Em đang sống ở CH Séc và gần nhà em cũng có một cô giáo đang giảng dậy ở trường đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển, nên em cũng hiểu phần nào. Em nói sơ qua về mô hình giáo dục ở bên này để mọi người có thêm thông tin về những xã hội ở ngoài Vn chúng ta.
Vì giáo dục ở bên đây là miễn phí đối với mọi người tới 26 năm, nên trẻ chậm phát triển hay bị những bệnh khác như tự kỷ (ASD), thiểu năng, ... cũng được nhà nước hỗ trợ như người bình thường. Ngoài ra xã hội cũng luôn tạo điều kiện cho các cháu nhỏ có thể hòa nhập lại với cộng đồng. Theo thống kê của Séc năm 2009 cứ 110 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ từ dạng nhẹ tới dạng nặng.
Khi trẻ em vào mẫu giáo, các cô vừa có nhiệm vụ chăm sóc dậy dỗ các em, vừa có trách nhiệm theo dõi và để ý phát triển của trẻ. Nếu cô thấy em nào có biểu hiện không bình thường thì có quyền yêu cầu phụ huynh đưa con tới gặp bác sỹ tâm lý của sở giáo dục để kiểm tra.
Bác sỹ tâm lý sẽ khám, kiểm tra và đưa ra kết luận, thường là theo các mức thang sau:
1. Trẻ bình thường, được theo học đúng trình độ nhận thức.
2. Trẻ có hiện tượng thiểu năng dạng nhẹ, vẫn được phép học trường bình thường cùng các bạn khác, nhưng có sự quan tâm đặc biệt của cô giáo.
3. Trẻ có hiện tượng thiểu năng mức cao thì phải học trong trường đặc biệt, có giáo viên và bác sỹ tâm lý giảng dậy và theo dõi, có thể được phép nội trú theo luật giáo dục.
4. Trẻ thiểu năng ở mức độ vừa học trong trường đặc biệt và vừa được kết hợp điều trị tại nhà để hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Sau khi trẻ có được giấy đánh giá của bác sỹ tâm lý thì sẽ quay lại lớp cũ học nếu bình thường, hoặc phụ huynh cầm quyết định đó tới trường đặc biệt để đăng ký theo mức độ phù hợp theo yêu cầu của bác sỹ.
Ở Séc thì gần như mỗi huyện, hay thành phố từ 15 tới 20 ngàn dân cư sinh sống trở lên là có 1 trường mẫu giáo kết hợp phổ thông thành cho trẻ em chậm phát triển, gọi là trường đặc biệt. Giáo viên trong trường đều là những người ngoài trình độ sư phạm còn có bằng về tâm lý. Ngoài ra bắt buộc trong trường phải có bác sỹ tâm lý cũng như những hộ tá, điều dưỡng riêng.
Em cũng từng có kinh nghiệm gặp gỡ bác sỹ tâm lý khi đăng ký cho nhóc thứ 2 nhà em vào lớp 1. Cháu sinh 10.9 nên đúng theo luật giáo dục là tháng 9 năm sau mới đủ tuổi vào lớp 1. Nhưng mẹ cháu muốn cháu vào nhập học luôn năm đó nên em phải tới trường phổ thông đăng ký học cho cháu. Sau đó xin giấy giới thiệu của trường để tới bác sỹ tâm lý kiểm trả.
Sau khi có lịch hẹn, hai bố con tới gặp bác sỹ trong trường đặc biệt. Bác sỹ kiểm tra và đánh giá trình độ nhận thức của con em. Rồi bác sỹ viết quyết định gửi cho trường là cháu đủ sức khỏe về tầm lý để tháng 9 này vào học. Ngoài lề chút về việc này, đợt đó tới khám cùng con em, cũng có mấy phụ huynh đưa con tới kiểm tra. Nhưng họ lại muốn con họ học chậm lại 1 năm. Nghĩa là năm nay đúng ra đủ tuổi vào lớp 1, nhưng họ xin cho con ở lại mẫu giáo thêm 1 năm nữa. Nên cũng phải có giấy đánh giá của bác sỹ.
Thế nên theo em thấy, ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu nhỏ của giáo viên, thì việc quan tâm theo dõi và chăm sóc của cha mẹ là rất quan trọng với sự phát triển của các con. Không ai hiểu rõ con mình bằng cha mẹ cả. Và cũng không ai đồng hành cùng các con để vượt qua những căn bệnh nghiệt ngã này bằng cha mẹ. Có những người cha, người mẹ đã đánh đổi bằng mọi giá để tìm lại nụ cười và cuộc sống bình an cho các con.
Em lan man chút vì thấy có nhiều cụ nặng lời với những thầy cô giáo ở Vn khi trong lớp gặp những trẻ tự kỷ. Xã hội Vn chúng ta phát triển vẫn chưa đồng đều, ngay là cả ở những thành phố hàng đầu. Nên thay vì chửi bới xã hội chưa đảm bảo, chúng ta mỗi người hãy tự tìm hiểu, cảm thông và nếu được hãy góp sức bằng cách thực sự coi tự kỷ là 1 căn bệnh cần phải điều trị kịp thời, nhất là từ khi còn nhỏ.