Mời cụ tham khảo bài viết của anh Đỗ Cao Bảo, phó tổng FPT.
CUỘC CHIẾN VACCINE
Bài “đừng than vãn, đừng chê trách” ngày hôm qua của tôi đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của rất nhiều người, tuy nhiên vẫn có một vài bạn chưa thoả mãn, các bạn ấy cho rằng trong việc mua và tiêm vaccine, chính phủ và ngành y tế có thể làm tốt hơn, nếu quyết liệt hơn, chịu chi tiền sớm hơn, ngoại giao tốt hơn.
Rất may có một bạn đang định cư ở Úc vào comment: “Úc tiền nhiều hơn Việt Nam rất nhiều, chịu chi hơn Việt Nam rất nhiều, quan hệ với Mỹ và UK như ông bố, bà mẹ, được bảo kê tận răng, mà đến giờ này cũng chỉ tiêm được có hơn 10% dân số thôi. Tháng 3/2021 vaccine của AstraZeneca cấp cho Úc theo hợp đồng đã ra đến sân bay rồi còn bị Italy chặn giữ lại, để ưu tiên cho các nước EU đang bị dịch nặng hơn Úc nhiều”.
Hoá ra không chỉ có Úc, mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan, toàn những quốc gia giàu có, tiền không thiếu, quan hệ với Mỹ, EU rất tốt (Việt Nam không so được), họ cũng rất quyết liệt trong việc mua vaccine thế nhưng cho đến giờ phút này Nhật Bản cũng mới chỉ tiêm được có 6.4%, Hàn Quốc được 9,1%, New Zealand 11,0% còn Đài Loan thì chỉ có 1,4% dân số mà thôi.
Đây là một sự thật: Tiền nhiều, quan hệ ngoại giao với Mỹ, EU và UK rất tốt, quyết tâm, kỹ năng đàm phán mua vaccine rất tốt, nhưng vì dịch covid nhẹ (vì chống dịch tốt hơn), thì vẫn cứ phải lùi lại, nhường cho các quốc gia đang bị dịch bệnh nặng hơn, nhu cầu vaccine cấp bách hơn, đấy là nguyên lý chung của quốc tế trong việc cung cấp thuốc men, vaccine khi đại dịch xẩy ra.
Có bạn lại nói: Singapore cũng chống dịch tốt, sao Singapore vẫn mua và tiêm được 37% dân số? Xin thưa rằng theo số liệu thì Singapore là quốc gia bị dịch covid khá nặng, số ca nhiễm trên 1 triệu dân gấp 2 lần Nhật Bản, gấp 4 lần Hàn Quốc, gấp 10 lần Úc, gấp 20 lần New Zealand, gấp 32 lần Đài Loan và gấp 150 lần Việt Nam.
Nói vậy để các bạn hiểu rằng cái thế rất khó của Việt Nam khi đi đàm phán mua vaccine, chúng ta vẫn có cơm ăn, không thể cứ trơ mặt đi tranh ăn với những người đã nhịn đói cả ngày, nhịn đói 2 ngày, thậm chí 5 ngày, đấy là đạo lý làm người, đấy là nguyên lý ứng xử của thế giới văn minh.
Đúng là nói thì dễ, nhất là nói trên bàn phím, trên mạng xã hội, làm mới khó, làm trực tiếp còn khó gấp trăm lần.