Em nhớ mang máng là xe đời cổ ngày xưa thì không có bình nước phụ mà cái nắp đậy radiator sẽ xì được ra khi áp lực lên cao quá (nước nóng giãn nở thể tích); xe đời mới bây giờ thì thay vì xì ra ngoài nó chảy sang cái bình nước phụ mà bác đã mô tả, khi nước nguội đi thì áp lực trong két tụt xuống và nếu thấp đến một mức nào đó thì nó sẽ hút từ bình phụ ngược vào.
Thí dụ cái radiator cap của ML350 đời 2006 như hình vẽ dưới đây nó ghi 20psi, em dự là nó sẽ giữ áp lực trong két tối đa đến 20psi, ứng với áp lực tối đa đó, điểm sôi của nước sẽ vào khoảng 109 độ C, nếu nhiệt độ của nước làm mát cao hơn giá trị đó thì nước hóa hơi và có thể cái bơm nước sẽ gần như không hoạt động được nữa nhưng đồng thời với việc đó nước sẽ giãn nở rất mạnh và nâng áp suất trong hệ thống lên trên 20psi và nắp sẽ mở để nước xì bớt ra bình nước phụ, khi đó thì áp lực sẽ giảm xuống và điểm sôi lại thấp xuống, cái radiator sẽ biến thành cái nồi áp suất đang xì hơi với áp suất ở trong ổn định 20psi, nhiệt độ ổn định quanh điểm sôi và nước liên tục hóa hơi để xì ra đến khi hết nước hoặc máy nguội bớt !
Theo hiểu biết của em, trong các dòng xe thông dụng thì Mer cũng thuộc nhóm thiết kế xe chạy ở nhiệt độ cao. Nên em rất băn khoăn về cái giới hạn 120 độ bởi lẽ nếu đến 120 độ mà nước chưa hóa hơi thì nó phải được nén đến áp suất gần 30psi tức là gấp rưỡi cái ví dụ nêu trên hoặc có thể trường hợp đó sẽ phải sử dụng một dung dịch làm mát đặc biệt có điểm sôi cao hơn ?
Khi chúng ta đi lên các khu vực có độ cao lớn, áp suất khí quyển có xu thế giảm và nước sẽ sôi ở nhiệt độ thấp hơn, đây là một vấn đề cần lưu tâm nếu các cụ leo lên everest (ở độ cao 6000m nước sẽ sôi ở khoảng 80 độ C và các cụ nấu cơm, luộc trứng phải dùng nồi áp suất mới chín được !) Vụ này với xe hơi em nghĩ không ngại lắm do chúng ta đã có cái nắp radiator trình bày ở trên. Cái sợ hơn đối với hệ thống làm mát bằng nước là bị đóng băng khi đỗ xe lâu ở nơi trời lạnh dưới 0; để hạn chế môn này người ta phải pha thêm vào nước làm mát một cái món anti-freeze gì đó để hạ điểm đóng băng xuống.
Dầu máy thì em nghĩ rằng nhiều khả năng sẽ nóng hơn nước làm mát bởi lẽ nó phải tiếp xúc thường xuyên với nguồn nhiệt cao hơn ở khu vực buồng đốt (piston, trục khuỷu...) còn nước làm mát chỉ lưu chuyển nhiều quanh vỏ máy thôi, xa nguồn nhiệt hơn một chút
