So sánh Ka-52 và EC-665 Tiger
Ka-52 đã được chọn làm trực thăng tấn công chủ lực của quân đội Nga, tuy nhiên nó có thể so sánh được với loại trực thăng hiện đại nhất của châu Âu hay không?
http://quocphong.baodatviet.vn/Ngoại hình và khả năng cơ động
Ka-52 Alligator (Cá sấu châu Mỹ) có hình dáng bên ngoài rất đặc biệt và không nhầm lẫn với các mẫu trực thăng của phương Tây. Ka-52 sử dụng 2 cánh quạt đồng trục quay ngược chiều nhau và không có cánh quạt ở đuôi.
Buồng lái Ka-52 được thiết kế khá rộng rãi với 2 phi công ngồi cạnh nhau, phần đuôi được thiết kế một cánh đuôi đứng tương tự như trên máy bay phản lực.
Còn EC-665 Tiger có buồng lái tương tự như thiết kế của Mi-28 với 2 phi công ngồi cùng hàng theo chiều dọc. Buồng lái của 2 phi công được thiết kế riêng biệt với cửa lên xuống riêng.
EC-665 Tiger sử dụng một cánh quạt chính và một cánh quạt ổn định ở đuôi.
Ka-52 là trực thăng tấn công hiện đại nhất của Nga hiện nay.
"Hổ bay" EC-665 của châu Âu.
Do sử dụng cánh quạt đồng trục với 2 động cơ Klimov TV3-117VK công suất 2.200 mã lực/chiếc nên Ka-52 có khả năng cơ động rất cao, được đánh giá là trực thăng tấn công cơ động nhất thế giới. Tốc độ tối đa đạt 350km/giờ, tốc độ hành trình đạt 270km/giờ. Tuy nhiên, trần bay của Ka-52 khá khiêm tốn, chỉ đạt 3.600 m.
EC-665 Tiger được trang bị 2 động cơ MTU MTR-390 công suất 1.285 mã lực/chiếc, tốc độ tối đa đạt 290km/giờ, trần bay 4.000 m.
Xét về khả năng cơ động trực thăng của Nga nói chung và Ka-52 nói riêng luôn vượt trội so với các loại trực thăng tấn công cùng loại của NATO nói chung và EC-665 Tiger nói riêng.
Độ bền hoạt động
Tuy được trang bị động cơ mạnh mẽ, khả năng cơ động trên chiến trường cao nhưng độ bền khi hoạt động chưa bao giờ là điểm mạnh của vũ khí Nga nói chung và Ka-52 nói riêng.
Động cơ TV3-117VK ngốn quá nhiều nhiên liệu, bán kính chiến đấu của Ka-52 là 520km, phạm vi hoạt động tối đa là 1.200km. Trong khi đó, bán kính chiến đấu của EC-665 lên tới 800km, phạm vi hoạt động tối đa với các thùng nhiên liệu gắn ngoài là 1.300km.
EC-665 Tiger có khả năng hoạt động liên tục trong thời gian kéo dài 3 giờ 25 phút còn khả năng hoạt động liên tục của Ka-52 chỉ có 1 giờ 40 phút (khả năng hoạt động liên tục của AH-64D là 3 giờ 9 phút).
Như vậy cùng với một thời gian hoạt động, Nga phải điều 2 chiếc Ka-52 hoạt động luân phiên mới đảm bảo thời gian thực thi nhiệm vụ của một chiếc EC-665. Đây là một điểm hạn chế rất lớn, trong điều kiện phải bay liên tục để tìm kiếm vị trí của đối phương, hay chi viện hỏa lực cường độ cao.
Giải quyết vấn đề hiệu suất động cơ đang là một bài toán khó với công nghiệp quốc phòng Nga.
Tải trọng vũ khí
Ka-52 hay Mi-28, Mi-35 đều có khả năng mang tải trọng vũ khí vượt trội so với các loại trực thăng chiến đấu của phương Tây.
Ka-52 được trang bị một pháo tự động 2A42 được gắn bên mạn phải, cơ số đạn 460 viên. Pháo có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cự ly 1.500 m, các mục tiêu trên không tầm thấp ở cự ly 2500 m.
Tải trọng vũ khí luôn là điểm mạnh của các loại trực thăng do Nga sản xuất.
Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn cho EC-665 Tiger.
Các điểm treo hai bên cánh có khả năng mang 12 tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser 9K121 Vikhr (NATO định danh là AT-16 Scallion). Tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cự ly từ 8-10km, tên lửa có khả năng xuyên giáp 1.000mm sau giáp phản ứng nổ.
Ka-52 còn được trang bị 4 tên lửa đối không tầm thấp Igla-V, ngoài ra trực thăng có thể mang rocket, bom không điều khiển. So với Mi-28 khả năng thực hiện nhiệm vụ của Ka-52 đa dạng hơn.
EC-665 được trang bị một pháo tự động GIAT 30mm, cơ số 450 viên đạn, trang bị vũ khí cho EC-665 có sự khác nhau giữa các biến thể dùng cho các quốc gia khác nhau.
Các điểm treo 2 bên cánh trực thăng có khả năng mang 8 tên lửa chống tăng HOT-2/3, AGM-114 Hellfire,TRIGAT LR, hệ thống vũ khí có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cự ly 5-8km, 4 tên lửa không đối không tầm thấp Stinger hoặc 2 tên lửa Mistral, rocket không điều khiển 70mm.
Hệ thống điện tử
Ka-52 là một nỗ lực lớn của Nga trong việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ điện tử hàng không so với phương Tây.
Trực thăng được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến nhất của Nga với 2 hệ thống radar khác, một phía trên đỉnh rotor cho nhiệm vụ sục sạo các mục tiêu trên không, một phía trước mũi để tìm kiếm các mục tiêu mặt đất.
Dưới mũi máy bay được trang bị hệ thống cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hiện đại. Hệ thống quan sát ngày/đêm Sam****e, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu FLIR.
Buồng lái của Ka-52 được trang bị các hệ thống điện tử rất hiện đại.
Hệ thống FLIR được tích hợp khí tài quang - điện tử Shkval, một máy đo xa kiêm chỉ thị mục tiêu laser cùng với camera hồng ngoại. Toàn bộ hệ thống cảm biến tương thích với thiết bị chỉ thị mục tiêu trên mũ phi công và pháo 2A42. Thêm nữa, hệ thống sẽ quay theo hướng nhìn của phi công trừ pháo 2A42.
Ka-52 là trực thăng tấn công đầu tiên của Nga được trang bị hệ thống tác chiến điện tử và phòng vệ toàn diện như cảm biến cảnh báo radar Pastel L150- RWR, cảm biến cảnh báo laser Otklik L140, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại Mak L136, hệ thống phóng mồi bẫy UV-26.
Ka-52 được trang bị máy tính điều khiển kỹ thuật số mạnh, phần mềm điều khiển đa chức năng. Buồng lái được trang bị các màn hình hiển thị LCD đa chức năng, cung cấp khả năng giám sát chiến trường, tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu, quản lý giao diện vũ khí toàn diện. Hệ thống cho phép phi công lựa chọn vũ khí cho từng mục tiêu khác nhau.
Buồng lái của EC-665. Trong khi đó, EC-665 được trang bị các hệ thống điện tử tinh vi nhất của châu Âu, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu được gắn trên nóc buồng lái, phía dưới rotor chính, biến thể phục vụ trong Không quân Đức còn có hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn trên đỉnh rotor chính.
Hệ thống bao gồm: camera ảnh nhiệt, máy đo xa kiêm chỉ thị mục tiêu laser, hệ thống tương thích với thiết bị chỉ thị mục tiêu trên mũ phi công. Buồng lái được trang bị các màn hình LCD đa chức năng có khả năng lập bản đồ kỹ thuật số.
Biến thể sử dụng trong Không quân Hoàng gia Australia được trang bị hệ thống mũ bay tích hợp HMSD. EC-665 được trang bị máy tính điều khiển kỹ thuật số rất mạnh, hệ thống có khả năng lập trình nhiệm vụ từ trạm mặt đất thông qua một ổ cứng di động.
EC-665 có hệ thống tác chiến điện tử và biện pháp phòng vệ toàn diện, cảm biến cảnh báo radar, cảm biến cảnh báo laser, hệ thống phóng mồi bẫy, hệ thống định vị toàn cầu và các hệ thống phụ trợ khác...
Kẻ tám lạng người nữa cân
Đánh giá một cách tổng thể, EC-665 Tiger nhỉnh hơn Ka-52 về công nghệ điện tử và độ khi hoạt động, dù các chỉ số còn lại đều thua Ka-52.
Để dành chiến thắng trên chiến trường còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác như: Kinh nghiệm của phi công, chiến thuật, sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, điều kiện chiến trường…
Mỗi hệ thống vũ khí nói chung đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng của nó, quan trọng là nó được thiết kế để phù hợp với đường lối quân sự và quan điểm tác chiến của từng quốc gia.
Đường lối quân sự và quan điểm tác chiến của phương Tây chủ yếu phụ thuộc vào các hệ thống điện tử dựa trên cơ chế tự động hóa cao, để vận hành trơn tru phải phụ thuộc vào một loạt các hệ thống điện tử khác nhau cùng với đội ngũ hậu cần, bảo dưỡng đông đảo.
Trong khi đó, đường lối quân sự và quan điểm tác chiến của Nga chủ yếu tập trung vào yếu tố “khỏe, bền, hỏa lực mạnh” lấy con người làm trung tâm và không phụ thuộc quá nhiều vào các hệ thống điện tử.
Với quan điểm tác chiến như vậy, các hệ thống vũ khí của Nga không có được sự tinh vi như vũ khí của phương Tây. Bù lại, các hệ thống vũ khí của Nga có khả năng hoạt động rất hiệu quả trên chiến trường, ít hỏng hóc, chịu được các điều kiện chiến trường khắc nghiệt và có hỏa lực rất mạnh.
Suy cho cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định cho mọi thành bại cùng với đó có cả yếu tố may mắn.