Báo Trung Quốc ra sức tuyên truyền khả năng của JF-17 để bán hàng
(
GDVN) -
Bài báo tuyên truyền máy bay JF-17 sẽ trở thành trụ cột của Không quân Pakistan và mượn lời tướng Pakistan tuyên truyền cho tính năng tốt của JF-17.
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (FC-1 Kiêu Long) do Trung Quốc sản xuất.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn bài viết từ tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh phỏng vấn Khaled Mahmoud, phó chủ nhiệm chương trình JF-17 của Không quân Pakistan cho biết, Pakistan hiện nay đã có 2 phi đội JF-17 Thunder (hay còn gọi là FC-1 Kiêu Long).
Theo bài viết đăng trên “Hoàn Cầu” báo của TQ, máy bay chiến đấu JF-17 Thunder có thể trang bị một loạt vũ khí tiên tiến như tên lửa ngoài tầm nhìn (BVR), tên lửa chống hạm; động cơ RD-93 đã thể hiện rất xuất sắc, JF-17 hầu như có thể đối kháng với Su-27 của Trung Quốc trong hoạt động diễn tập quân sự liên hợp giữa Trung Quốc và Pakistan.
Theo bài viết, ở Pakistan, chương trình máy bay chiến đấu chiến dịch JF-17 hợp tác đầu tư với Trung Quốc có liên quan đến “danh dự dân tộc”, bản thân loại máy bay chiến đấu này cũng trở thành trụ cột của Không quân Pakistan trong mấy chục năm tới.
Chuẩn tướng Khaled Mahmoud của Không quân Pakistan đã được chỉ định làm phó chủ nhiệm chương trình ngay từ khi bản vẽ máy bay chiến đấu này chưa được thực hiện.
Ông Mahmoud cho biết: “Hai năm trước, chúng tôi chỉ có 1 phi đội JF-17 với 20 máy bay chiến đấu, nhưng hiện nay chúng tôi đã có hai phi đội như vậy. Hai phi đội này đều có thể tác chiến, nhưng, một phi đội trong đó có 2 chức năng: chức năng tân trang và huấn luyện tác chiến. Chúng tôi có kế hoạch thành lập phi đội thứ ba, nhưng công việc cụ thể còn chưa được xác định”.
Máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan.
Khaled Mahmoud còn cho biết, Pakistan hiện có khoảng 40 máy bay chiến đấu JF-17 đang hoạt động, lô cuối cùng cũng đang nằm trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng. Khi nói đến tính năng điều khiển của JF-17, Mahmoud cho biết, Không quân Pakistan có khả năng tích hợp vũ khí cho máy bay, có thể mua vũ khí trên thị trường tự do và lắp ráp nó cho máy bay chiến đấu JF-17 và tiến hành sản xuất ở trong nước.
Khi máy bay JF-17 vừa bắt đầu trang bị, nó chỉ mang theo vài quả tên lửa không đối không PL-5E và thùng dầu, nhưng hiện nay máy bay chiến đấu này có thể mang theo tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn DS-10, tên lửa chống hạm G-802A, pod điện tử và một số vũ khí dẫn đường chính xác loại thông dụng. Pakistan đang thích nghi với vũ khí kết hợp từ các nguồn khác nhau.
Tướng Pakistan còn cho biết: “Động cơ RD-93 của máy bay chiến đấu JF-17 là động cơ có động lực mạnh. Trong hoạt động thử nghiệm liên tục 7.000 giờ, động cơ RD-93 không xảy ra bất cứ vấn đề nhỏ nào”.
JF-17 Thunder
Bài báo còn cho biết, mặc dù Trung Quốc nghe nói đang tìm cách đổi động cơ cho máy bay chiến đấu JF-17, nhưng Quân đội Pakistan hầu như đang rất hài lòng với thỏa thuận hiện nay giữa các nhà thiết kế động cơ RD-93 của Trung Quốc và Liên Xô cũ, đồng thời coi đây là sự bảo đảm lượng nhu cầu động cơ của họ.
Hiện nay, máy bay JF-17 đã có chức năng cảnh báo, phản ứng nhanh. Tướng Mahmoud cho biết, trên mặt đất, loại máy bay này có hệ thống nhận biết địch-ta (IFF), có thể trực tiếp “tấn công hiệu quả” đối với quân địch. Trong tình hình sắp xếp theo tiêu chuẩn, nó có thể mang theo 2 tên lửa PL-5E2, 2 tên lửa SD-10 và 2-3 thùng dầu phụ.
Theo bài báo, loại máy bay này có khả năng mang theo 4 quả tên lửa SD-10, nhưng Không quân Pakistan vẫn quyết định tiến hành trang bị theo tiêu chuẩn hiện có. Tích hợp vũ khí số hóa là một khó khăn công nghệ, nếu đột phá được công nghệ này thì sẽ có tính linh hoạt mạnh hơn về lượng vũ khí mang theo.
Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Trung Quốc
Hiện nay, máy bay chiến đấu JF-17 còn chưa từng trải qua chiến đấu thực tế mà mới chỉ "vượt qua" được thử thách trong nhiều lần thử nghiệm. Tuy máy bay JF-17 chưa từng tham chiến, nhưng tướng Mahmoud lại cho rằng: “Chúng tôi có kinh nghiệm tác chiến với các loại máy bay chiến đấu khác nhau trong môi trường phức tạp”.
Bài báo còn tuyên truyền rằng, khi tiến hành diễn tập quân sự với Không quân Trung Quốc, máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan có thể tiến hành đối kháng với máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc trong các hoàn cảnh khác nhau, đồng thời giành được "kết quả đáng mừng" - ý nói JF -17 của TQ sản xuất ngang ngửa với Su-27 do Nga chế tạo.
Đông Bình
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-Trung-Quoc-ra-suc-tuyen-truyen-kha-nang-cua-JF17-de-ban-hang/294117.gd