Tường trình của phi công Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam (2)
(Kienthuc.net.vn) - Phi công – hoa tiêu Đại úy Thomas J. Henton lái chiếc F-4E chẳng kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra và chỉ kịp phóng dù ra ngoài chiếc máy bay đang cháy.
…Ngày 27/6/1972, trên bầu trời Nghĩa Lộ, biên đội MiG-21 Phạm Phú Thái - Bùi Thành Liêm đánh chặn 4 chiếc F-4 Phantom. Quân Mỹ chạy các máy bay MiG tấn công trốn vào mây. Mấy phút sau, phi công Thái phát hiện chiếc Phantom ở bên trái, một biên đội ở bên phải, còn một chiếc đang vòng sang trái. Phạm Phú Thái ra lệnh cho số 2 – Bùi Thanh Liêm theo dõi hành động của tốp máy bay địch bên trái. Sau khi các phi công Việt Nam tin chắc không có máy bay nào của địch uy hiếp họ, họ đã bắt đầu tiếp cận địch.
Từ cự li 1.300m, Phạm Phú Thái phóng một quả tên lửa, Bùi Thành Liêm cũng phóng quả tên lửa từ cự li 1.500m. Cả hai quả đều trúng mục tiêu, hai chiếc tiêm kích F-4E của đơn vị không quân chiến thuật 336 đã bị hạ.
“Mục tiêu” cho Phạm Phú Thái là hoa tiêu chiếc F-4E Phantom số hiệu nhà máy 69-7271 Đại úy Thomas J. Henton mang mật danh Valint 4 hồi tưởng:
“Ba tốp của đơn vị chúng tôi sáng 27/6 là lực lượng xung kích đánh các mục tiêu đài radar của Việt Nam, tốp thứ 4 làm nhiệm vụ tuần tiễu trên không, và mỗi tốp có 4 chiếc F-4E.
Trên không phận Trung Lào, chúng tôi xếp đội hình chiến đấu mà chúng tôi gọi là Godzilla. Tuần tiễu phía xa trên biên giới Lào - Việt là một tốp của phi đội 421 anh em, còn một tốp nữa bay phía sau và bên trái lực lượng xung kích.
Phi đội tiêm kích F-4 của Không quân Mỹ.
Vẫn còn một phi đội nữa của đơn vị chúng tôi (phi đội tiêm kích chiến thuật số 4) đã cho 2 tốp yểm trợ lực lượng xung kích. Chỉ huy cả đoàn dẫn đầu 2 tốp bay bên trái các máy bay F-4 Phantom đầy bom. Chúng tôi chờ MiG công kích trước hết là từ phía trái.
Ba tốp của chúng tôi đã đến mục tiêu thì phát hiện 2 chiếc MiG. Chiếc thứ nhất đã bỏ thùng dầu phụ, nhưng đã mất yếu tố bất ngờ, và chiếc này không công kích nữa. Chúng tôi không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường, MiG cách chúng tôi khoảng 40 Km, nhưng trên màn hình radar thì thấy MiG rất rõ. Chúng tôi quần trên khu vực giữa Hà Nội và Hải Phòng, sau đó 12 chiếc Phantom bay về nơi gặp máy bay tiếp dầu.
Trong lúc chúng tôi “bú sữa” máy bay tiếp dầu, sở chỉ huy mặt đất điều hành đội cứu hộ đi cứu các tổ lái của 2 chiếc Phantom bị bắn rơi buổi sáng. Chúng tôi đang ở phía Đông Bắc Hà Nội, bảo vệ chiếc máy bay dẫn đường hàng không phía trước
Một chiếc F-4E do tổ lái có kinh nghiệm lái làm nhiệm vụ máy bay dẫn đường hàng không bay nhanh phía trước. Công việc của những máy bay này trên bầu trời Bắc Việt Nam được cho là hết sức nguy hiểm. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ chiếc Phantom này và đội máy bay cứu hộ.
Chúng tôi nhận được thông tin các máy bay tiêm kích MiG-21 của Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang tiến đến gần từ phía Hà Nội.
Chỉ huy tốp lập tức ra lệnh bỏ thùng dầu phụ. Chúng tôi triển khai đội hình về phía Hà Nội để có thể nhìn thấy đối phương bằng mắt thường. Cuộc truy đuổi không mang lại kết quả. Do tăng tốc và bỏ thùng dầu phụ nên chúng tôi lại phải tìm máy bay tiếp dầu.
F-4 đang được tiếp nhiên liệu trên không.
Sau lần tiếp dầu tiếp theo, lần thứ 3 chúng tôi lại quay về bầu trời Bắc Việt Nam. Lượng dầu trong thùng chứa trên máy bay chỉ cho phép bay một vòng trong khu vực máy bay dẫn đường hàng không phía trước, sau đó trở về căn cứ Udon gần nhất trên đất Thái Lan. Thời tiết tốt, trời sáng, không có nguy cơ lạc đường, nếu không nhiên liệu sẽ không đủ cho một vòng bay.
Chúng tôi quay về nơi tuần tiễu. Chỉ huy truyền lệnh: “Chúng tôi đang ở đây, có 4 chiếc, Valint. Tôi thì hỏi phi công của mình là Lynn Aikman về nhiên liệu còn bao nhiêu. Aikman không trả lời bằng máy đàm thoại, mà bằng vô tuyến điện “Tôi Valint 4” - tôi hết nhiên liệu!” Chỉ huy tốp không nói gì, và điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên: chúng tôi cố dùng vô tuyến ở mức tối thiểu. Chúng tôi tiếp tục bay về phía Hà Nội.
Do nguy cơ từ phía hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam nên chúng tôi phải thường xuyên cơ động với quá tải lớn, điều đó đã làm giảm nhanh lượng nhiên liệu trong các thùng chứa của Phantom.
Dự trữ nhiên liệu nhanh chóng đến gần mức nguy hiểm, mức chỉ cho phép về đến Udon và hạ cánh ngay lần định hạ cánh đầu tiên. Với lượng dầu như vậy thậm chí chúng tôi cũng không thể nhận tiếp dầu thêm từ máy bay tiếp dầu, không đủ nhiên liệu bay đến điểm gặp máy bay tiếp dầu và tiếp cận nó. Vậy mà chỉ huy vẫn kéo chúng tôi về phía Đông.
Nếu gặp MiG lượng nhiên liệu thấp không cho phép thực hiện thậm chí cơ động nhỏ. Một lần nữa Lynn cảnh báo chỉ huy về lượng nhiên liệu chỉ còn ít. Lynn đã cố gắng bằng mọi cách tiết kiệm nhiên liệu. Đúng lúc đó có tin MiG xuất hiện, khoảng cách lúc này là 25km - tiêm kích địch chưa phải là nguy cơ trực tiếp.
Ảnh đồ họa MiG-21 phóng tên lửa đối không K-13.
Để tiết kiệm nhiên liệu Lynn lợi dụng sức hút Trái Đất: Anh ta cho Phantom bổ nhào, tích lũy tốc độ, sau đó nhờ tốc độ đã tăng lên khi lao xuống cho máy bay ngóc đầu lên. Khi cơ động như vậy 3 chiếc Phantom khác của tốp chúng tôi thực tế luôn ở độ cao lớn hơn. Chúng tôi rất hi vọng sẽ gặp may.
Hóa ra, chả ích gì. Máy bay như bị một búa giáng mạnh: tên lửa do MiG-21 phóng ra đã trúng Phantom.
Tôi thậm chí không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra. Máy bay bị mất điều khiển, động cơ bên trái bốc cháy, hệ thống thủy lực điều khiển các cánh lái bị hỏng. Tôi chuẩn bị phóng dù, mắt không rời khỏi đồng hồ độ cao.
Xác một chiếc F-4 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.
Như chúng tôi đã thống nhất trước khi bay, nếu độ cao giảm đến dưới 450 mét thì phải phóng dù. Chúng tôi đạt đến độ cao phóng dù nhanh khó tưởng tượng nổi.
Tay phải tôi nắm lấy cần phóng dù nằm giữa hai chân. Phi công đã phóng dù cả hai ghế. Bộ phận đàm thoại của chúng tôi không hoạt động, vì vậy phi công đã không báo cho tôi trước khi phóng dù, may mà tôi đã giữ được tư thế đúng trong ghế ngồi”.
Phi công – hoa tiêu Đại úy Thomas J. Henton sau khi nhảy dù đã bị quân dân ta bắt sống và đưa về nhà tù Hỏa Lò. Viên phi công này được trao trả ngày 27/3/1973 cùng nhiều phi công Mỹ khác.
Nguyễn Vũ