Giữa Tây Ban Nha (TBN) và Bồ Đào Nha (BĐN) là hiệp ước Tordesillas năm 1494 (Giáo hoàng Julius II phê chuẩn năm 1506), chia đôi toàn thế giới giữa hai đế quốc này, theo đó quy định từ kinh tuyến đi qua 370 hải lý ở phía tây quần đảo Cape Verde kéo dài về phía đông thuộc quyền "cai quản/khai hóa" của BĐN, kéo dài về phía tây thuộc quyền "cai quản/khai hóa" của TBN. Năm 1529 hiệp ước Zaragosa định ra kinh tuyến đối cực để xác định giới hạn quyền chiếm đóng/phân chia thế giới của hai đế quốc này ở bán cầu Đông. Từ năm 1580 tới năm 1640 thì hai đế quốc này nằm trong Liên minh Iberia (vua TBN cũng là vua BĐN) nên những gì nằm trong vùng "cai quản/khai hóa" của BĐN thì TBN sẽ không xâm phạm và ngược lại. Sau năm 1640 thì liên minh này tan rã, BĐN và TBN trở thành kẻ thù của nhau.
Tuy nhiên, người Hà Lan, Anh, Pháp - những kẻ chậm chân hơn - đời nào công nhận hiệp ước này. Chiến tranh Hà Lan - BĐN (1598-1663) trên biển là một phần của Chiến tranh 80 năm (1568-1648) giữa Cộng hòa Hà Lan và đế quốc TBN/Liên minh Iberia. Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) với đế quốc BĐN đánh nhau liên miên từ Mozambique tới eo biển Hormuz, Ấn Độ, Ceylon, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan nhằm giành quyền kiểm soát con đường buôn bán gia vị trên biển cũng như kiểm soát buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản. Khi đó BĐN có 4 cứ điểm quan trọng là Goa, Bombay, Malacca và Ma Cao. Năm 1619 người Hà Lan chiếm Batavia (Jakarta) làm căn cứ để duy trì cuộc chiến với người BĐN. Năm 1622 Hà Lan định cướp Ma Cao từ tay BĐN nhưng bất thành. Năm 1641 Hà Lan cướp được Malacca từ tay Bồ Đào Nha, cắt đứt trục quan trong nối Ma Cao với Goa/Bombay của BĐN. Cũng trong giai đoạn 1620-1680 xung đột giữa VOC với nhà Minh cũng diễn ra trong khu vực Phúc Kiến, Đài Loan nhằm kiểm soát con đường buôn bán với Nhật Bản nhưng VOC thất bại. Năm 1646 VOC cũng chiến với Tân Tây Ban Nha tại vịnh Manila nhưng cũng nhận thất bại.
Như vậy, có thể thấy do cuộc chiến giữa họ với nhau mà cả BĐN, TBN lẫn Hà Lan đều không đủ lực để có thể đánh chiếm những vùng ít then chốt trên tuyến đường buôn bán Đông - Tây bằng đường biển mà tại đó lực lượng quân sự của các vương quốc có thể đủ mạnh để có thể đập tan ý đồ chiếm đóng của họ.