Bàn thêm về ba phi công đánh đêm huyền thoại của Việt Nam
Bạn đọc viết Đăng ngày Thứ sáu, 04 Tháng 1 2013 15:21
(REDS.VN) Ba phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng là những người đồng trang lứa, có nhiều điểm chung. Phi công Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng sinh năm 1945 còn Phạm Tuân sinh năm 1947. Họ là những phi công đánh đêm – lực lượng ưu tú nhất - của Không quân Nhân dân Việt Nam thời đó.
Họ đều có duyên nợ với B-52 vào cuối thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Và rồi, cả ba đều trở thành những nhân vật của lịch sử theo con đường của riêng mình. Gần đây, họ cùng được lôi vào một câu chuyện nhằm làm cho “lịch sử trung thực hơn”.
Chuyện cũng chẳng có gì nếu những người khơi mào lẫn phụ họa phơi bày sự kém hiểu biết một cách thảm hại về vấn đề mà họ cho rằng “cần viết lại cho đúng”. Theo quan điểm của cá nhân tác giả, cứ theo cách ví bánh mì và sự thật thì nửa “cái bánh” mà hệ thống tuyên truyền Nhà nước làm cho ai đó phát ngấy thì nửa “cái bánh” còn lại được đưa ra lại hấp dẫn họ bằng sự thiu mốc đáng kinh ngạc.
Tuy vậy, bài viết sau đây không tập trung vào việc đính chính lại các thông tin lộn xộn xuất hiện thời gian qua, mà muốn được cung cấp thêm độc giả một số thông tin và quan điểm có hệ thống liên quan đến sự việc, có được trong quá trình tác nghiệp của tác giả, qua đó giúp người đọc có thêm dữ kiện để tự rút ra kết luận của riêng mình.
Thông tin chung
Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nguyên chủ nhiệm bay Quân chủng PKKQ, trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, khi chọn thời điểm ban đêm để triển khai đội hình B-52 ném bom miền bắc, người Mỹ tính toán “sẽ loại khỏi vòng chiến ¾ phi công Bắc Việt”. Bởi những phi công đạt đẳng cấp “đánh đêm” của Việt Nam “chỉ được đếm trên đầu ngón tay”. Không những vậy, các phi công này phải rải ra khắp các sân bay dã chiến trên miền Bắc và mỗi lần cất cánh làm nhiệm vụ là mỗi lần “một mình một ngựa” đối đầu với lực lượng hùng hậu các phi công “sừng sỏ”, hạng “cú vọ” của các loại không quân Mỹ. (Phi công cú vọ là phi công của Không quân Hải quân Mỹ có trình độ cất/hạ cánh trên tàu sân bay vào ban đêm).
Lúc đó, Không quân Nhân dân Việt Nam có hai nhiệm vụ chính: Nhiệm vụ cơ bản là phá đội hình chế áp điện tử của B-52 để bộ đội tên lửa SAM-2 “vạch nhiễu diệt thù”. Nhiệm vụ còn lại, quan trọng không kém là trực tiếp tiêu diệt B-52, làm điều mà người Mỹ cho rằng “bất khả thi”. Vì lẽ đó, nhiệm vụ thứ hai không chỉ là nhiệm vụ quân sự mà còn là một mệnh lệnh chính trị.
Về trang bị, MiG-21 có hai vũ khí để bắn hạ B-52, đó là tên lửa tầm nhiệt K-13 và tên lửa trang bị đầu tự dẫn radar K-5. Tuy nhiên, xét trên thực tế chiến trường, do địch gây nhiễu điện tử mạnh, tên lửa K-5 không có “cửa” để đánh B-52. Xác suất tới 99,99% là tất cả K-5 phóng ra đều bị lái chệch mục tiêu do sự chế áp của các máy gây nhiễu trong đội hình B-52. Tất cả đều trông chờ vào tên lửa tầm nhiệt K-13, loại có đầu tự dẫn hồng ngoại, sẽ bắt theo tín hiệu nhiệt (chủ yếu phát ra từ động cơ B-52). Xin nói rõ thêm là K-13 có tầm bắn 8km, hoạt động theo cơ chế tầm nhiệt. (1)
(Cơ chế bắn của K-13 gọi nôm là “bắt nhiệt”, nghĩa là cứ ở đâu có nguồn nhiệt là lao vào, trong một khoảng giới hạn phóng hình nón, chứ “không chỉ phóng ngang”. Còn MiG-21 có trần bay là 17km (vượt trần bay khi ném bom của B-52), chỉ cần phi công thay đổi cần lại một chút là có thể nâng/hạ đầu máy bay xuống nên gần như K-13 không bị giới hạn về góc bắn).
Trong điều kiện B-52 phóng mồi bẫy nhiệt, K-13 cũng có thể bị vô hiệu hóa, tuy nhiên, nếu đảm bảo yếu tố bất ngờ, một quả đạn K-13 hoàn toàn có thể phá hủy một cặp động cơ của B-52 nhờ khối chiến đấu 11,3kg (gồm thuốc nổ và mảnh văng). (2)
Trong chiến dịch 12 ngày đêm, rút kinh nghiệm từ lần phi công Vũ Đình Rạng bắn rơi hụt một B-52 ở khu IV, Quân chủng Không quân lệnh cho các phi công MiG-21, khi gặp B-52 phải bắn hết cơ số đạn (hai quả, với mật lệnh là “uống hai chai”). Tất nhiên, khi bắn quả đạn thứ hai được “Lock 2”, tức là nhắm vào một cặp động cơ khác với quả đạn thứ nhất. Điều đó có nghĩa là, khi cả hai quả đạn trúng đích, chiếc B-52 sẽ không chỉ bị “loại khỏi vòng chiến” mà còn có thể rơi ngay tại chỗ.
Anh hùng Vũ Đình Rạng – “Đi trước về sau”
Nhân đã dẫn trận đánh của phi công Vũ Đình Rạng ở phần trên, xin nói luôn về trường hợp của ông. Trong ba phi công kể trên, ông là người đầu tiên chạm trán với B-52, trước thời điểm diễn ra chiến dịch 12 ngày đêm hơn 1 năm.
Theo lời kể của ông, trong trận đánh tối 20/11/1971, ông đã phóng 2 quả đạn nhắm vào 2 B-52 khác nhau (chứ không phải bắn 2 quả đạn vào cùng một chiếc) (3). Theo câu chuyện giữa sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chơn và thiếu tá phi công Mỹ F. Wantterhahn, sau đòn đánh của phi công Vũ Đình Rạng, một chiếc B-52 tuy lết về đến Thái Lan nhưng sau đó không thể sử dụng được nữa (chiếc còn lại có không rõ số phận) (4).
Chiến công của ông khiến đối phương “á khẩu”, đài BBC im bặt, dù trước đó thường xuyên đưa tin những lần đụng độ giữa máy bay Mỹ và máy bay Bắc Việt, còn Không quân Mỹ buộc phải xuống thang, chỉ dám đánh phá từ Đường 9 trở vào. (5)
Tuy nhiên, chính sự im lặng của BBC góp phần vào những rắc rối mà phi công Vũ Đình Rạng phải đối mặt. Bắn hai quả đạn, trong khi cấp trên chỉ cho phép bắn một quả (quả còn lại để phòng thân trên đường trở về sân bay). Đã vậy, không kiểm chứng được hiệu quả của trận đánh. Trường hợp của phi công Vũ Đình Rạng bị xem xét “nhụt ý chí, không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ tiêu chuẩn **** viên”. (6)
Về việc này, Trung tướng Trần Hanh, nguyên Phó Tư lệnh Không quân đã phải lên tiếng. Trong một hội thảo khoa học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Tướng Trần Hanh khi đang đọc tham luận, đến đoạn nhắc tới trận đánh của phi công Vũ Đình Rạng, ông dừng hẳn tham luận và dùng toàn bộ thời gian trình bày của mình để minh oan thêm một lần nữa cho phi công Vũ Đình Rạng, dù ở thời điểm đó, câu chuyện đã lùi xa hàng chục năm và phi công Vũ Đình Rạng đã được xét phong anh hùng (ông đã từ chối danh hiệu này). (7)
Khi đó, Tướng Hanh nói: “Khuyết điểm này là của sở chỉ huy không phải của anh Rạng”. Khuyết điểm ở đây là “không bắn rơi tại chỗ B-52”, bắt nguồn từ lệnh cho phi công chỉ được bắn B-52 bằng 1 quả đạn tên lửa. Có lẽ phi công Vũ Đình Rạng sẽ không nghỉ hưu chỉ với quân hàm Thượng Tá nếu chiến công của ông sớm được ghi nhận.
Như vậy, chiến công bắn hạ B-52 của phi công Vũ Đình Rạng được lập sớm hơn cả nhưng lại được công nhận sau cùng.
Anh hùng Vũ Xuân Thiều – “Quả đạn thứ ba”
Trong trận đánh đêm 28/12/1972, sau khi bắn hai quả đạn tên lửa mà không hạ được B-52, phi công Vũ Xuân Thiều lái chiếc MiG-21 đâm vào B-52 để ngăn chặn siêu pháo đài bay này gây tội ác. Chiếc B-52 bị hạ gục trên bầu trời Sơn La, chưa kịp cắt bom ở Hà Nội.
Sau trận đánh, Quân chủng đã cử một đoàn công tác lên ngay Sơn La tìm kiếm và xác minh. Kết quả, theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, đã tìm thấy xác chiếc MiG-21 dính với B-52. Xác chiếc MiG-21 và B-52 đã được đưa về Hà Nội. Sau đó, xác B-52 được trưng bày ở bảo tàng. (Hiện có Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng PKKQ hoặc Bảo tàng Chiến thắng B-52 trưng bày xác B-52). Còn xác chiếc MiG-21 rõ ràng không được trưng bày, điều đó phù hợp với truyền thống ứng xử và phong cách tuyên truyền của Việt Nam. Nhưng sự không công khai xác chiếc MiG-21 và việc mãi tới năm 1994, phi công Vũ Xuân Thiều mới được truy tặng danh hiệu anh hùng đã gây nhiều tranh cãi.
Sau này, nhiều tờ báo khi kể chuyện chiến đấu của phi công Vũ Xuân Thiều thường ví ông như “quả đạn thứ ba”, tuy nhiên họ không biết rằng, đó là một khái niệm vi phạm kỷ luật quân đội.
Theo quan điểm chính thống, Đại tá Nguyễn Phương Diện, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cho biết, trong những ngày tháng đối đầu nghẹt thở với B-52, nhiều phi công Việt Nam thậm chí, viết đơn xin được đánh cảm tử miễn đạt mục tiêu bắt B-52 đền tội. Theo Đại tá Diện, tinh thần sẵn sàng biến mình thành “quả đạn thứ ba” của phi công là đáng ghi nhận nhưng hành động này bị cấm tuyệt đối. Trước hết, Việt Nam không có nhiều phi công và máy bay để chơi trò cảm tử Kamikaze của người Nhật và hơn nữa “tinh thần cảm tử” bị xếp vào quan điểm nóng vội, yêng hùng.
Vì lẽ đó, “sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều có vi phạm kỷ luật quân đội hay không?” là câu hỏi không phải bây giờ mới có. Tại Hội thảo khoa học lịch sử Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không diễn ra hồi tháng 11/2012, với danh nghĩa người trực tiếp tham gia xác minh quá trình chiến đấu và sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan phát biểu: “Tôi không dám kết luận đồng chí này (Vũ Xuân Thiều) là ý chí ra sao, khuyết điểm ra làm sao, tôi chỉ báo cáo đồng chí Thiều đã bắn B-50 rất gần…” (8). Đó cũng là nhận định thống nhất trong chính sử về sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều, trong đó, các yếu tố có thể bị quy kết vi phạm kỷ luật quân đội đã được loại bỏ. Năm 1994, phi công Vũ Xuân Thiều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Anh hùng Phạm Tuân – “Nhiều lần anh hùng”
Khác với Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng, chiến công của phi công Phạm Tuân đã ở đỉnh cao của truyền thông trong hàng thập kỷ qua. Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, trên các mặt báo lại xuất hiện câu chuyện ông “bóc vỏ” đội hình địch ra sao, sẵn sàng bộc lộ vị trí sớm như thế nào để chớp thời cơ tiêu diệt B-52, đáp ứng sự mong mỏi của toàn ****, toàn dân. Điều đó không khỏi có một bộ phận dư luận cảm thấy “bội thực”. Điển hình, Osin Huy Đức - tác giả của “Bên thắng cuộc”, có bìa sách hình 2 cái “loa phường”, biểu tượng oai hùng của truyền thông đại chúng ở Việt Nam – tỏ ý phong anh hùng cho ông thêm một lần nữa nếu ông tuyên bố “đã không bắn rơi B-52”. (Đến nay, Trung tướng Phạm Tuân đã được ba lần trao tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô, với một cá nhân danh hiệu anh hùng như vậy có lẽ đã quá nhiều).
Như đã nói ở trên, hai quả tên lửa K-13 đủ sức hạ đo ván B-52 nhưng để phóng được hai quả đạn đó phải có sự hội tụ khá nhiều yếu tố may mắn đến khó tin. Làm thế nào phi công Phạm Tuân vượt qua hàng rào F-4 dày đặc hộ tống B-52 để khai hỏa và làm sao để thoát ly trở về an toàn vẫn là câu hỏi của không ít người từ chối đặt niềm tin vào câu trả lời đầy đủ của Phạm Tuân.
Xét từ góc độ khoa học lịch sử quân sự, trường hợp phi công Phạm Tuân bắn rơi B-52 hay không vẫn còn để ngỏ, cần có sự công khai, đối chiếu tư liệu của cả hai bên, chứ không đơn giản là dựa vào cuốn hồi ký của ai đó. Bởi lẽ, trong chiến tranh, bản thân những nhân chứng không thể nhận thức toàn bộ những diễn biến khách quan xảy ra quanh họ về cả không gian và thời gian. Đặc biệt, thời gian càng lùi xa thì yếu tố chủ quan càng chiếm vai trò chi phối trong các ký ức.
(Có ý kiến cho rằng, Phạm Tuân phóng tên lửa vào B-52 cùng với lúc dưới mặt đất phóng SAM-2 nên không biết bên nào tiêu diệt B-52 này. Dù sao cũng là chiến công chung và nếu “cấp trên nói phi công Phạm Tuân bắn rơi B-52 thì không thể nói khác”. Đây cũng là kỷ luật quân đội và vì thời ấy, MiG-21 bắn hạ B-52 không chỉ là một chiến công của riêng Phạm Tuân hay lực lượng không quân mà còn là một thắng lợi chính trị).
Dựa vào chính sử, có thể thấy rằng, phi công Phạm Tuân đã thực hiện một cách hoàn hảo phương án tác chiến, đã thực hiện được điều mà cả hai phi công Vũ Xuân Thiều và Vũ Đình Rạng chưa làm được: Thứ nhất, được tính là bắn rơi B-52 tại chỗ (bắt được phi công, một trong số đó là John Hari, có ảnh chụp trong Hilton Hà Nội); Thứ hai, sống sót trở về. Một chiến công không tì vết, và chính vì vậy nó gây tranh cãi cho tới bây giờ.
Nếu so sánh với những lực lượng khác, phi công chịu những kỷ luật khắt khe đặc biệt nhưng không phải ngoại lệ. Những người lính tên lửa được lệnh chỉ dành đạn đánh B-52, thậm chí, họ không có quyền tự vệ trước bọn chiến thuật F-4, F-105 đang bắn Shrike như mưa vào chỗ họ đang ngồi, dù hoàn toàn có khả năng đánh trả. Không đánh trả là chấp nhận hy sinh, nhưng đánh trả là vi phạm kỷ luật chiến đấu - Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. (9) Chiến tranh và người lính thì đơn giản “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực” nhưng sau chiến tranh thì mọi chuyện phức tạp hơn. Trong những uẩn khúc ấy, nhìn vào câu chuyện của ba phi công đánh đêm chỉ thấy rõ nhất một điều, muốn được phong anh hùng không dễ dàng.
AN DƯƠNG