Hồi huơng
Sau 4 năm vật vã với nhiều buồn ít vui, đầu năm 93 em đi đến một quyết định "bước ngoặt" trong cuộc sống: Về.
Đăng ký với LHQ, em sau đó được chuyển ra trại 9 Shatin, lúc nào được sử dụng làm trại chờ bay cho thuyền nhân xin hồi hương. Nói về cuộc sống ở trại chờ bay, cũng nhiều điều để nói.
Tâm lý về VN thì phần lớn bà con cũng đã không còn hy vọng vào việc định cư, nên xin về. Nhưng sau 3,4...có nhiều gia đình 5 năm ở trong trại, tin tức về cuộc sống ở VN không được cập nhật, hoặc có thì cũng không phải đầy đủ, nên mọi thứ ở phía trước đều mông lung...về làm gì để sống? rồi nếu hồi hương về địa phương, có bị chính quyền làm khó dễ gì không? Với những người bình thường thì cũng đã khối cái để lo, còn với nhiều cụ có "vết" thì lại càng mơ hồ...
Trong thời gian chờ bay, phần lớn các gia đình khi đã xin về đều cố gắng tích góp chút "của cải" để về VN có cái mà sinh hoạt. Quần áo, đồ đạc (nói cho oai, chứ đồ đạc trong trại cấm thì có gì ngoài vài bộ quần áo, xoong nồi xô chậu...). Ấn tượng nhất là mì chính. Hồi đi thì VN ai cũng nghĩ mì chính là quí, nên bà con ta ai cũng cố gắng mang về vài ba cân, vừa làm quà, vừa để ăn. Mà khổ...ai biết đâu là đến những năm 93,94 thì mì chính ở VN có mà đầy...thế mà cứ lọ mọ gom gom để mang về. Cũng nói thêm vụ đi 1 về 3: Nhiều cụ mợ khi ra đi là độc thân, sau vài năm trong trại thì thành hộ gia đình, con cái có luôn. Nhiều gia đình "hải ngoại" khi về đến VN thì cũng có hạnh phúc, nhưng cá nhân em thấy phần lớn là tan vỡ sau khi về đến VN một thời gian. Thay đổi môi trường sống? Bộc lộ bản chất thật? cái này em không bàn ở đây, nhưng chủ quan mà nói thì cuộc sống trong "chuồng" nó khác xa với cuộc sống ngoài xã hội, nên tan vỡ là điều không lạ.
Mặc dù thời gian chờ bay không quá lâu, nhưng cũng là lúc thích hợp để nhiều cụ giải quyết ân oán khi trong trại không có thời cơ. Vì trại chờ bay thì không chia tách HP, QN nên cũng là thời điểm để "ân oán gặp nhau". Trong thời gian em nằm ở trại chờ bay, cũng nhiều chuyện vui buồn. Đêm hôm thì các cụ ấy đi rình mò, chôm chỉa đồ đạc của các hộ gia đình, rồi nhiều cụ "làm ẩu" với các mợ...rồi tẩn nhau...vài ba ngày lại có xe cấp cứu hú còi inh ỏi...đưa vài cụ đi viện là chuyện...thường.
Độc thân nam bọn em thì chả có gì, mỗi cái túi với vài bộ quần áo, vạ vật sinh hoạt chung với các hộ gia đình quen biết để chờ về nước.
Và bọn em lên đường về VN bằng cái này đây. Lần đầu tiên được đi máy bay. Mà tổ tiếp viên lại là tiếp viên quốc tế, hơn hẳn cái kiểu Delay Airlines các cụ nhá. Vui vẻ, nhiệt tình mặc dù đang chở toàn là bọn... Đến giờ, mặc dù đi cũng tương đối các hãng hàng không, nhưng em vẫn rất ấn tượng với hãng này.
Đông ngạc
Cuối cùng thì em cũng đặt trên về VN và được đưa về Trung tâm tiếp nhận ở Đông ngạc, Từ liêm, HN. Không hiểu thủ tục ở đây thế nào, nhưng bọn em bị nằm mất 3 ngày ở đây mới được đưa về địa phương. Các cụ cứ tưởng tượng..vài trăm con người già trẻ lớn bé tập trung trong cái khu tiếp nhận. Sinh hoạt thì láo nháo.. Rất nhiều gia đình từ các tỉnh đổ về đây để tìm kiếm người nhà, bạn bè. Vẫn trong ngoài hàng rào.
Em còn nhớ mãi hôm về HP. Xe chở người đổ về trung tâm tiếp nhận gần ngã từ Hồ sen. Ui..chà...đông như quân nguyên, bà con háo hức tìm người nhà ra đón. Trời thì hơi hơi se lạnh, cái thằng em thì nhìn..như con nhái. Da xanh, người chắc cũng còn...55kg..bẩn thỉu..nhem nhuốc vì 3 ngày nằm ở Đông ngạc. Đến mức ông anh ra đón còn hỏi rất lo lắng "chú có nghiện không đấy?"..ầy...tiền đâu ra mà nghiện hả zời...
Theo chính sách, em nhận được tiền hỗ trợ của LHQ. Hình như....USD 360 thì phải. Lạ cái là tiền mình nhận được thì chả bao giờ nhớ...Việc đầu tiên là cầm tiền đi...nhậu đêm cùng với ....tập lại đi xe đạp. Nói các cụ không tin, sau 4 năm ở trại mà em phải mất gần nửa tiếng để tập đi xe đạp lại đấy.
Rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Cuộc sống thì vẫn cứ trôi...Nhìn lại cũng 20 năm kể từ khi đó. Nhanh thật.
Ký ức vụn vặt của em về những ngày đó chỉ có vậy. Nếu nhớ ra cái gì, em lại hầu các cụ mợ tiếp. Tiếc là không có cụ mợ nào "tiếp tay" cho em trong vụ này, mặc dù em biết có nhiều cụ mợ trên này cũng kinh qua như em, có khi còn nhiều ký ức hơn em nữa ấy chứ
.
Cảm ơn các cụ mợ đã xem.