GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 49: KHÔNG QUÂN VIỆT NAM THAM GIA ĐÁNH PỐT NĂM 1975
(PHI ĐỘI QUYẾT THẮNG THAM GIA GIẢI PHÓNG ĐẢO VAI (POUPLO WAI)-KẾT THÚC CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM )
Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng trên mặt trận tây nam, xin đăng bài của ĐẠI TÁ-PHI CÔNG TỪ ĐỄ-AHLLVT, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4 E 923, nòng cốt của Phi đội Quyết thắng ghi lại trận đánh đảo Wai.
********
Ngày 2/5/ 1975 sau khi tiếp thu sự đầu hàng của quân Sài gòn tại vùng 4 chiến thuật ( đồng bằng sông Cửu long ) chúng ta về cơ bản giải phóng hoàn toàn miền Nam . Tuy vậy hãy còn 2 điểm mà quân Pôn pốt lợi dụng lúc quân Sài gòn thất trận đã đổ bộ chiếm giữ : quần đảo Thổ chu và Pouplo Wai ( đảo Ông và đảo Bà ).
Cụm đảo Wai này nằm ở vị trí tiền tiêu xa nhất của Việt nam ,cách phía tây đảo Phú quốc chừng 120km , cách đảo Thổ Chu khoảng 100 km về phía tây – bắc, nằm trong vịnh Thái lan ( Các bạn lên G-map tìm hai đảo này ). Đây là 2 đảo đá mang tên Pouplo Wai , tên Việt nam là đảo Ông và đảo Bà , hai đảo này cách nhau chừng 7 cây số . Lúc đó mỗi đảo có 1 tiểu đoàn Pôn pốt chiếm giữ , chúng làm công sự chiến đấu ngầm , cài mìn trên các hướng ta có thể tấn công , có cả pháo nhẹ như DKZ , cối chi viện lẫn nhau .
Sau khi ta đánh chiếm lại đảo Thổ chu từ tay quân Pôn pốt, Bộ quyết định tấn công giải phóng cụm đảo Wai . Sở chỉ huy hỗn hợp của ta nằm trên 1 pong-tông có chỗ cho trực thăng đáp bao gồm đại diện Quân khu 9, trung đoàn 1 bộ binh cuả sư đoàn 330, Không quân ta do phó tư lệnh thượng tá anh hùng Trần Hanh chỉ huy . Trung đoàn 937( được thành lập ngày 21/ 5/1975) nhanh chóng cử 1 bộ phận lực lượng cơ động ra đảo Phú quốc ( gồm các máy bay trực thăng vũ trang UH 1 và máy bay trinh sát U17) để tham gia chi viện hỏa lực , trinh sát , tìm kiếm cứu nạn và chỉ huy trên không
Lúc này các thành viên phi đội Quyết thắng đã được bổ nhiệm sang các vị trí mới tại trung đoàn 937, họ lại vinh dự được trở lại vai trò trụ cột trong chiến dịch giải phóng cụm đảo cuối cùng của Tổ quốc .Sau khi thông báo về quyết định của Bộ thành lập trung đoàn, lực lượng A37 của trung đoàn được lệnh chuyển từ Biên Hòa xuống Cần thơ. Chúng tôi tham gia ngay các trận chiến đấu bảo vệ biên giới và tập trung chuẩn bị tham gia chiến dịch then chốt giải phóng cụm đảo Wai. Lúc này ta mới có 6 máy bay A 37 , 10 UH 1, 5 U17 hoạt động được (Trong biên chế của trung đoàn 937 lúc đó có tới 200 chiếc gồm 60 máy bay A 37 , 140 máy bay trực thăng –trinh sát – vận tải các loại ) . Công việc thật ngổn ngang : dồn dịch , sửa chữa máy bay , ổn định tổ chức, công tác bảo vệ an ninh , tổ chức đảm bảo các mặt .Toàn Trung đoàn vừa huấn luyện chuyển loại cho thợ máy , phi công từ miền Bắc vào khai thác máy bay A 37 , UH 1, U17 , CH 47 , vừa lập phương án chiến đấu theo nhiệm vụ bảo vệ phía nam .
Khi nhận nhiệm vụ tham gia giải phóng đảo chúng tôi xác định đây là đợt hoạt động chiến đấu chi viện trực tiếp đầu tiên cho bộ đội mặt đất của không quân ta . Tuy đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, nhưng trước chiến dịch này xuất hiện một câu hỏi :” chúng ta đánh ai ?”. Đồng chí Lê Tùng , đại úy chính ủy trung đoàn và đồng chí đại úy Trương Bính chủ nhiệm chính trị đi lại , phân vân trước khi ra hội nghị đảng ủy trung đoàn để quán triệt nhiệm vụ . Lúc này , trung đoàn trưởng ,anh hùng phi công số 1 của không quân Việt nam ,thiếu tá Nguyễn văn Bảy ‘A” , nói thẳng tuột :’ Ai cứ đụng đến đất của ông bà để lại là mần ngay , Pôn pốt nó tàn sát hết dân trên đảo Thổ chu rồi , quân ta mới ra cứu – thế thì còn bảo vệ dân gì nữa . Lệnh trên đã có, đánh thôi , khỏi bàn mất công nữa! “.
Lực lượng phi công của trung đoàn tuy đủ biên chế từ các đơn vị bay tập họp lại , mặc dầu anh em đã có nhiều kinh nghiệm bay và chiến đấu trên máy bay Mig 17, Mig 19 qua những năm tháng chống không quân Mỹ, nhưng giai đoạn này đang học lí thuyết chuyển loại. Mặt khác đa số phi công chưa bay biển mà thời tiết tháng 6 lại mưa nhiều , tầm nhìn kém. Đây là một thách thức không nhỏ, ngay cả đối với các phi công giáo viên bay biển có kinh nghiệm như anh Nguyễn văn Lục , Hán văn Quảng . Cự li từ sân bay Cần thơ ra đến đảo Ông, Đảo Bà là trên 300km trong đó cự ly bay trên biển là 200km, phi công phải tự dẫn đi và về, vì không có ra đar , thiết bị dẫn đường mặt đất TACAN bị phá hỏng , ngoài ra, địa hình chưa quen , gió lại lớn nên riêng việc bay đến đúng khu vực đảo cũng là một khó khăn.Trong thời điểm khó khăn đó, “cái khó, ló cái khôn “- tôi đề xuất sử dụng máy liên lạc bộ binh PRC 25 làm đài điểm trên pông- tông hỗ trợ cho dẫn bay nên cũng làm yên lòng anh em một chút .
Chúng tôi bàn kế hoạch đánh đảo với 3 nhiệm vụ chính: dọn bãi đổ bộ , làm sạch đường lên đỉnh núi trên đảo , tiêu diệt SCH của cụm đảo . Phương án mang vũ khí gồm: sử dụng bom khoan đánh tiêu diệt quân địch trong công sự ngầm , dùng các loại bom khác đánh vào sở chỉ huy trên đỉnh núi và đánh dọn baĩ đổ bộ , dùng bom phá kết hợp bom cháy dọn đường trên hướng tấn công chính của bộ binh . Chi tiết hơn, chúng tôi nghiên cứu, tập trung bàn về kỹ thuật ngắm mục tiêu. Lúc đó có 2 phương án đưa ra : bằng động tác bổ nhào hoặc bay bằng cắt đồng thời 2 quả một . Dù bằng kỹ thuật nào cũng đòi hỏi độ chính xác cao, vì trên vùng núi bom thả ra vọt trước hay tụt sau chút ít cũng đều rơi xuống tận chân núi. Ngoài biển khơi xa, gió lại lớn nên việc xác định điểm ngắm bù trừ cũng phức tạp, kể cả chi tiết, khi chọn hướng tấn công cũng phải tránh vùng quân ta đã chiếm được , không để sai sót.
Sau khi họp đảng ủy , trung đoàn quyết định lực lượng chính tham gia trận đánh sẽ chủ yếu chọn trong số đã tham gia phi đội Quyết thắng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975, ngoài ra chọn thêm một số phi công đã bay chuyển loại thành công và bay biển thành thạo . Một số phi công của không quân Sài gòn cũ như các anh Trần văn Sanh , Nguyễn văn On , Nguyễn thành Trung lại chưa biết bay biển là gì, nên chúng tôi bổ xung các phi công đã bay biển trên Mig 17 tham gia bay cùng như trung úy Tạ Đông Trung ( liệt sĩ - anh hùng LLVT ), trung úy Vũ khởi Nghĩa ( bí danh Nghĩa voi” ), trung úy Âu văn Hùng ( Anh hùng LLVT) , thượng úy Trần cao Thăng ( bí danh “ thằng cao chân “).
Sau đợt tấn công mở màn của bộ binh ngày 4/6/1975, quân ta chỉ chiếm được một góc đảo Ông và phần lớn đảo Bà rồi dừng lại phòng ngự . Mặc dù trực thăng và tàu hải quân đã chi viện hết mức, nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch và Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo : “phải sử dụng A 37 để giải quyết dứt điểm” .Thực ra , với các loại vũ khí trang bị trên trực thăng UH- 1 như súng đại liên 6 nòng minigun 7,62mm , dàn rốc két , cộng với pháo 37mm trang bị trên các tàu Hải quân không thể chế áp nổi hệ thống công sự phòng ngự ngầm của quân Pôn pốt . Bộ Tư Lệnh Quân chủng PKKQ quyết định đưa lực lượng “ chiến lược” -máy bay ném bom hạng nhẹ A 37 mới thu được của không quân Sài gòn vào giải quyết trận này . Thực ra MiG- 21 lúc này cũng không tham gia được vì cự li xa và chưa từng bay ném bom và bay biển như phi công Mig 17.
Ngày 9 tháng 6 năm 1975 bắt đầu chiến dịch . Trước khi đánh 1 giờ, chúng tôi tổ chức trinh sát khí tượng , phi công bay khí tượng báo về trời đầy mây, mưa giông , đáy mây thấp . Ở khu vực chiến đấu, máy bay trinh sát U 17 bay quần thảo nhiều vòng, luôn báo thời tiết mưa , tầm nhìn dưới 1 km ! Như vậy, ngày đầu tiên không xuất kích được . Đồng chí phó tư lệnh binh chủng không quân, thượng tá anh hùng Trần Hanh từ Sở chỉ huy tiền phương trên pong- tông sốt ruột điện cơ yếu về : “Mai trời hửng lên là tranh thủ đánh ngay , nếu không, địch kịp thời bổ xung lực lượng lớn ra chi viện thì tình hình còn phức tạp hơn do phải phân tán lực lượng tiến hành hải chiến trên biển . Nếu ngày mai trời xấu một chút SCH chúng tôi cùng anh em phi công trinh sát sẽ cố gắng chọn thời cơ khi trời hửng lên và chỉ điểm mục tiêu tốt cho trung đoàn để giải quyết dứt điểm đảo này, tập trung vào đảo Ông còn đảo Bà dành cho trực thăng . Chú ý là tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ vẫn lảng vảng gần khu vực này để hỗ trợ cho tàu di tản “ . Anh em chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ tiến hành trận đánh, nên tập trung chuẩn bị kỹ mọi phương án trong điều kiện thời tiết không thật tốt.
Hôm sau, ngày 10 tháng 6 , Phó tư lệnh Trần Hanh ra lệnh qua điện 4 số :” Cất cánh đánh luôn , 10h trời sẽ tốt lên , PRC sẵn sàng !”... Cả sân bay Cần thơ tràn ngập không khí trước trận chiến đấu, mọi hoạt động nhộn nhịp hẳn lên (kể cả các anh nhân viên kĩ thuật không quân Sài gòn làm việc trong sân bay ) vì đã lâu rồi họ mới có dịp thể hiện cái không khí thời chiến trước kia.Trên sân đậu máy bay, các xe MD3 cung cấp điện cho máy bay khởi động ầm ầm , thợ máy đi rút chốt an toàn của máy bay , mở nắp mũi, tháo chốt an toàn súng máy , lắp kíp nổ và cài chốt cho các loại bom , đặt các chốt tam giác vàng –đen báo nguy hiểm trước mũi máy bay , phi công mặc áo phao màu cam với đai dù bó chặt bên ngoài lúi húi cùng thợ máy lắc bom và kiểm tra vũ khí , hai chiếc xe cứu hỏa hú còi chạy ra vị trí trực sát đường băng… ..
Một phát pháo hiệu màu xanh vút lên từ đài chỉ huy , giọng của thượng úy Nguyễn văn Tài , chỉ huy bay vang trong tai nghe mới long trọng làm sao khi điểm danh : “ Cửu long , 06 “ có tiếng trả lời của anh Lục “ 06 , tốt “ , tiếp theo là câu trả lời háo hức của các anh Hoàng mai Vượng , anh Hán văn Quảng , anh Nguyễn Thành Trung , anh Trần văn On. Theo lệnh từ Đài chỉ huy, các máy bay A-37 đồng loạt nổ máy và nặng nề lăn ra đường băng , nối đuôi nhau từng đôi một” lặc lè “ rời đất . Sân bay Cần thơ vốn ngắn , hẹp nên mỗi máy bay chỉ đeo 4 quả bom phá ( bom khoan ) nhỏ hoặc 2 quả bom to, kết hợp động tác mở màn che động cơ ngay từ lúc bắt đầu chạy đà ( screen- đây là tấm lưới thép che đường hút khí động cơ khi cất cánh , phòng ngừa đá sỏi hút vào động cơ. Tấm lưới này làm giảm lực đẩy động cơ . Nó tương tự như lưới của Su ngày nay ) . Đội hình chiến đấu gồm 6 chiếc chia thành 2 tốp chiến thuật cách nhau chừng 4 phút : tốp đầu đánh sở chỉ huy trên đỉnh núi , tốp sau đánh dọn đường tiến cho bộ binh ..
Đội hình cất cánh lên, hướng về phía mục tiêu, lúc này trời đầy mây , chúng tôi dàn đội hình xuyên lên tới 10,000 feed ( 3000m) ,chỉ khi bay qua đảo Phú quốc trời bớt mây chúng tôi mới chọn chỗ trống giảm độ cao xuống 3000 feet ( 1000m).Lúc này, trước mắt các phi công một bức tranh cực đẹp hiện ra - biển bao la , mặt biển phẳng như gương, không thấy tàu lớn hoặc tàu chiến nào chạy trên biển cả chỉ toàn tàu cá nhỏ bé – tôi thở phào vì không lo đối phó với tên lửa từ tàu Mỹ bắn lên ( năm 1972 tại Quảng bình, tôi đã chứng kiến mức độ phản ứng cực nhanh của hệ thống tên lửa Talos phóng lên từ tàu khu trục hộ vệ HIGBEE ), kèm theo một thoáng so sánh : biển ở miền Tây Nam Bộ cũng mênh mông như biển miền Bắc nhưng trong xanh hơn , nhiều thuyền đánh cá hơn; thật đáng tự hào khi được đi chiến đấu để giành và giữ không gian đẹp như tranh này.
Khi cách đảo khoảng 5 phút bay, tôi giảm tiếp độ cao và nhận ra hai hòn đảo bé tí tẹo nằm chơi vơi giữa biển khơi – mừng hết lớn !. Trong ống nghe vang lên giọng của Phó tư lệnh Trần Hanh :” gió tây 270 , cho phép ném bom , 06” , xen lẫn chỉ dẫn mục tiêu đặc sệt giọng nam bộ của trung úy phi công Đoàn Hồng Quân ( anh Ba Quân quê Bạc liêu ,vốn bay MiG-17 với tôi ở trung đoàn 923, lúc này chuyển sang lái máy bay trinh sát 4 chỗ ngồi Cessna U17 , sau này anh chuyển sang lái máy bay An 26 của trung đoàn 918 ) “ U17 , 64 đây , Quân đây , 06 , tôi nhao vô anh chú ý nhé “, sau đó giọng anh Ba Quân lại vang lên :” 06 , thấy khói chưa “ .Lát sau nghe tiếng báo cáo của anh Cam , phi công trực thăng cấp cứu :” UH- 1: “266 cấp cứu , cất cánh vàò khu chờ “ , rồi khẩu lệnh xin phép bổ nhào của anh Nguyễn văn Lục :” 06 , thấy khói , vào “ ( do chúng tôi mở 2 kênh liên lạc cùng một lúc ).
Tôi nghe giọng các anh tốp trước lần lượt vang lên trong tai nghe :” trúng rồi “ mà lòng gợn chút căng thẳng, lo lắng cho biên đội mình liệu có ném trúng không . Tôi chỉ huy tốp cuối, khi tốp của tôi bay vào tới đảo thì không thấy dấu vết bom đạn gì cả, mặc dù anh em tốp trước đã cắt hết bom , đảo vẫn xanh tốt ! Tôi nhào vào ném bom dọc theo sống núi nơi có con đường độc đạo lờ mờ , cắt xong vọt lên thì thấy 1 vệt cháy chạy dài từ đỉnh núi xuống chân núi dọc theo hướng tấn công của bộ binh . Trong tai nghe vang lên giọng nói của anh “Hăng ri “ Thọ , chỉ huy bay tại SCH hỗn hợp trên pong- tông:’ Trúng rồi , vào bắn đi rồi quay về hướng 90”. ( Đại úy Nguyễn văn Thọ là 1 phi công học sinh miền nam tập kết , đã bắn rơi 1máy bay của Hải quân Mỹ năm 1967 và anh đẹp trai như tây ) . Sau khi điều chỉnh máy ngắm cho chế độ bắn súng , tôi bổ nhào tấn công lần 2 . Chờ mục tiêu nằm gọn trong vòng ngắm , tôi bóp cò dài và 1 quầng lửa bao trùm mũi máy bay – 1 dây lửa của “đạn vạch đường- Tracing” trùm lên mục tiêu SCH, nhưng quan sát không thấy biểu hiện gì là mục tiêu đã trúng đạn cả .Tôi nghi ngờ : cả 2 nghìn viên mà sao lại chẳng thấy trúng gì cả ?. Tắt công tắc vũ khí , tôi thầm nhủ :” anh Thọ lại động viên rồi , mấy lần trước anh cùng kêu vậy với các tốp khác mà mình có nhìn thấy gì đâu “
Với ý nghĩ như vậy, sau khi hạ cánh ,tôi hỏi anh thượng úy Hán văn Quảng :” tôi đi sau chẳng thấy vết nổ đâu cả , ông ném xuống đâu ?” Anh Quảng cười :” Rừng rậm như vậy thì bom khoan làm sao gây cháy được , ném xong chỉ thấy chớp và một ít khói bốc lên thôi , Anh Trung ném hụt bom rơi xuống chân núi , tôi tính gió ngược nên nhấc điểm ngắm lên một chút thảy 2 quả - nó vọt qua sở chỉ huy trên đỉnh đồi ,nổ tít dưới khe ! tuy đã lường trước cái khó của ném bom trên vùng núi nhưng cũng vẫn vấp phải !, Lần sau chỉnh lại mới trúng 2 quả . Còn bắn vào khu mục tiêu đúng là như muối bỏ bể , chẳng thấy gì “. ( Sau khi giải phóng đảo , tôi có lên khu sở chỉ huy của quân Pôn pốt thì thấy mái tôn cháy đen , thủng lỗ chỗ ; cột cờ đổ gục gãy thành 3 đoạn). Theo lời khai của tù binh bắt được thì chúng sợ nhất là sau khi bị máy bay ném bom khoan , chạy lên thì dính đạn như vãi trấu – Sau này trong tác chiến, các phi công A 37 khi ném bom xong không bao giờ hô “ cháy rồi “ mà chỉ nói “ ném bom xong “vì biết quân đich đâu có xăng dầu , bom đạn nên không thể hiện vết cháy nổ . Với hiệu lực của trận tấn công của A-37, trận này ta đã chiếm gọn đảo Hòn Bà , trung đoàn lại phái 2 trực thăng vận tải CH-47 cẩu 2 khẩu pháo 105mm và đạn từ Phú quốc ra đảo Bà để chuẩn bị hỏa lực chi viện trực tiếp cho đánh chiếm đảo Ông ngày hôm sau .
Chiều ngày 12-6-1975 chúng tôi đánh đợt hai trong ngày . Mây mưa đâỳ trời , biên đội ba chiếc anh Nguỹên văn Lục, anh Hán văn Quảng và Hoàng mai Vượng đi đầu bay ra biển , thấy có mây dông to trước mặt ( mây CB ) họ cố gắng tăng ga vượt qua nhưng chỉ đạt đến độ cao 12,000 feed ( 4,000m) thì đành hô nhau cải bằng ( máy bay A 37 vốn nặng nề và chỉ thường xuyên bay ở độ cao dưới 3,000m ) cùng chui vào mây . Do anh Lục , anh Quảng đã bay trong mây nhiều nên không sao . Ra khỏi mây thì không thấy anh Hoàng mai Vượng đâu cả , gọi mãi thì anh Vượng nói gấp :”Tôi đang ở độ cao 3,000 ft “.Tôi đi sau nghe thấy vậy , dẫn đội cúp ga lủi ngay xuống dưới mây khoảng 2,000 feet, bay trong mù và mưa nhỏ . Trận này biên đội tôi chỉ đủ dầu ném 2 trái bom và bỏ nhiệm vụ bắn súng máy . Về tới Cần thơ anh Vượng mặt mũi còn trắng bệch ,quần áo ướt đẫm ( tuy máy bay A 37 có hệ thống điều hòa rất tốt ), nói thở không ra hơi :”Chu cha , trời cứu tôi các ông ạ , chui vào mây mưa nó hất tôi lên , quật tôi xuống , máy bay lộn nhèo , khi thoát ra khỏi mây thì độ cao từ 12,000 còn 3000 feet ( 1000m ), bụng ngửa lên trời !. Anh Lục động viên bình tĩnh và chỉ cho tôi hướng đến mục tiêu , tự đánh và sau lại tập họp được đội hình thoát li trận đánh”.
Ngày thứ ba 13/06 /1975 chúng tôi lại đánh đợt cuối tập trung vào khu vực SCH trên đỉnh núi , cả khu vực trên đỉnh núi đã cháy xém hết vì bom. Lần này đánh theo yêu cầu của bộ binh – kêu đâu đánh đó . Sau khi các mục tiêu theo yêu cầu đã đánh hết, Tôi báo cáo anh Nguyễn văn Thọ , chỉ huy chiến đấu hiệp đồng với bộ binh trên pong- tong :
” 09, tôi thấy dọn sạch rồi , còn cần gì anh chỉ thị diệt nốt “
Anh Nguyễn văn Thọ trả lời ngay :
” Cửu long 8 , 09 , anh thấy cái cột cờ trắng trên sở chỉ huy của nó không ? “.
Tôi ngó xuống thấy cái cái cột cờ trắng còn chưa bị đánh gãy trên đỉnh núi , bèn trả lời :
“09, tôi thấy rõ “
Anh Thọ nói dõng dạc:
“ Cửu long 8, cho mỗi anh vào 1 lần ném 1 quả , làm sao nhổ cái gai ấy đi cho các thủ trưởng dưới này khỏi vướng mắt !”
Tôi lúc ấy hết bom rồi , bắn thì không ăn thua nên ra lệnh cho 3 máy bay còn lại là các anh thượng úy Hán văn Quảng , trung úy Hoàng mai Vượng , Trần văn Sanh ( nguyên trung úy phi công không quân Sài gòn ) cùng trung úy Tạ đông Trung ( hai anh cùng bay trên một máy bay ) :
“ Mỗi người vào 1 lần , theo thứ tự 14 ( anh Quảng ), 16 ( anh Vượng , 17 ( anh Sanh ), nhổ cái gai ấy đi , mọi người đang tập trung quan sát đấy “
Tôi lái vòng ra ngoài quĩ đạo ném bom và lo lắng quan sát : đây như là một cuộc biểu diễn kỹ thuật chiến đấu cho anh em bộ binh, hải quân xem trình độ của phi công chiến đấu miền Bắc , những người đã đánh thắng không quân Mỹ . Anh Quảng dõng dạc hô :
“ 14 , vô “
Một ánh chớp và bụi bốc lên bên cạnh nhưng cột cờ vẫn nguyên !
“ 14, anh để tôi xử nó, 16 vô”. Anh Vượng to giọng .
Một chớp lửa bùng lên cách chừng 30 mét , nhưng cột cờ vẫn nguyên !
Tôi nhắc nhở như đặt trách nhiệm của cả phi đội cho anh Trần văn Sanh :
“ 17, anh thấy chưa ?”
Anh Tạ Đông Trung ngồi cùng máy bay với anh Sanh trả lời thay :
“ 09, anh xem đây , 17 vô “
Tôi nhắc có ý khích tướng anh Trung :
“ Đừng đạp chân nhé !”
Đây là tôi nhắc lại về 1 chuyện cách đấy 3 năm – hồi 1972 , trong 1 trận không chiến giữa 4 chiếc MiG- 17 và 8 chiếc của hải quân Mỹ. Anh Tạ đông Trung đuổi theo bắn chiếc máy bay A- 7 của Hải quân Mỹ, khi nó đã gần hết dầu và bỏ chạy ra biển . Vào bắn 3 loạt không rơi , lần thứ tư anh đè lên đầu máy bay A- 7 , ấn mũi máy bay xuống và bắn loạt dài tới hết đạn. Trong quá trình nhấn cò anh đạp chân cho đạn vung vãi như rắc trấu mong sao chỉ cần 1 viên trúng là chiếc A- 7 rơi ! Tất nhiên là máy bay A- 7 chạy thoát ra biển . Động tác kỹ thuật này là một sai lầm ấu trĩ kiểu đánh” xèng “ của con trẻ .
Một tia chớp bùng lên , cột cờ biến mất !
Lúc đó anh Thọ nói trên VTĐ :” Liên hoan , uống bia no rồi , không cần tiếp bia nữa , khách đang đi lên . Chiều chúng tôi không cần bia nữa !“ (Quay về , đánh bom đủ rồi , không đánh tiếp nữa , bộ binh đang lên. Chiều thôi không đánh nữa ).
Hạ cánh lăn về sân đậu xong , tôi chạy ngay ra máy bay anh Trần văn Sanh và anh Tạ đông Trung :
“ Các ông cứu cả phi đội , trượt thì ê mặt không quân miền Bắc , anh Thọ đã giải thích cho các anh em tại đó – anh em biểu diễn ném đâu trúng đó cho các anh xem đấy – anh đầu ném bên trái , anh thứ hai ném bên phải , anh thứ ba ném cắt luôn ! .Anh Thọ kêu về thưởng hai anh mỗi người thêm 1 chai bia larus cho vụ cột cờ nhưng bắt vạ tiêu chuẩn của ông Quảng, ông Vượng ! “
Sau đó bộ binh đổ bộ lên đảo Ông và sáng sớm hôm sau lúc 6h30 phút ngày 14/6/1975, bộ binh đã chiếm trọn Đảo hòn Ông không tốn một viên đạn !
Phi đội Quyết thắng của Trung đoàn 923, chuyển sang đội hình mới của trung đoàn 937 đã hoàn thành xuất sắc nhiện vụ : sử dụng máy bay thu được của không quân Sài gòn – máy bay ném bom A- 37 cùng các máy bay trực thăng UH-1, máy bay trinh sát U 17 , máy bay trực thăng vận tải CH- 47 tổ chức hợp đồng , chỉ huy cực kì chặt chẽ, cả trung đoàn đã độc lập đánh tiêu diệt sạch hơn một tiểu đoàn bộ binh địch phòng ngự vững chắc trên 2 đảo xa , đánh chìm 3 tàu chiến địch và “mời “ bộ binh của ta lên tiếp quản đảo !
Cuối năm 2013, nhân dịp có buổi gập mặt các cán bộ của Bộ Tổng tham mưu tại phía nam, tôi có dịp gập lại anh Chín Lợi , Anh hùng LLVT, Trung tướng, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng , hồi đó tham gia đánh đảo Ông và Bà . Anh Chín cao giọng vui vẻ:” Bọn tôi 2 lần đổ bộ không chiếm hết 2 đảo được vì bọn nó phòng ngự trong công sự ngầm . Ngay hai khẩu 105 các ông cẩu lên cho chúng tôi , bắn từ đảo Bà sang đảo Ông cũng không ăn thua . Thế mà không quân các ông đánh 3 ngày thì bọn tôi lên ngon lành, nhất là vệt bom cháy dọn đường lên sạch quá “. Sau gần 40 năm tôi lần đầu tiên được nghe chính anh em bộ binh đánh gía kết quả các trận ném bom của các phi công trung đoàn năm xưa.
Tôi viết thông tin này để bạn đọc biết thêm 1 chi tiết lịch sử thú vị về thời khắc hoàn toàn giải phóng miền Nam -phải chăng ngày mà trung đoàn 937 ( nòng cốt là phi đội Quyết thắng ) hiệp đồng với trung đoàn 1 Bộ binh sư đoàn 330 quân khu 9 đánh chiếm lại đảo Ông vào sáng sớm ngày 14 tháng 6 năm 1975 chính là trận đánh cuối cùng, khép lại chặng đường chiến đấu vinh quang 10 năm của Không quân ta trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, bắt đầu từ trận thắng không quân của Hải quân Hoa kì ngày 3/4/1965. Đồng thời , ngày 14-6-1975 lại trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của trung đoàn không quân 937.
Nhớ lại đợt hoạt động chiến đấu chi viện cho bộ binh đánh chiếm cụm đảo Wai gần 40 năm trước, tôi liên tưởng đến bối cảnh hiện nay : việc bảo vệ chủ quyền biển đảỏ dù trong giai đoạn nào của lịch sử cũng có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng Không quân và Hải quân hiện đại, đặc biệt là trong điều kiện của chiên stranh hiện đại ngày nay, vai trò của Không quân và Hải quân càng trở nên quan trọng. Chính lực lượng Không quân và Hải quân hiện đại, đủ sức mạnh sẽ có thể giải quyết các xung đột trên biển nhanh chóng, kịp thời và độc lập . Gần một triệu cây số vuông biển Đông của Tổ quốc – nguồn sống hiện tại và tương lai của 100 triệu dân Việt đòi hỏi nhà nước ta phải có chiến lược , có kế hoạch đầu tư nâng cao sức mạnh của hai quân chủng này, như lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt nam - một quân đội có lịch sử 70 năm chiến đấu và xây dựng- trong tổng thể chiến lược biển đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi , các cựu chiến binh luôn tin tưởng vào một học thuyết quân sự hoàn chỉnh của đất nước có hàng triệu km2 biển đảo, tin tưởng vào Bộ Tổng Tư lệnh tối cao , Bộ Tư lệnh và đội ngũ phi công , sĩ quan , quân nhân chuyên nghiệp , chiến sĩ trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, có lòng yêu nước sâu sắc của hai quân chủng-PKKQ và Hải quân. Các anh chính là thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống Quyết chiến-quyết thắng của Thế hệ cha anh, giữ vững ngọn cờ Tổ quốc , mắt tinh tường và tay không rời nút phóng.
HCMC , ngày 27/07/2014
Từ Đễ , nguyên đại đội trưởng đại đội 4 -trung đoàn
Không quân 937 anh hùng
++++ Hình của anh Từ Đễ, khi còn trẻ.
HẾT