Chuyển trại
Theo em nhớ thì khoảng giữa năm 1991 thì bọn em phải chuyển vào trại Shatin. Nói thật với các cụ, giờ thời điểm thì khó nhớ, chỉ còn sự việc thì nhớ, nên nhớ đến đâu thì hầu các cụ đến đấy, các cụ đánh chữ đại xá nhé.
Shatin thì lúc đó cũng đã ổn định được 8 trại, còn có trại 9 là mới. Khi chuyển trại nếu có yêu cầu thì sẽ chuyển theo yêu cầu đoàn tụ, còn không thì phần lớn dân Seckong về trại 9 trong thời kỳ đầu. Em được chuyển về trại 1. Nói về trại Shatin (mà bọn em hay gọi là Shá thìn). Trại được phân ra thành 9 khu, khu 1&2 có cổng thông nhau và có thể cho người đi làm qua lại vào giờ nhất định. Nếu có việc thì có thể xin đi qua. Trại 3&4 cũng vậy và dành cho người QN, trại 5&6 dành cho người HP, còn trại 7&8 thì có vẻ tổng hợp cả QN và HP. Mỗi cặp trại đều có cổng để có thể đi qua lại. Người Hà nội thì có thể ở trại nào tùy ý, vì số lượng người HN không nhiều và cũng không có chuyện gây gổ cục bộ.
Trong trại Shá thìn thì mọi việc có vẻ qui củ hơn, vì trại do Cục di dân HK quản lý. Có trường học cho trẻ em, có sân vui chơi, có tivi và các cơ quan phúc lợi xã hội do Liên hợp quốc cử vào giúp đỡ thuyền nhân và có khu bán hàng cho thuyền nhân. Mỗi 2 khu trại thì có 1 khu điều hành của Cục di dân và văn phòng Liên hợp quốc làm việc. Đặc biệt là có 1 khu tạm giam (giống như kiểu khu ký luật, chuyên nhốt các cụ quậy phá, uýnh nhau) được gọi là Sổ ky ( em nghĩ là tiếng Quảng, vì vụ này em không rõ lắm). Mỗi trại có khoảng 10 đến 12 dãy nhà dành cho thuyền nhân ở. Mỗi dãy nhà thì được chia làm đôi, ở giữa làm nhà vệ sinh. Mỗi đầu được gọi là phòng có đánh số. Ví dụ dãy đầu tiên thì là phòng 1A, phía sau của phòng 1A là phòng 1B...cứ thế. Trong phòng được trang bị 2 dãy giường 3 tầng hai bên và mỗi 2 người được sử dụng 1 tầng. Nói là giường, thật ra cũng là 3 tấm phản 1.2 x 2.0 bằng gỗ dán, giường khung sắt, tầng 1 cách mặt đất khoảng 30cm, mỗi tầng cao khoảng 1m. Độc thân nam bọn em thì thường là ở tầng 3, cách trần chắc cũng 1.5m (chính vì ở tầng 3 nên lại có chiều cao hơn các tầng dưới) còn độc thân nữ, đương nhiên có 1 phòng riêng. Ấy nhưng mà nhiều mợ...cũng ra phòng ngoài ở cùng với gia đình, tiện ăn uống và....tý tách tý mẻ. Trung bình một phòng khoảng 16-18 giường, qui ra là khoảng trên dưới 100 nhân khẩu/phòng. Mỗi phòng bầu ra 1 trưởng phòng phụ trách chung, 2-3 người chia cơm (có trách nhiệm đến giờ lên căn tin lấy cơm về chia cho phòng). Trong trại bầu ra một Trật tự trưởng và một cơ số trật tự viên, chuyên phụ trách phần an ninh cho phân trại. Tất nhiên, các cụ cũng hiểu là phần an ninh thì phải do "các anh" quản lý rồi, chứ vớ vỉn thì làm sao có chân. Những người có làm việc thì có lương do trại trả.
Cuộc sống trong trại thì sơ bộ cho các cụ tưởng tượng nó thế này: Nếu bình thường, ăn...ngủ...ăn....ngủ...rượu....bài... (các cụ thấy có giống con gì không
) Sáng dậy ăn...vạ vật đến trưa lại ăn...rồi chiều lang thang đến tối lại....ăn...đêm thì lờ vờ đi xem ti vi ngoài sân, có rượu thì nhậu....không thì làm vài tụ..rồi ngủ...sáng lại lại...ăn...vòng tuần hoàn cứ luẩn quẩn thế...Một số người có việc làm (cho các tổ chức xã hội hoặc Liên hợp quốc) thì sáng ra cũng lên văn phòng, trưa nghỉ, chiều làm . Em thấy dù sao thì cũng còn có việc để làm. Còn một số khác, chịu khó hơn thì học tiếng Anh, vừa giết thời gian lại vừa thu được kiến thức trong khi chả có gì để làm. Mọi việc gói gọn trong khu trại, xã hội bị thu quá nhỏ...nên có nhiều chuyện xảy ra. Đó cũng chính là lý do, nếu các cụ cùng ở bển về mà ngồi nói chuyện, em dám nói có khi cả năm không hết.
Cuộc sống trong trại nhiều chuyện không nhớ hết, nhưng em ấn tượng nhất là hầu như mọi nhu cầu thiết yếu đều được phục vụ. Buổi sáng có bánh cuốn nóng, xôi...mỳ phở, bún riêu cua...cũng y chang hồi ở nhà. Rượu cũng nấu luôn, "phúc lợi" phục vụ bà con tất tần tật mọi thứ từ cây kim sợi chỉ, thuốc lá...đến đồ ăn như trứng gà, mỳ...Rau thơm (húng quế) được trồng trong chậu và treo ngoài cửa sổ, món nem chạo làm từ bì lợn thì hơi bị nhiều (vì xuất thịt ăn cơm sẽ được cắt miếng bì, xâu vào day thép để làm món nhậu
) Cũng từ món này, nhiều vụ bi hài xảy ra mà ai cũng biết. Hồi đầu, chả ai để ý chuyện đi chôm cái này làm gì. Nhưng về sau, các anh Trật tự thì hay thức đêm, rượu thì có mà mồi lại không. Thế là các anh ấy lượn vài vòng, có xiên bì nào phơi ngoài cửa sổ là..."mình xin" về luôn. Đâu cần làm gì nhiều, bỏ tý dầu rán lên là có mồi ngon. Còn rau thơm cũng thế, xểnh ra mà mất....
Cái vòng luẩn quẩn trong khu trại cấm làm con người ta...ngu dần và hèn mạt. Thanh niên sẵn sàng táng nhau vì một miếng thịt..xiên nhau vì chai rượu..hằn học khi kém miếng pa tê...hý hửng vui mừng vì được thêm nửa cái cánh gà...Câu chuyện quanh bàn trà, chai rượu thì duy nhất là ở thì "quá khứ".. cũng đúng thôi, vì hiện tại thì chả có gì để nói, tương lai mịt mù (tầm nhìn dưới 1m luôn) còn quá khứ thì vô vàn chuyện. Một vài cụ tâm huyết thì bàn bạc chuyện Thanh lọc làm sao để ra được tự do...
Ngày em ở trại 1, vụ ấn tượng nhất là trận Nội chiến HP-ĐS. Đang đêm xảy ra đánh nhau, đàn bà con trẻ thì chạy ra ngoài, còn thanh niên thì bố bảo không dám ra. Đội ĐS bao vây bên ngoài phòng của đội HP, các loại gạch đá, xiên, kiếm tự tạo...được huy động tối đa để ...hành sự. Cái số em nó khổ, ai bẩu ở ngay đúng cái phòng bị bao vây, thế là chịu trận trong phòng. Mà khổ cái, cụ đang ở trong phòng mà ra ngoài thì một là bị xiên, 2 là bị ngay thằng trong phòng nó xiên vì "dám ra với bọn ĐS"
Tiến thoái lưỡng nan.....cả đêm các phòng cố thủ, đội ĐS thì bao vây bên ngoài, đánh nhau náo loạn cả trại... đến gần sáng thì cảnh sát can thiệp, kêu gọi...thấy không ăn thua, lựu đạn cay được bắn vào sân trại để giải tán. Nhưng mà nhầm....đội ĐS lấy ngay lựu đạn cay, thả vào các phòng HP đang cố thủ... Các cụ kinh qua vụ này chắc không bao giờ quên. Bọn em phải lấy khăn mặt, nhúng nước đắp lên mũi để thở. Ngoi ngóp đến gần sáng thì đội HP không thể cố thủ được nữa, nhưng rất may là cảnh sát tràn vào trại để ổn định trật tự. Cả trại ra sân tập trung, phờ phạc như con gián...Một đêm nhớ đời.