"Mèo sạch thỉu viết
Em còn nhớ trước đọc ở quyển sách mà em kể trên một trận Mig 21 nhà mình thua rất cay.
Hôm ấy thời tiết kém thế chóa nào 2 con F4 nó lởn vởn quanh sân bay mà rada không phát hiện ra được hay bị chế áp mạnh quá ntn ấy .. mig nhà mình xuất kích bị nó thịt mấy biên đội. Lỗi của rada cảnh giới đã đành nhưng lỗi của phi công hoàn toàn không linh hoạt chỉ biết nghe theo chỉ huy mặt đất mà không biết vòng lại phang lại nó .. cũng là một trong những lỗi phổ biến của tiêm kích phụ thuộc vào GCI ..
Các cụ tìm được trận này phọt lên cho ae nghía nhá .. tiếc là sách nhà cháo cho mượn rồi không lấy lại được không thì cháo dịch hầu các cụ ạ"
Đây là ‘chiến dịch quét sạch bầu trời’, hay còn gọi là chiến dịch ‘Bolo’ – năm 1967.
Chuyện như sau:
Năm mới 1967 được khởi đầu đầy đen đủi cho lực lượng Không quân Bắc Việt. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi nhập trận ngày 02-01, đã có tới 5 chiếc Mig-21 bị những chiếc F-4C của Liên đội không quân chiến thuật số 8 thuộc Không quân Mĩ bắn rơi trên bầu trời Nội Bài. Đám “Con ma” dưới quyền chỉ huy của viên “Át” huyền thoại thời Thế chiến 2 – đại tá không quân Robin Olds đã thực hiện “Chiến dịch Bolo” để nhử đối phương sa vào trận đồ không chiến nhằm quét sạch lực lượng tiêm kích Bắc Việt. Nhân tố thành công của Không quân Mĩ trong trận này một lần nữa lại đến từ chiến thuật chưa hợp lí của các phi công Mig-21 Bắc Việt. Mặc dù 4 trong số 5 phi công bị bắn rơi đã nhảy dù an toàn (trong số này có 2 phi công sau này trở thành “Át” là Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Văn Cốc), nhưng việc tổn thất tới 5 máy bay trong 1 trận đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không quân tiêm kích 921.
Trong cái ngày xui xẻo của các phi công Bắc Việt đó, những chiếc Mig-21 ở sân bay Nội Bài và Mig-17 ở sân bay Kép đã được lệnh báo động cấp 1 sau khi các đài ra đa cảnh giới phát hiện 1 đội hình lớn các máy bay Mĩ. Bầu trời cả 2 sân bay này khi đó đều bị phủ mây với lượng che phủ 10 phần, đáy mây 1500 mét và đỉnh mây 3000 mét.
Ngay từ đầu, công tác chỉ huy tại Sở chỉ huy ở Hà Nội đã mắc sai lầm khi không cho phép cất cánh nếu máy bay địch chưa tới cách sân bay 40 km. Nhưng hóa ra hệ thống đài ra đa cảnh giới đã phát hiện không hết số máy bay Mĩ tham gia chiến dịch. Hai biên đội “Con ma” do đích thân đại tá Olds chỉ huy đã lọt tới chiếm vị trí chiến đấu ngay trên đỉnh mây sân bay Nội Bài mà không bị phát hiện. Khi đó dù lực lượng Mig-17 đã được phép xuất kích, nhưng lại bay dưới trần mây và không được trang bị ra đa nên không phát hiện ra đám “Con ma”.
Ngay khi vừa xuất kích từ Nội Bài, những chiếc Mig-21 đã phơi mình dưới làn mưa tên lửa từ biên đội của Olds phóng tới. Từng chiếc từng chiếc một, biên đội 4 Mig-21 đầu tiên đã máy bay Mĩ bắn hạ dễ như bắn bầy ngỗng. Kết cục tương tự cũng giáng xuống chiếc Mig-21 số 1 của biên đội thứ hai.
Bốn ngày sau, đám “Con ma” cũng của Liên đội không quân chiến thuật số 8 lại bắn hạ thêm 2 Mig-21, trong đó có 1 phi công nhảy dù an toàn, còn phi công kia đã hi sinh cùng máy bay.
Tham gia “Chiến dịch Bolo” là các tổ bay F-4C thuộc Phi đội 433 Liên đội không quân chiến thuật số 8, trong số này có tổ bay của đại úy phi công John B. Stone và hoa tiêu vũ khí Clifton C. Dunnegan. Phi công Stone nhớ lại:
- Tôi vừa trả phép về đến doanh trại Phi đội ở Ubon sau kì nghỉ lễ đầy lưu luyến tại quê nhà thì ngóng được tin chuẩn bị có “phi vụ hành quân lớn”. Đích thân đại tá Olds chủ trì buổi giao nhiệm vụ. Khi nghe tới đoạn phải bay vào khu vực Hà Nội thì mọi người chùng hẳn xuống và rất ít người hào hứng với nhiệm vụ lần này.
- Kịch bản chính của “Chiến dịch Bolo” là đóng giả đám “Thần sấm” bay vào dụ những chiếc Mig lên không chiến. Chúng tôi sử dụng đường bay cùng mật danh, tần số liên lạc và thậm chí cả thời điểm kiểm tra hiệu chỉnh hệ thống dẫn đường đóp le của những chiếc “Thần sấm” cho nhiệm vụ này, cho dù đám “Con ma” chỉ được lắp hệ thống dẫn đường quán tính.
- Đại tá Olds vừa mới hô khẩu lệnh “Đèn xanh, Quăng” – mật ngữ có nghĩa lệnh cho các phi công “Thần sấm” thả bom – thì đã nghe 1 thành viên tổ bay của những chiếc “Con ma” dẫn đầu đội hình thông báo đầy phấn khích: “đám Mig kìa”. Chúng tôi thấy 4 chiếc Mig-21 ở hướng 3 giờ. Tôi liền bẻ cần lái sang phải để vào thế bám đuôi. Chỉ vài giây trước khi công kích, tôi còn thấy một ánh kim loại lóe lên ở hướng 10 giờ. Ánh kim loại đó chỉ có thể là Mig vì các máy bay của chúng tôi được phủ lớp sơn ngụy trang không phản chiếu tia mặt trời. Tôi bám theo 1 chiếc Mig, trong khi những chiếc “Con ma” khác trong biên đội tôi bám theo những chiếc Mig còn lại của biên đội 4 Mig-21 này.
- Khi chiếm vị trí ở hướng 6 giờ sau biên đội Mig, tôi phát hiện “chiếc Mig của mình” đã ở vào thế chuẩn bị công kích có thể phóng tên lửa tức thì, nên vội cấp báo qua máy vô tuyến đối không cho viên phi công chỉ huy. Được cảnh báo, biên đội “Con ma” vội ngoặt gấp sang trái ở mức quá tải quá hạn. Giờ đã tới lúc đi săn chiếc Mig-21 đơn độc này và rồi tất cả chúng tôi ào xông vào nó. Lợi dụng tình thế hăm hở hỗn loạn của chúng tôi, chiếc Mig-21 đã chọc thủng vòng vây và thoát li về hướng Trung Quốc. Chúng tôi lại phải tiếp tục truy đuổi chiếc Mig-21 này. Khi còn dưới mặt đất chúng tôi đã thống nhất sẽ sử dụng liền 2 tên lửa “Chim sẻ” cùng lúc do loại “đồ chơi” này có tiếng thiếu tin cậy. Thế nhưng lần này, kế sau luồng đuôi lửa phụt ra từ động cơ, quả tên lửa “Chim sẻ” đầu tiên đã xé chiếc Mig-21 ra thành từng mảnh khi điểm nổ nhằm trúng phần tiếp giáp giữa cánh trái và thân máy bay. Phi công của chiếc Mig-21 đã kịp nhảy dù trước khi máy bay phát nổ.
- Chúng tôi đã được thưởng thức một bữa tiệc tuyệt vời khi Lawrence Glynn hạ thêm được 1 chiếc Mig-21 nữa. Toàn bộ trận không chiến này đã diễn ra ở độ cao 450 mét, nơi mà Mig-21 chiếm ưu thế cơ động hơn “Con ma”, nhưng chúng tôi vẫn hạ được nó.