Một góc nhìn của độc giả trên tầu nhanh, chắc nhiều cụ mợ ọp phơ không thích điều này.
"Kinh doanh của chúng ta còn nhiều nhỏ lẻ, manh mún: hết quán cơm, bún, phở, lại tới cà phê, quán nhậu... nhiều người cứ chăm chăm vào đất.
---
Thị trường nhà đất ở nước ta hiện nay có tính đầu cơ quá cao, không như các nước khác, người ta dồn nguồn lực vào phát triển sản xuất, khoa học công nghệ, làm ra những thứ hay ho và đem lại nhiều giá trị.
Tôi đọc những bài viết chia sẻ câu chuyện buôn đất thành công mà tâm trạng thấy chùng xuống hẳn. Vì thứ nhất, tôi chưa có mảnh đất cắm dùi nào cả. Thứ đến là những người sở hữu nhiều đất đai thường lấy lý do rằng "phải mua nhiều đất để sau này làm của để dành cho con cái". Điều này cũng tốt thôi, nhưng nếu cả xã hội cứ chăm chăm vào đất như vậy thì các lĩnh vực khác sẽ không có nguồn lực để phát triển.
Hôm qua, lúc đang đi trên một con đường kẹt xe tại vùng ven của Sài Gòn, quan sát nhân tình thế thái, tôi mới chợt nhận ra rằng nền kinh tế của chúng ta còn nhiều thứ nhỏ lẻ, manh mún: hết quán cơm, bún, phở, lại tới cà phê, nước ép, rồi ốp lưng điện thoại, quần áo nhập từ Trung Quốc, rồi nhà hàng, quán nhậu... Giống như ông anh của tôi từng nói: "Thực tế là cô bán cà phê ăn phở của bà bán phở; bà bán phở lại uống cà phê của anh bán cà phê...'.
Tôi tự hỏi, làm thế nào để chúng ta được như Đài Loan - ngưng bán chip là thế giới mất ăn mất ngủ? Nhưng nghĩ lại, cũng thật khó để được như vậy, vì giờ có bao nhiêu bạn trẻ muốn sản xuất đinh, ốc, vít để bán cho thế giới đâu? Nguyên cái việc trả tiền thuê đất làm nhà xưởng hàng tháng cũng đủ mệt rồi, chắc không còn sức lo sản xuất nữa. Thế nên họ lại về bán cóc, ổi, mía, thuê mặt bằng vỉa hè cho lành.
Bản thân tôi là một người chậm chân trong chuyện đất đai nên đến giờ vẫn chưa có nơi "an cư lạc nghiệp". Thế nên, tôi xin đại diện cho những người chưa có nhà đất, xin đề nghị cơ quan chức năng làm hai việc:
Thứ nhất, các nhà đầu tư kinh doanh nhà đất cũng như các công ty nhà máy kinh doanh hàng hóa (hàng hóa ở đây là đất, thay vì là bánh kẹo, quần áo). Vậy, với mỗi lô đất được chốt lời, mong cơ quan chức năng hãy xác định đúng giá bán ra là bao nhiêu (không được kê giá ảo), rồi thu đủ thuế thu nhập trên đúng phần lời đó (đánh thuế thật cao). Điều này cũng như các công ty kinh doanh sản xuất có lời thì phải đóng thuế cho nhà nước. Có như vậy mới tạo sự công bằng cho thị trường.
Thứ hai, ai có tiền nhàn rỗi thì cứ việc mua đất, đầu tư bất động sản nếu muốn. Vì xét trên góc độ luật pháp, điều đó chẳng có gì sai. Nhưng nếu dùng đòn bẩy tài chính (đi vay ngân hàng) để buôn đất, thì cơ quan chức năng phải siết chặt tín dụng cho vay bất động sản. Chính sách hiện nay đã có, tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm thực hiện và thực hiện hiệu quả.
Độc giả gửi tới Vnexpress.net"
Note: Miệt mài lội còm 5 tráng của cccm thông thái mà em hoang mang quá, không hiểu cccm đã đọc bài chưa mà 90% tổ lái sang vấn đề giá BDS.
Em xin nói lại cho rõ ý của tác giả là nguồn lực dồn cho việc đầu cơ BDS lớn quá, gây ảnh hưởng/làm giảm nguồn lực đưa vào sản xuất tạo ra sản phẩm thực tế, có giá trị, có sức cạnh tranh bền vững, là thế mạnh của nước nhà. Mong muốn và giải pháp đưa ra là làm chặt về phần quản lý, thuế khóa, vốn vay để tạo sự công bằng giữa kinh doanh BDS và các loại hình sản xuất khác.
Qua đó sẽ giúp nền kinh tế nước nhà phát triển lành mạnh, tránh vế xe đổ bong bóng BDS như các nước khác, ý nghĩa của tiêu tiêu đề nó là như vậy ah.