Cơn sốt đầu tư condotel (căn hộ khách sạn) đang nở rộ ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc... nhưng đã có nhiều khách hàng phải “khóc ròng”, cho thấy ngay từ đầu các cơ quan chức năng đã hụt hơi trong quản lý loại hình này.
Ngay từ đầu đã không có sự phân biệt rõ ràng và sự khác nhau giữa condotel (nơi khách đến lưu trú) và căn hộ chung cư (nơi người dân cư trú lâu dài và được đăng ký hộ khẩu thường trú).
Và sự không rõ ràng này đã được một số chủ dự án khai thác triệt để, gây bất lợi cho người mua nhưng không hề bị tuýt còi từ cơ quan chức năng.
Tình trạng chủ dự án condotel khai thác sự không rõ ràng này để thu hút người mua là phổ biến. Kết quả kiểm tra tại một địa phương cho thấy có đến 70% chủ dự án khi rao bán condotel đã không rõ ràng, hoặc mập mờ với nhiều mục đích: tự kinh doanh lưu trú, bán như căn hộ chung cư, cho khách hàng tự kinh doanh.
Các chủ dự án condotel khi mời gọi khách hàng bỏ tiền đầu tư thường rao bằng cái tên khá gần gũi: “căn hộ cao cấp”. Thậm chí trong hợp đồng với khách hàng còn ghi rõ “được cư trú lâu dài”, khiến người mua tưởng mình được sở hữu lâu dài căn hộ và được... cấp sổ hồng.
Có chủ dự án còn kiến nghị cho chuyển đổi căn hộ du lịch thành căn hộ chung cư, trong khi họ thừa biết rằng đất cấp cho dự án là “đất thương mại, dịch vụ” chứ không phải là đất ở.
Việc không rõ ràng này cũng dẫn đến chuyện cười ra nước mắt. Như tại khu căn hộ cao cấp The Costa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), đại diện một số cơ quan chức năng còn đến dự hội nghị thành lập ban quản trị (như ban quản trị chung cư) do người mua căn hộ ở đây tổ chức.
Rồi một số “cư dân” trong condotel được đăng ký... hộ khẩu thường trú (trong khi ở đây chỉ là nơi lưu trú). Khi Sở Xây dựng Khánh Hòa không công nhận ban quản trị trên, công an đã hủy các sổ hộ khẩu “lỡ” cấp.
Hàng ngàn tỉ đồng đã được chủ dự án, nhà đầu tư đổ vào condotel. Nhiều giao dịch, hợp đồng đã được ký kết dựa trên sự không rõ ràng này.
Lúc này, các cơ quan chức năng ở địa phương có dự án condotel mới cho rằng chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm trong việc điều hành, quản lý theo đúng Luật du lịch: là “căn hộ khách sạn” chứ không phải “căn hộ chung cư”, là đến “lưu trú” chứ không phải “cư trú, thường trú”.
Điều này nằm ngoài suy nghĩ, tính toán của nhiều người đã mua, đầu tư condotel với suy nghĩ đó cũng là mua một căn hộ chung cư.
Trong khi đó, hầu hết các chủ dự án trong cuộc đua condotel đang “mọc lên như nấm sau mưa” đều muốn bán nhanh sản phẩm để thu tiền, còn những tồn tại tiếp theo khách hàng phải tự giải quyết. Trong khi nhiều chuyên gia nhận định giải quyết những tồn đọng này là không hề đơn giản, hay một sớm một chiều.
Câu hỏi đặt ra là vì sao cứ làm kinh tế theo kiểu phong trào, vừa làm vừa sửa, làm trước xây dựng chính sách sau, làm trước rồi hợp thức hóa sau? Liệu cách làm này có phù hợp với những nguyên tắc phát triển kinh tế bền vững?
Rất nhiều người mua condotel sẽ không được cấp sổ hồng như quảng cáo. Sau 1 , 2 năm đầu tiên, khi khách du lịch cảm nhận được chất lượng dịch vụ quá kém khi thuê nhà condotel, họ sẽ chọn khách sạn chứ không nghỉ tại condotel nữa. Tất cả condotel mà đông khách trong năm vừa rồi sẽ dần vắng khách hơn. Ai đời đi thuê cả cái nhà có bếp mà trong bếp không có nổi 1 cái nồi xong chảo nào. Rất nhiều tiền đã được đổ ra cho các chủ dự án condotel kinh doanh. Lỗ thì người mua chịu thôi, đây là quy luật tất yếu của vứt tiền cho thằng khác tiêu hộ mình hay trên otofun còn gọi là cầm ... cho thằng khác ...
Theo TTOL