Kỳ 3 : cuộc chiến các " ách".
Kỳ 4 : chiến dịch bolo.
Không chiến trên bầu trời VN - nhìn từ hai phía - Kỳ 5:
Ngày dài nhất
25/12/2013 09:55 (GMT + 7)
( Báo tuổi trẻ )- Ngày 10-5-1972 là một trong những ngày không chiến dài nhất ở Việt Nam. Có đến bốn mặt trận và chín cuộc không chiến trong một ngày. Máy bay MiG của không quân VN bị bắn rơi và phi công hi sinh chưa khi nào nhiều như vậy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy không quân tháng 12-1972 - Ảnh tư liệu
Dàn trận
Ngày 10-5-1972 phía Mỹ tiến hành đồng thời hai chiến dịch Linebacker I và Operation Custom Tailor trên quy mô lớn, với 414 lần/chuyến cất cánh của lực lượng máy bay chiến đấu thuộc Bộ tư lệnh không quân số 7 và Bộ tư lệnh đặc nhiệm 77 của hải quân Mỹ.
Phía Mỹ huy động lực lượng lớn các máy bay A-6 (Intruder), A-7 (Corsair) và F-4 (Phantom) từ các tàu sân bay trên biển Đông cất cánh bay vào đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hải Phòng và các mục tiêu phía đông nam Hà Nội.
Lúc 8g sáng, các phi đội tấn công đầu tiên cất cánh từ tàu USS Constellation và USS Kitty Hawk hướng về Hải Phòng, sau đó 20 phút là các biên đội từ hai tàu USS Coral Sea và USS Okinawa cất cánh để tiến hành chiến dịch tấn công mang mật danh Alpha Strike.
Trong trận này các máy bay Mỹ đeo bom hạng nặng để ném bom sân bay Kiến An và các trận địa tên lửa phòng không.
Trong khi đó tại các căn cứ không quân ở Thái Lan, các phi đoàn không quân chiến thuật Mỹ đã chuẩn bị cất cánh từ sáng sớm để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.
Trong ngày 10-5-1972, không quân Mỹ huy động 120 máy bay tham gia tấn công, trong đó 16 máy bay F-4 và năm chiếc F-105 bay vào trước để chế áp lực lượng phòng không và máy bay MiG, 20 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 khác làm nhiệm vụ đánh cầu Long Biên, 24 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 tham gia đánh nhà ga Yên Viên, ngoài ra còn có 88 chiếc máy bay các loại làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Một trong những nhiệm vụ của không quân và hải quân Mỹ trong ngày 10-5-1972 là phải đánh sập cầu Long Biên bắc qua sông Hồng mà trước đó, trong suốt bảy năm trời không quân Mỹ chưa đánh sập được.
Lúc 4g sáng tại khách sạn Metropol, một nhóm các nhà báo quốc tế được đánh thức dậy để di chuyển xuống Hải Phòng, nơi dự kiến có thể ghi nhận các hình ảnh về các trận đánh phá của hải quân Mỹ xuống Hải Phòng và tham dự buổi họp báo về việc tố cáo Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng.
Trong số các nhà báo quốc tế có hai nhà báo Pháp Theodore Ronco và Claude Julien của tờ L’Humanité và tờ Le Monde. Đây sẽ là các nhân chứng sống chứng kiến các máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu.
Bầu trời khốc liệt
Tại Trung đoàn không quân 921, lúc 8g52 sở chỉ huy lệnh biên đội MiG-21 của Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Ngãi cất cánh từ sân bay Kép.
Khi biên đội mới rời đất và thu càng thì hai chiếc F-4J của Mỹ phát hiện, xông vào công kích. Đây là hai chiếc F-4J do đại úy Austin Hawkins thuộc phi đoàn VF-92, tàu sân bay USS Constellation dẫn đầu đang bay tuần tiễu trên độ cao 5.000m.
Khi bay ngang qua sân bay Kép, hai chiếc F-4 này đã phát hiện MiG của Ngự và Ngãi cất cánh. Chiếc F-4 số 2 do đại úy Curt Dose và thiếu tá James McDevitt điều khiển bám theo, phóng hai quả tên lửa AIM-9G, quả thứ hai đã trúng chiếc MiG số hai của Ngãi. Lúc đó anh mới lên độ cao 150-200m, Ngãi không kịp nhảy dù nên đã hi sinh.
Sau đó chưa đầy một tiếng, ở hướng tây bắc, 84 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 với đội hình có cả máy bay ném bom, qua phía Bắc Lào và Thái Lan bay vào miền Bắc Việt Nam.
Do nắm trước được ý đồ không quân Mỹ sẽ đánh đập Bái Thượng và sân bay Yên Bái, sở chỉ huy không quân đã chuẩn bị phương án và quyết định sử dụng biên đội MiG-21 (Nguyễn Công Huy số 1 và Cao Sơn Khảo số 2) làm nhiệm vụ nghi binh và yểm trợ cho MiG-19 đánh bảo vệ các mục tiêu ở khu chiến Yên Bái - Tuyên Quang.
Lúc 9g39 chiến dịch bắt đầu, biên đội MiG-21 của Huy và Khảo cất cánh. Huy số 1 - Khảo số 2, sau khi cất cánh bay hướng 320 độ, giữ độ cao 2.000m.
Đến 9g53, sở chỉ huy cho lên 6.000m. Do bị nhiễu nặng không liên lạc đối không được, sở chỉ huy cho chuyển sang rãnh liên lạc số 5.
Lúc này biên đội bốn chiếc F-4D (mật danh Oyster) của Mỹ do thiếu tá Robert A. Lodge và đại úy Roger C. Locher dẫn đầu, làm nhiệm vụ chế áp MiG trên vùng trời Tuyên Quang.
Các máy bay F-4D này là thế hệ F-4 cải tiến, được lắp thêm cánh tà trước, và là những chiếc F-4D đầu tiên được trang bị hệ thống tác chiến điện tử - chỉ dẫn tập trung APX-80 Combat Tree IFF Interrrogator. Vì vậy mà biên đội F-4 tiếp cận các máy bay MiG-21 trong khi các phi công VN không hề hay biết.
Một chiếc F-4 đã tiếp cận và phóng hai quả tên lửa về phía chiếc MiG-21 của Khảo. Anh không còn liên lạc gì từ lúc 9g57. Anh đã kịp bắn rơi một chiếc F-4 trước khi bị trúng tên lửa địch và rơi ở Trấn Yên, Yên Bái. Cao Sơn Khảo nhảy dù nhưng không thành công. Anh hi sinh sau khi tiếp đất.
8 MiG-19 đấu với 32 chiếc F-4 trên bầu trời Yên Bái
Gần như cùng lúc với biên đội MiG-21 bay nhiệm vụ nghi binh cất cánh, sở chỉ huy Trung đoàn 925 đã quyết định cho biên đội trực ban cất cánh.
Lúc 9g44, bốn chiếc MiG-19 ở đầu nam sân bay Yên Bái gồm các phi công Tâm, Sơn, Phúc và Oánh cất cánh, bay chờ trên đỉnh sân bay. 20 phút sau, bốn chiếc MiG-19 ở đầu bắc sân bay Yên Bái gồm các phi công Bổng, Hà Cương và Tưởng cất cánh, cũng bay chờ trên đỉnh sân bay Yên Bái chuẩn bị đánh tốp cường kích của không quân Mỹ.
Khi phát hiện đội hình máy bay Mỹ gồm 32 chiếc F-4, biên đội MiG-19 lao về phía mục tiêu. Lúc này hai chiếc F-4 đang mải bám theo chiếc MiG-21 số 1 bay nhiệm vụ nghi binh trên độ cao 6.000m, nên không phát hiện hai chiếc MiG-19 (số 3 và số 4) đang lao đến với tốc độ rất lớn, thậm chí xông lên ngang với chiếc F-4.
MiG-19 số 3 Nguyễn Văn Phúc bám sát được và nổ hai loạt đạn pháo vào chiếc F-4D. Phi công trên chiếc F-4D bị bắn rơi này gồm thiếu tá Robert A.Lodge, chủ nhiệm về vũ khí chiến thuật (chủ nhiệm xạ kích) của không đoàn 432 TFW, và phi công ngồi buồng sau là đại úy Roger C.Locher.
Thiếu tá Lodge được coi là chết trận, riêng đại úy C.Locher nhảy dù và lang thang trong rừng 23 ngày trước khi được cứu thoát. Locher trở thành phi công Mỹ có thời gian sau khi bị bắn rơi đến khi được giải cứu dài nhất, với một chiến dịch giải cứu cũng dài nhất.
Riêng số 4 Oánh trong khi yểm hộ cho số 3 đã phát hiện một tốp F-4 phía sau. Anh quyết định quay lại phản kích, bắn gần hết cơ số đạn nhưng không trúng mục tiêu. Một chiếc F-4 đã phóng tên lửa trúng máy bay của anh. Oánh nhảy dù nhưng bị tuột mất dù, rơi tự do và hi sinh ở chân núi Là, Tuyên Quang
Trận đánh kéo dài 20 phút, các máy bay MiG-19 đã gần cạn dầu nhưng máy bay Mỹ tiếp tục vào. Lúc này sở chỉ huy lệnh cho biên đội số 2 từ đầu bắc sân bay cất cánh yểm trợ cho biên đội số 1 về hạ cánh.
Biên đội thứ hai cất cánh từ đầu bắc lúc 10g02, gồm các phi công Hoàng Cao Bổng số 1, Phạm Cao Hà số 2, Nguyễn Văn Cương số 3, Lê Văn Tưởng số 4 cũng đã gặp tốp máy bay F-4 của không quân Mỹ.
Đó là biên đội F-4E làm nhiệm vụ yểm hộ tốp cường kích ném bom laser (mật danh là Cleveland). Bốn chiếc MiG-19 tiếp cận đối phương với góc gần như 90 độ. Cả biên đội vòng gắt để cắt vào sau đội hình F-4.
Riêng số 4 Lê Văn Tưởng, do bay phía sau có cự ly đủ xa hơn, đã vòng cắt một cách đáng kinh ngạc và bám được phía sau chiếc F-4E. Anh nhanh chóng đặt điểm ngắm và bắn ra hai loạt đạn. Chiếc F-4E rơi xuống phía tây nam sân bay. Khi gần hết dầu anh quay về hạ cánh từ trên độ cao 1.400m, động cơ chết máy, anh lao xuống hạ cánh nhưng khi tiếp đất cao phi công Lê Văn Tưởng đã hi sinh.
Mất sáu máy bay và năm phi công chỉ trong buổi sáng ở mặt trận hướng tây và đông bắc, ngày 10-5 quá khốc liệt và nhiều đau thương đối với các phi công VN.
TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả