Sự thành công của Ông, một mặt nhờ làm ăn tín nhiệm, mặt khác nhờ đồng bào vì tinh thần dân tộc sẵn sàng ủng hộ nhà kinh doanh Việt trong buổi sơ khai của nền kinh tế, dám đương đầu với người nước ngoài. Tầm hoạt động của ông không hạn chế ở một ngành nghề. Từ năm 1906, ông còn thầu thuế ở Nam Định, Thanh Hoá, mở hàng cơm ở Thanh Hoá, Công ty rượu ở Thái Bình. Ông còn có kế hoạch mở một nhà máy xay lúa ở Nam Định cùng một nhà máy điện cũng ở tại đây.
Cũng thời điểm đó, ông dự định xây dựng một đường xe lửa nối liền Nam Định – Hải Phòng. Tiếc thay những ý định này của ông không thực hiện được vì chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Năm 1909 đánh dấu một bước tiến trong cuộc đời doanh nghiệp đầy sóng gió của ông, đó là ông bước vào lĩnh vực kinh doanh mới: ngành vận tải đường sông Vào đầu thế kỷ 19, hai hãng của Pháp Messagerie Maritime và Chargeurs Reunis độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Về vận tải đường sông ở Nam Kỳ, có ông Nguyễn Văn Kiệu tranh thương với Hoa Kiều, có tàu chạy đường Sài Gòn – Lục tỉnh. ở Bắc Kỳ có hai hãng của Pháp: Hãng Marty tại Hà Nội có 3 chiếc tàu và một xưởng sửa chữa, hãng Deschwanden ở Hải Phòng có 6 chiếc tàu và một số hãng của người Hoa có khoảng 20 chiếc tàu. Năm đó, hãng tàu Marty mãn hạn hợp đồng chạy thử và chuyên chở khách hàng. Ông Bưởi mướn 3 chiếc tàu của hãng Marty. Lúc này, ông gặp phải các đối thủ đáng gờm là các chủ người Pháp và người Hoa. Họ quyết chí đánh bại ông bằng trăm phương nghìn kế. Người Hoa áp dụng chiến thuật cá lớn nuốt cá bé, hạ giá vé chuyến từ Hà Nội đi Nam định từ 4 hào xuống còn 3 hào để giành khách. ông Bưởi đành phải hạ giá xuống còn 3 xu để cạnh tranh. Hoàn cảnh của Ông lúc đó như đứng bên bờ vực thẳm phá sản. Mướn 3 chiếc tàu 2 nghìn đồng/một tháng, mỗi chuyến tàu chỉ thu được hai mươi đồng. Trong thế “trứng chọi đá” đó Bạch Thái Bưởi nghĩ đến thứ vũ khí mà cả hai đối thủ trên đều không có, đó là tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Bạch Thái Bưởi tin rằng sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của người Việt Nam vốn không ưa gì sự áp chế của ngoại bang. Từ niềm tin đó, ông tìm ra những giải pháp hợp lý như đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện và giá vé hợp lý, cổ động đồng bào sử dụng phương tiện của ông để đi lại, giao thương trên các miền sông nước.
Từ thứ vũ khí đó, ông dần dần mạnh lên và phát triển, thâu tóm được các Công ty vận tải của người Pháp và người Hoa. Năm 1915, ông mua luôn 3 chiếc tàu, cả xưởng sửa chữa và đóng tàu củ A.R. Marty tại Cửa Cấm nay thuộc thành phố Hải Phòng. Năm 1917 hãng Deschwanden phá sản, ông mua hết cả đội tàu 6 chiếc và nhận Deschwanden về làm công. Từ đó, nhiều đội tàu của ông giao thương trên khắp miền sông nước và được giới doanh nghiệp đương thời tặng ông biệt hiệu “chúa sông Bắc kỳ”.
Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… chạy hầu hết các tuyến sông miền Bắc rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippin, Singapore, Trung Quốc. Kinh doanh vận tải đường sông và tiếp đến là kinh doanh hàng hải là lĩnh vực thành đạt nhất trong sự nghiệp của ông. Năm 1928 dự đoán trong tương lai ngành than đá sẽ phát triển mạnh, ông chuyển nhượng lại toàn bộ Công ty tàu thuỷ cho hãng Sauvage để lấy vốn đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (tỉnh Quảng Yên) và một lần nữa, Ông đã thành công. Than của Ông được thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu ra nhiều nước mà khách hàng chính lại là Pháp và Nhật. Ông còn cử đại diện Pháp thương lượng với Trường Đại học Hầm mỏ tuyển dụng trước kỹ sư giỏi, thậm chí đỗ thủ khoa người Pháp, khi tốt nghiệp sẽ sang Việt Nam làm việc cho Ông. Ông còn thâu dụng cả sinh viên người Ba Lan vào làm quản lý ở mỏ. Xuất thân từ người lao động làm thuê nên ông rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của 2500 công nhân làm việc trong công ty mình.
Cùng với đóng góp về phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng thứ hai của Bạch Thái Bưởi thuộc về lĩnh vực văn hoá. Ông bỏ vốn xây dựng nhà in lớn ở Hà Nội thời bấy giờ, mang tên “Đông kinh ấn quán” và xuất bản tờ Nhật Báo khai hoá (số đầu tiên ra ngày 15/7/1921). Trong tôn chỉ của tờ khai hoá ông chỉ rõ: Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau, giữ cho cái cũ biến cải một cách điều hoà lẽ phải, dung hợp cái văn hoá cũ với văn minh mới, giúp vào sự truyền bá và sự tiến hoá của quốc văn cũng là mở mang con đường thực nghiệp..; Hai là, giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng của quốc dân; Ba là, diễn giải những ý kiến, những lợi ích của các công việc Chính phủ đang trù tính. Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệm mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ suý qua tờ Nhật báo khai hoá cũng cùng mục đích với các nhà Duy Tân yêu nước trong phong trào Đông kinh nghĩa thục. Bạch Thái Bưởi không chỉ là tấm gương “làm giàu với hai bàn tay trắng” mà còn mong muốn tất cả người Việt Nam vào con đường thực nghiệp làm giàu. Tuy tờ Nhật báo khai hoá chỉ ra được 22 số rồi đình bản. Nhưng sự khởi động về văn hoá của nó rất tiến bộ và rất đáng được trân trọng. Tiếc thay, ngày 22/7/1932 Bạch Thái Bưởi đã trút hơi thở cuối cùng tại Thành phố Hải Phòng – mảnh đất giúp ông trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ” hưởng dương 58 tuổi. Khi nhận định về ông, Hội khai trí Tiến Đức cho rằng: “Ông là một bậc Vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của ông đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. ứng Hoè Nguyễn Văn Tố – Một bậc túc nho trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh là: “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.
Qua những tài liệu lịch sử còn lưu dữ những ý kiến đánh giá, phân tích của các giáo sư sử học, ta có thể nói Bạch Thái Bưởi là một người yêu nước với câu nói bình dị mà hàm chứa lòng tự hào dân tộc “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam”, phải chăng đây là tiền ý của câu nói sau này chúng ta thường dùng: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Chí khí quật cường của nhà doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với tư sản mại bản thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc của ông được thể hiện rõ tại Hội nghị Kinh tế Tài chính Bắc Trung Nam, Bạch Thái Bưởi đã đứng lên bênh vực các nhà tư sản dân tộc, công kích chính sách thuế của nhà nước bảo hộ Pháp, Viên toàn quyền Robin nổi nóng giữa hội nghị và doạ Bạch Thái Bưởi: “Chỗ nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Bạch Thái Bưởi liền trả đũa: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”. Câu nói này có thể xếp cùng dòng tư duy với câu nói nổi tiếng trong lịch sử đời Trần: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, hoặc câu nói của Trương Công Định: “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Tính độc lập tự chủ trong kinh doanh của ông phải chăng đã được khởi nguồn từ tính độc lập dân tộc trong dòng máu của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Sự nghiệp của Ông, những thành công trong kinh doanh của Ông luôn gắn với tinh thần dân tộc, thể hiện lòng tự hào dân tộc và cũng do biết phát huy tinh thần dân tộc, mà Ông đã vượt qua những khó khăn, đưa Ông đến những thành công. Ngày nay, giới Doanh nhân nước ta coi ông như là một tấm gương sáng để noi theo.