Đọc đoạn này thì em hơi chững lại chút mợ ạ. Chỗ này là một chỗ kẹt tâm lý. Mỗi người chúng ta hầu hết đều mơ hồ về cái gọi là bản thân, chính mình. Khi khỏe mạnh, có thể mức nào đó nghĩ thân thể này là mình, vợ/chồng hay con cái tài sản là của mình, khi cái thân già bệnh, thì lại nghĩ mình là cái tâm tồn, tâm linh này, hi vọng sẽ tiếp tục bám víu đi đến nơi, cõi nào đó. Trong khi thực tế, con cái , tài sản không nắm giữ mãi được, thân thể đến lúc già yếu, tan hoại, tâm thì như ảo ảnh, mây khói, mơ hồ. Nhận thức chấp chặt về một cái tôi, mình nào đó là một tâm lý kẹt vào chính mình, hình thành nên sự nhầm lẫn về một cái tôi hiện hữu thường hằng tồn tại, dần hình thành tâm lý ích kỷ. Mình cô đơn, mình đau khổ, mình tổn thương, mình mệt mỏi mà nếu như chữ "mình" ở các từ trên làm nhẹ, mờ đi, thì tự các cụm từ trên không còn ý nghĩa nhiều, không gây bất ổn về tâm lý.
Em chỉ xin sửa đổi lại chút ít là thay vì tôi yêu mình là tôi biết cách chăm sóc thân thể một cách tốt nhất thôi. Mình cũng như mọi người, không đặt nặng cái tôi quá. Mình đau yếu, trục trặc thì biết cách chăm sóc, điều chỉnh bản thân, để đi qua những lo lắng hay bệnh tật một cách êm ả nhất có thể, và từ đó xoay ra, hướng về bên ngoài quan tâm, lo lắng, phụng sự những người thân, người xung quanh như cách mợ đang làm. Khi làm được nhiều ích lợi cho mọi người, thì tâm lý bản thân lại mạnh mẽ, tích cực vượt qua nhiều trạng thái tâm lý mà nếu chỉ đặt nặng vấn đề của mình cho mình thì nhiều khi chúng ta rơi vào bế tắc, thụ động, luẩn quẩn, không lối thoát trong ảo ảnh về chính mình.