http://trobayvietnam.com/tin-tuc/vi-sao-tro-xi-nha-may-nhiet-dien-pha-lai-dat-khach--dn76.html
Vì sao tro xỉ nhà máy nhiệt điện Phả Lại đắt khách?
(Xây dựng) – Nếu nhiều nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đốt than khác luôn phải đối diện với nỗi lo xử lý môi trường từ tro xỉ phát thải thì với NMNĐ Phả Lại (Hải Dương), tro xỉ lại là sản phẩm phụ khá đắt khách.
100% tro xỉ của NMNĐ Phả Lại được các hộ tiêu thụ thu mua.
“Cô gái chân dài”
Ông Nguyễn Văn Quyên, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhiệt điện Phả Lại, hóm hỉnh cho biết: Tro xỉ của NMNĐ Phả Lại hấp dẫn như một “cô gái chân dài” nên rất “hot” trên thị trường.
Theo lý giải của ông Quyên, NMNĐ Phả Lại sử dụng nhiên liệu đốt là than cám 5. Trong thành phần của than cám 5, tỷ lệ tro và các thành phần khác chiếm từ 28-33%. Chất lượng than thấp thì hàm lượng tro cao. Khi than cháy hết, lượng tro thu về từ 25 -30%. Mỗi năm, NMNĐ Phả Lại sử dụng 3 triệu tấn than nhiên liệu, điều này đồng nghĩa là nhà máy thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ.
Tuy nhiên, với NMNĐ Phả Lại, tro xỉ không phải chất thải mà là “sản phẩm phụ”. Tro xỉ gồm 2 thành phần là tro bay (chiếm 85%) và xỉ (chiếm 15%). Thời kỳ sơ khai, tro xỉ NMNĐ Phả Lại được đổ xả bãi thải, các hộ nhỏ lẻ lấy về làm gạch xỉ (gạch ba banh) hoặc trộn với đất sét làm gạch nung. Những năm gần đây, tro xỉ của NMNĐ Phả Lại được các hộ tiêu thụ lớn xử lý thành tro bay và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Tro xỉ trở thành mặt hàng tương đối đắt khách, Cty đem bán đấu giá…
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Cty CP NMNĐ Phả Lại cho biết: Theo tính toán về vòng đời của NMNĐ Phả Lại, bãi chứa của nhà máy đã phải đầy từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, bãi chứa của nhà máy không những không đầy mà vơi dần, gần như không còn gì. Hiện nay, tro xỉ của nhà máy sản xuất đều được tiêu thụ hết 100%. Các khách hàng tro bay lớn của NMNĐ Phả Lại gồm một Cty Hàn Quốc, Cty CP Sông Đà Cao Cường và nhiều hộ tiêu thụ khác.
Vì sao đặt khách?
Giải thích về sức hấp của “sản phẩm phụ” tro bay, cả ông Thủy và ông Quyên đều không dám khẳng định là do tro bay NMNĐ Phả Lại đặc biệt hay tốt hơn tro của các NMNĐ khác. Tuy nhiên, cả hai ông đều cho rằng NMNĐ Phả Lại có lợi thế nổi trội về ví trí địa lý. Phả Lại chỉ cách trung tâm Thủ đô hơn 1 tiếng giờ đồng hồ và dễ dàng kết nối trung tâm thương mại khác thông qua hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường thủy, đường bộ. Yếu tố giao thông thuận lợi giúp khách hàng giảm được chi phí vận chuyển, do vậy sản phẩm tro bay của Phả Lại có tính cạnh tranh cao.
Hơn nữa, sức hấp dẫn của tro bay NMNĐ Phả Lại còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của người mua. Các hộ tiêu thụ nhỏ có nhu cầu sử dụng tro bay vốn có hàm lượng carbon cao trộn với đất sét để làm gạch nung. Khi nung, viên gạch được cháy từ trong cháy ra, từ ngoài cháy vào nên tiết kiệm nhiên liệu đốt.
Các hộ tiêu thụ lớn thì sử dụng tro bay làm phụ gia cho bê tông đầm lăn các công trình thuỷ điện, phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông tươi, gạch không nung… Đã có đề tài nghiên cứu khoa học chứng minh tro xỉ của NMNĐ Phả Lại phù hợp cho việc sản xuất gạch không nung, làm bê tông đầm lăn cho đập công trình thủy điện, bê tông đê quai chắn biển…
Thành phẩm chính của quá trình tuyển ướt là tro bay ẩm. Sau khi được sấy khô, tro bay của SCL được sử dụng trong thi công bê tông đầm lăn đập thủy điện và sản xuất gạch không nung AAC.
Quan tâm môi trường hơn là lợi nhuận khi xử lý tro xỉ
Việc bán được 100% lượng tro xỉ phát thải của NMNĐ Phả Lại đang là miềm mơ ước, thậm chí là không tưởng của nhiều NMNĐ khác trong cả nước. Bởi trên thực tế, có không ít nhà máy cho không tro xỉ còn không đắt nói gì bán. Ngay như NMNĐ Hải Phòng hiện cũng đang phải đau đầu tính đến việc đầu tư nâng đập hồ chứa tro xỉ thải.
Chia sẻ kinh nghiệm của NMNĐ Phả Lại, ông Nguyễn Văn Quyên cho rằng trong việc xử lý tro xỉ, quan tâm hàng đầu là bài toán môi trường chứ không phải lợi nhuận. Chủ đầu tư NMNĐ cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư xử lý tro xỉ vào cuộc.
Tại nhà máy dây chuyền 1, Cty CP NMNĐ Phả Lại đã mời nhà thầu Hàn Quốc đầu tư hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ISP), cho phép thu hồi trên 99,8 lượng tro bay phát sinh trong quá trình nhà máy đốt than sản xuất điện. Tro bay được thu từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện được đưa vào các silo chứa trước khi Cty Hàn Quốc sử dụng làm VLXD. Đổi lại, Cty Hàn Quốc được ký hợp đồng dài hạn mua toàn bộ tro xỉ phát thải của dây chuyền 1.
Còn tại nhà máy dây chuyền 2, Cty CP Cao Cường Sông Đà (SCL) là 1 trong những đơn vị tiêu thu chính và xử lý tro xỉ theo công nghệ tuyển ướt, sấy khô. Theo đó, tro phát thải được hòa với nước theo tỷ lệ 1/9, rồi bơm ra bể chứa khu vực NMNĐ. Từ bể chứa, theo tuyến đường ống dẫn dài hơn 2km, tro lỏng được được dẫn về nhà máy của SCL. Tại đây, tro xỉ được xử lý, phân tách các thành phần carbon và các thành phần khác còn dư. Sản phẩm chính của quá trình tuyển ướt sây khô này là tro bay đã qua xử lý, được sử dụng trong sản xuất bê tông đầm lăn đập thủy điện và gạch bê tông khí chưng áp AAC…
Tro xỉ NMNĐ Phả Lại tuyển ướt, tách carbon dư tại nhà máy của Cty CP Sông Đà Cao Cường.
Ông Quyên nhận định: Quy trình tuyển ướt sấy khô của SCL khá ưu việt vì tro xỉ được hòa với nước nên không phát tán bụi ra môi trường. Nước thải từ quy trình tuyển ướt sây khô được dẫn ngược trở lại NMNĐ Phả Lại. Tại đây, Cty CP NMNĐ Phả Lại chịu trách nhiệm xử lý nước thải và sử dụng tuần hoàn nước đã qua xử lý. Chi phí xử lý nước thải có khi ngang bằng giá trị Cty thu được từ việc bán tro xỉ nhưng quan trọng là Cty xử lý được triệt để tro xỉ và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Ông Quyên chia sẻ: Mỗi NMNĐ có đặc thù riêng, không phải NMNĐ nào cũng có được lợi thế như NMNĐ Phả Lại. Quan trọng là các NMNĐ cần có chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình xử lý tro xỉ thải, bảo vệ môi trường đồng thời đưa tro bay đã qua xử lý trở thành nguyên liệu sản xuất VLXD thân thiện.
Theo Báo xây dựng.