ.a.
Cũng may ông chủ quán có can rượu nếp Can Lộc chỉ để uống không bán, nhưng khi nghe mấy thằng oang oang ôn những mẩu chuyện thời ở Campuchia nên ông biết là lính chiến trường K về.
Cũng vì quý mến nên ông đem ra bán cho mấy thằng. Thêm nữa, thằng em trai ông chủ quán ra trông quán hộ anh trai, khi biết mấy thằng gã là lính quân đoàn 4 cũng đã tự giới thiệu là lính quân đoàn 4, nhưng là thế hệ mãi sau, thế hệ 1991. Nhất là khi biết gã chính là Nam “chẫu” tác giả của tập tùy bút lính trinh sát luồn sâu viết trên Otofun thì cả 2 anh em ông chủ tỏ lòng ngưỡng mộ ra mặt.
Ông chủ hùng hồn:
“Hôm nay tôi xin được hân hạnh chiêu đãi anh Nam “chẫu” và tất cả anh em. Gọi thoải mái, không cần nghĩ”.
Thằng Quế ngồi ngay cạnh gã gạt đi, bảo:
“Ông chủ đã bán lại cho chục lít Can Lộc là quý rồi. Còn những cái khác…cứ để bọn tôi thanh toán”.
Hai bên cứ lời qua tiếng lại tranh nhau thanh toán, cuối cùng tất cả đều hỷ hả khi thằng Bân đưa ra giải pháp thanh toán 50/50 thì mọi việc mới dừng lại. Đó…dân Nghệ - Tĩnh nhiệt tình với bạn bè vậy đó.
Thằng Long “ba toác” đề xuất bỏ ly, dùng bát uống rượu như kiểu lính chiến trường ngày xưa và nó là thằng nâng bát đầu tiên để chúc sức khỏe gã. Nó viện cớ anh em cựu chiến binh đang sinh sống tại Nghệ An - Hà Tĩnh rất hâm mộ các bài hồi ký hết sức sống động của gã về thời khói lửa ngày xưa để ép gã “chơi” nguyên bát mở màn (bọ cái thằng, nghe nó khen kiểu nịnh mà gã thấy xấu hổ vãi ra).
Nhìn bát rượu đầy có ngọn theo kiểu màn hình phẳng mà gã khẽ rùng mình, tuy nhiên gã nói cứng:
“Chơi thì chơi, từ bé đến giờ có thằng nào biết sợ thằng này đâu. Nhưng…nhậu vậy thì lát nữa ai lái xe đưa chúng mày về. Thôi…để khi khác tao vào sẽ vui sau”.
Nói vậy mà chúng nó không chịu tha, hóa ra chúng nó mang áp tải phu nhân đi cùng là để có say thì vợ sẽ lái xe về, đúng là khôn có đốm lưỡi. Thằng Khôi “nháy” đế thêm:
“Đêm nay tau không về. Tau ngủ với mi. Thằng nào về cứ về, tau ở lại”.
Mấy thằng kia cũng được thể gào ầm lên:
“Chơi hết chất lính chiến đi tụi bay. Đêm nay khỏi về. Lát thuê thêm phòng cho mấy chị em, anh em mình về phòng Nam “chẫu” mượn thêm mấy cái gối, cái chăn, xách thêm thùng bia lên chơi nguyên đêm luôn, chứ biết khi mô nó mới quay lại mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi này để thăm anh em hỉ tụi bay?”.
Chúng nó nhiệt tình quá, mà tính gã thì ngại từ chối, mà có muốn từ chối cũng chẳng được…ừ…thì chơi. Thật không hổ danh rượu cuốc lủi Can Lộc, loại mỹ tửu có tên tuổi của đất Hà Tĩnh, nó trôi đến đâu biết đến đó. Rượu vào thằng nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn đời lính chiến 1 thời trên đất nước xa lạ.
Đang vui, chợt thằng Quế đưa ra yêu cầu muốn em Hường hát tặng anh em bài “Cây đàn guitar của đại đội 3”. Đàn thì không có, nhưng chúng nó nhanh chóng biến chiêu bằng cách dùng đũa gõ vào bát để phụ họa cho em Hường.
Bài hát vừa dứt câu cuối, thằng Khôi “nháy” đứng dậy, hai tay bưng bát rượu một cách trịnh trọng, mắt thì rưng rưng: “Anh em mình may mắn còn sống trở về, để hôm nay được ngồi nhậu với nhau…nhưng có những thằng chẳng bao giờ về được nữa. Anh em mình làm cạn bát này để tưởng nhớ những thằng đã nằm xuống và cả những thằng ra đi sớm như thằng Long “Polpot”, Phú “nhái”...
Nói đến đó nó nghẹn ngào và từ khóe mắt nó 2 hàng nước mắt từ từ lăn xuống má. Mấy thằng đang lào xào nói chuyện, nghe nó nói tất cả chợt im bặt. Gã thấy mắt cay cay như có bụi bay vào mắt, gã đẩy mạnh cái ghế ra sau đứng dậy, tay gã cũng nâng cao bát rượu ngang đầu và liếc nhìn những thằng còn lại.
Tất cả đồng loạt đứng dậy thành kính nâng bát rượu ngang đầu. Chị em phụ nữ cũng đứng dậy nâng lon bia cùng với anh em gã. Sau tiếng hô “zô…” của thằng nào đó, tất cả những chiếc bát đầy rượu cuốc lủi Can Lộc được dốc ngược 100% cho đến khi không còn 1 giọt nào dính đáy bát…
Bữa điểm tâm sáng hôm sau diễn ra hơi muộn, khoảng 10h trưa. Bữa điểm tâm đó được kéo dài đến lúc 16h với món TICALOLƠ trên đường Nguyễn Xí. Có xe trung chuyển từ khách sạn ra bến, nhưng chúng nó bảo không cần, chúng nó sẽ tiễn ra tận bến. Lại những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm tình đồng đội, những lời hứa hẹn sẽ thăm viếng nhau khi có dịp. Xe chuyển bánh, gã còn cố ngoái đầu nhìn lại, cho đến khi những thằng bạn lính bé bằng con chó mới thôi…
P/S: Cái đêm nhậu ở quán Thủy Dậu, mấy thằng về đến phòng cũng khá muộn, hình như là gần 3h sáng. Vậy mà vẫn thấy ánh đèn FB của em vẫn còn xanh. Em vẫn kiên trì đợi gã về chỉ để nhắn 1 tin G9. Tấm chân tình của em đã đốn gục gã, làm gã vô cùng cảm động. Nhưng gã cũng thấy lo cho em khi thấy em thức khuya quá, thật sự sẽ không tốt cho sức khỏe của em về lâu về dài…
Gã cũng muốn qua bài tản văn này để gửi lời cám ơn đến Diễn đàn Otofun đã làm nhịp cầu để kết nối với các anh em, bạn bè chiến đấu giai đoạn 1983-1989 của quân đoàn 4 nói chung, sư đoàn 7 và sư đoàn 9 nói riêng sau những năm tháng thất lạc, không biết tin tức của nhau đã tìm lại được nhau nhờ Diễn đàn Otofun.
Mấy "Thằng" có Nick trong này thì ngoi lên để anh, em chào nhau cái nào