(GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 1:
ĐOÀN Z – PHI CÔNG BẮC TRIỀU)
BÀI 1:
LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN Z – TRANG BỊ - VÀ BIÊN CHẾ
1/ Tài liệu Lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Phông QUTƯ, Hồ sơ 433, về:
“Kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đề nghị của Triều Tiên cử một số phi công sang Việt Nam chiến đấu”:
Tại Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 21 tháng 9 năm 1966, đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo: Bạn Bắc Triều đề nghị cử một đơn vị không quân tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu, sẽ tổ chức thành từng đại đội nằm trong đội hình trung đoàn không quân của
ta, mặc quân phục Việt Nam, cùng sử dụng một sân bay. Bạn có thể đưa sang nhiều nhân viên kỹ thuật, nhưng vấn đề bảo đảm kỹ thuật mặt đất, bảo đảm vật chất hoàn toàn do ta phụ trách.
Sau khi Thường trực Quân ủy Trung ương thảo luận, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị kết luận: Bộ đội không quân Triều Tiên mang danh nghĩa là chuyên gia, nhưng thực chất là quân tình nguyện. Vì vậy, ta phải đoàn kết tôn trọng bạn, nhưng phải giữ vững chủ quyền. Trong quá trình huấn luyện và chiến đấu, ta cần chỉ rõ phạm vi hoạt động của bạn, chỉ định sân bay chính, sân bay dự bị. Trong chỉ huy, ta là cấp trên của bạn, nhưng tại trung đoàn bạn sẽ trực tiếp chỉ huy, có đại diện của ta để giao nhiệm vụ. Đại tướng yêu cầu hiệp đồng giữa hai bên phải rõ ràng, rành mạch để tránh những phức tạp không đáng có về sau.
2/ Tài liệu Lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Phông BQP, Hồ sơ 1119, về:
“Ký Nghị định thư về việc Triều Tiên cử một số phi công sang chiến đấu chống đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam”.
Theo thỏa thuận về nguyên tắc giữa hai Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Lao động Triều Tiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo ngày 21 tháng 9 năm 1966 của Thường trực Quân ủy Trung ương, từ ngày 24 đến 30 tháng 9 năm 1966 tại Hà Nội, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Xuê Quang làm trưởng đoàn, tiến hành hội đàm trong bầu không khí chân thành và đã ký Nghị định thư gồm 6 vấn đề cụ thể sau:
1- Cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11 năm 1966 phía Triều Tiên sẽ cử sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách 1 đại đội máy bay MiG17 của Việt Nam (đại đội gồm 10 chiếc máy bay). Cuối năm 1966 hoặc đầu năm 1967, khi phía Việt Nam chuẩn bị đủ máy bay, phía Triều Tiên sẽ đưa sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách đại đội MiG17 thứ hai của Việt Nam. Trong năm 1967, khi nào phía Triều Tiên đã chuẩn bị xong chuyên gia và phía Việt Nam chuẩn bị được máy bay, phía Triều Tiên sẽ cử thêm sang Việt Nam một số chuyên gia đủ để phụ trách 1 đại đội máy bay MiG21 của Việt Nam.
2- Để thuận tiện cho việc quản lý nội bộ và chỉ huy chiến đấu, các chuyên gia Triều Tiên sẽ tổ chức thành các đại đội và tiến tới một trung đoàn. Khi chưa tổ chức thành trung đoàn, các đại đội chuyên gia Triều Tiên sẽ biên chế vào một trung đoàn của không quân Việt Nam và sẽ bố trí ở cùng sân bay với trung đoàn đó. Khi phía Triều Tiên đã có đủ 3 đại đội sẽ tổ chức thành 1 trung đoàn và sẽ bố trí ở sân bay riêng.
3- Các đại đội chuyên gia nằm trong trung đoàn không quân Việt Nam sẽ do Ban chỉ huy trung đoàn đó chỉ huy và dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.
4- Việc tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị không quân, giữa không quân và cao xạ, tên lửa sẽ tiến hành theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.
5- Mọi vấn đề bảo đảm chỉ huy, bảo đảm kỹ thuật như: Bảo đảm thông tin, bảo đảm kỹ thuật cho máy bay, v.v... đều do phía Việt Nam phụ trách.
6- Phía Triều Tiên sẽ chuẩn bị về mặt huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cơ bản cho các chuyên gia tại Triều Tiên, khi sang Việt Nam chỉ tiến hành huấn luyện ứng dụng cho thích hợp với điều kiện chiến trường, thời tiết và đối tượng tác chiến.
Ngoài ra, Nghị định còn thống nhất các vấn đề về bảo đảm cho các chuyên gia Triều Tiên về nhà ở, sinh hoạt vật chất, phương tiện đi lại, phục vụ y tế, chế độ chính sách và khen thưởng.
3/ Công tác Đảm bảo cho Đoàn Z:
+++ Ngày 9/2/1967:
Thượng tá Hoàng Ngọc Diêu, quyền Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân ký quyết định 14/TM-QL điều trung đoàn 923 rời khỏi sân bay Kép, bàn giao lại căn cứ cho trung đoàn KQ Triều Tiên (mang mật danh đoàn Z). Trung đoàn 923 trở về đóng tại sân bay Gia Lâm, đồng thời có 1 bộ phận cơ động chiến đấu từ sân bay Kiến An và Hòa Lạc.
+++ Ngày 27/3/1967:
Quân chủng Phòng không – Không quân ra quyết định 60/TM-QL điều 6 MiG-17F K56 và 2 MiG-17PF của trung đoàn 923 cho Đoàn Z, KQ Bắc Triều.
Để đảm bảo hoạt động của KQ Bắc Triều, trung đoàn 927 (đoàn Z) được thành lập do thiếu tá Đỗ Hữu Nghĩa làm trung đoàn trưởng, thiếu tá Mai Đức Toại làm chính ủy. Đoàn Z đảm nhiệm chiến đấu trên vùng trời đông bắc và tuyến giao thông Hà Nội-Lạng Sơn.
+++ Ngày 24/3/1967:
Theo quyết định số 014/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư Lệnh Không quân, thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân được thành lập, do thượng tá Nguyễn Văn Tiên làm Tư lệnh, thượng tá Phan Khắc Hy làm chính ủy, thượng tá Hoàng Ngọc Diêu làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng và thượng tá Đào Đình Luyện làm Phó Tư lệnh về huấn luyện.
+++Theo quyết định 492/TM-QL ngày 1/5/1967 do đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân ký, thì Bộ Tư lệnh Không quân mang phiên hiệu công khai là sư đoàn 371 (đoàn Thăng Long), biên chế gồm các trung đoàn 919, 921, 923, và…….Đoàn Z;
Bộ Tư lệnh Không quân quản lý 7 sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Kép, Hoà Lạc, Kiến An, Thọ Xuân, Vinh. Trong đó tiêm kích có trung đoàn 921, 923 (VN) và Z (Bắc Triều), phi công MiG có 64 người và 1600 thợ máy.
+++ Sau tất cả công tác chuẩn bị, đến đầu năm 1967, Đoàn không quân chiến đấu CHDCND Triều Tiên với gần 150 người đã sang Việt Nam.
Đoàn được giao cho Trung đoàn 923 (đóng tại Kép, Lạng Giang, Bắc Giang) quản lý. Toàn bộ máy bay, lương thực, thuốc men... do quân đội Việt Nam cung cấp.
Trong số quân nhân Triều Tiên, 24 người được giao máy bay chiến đấu (14 người được giao máy bay MIG 17B, 10 người được giao MIG 17C).
Còn lại là 113 người thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chính trị, hậu cần dưới sự chỉ huy của thượng tá Kim Chang Xơn.
= = > Cho đến lúc này, tất cả mọi việc đã hoàn tất.
Và Đoàn Z – Phi công Bắc Triều chính thức bước vào chiến đấu.
HÌNH MINH HỌA
Chụp ảnh lưu niệm với đoàn không quân CHDCND Triều Tiên, sau buổi trao đổi kinh nghiệm ngày 4-6-1968 tại sân bay Kép. Người ngồi hàng đầu (thứ tư từ phải sang) là chính ủy Bộ tư lệnh không quân Phan Khắc Hy. Bên phải và bên trái ông Phan Khắc Hy là đoàn trưởng và đoàn phó đoàn không quân CHDCND Triều Tiên .