Doanh nghiệp Việt giờ cũng nên tăng đầu tư vào R&D để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.
Chứ doanh nghiệp thì nhiều, mà toàn kiểu hộ gia đình, và doanh nghiệp nhỏ, thì làm sao mà cạnh tranh toàn cầu được.
Nhà cháu chém với các cụ một bài cop được trên face của một bạn, và cháu không có ý kiến riêng ạ.
Sáng nay, phải mang cái điện thoại đi dán lại kính. Định ra một tiệm quen trên đường 3-2, nhưng chợt nghĩ: phải thay đổi để còn tạo cơ hội cho các bạn mới khởi nghiệp chứ.
Thế là tạt vào một cửa hàng nhìn "được được" trên đường Lê Hồng Phong để sửa.
Cô nhân viên nhìn cũng "được được" nhanh chóng nhận điện thoại, xem sơ và phán "400 ngàn". Hơi ngạc nhiên vì mức giá khá cao so với dự kiến nhưng "nhìn nhan sắc ấy" rồi chặc lưỡi: thôi, cũng được.
Cô bé mang điện thoại vào trong, nói gì đấy với mấy người bên trong. Khi ra, cô hỏi han để làm phiếu thu. Tôi nhắc cô bé: làm nhanh cho anh... Cô bé gọi vọng vào trong: chị XYZ ơi, làm nhanh cho khách kìa.
Tôi chưa hết ngạc nhiên vì thường thợ sửa chữa là nam giới thì một cô bé từ bên trong ra, vừa đi vừa nói chuyện trên điện thoại. Lo cô bé vấp cửa kính té, nên tôi mở cửa cho cô đi ra thì nghe loáng thoáng "dán bên chỗ ABC bên 3/2 hả?"
Ặc ặc, chỗ ABC đó là chỗ tôi định đem ra sửa sáng nay. Nhưng vì không "kiên định con đường" 3/2 mà tôi đã lầm đường lạc lối.
Nhưng thôi, là đàn ông, đã lỡ thì phải chịu. Tôi ngồi cắn răng suốt một giờ đồng hồ nói chuyện với cô nhân viên. Thì ra các cửa hàng ở đây thay đổi rất nhanh. Có mặt bằng, một năm đổi đến 3-4 lần. Lớp người này ngã xuống, lớp người khác tới thuê. Thời gian, tâm huyết, tiền bạc bỏ ra, cuối cùng chủ mấy cái mặt tiền bỏ túi hết.
Tự dưng, tôi nghĩ về mô hình khởi nghiệp kiểu này và lấy làm ngao ngán. Không chỉ là cho các bạn trẻ, mà cho cả mình và cả cái đất nước này.
Nhiều bạn trẻ "mơ mộng" làm giàu mà không cần có năng lực gì trong tay. Chỉ mong "tay không bắt giặc".
Làm trung gian để kiếm lời thì cũng được được trong một giai đoạn nào đó, với một số lĩnh vực đặc thù nào đó. Nhưng mô hình kinh doanh đó chỉ tồn tại được trong một xã hội bất đối xứng về thông tin: một số người có được những thông tin, những quan hệ mà người khác không thể có được, và nhờ vậy họ giải quyết được nhiều vấn đề cho người khác. Và góc độ nào đó, họ tạo ra giá trị cho khách hàng, cho dù không tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội. Cái tình trạng "bất đối xứng" đó không thể tồn tại hoài, và ở mọi lĩnh vực.
Mua đi bán lại, mua thấp bán cao, hay mua tận gốc bán tận ngọn là một cách kinh doanh được được. Và đó là lý do chúng ta đã bỏ ngăn sông cấm chợ và thúc đẩy cạnh tranh. Tuy vậy, nếu ai cũng chỉ nhăm nhăm vào việc làm trung gian trong cái chuỗi ấy rồi thì ai sẽ tạo ra Giá trị thực sự?
Nếu chỉ có 1 người tạo ra Giá trị, mà tới 7-8 người lòng vòng để "chuyên chở" cái giá trị ấy thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Thưa thầy em đã hiểu vì sao đất nước em ai cũng có việc làm, nhưng năng suất lao động lại thuộc loại thấp nhất thế giới rồi.
Trời ạ, làm gì để "tạo ra giá trị" đi. Dĩ nhiên, không nhất thiết là phải sản xuất.
Làm chủ một "năng lực" nào đó đi. Dĩ nhiên, không nhất thiết là năng lực kỹ thuật.
Khi đó, cái khởi nghiệp của bạn sẽ bền vững hơn.
Và cái đất nước này sẽ có năng suất lao động cao hơn.
Nhưng nhớ là phải có kênh thông tin trực tiếp đến cho khách hàng nhé.
Còn nếu không, chúng ta chỉ tổ làm giàu cho những ông chủ bất động sản. Rồi các ông chủ bất động sản lại làm giàu cho Ngân hàng. Mà Ngân hàng nằm trong tay ai thì mọi người biết rồi đó.
Đừng bằng lòng với "được được": lợi nhuận được được, doanh thu được được, mô hình được được...
Đọc và nung nấu Mô hình kinh doanh trước khi bắt tay vào làm. Đừng nôn nóng, đừng phung phí.
P/s:
Có bạn nói: Khởi nghiệp giống như làm tình vậy đó. Bạn không thể cứ bắt đầu lại hoài...