Em dừng chuyện gạo với tấm ở đây và chia sẻ những cái Tết đầu tiên mà em bắt đầu nhớ được.
Đầu tiên là cái tết Quý Sửu 1973
Lúc ấy gia đình em vẫn ở nơi sơ tán, trước đó ít lâu mỗi khi có kẻng báo động thì đang đêm cũng phải vớ lấy cái nùn rơm cùng mọi người chạy ra hầm, vào hầm thì dồn nùn rơm ra cửa hầm để người ngồi ngoài che chắn cửa hầm, chống bom bi - là người lớn dạy thế, trẻ tí nhau như bọn em làm theo như một phản xạ thôi.
Bẵng đi một thời gian không thấy kẻng báo động nữa, một hôm mẹ em mang về cái mấy cái áo, quần mới cho 3 anh em, đứa có áo mới, đứa có quần mới nhưng không đứa nào được cả bộ. Bố em đạp xe từ cơ quan về chở theo bao gạo và mấy thứ gì em ko rõ
Sáng hôm sau bác chủ nhà ở nơi sơ tán trịnh trọng chúc tết cả gia đình em sau đó bố em chúc lại rồi lấy chè đem pha, lấy gói thuốc lá mời bác chủ nhà hút.
Bữa cơm trưa cả 2 gia đình cùng ăn chung, lần đầu tiện em ghi nhớ hương vị của bánh chưng và miếng thịt lợn kho chính là Tết Quý Sửu này.
Tết năm ấy vẫn không có tiếng pháo vì vẫn là thời chiến, ăn cơm xong bọn em cùng các anh chị con bác chủ nhà đi lấy đất sét nặn pháo để đập thay cho pháo đốt
Tết Giáp Dần 1974: ấn tượng về những bức tranh con hổ
Một năm đằng đẵng tiếp theo ở nơi sơ tán, dù đã ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh nhưng chỉ một bộ phận cán bộ ở những ngành quan trọng được trở về thị xã Hải Dương, còn đa số cán bộ, nhân dân vẫn ở lại nơi sơ tán phòng kẻ địch trở mặt cho máy bay ném bom miền Bắc.
Nhà em cũng vậy, bố em là phát thanh viên của Đài Truyền thanh tỉnh nên thuộc lứa đầu tiên về thị xã, mẹ em là giáo viên phải ở lại dạy nốt học kỳ I rồi mới bàn giao lớp cho giáo viên khác.
Kẻ ở người đi nên ai cũng mong ngóng lệnh trên cho dời khỏi nơi sơ tán, sự sốt ruột của người lớn lan sang cả trẻ con, khắp làng đi đâu người ta cũng bàn tán về việc trở về thị xã của những người sơ tán. Chỉ cần một người từ thị xã trở về là người ta sẽ xúm vào hỏi thăm và câu đầu tiên là: bao giờ có lệnh cho về!
Ngày nọ trời rét căm căm, bố em đạp xe từ thị xã về nơi sơ tán, tối đó bố mẹ em nói chuyện rất lâu với vợ chồng bác chủ nhà.
Sáng sớm hôm sau, bố chở mẹ và đứa em gái em cùng lỉnh kỉnh đồ đạc trên cái xe Thống Nhất nam về thị xã Hải Dương trước. Chiều bố quay lại đón em và ông anh trai về nhà trên con phố Tuy Hoà, thị xã Hải Dương.
Ngôi nhà cũ của gia đình em được bố mẹ trang hoàng lộng lẫy với mâm ngũ quả trên bàn thờ, 2 dây hoa giấy chăng chéo nhau trên cao và những bức tranh con Hổ dữ tợn, nhiều màu sắc dán trên tường. Đây là sự cố gắng của bố em trang trí nhà cửa để đưa vợ con về đón Tết sau mấy năm sơ tán.
Gần giao thừa, bọn em được diện áo mới và anh trai em còn được bố cho đốt hẳn 1 quả pháo tôm
Anh ấy cẩn thật đặt quả pháo đứng lên, một tay bịt tai, tay kia cầm cuối nén hương, châm mãi không được vì tay run, đầu hương cháy cứ rung bần bật nên không châm trúng ngòi pháo.
Bố em phải xé đầu ngòi pháo, xoè ra để nó dễ bén nhưng cháy chậm, sau đó cầm tay ông con trưởng đang vừa háo hức vừa sợ châm ngòi và quả pháo nổ ĐOÀNG
Anh trai em sướng quá nhảy tưng tưng
Đêm giao thừa này cũng là năm đầu tiên em được chứng kiến những tràng pháo nổ dài và mùi thuốc pháo thơm thơm đi vào tâm khảm
Ngày mùng 1 Tết, ngủ dậy em được rửa mặt bằng nước lá mùi già "thơm như nước hoa", rồi được diện áo mới và lần đầu tiên được giữ tiền mừng tuổi, những tờ tiền Mới cứng cạo râu - như lời bố em nói.
Đây là 2 trong số những bức tranh hổ mà em còn nhớ được.
Sau này mỗi khi ở nhà một mình, em thường ngắm, sờ vào những con Hổ và trò chuyện với chúng, và rồi như một định mệnh, 21 năm sau, em cưới một cô Giáp Dần làm vợ