Điều 15, Luật Giao thông đường bộ quy định:
- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Luật Giao thông đường bộ cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác không quy định cụ thể khoảng cách mà người điều khiển xe cơ giới phải bật, đèn khi nhan khi báo hướng rẽ qua đường giao nhau.
Tuy nhiên, với trường hợp của bạn, có thể bạn đã cho xe chuyển hướng qua đường giao nhau rồi sau đó mới bật đèn xi nhan, hoặc xe chưa sang đi ở hướng đường mới, bạn đã tắt đèn xi nhan. Như vậy, CSGT sẽ xử phạt bạn vì vi phạm bật tín hiệu báo hướng rẽ nhưng không đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho bạn và các phương tiện giao thông xung quanh, bạn cần bật đèn báo hướng rẽ trước khi bạn chuyển hướng xe, đồng thời trước nơi đường giao nhau và chỉ tắt đèn xi nhan khi phương tiện của bạn đã đi đúng làn đường bạn đã rẽ sang.
Ngoài ra, với người điều khiển xe ô tô, trong giáo trình đào tạo lái xe ô tô (xuất bản năm 2011) có hướng dẫn người lái xe ô tô phải có tín hiệu báo hướng rẽ trước nơi định rẽ với khoảng cách là 30m để đảm bảo an toàn.