Cụ(mợ) nghiên cứu theo cách này xem nhé:
Luyện tập kỹ năng thở
1 - Nguyên tắc thở khi rơi xuống nước:
Dước mặt nước thở ra bằng mũi - Trên mặt nước, thở vào bằng miệng
Thở là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Biết cách thở, người không biết bơi, có khả năng sống sót tới 70-80% khi bị rơi xuống nước. Sự khác nhau của thở trên cạn và thở khi bơi chỉ đơn giản là, trên cạn người ta hít vào, thở ra bằng mũi, còn khi bơi, người ta vẫn thở ra từ từ bằng mũi, nhưng rồi phải nhô đầu cao để há to miệng thở vào.
2 - Luyện thở trên cạn:
2.1 - Thở vào bằng miệng - Thở ra bằng mũi
Đơn giản là há to miệng thở vào thật sâu rồi ngậm miệng và thở ra từ từ bằng mũi. Khi hết hơi lại há to miệng thở vào rồi lại ngậm miệng để thở ra từ từ bằng mũi.
Nếu vẫn quen thở vào bằng mũi, trước khi thở vào, hãy lấy hai ngón tay bịt chặt mũi lại để chỉ có thể thở vào bằng miệng. Sau khi thở vào xong, thì việc ngậm miệng và thở ra bằng mũi không có gì khó khăn nữa.
Cứ tập như vậy nhiều lần tạo để kiểm soát nó và áp dụng khi bị rơi xuống nước.
2.2 - Thở vào - Nhịn thở - Thở ra - Nhịn thở...
Nguyên tắc vẫn là thở vào bằng miệng rồi thở ra từ từ bằng mũi. Tuy nhiên, trước khi thở ra hãy nín thở một lúc rồi thở ra một chút rồi lại nín thở, rồi lại thở ra một chút, rồi lại nín thở... Cứ như vậy cho đến khi hết hơi thì há to miệng thở vào sâu rồi lại quá trình nín thở, thở ra một chút, nín thở... lại được lặp lại.
Mục đích bài tập này là kéo dài khả năng thở ra để có thể ở lâu hơn dưới nước (bơi, lặn).
2.3 - Bài tập mô phỏng Thở vào - Thở ra khi bơi
Cách tập như bài tập 2.1, nhưng khi há miệng thở vào hãy xoè một bàn tay, để cạnh bàn tay nằm ngang cổ và tưởng tượng là mức nước hiện ngập tới ngang cổ. Khi ngậm miệng và thở ra từ từ bằng mũi, bắt đầu dịch chuyển bàn tay lên phía trên, vượt qua cằm, miệng, mũi, trán, đỉnh đầu, đồng thời tưởng tưởng là đầu từ từ chìm dần vào nước.
Tiếp tục thở ra từ từ bằng mũi và rồi từ từ dịch chuyển bàn tay xuống dưới, qua trán, mũi, miệng, cằm... Khi cạnh bàn tay trở về vị trí ngang cổ như lúc đầu, hãy há miệng và thở sâu vào.
Cứ tập như vậy nhiều lần để có thể kiểm soát nó và áp dụng khi bị rơi xuống nước.
3 - Luyện thở với chậu nước nhỏ
3.1 - Làm quen với việc đầu bị nhúng chìm trong nước
Lấy một chậu nhỏ, đổ nước tới gần đầy và để lên độ cao quá thắt lưng. Đứng thẳng, há miệng thở sâu, nín thở, cúi người, úp mặt vào chậu nước một lúc. Sau đó ngẩng đầu thở ra. Tập nhiều lần để làm quen với việc mũi, miệng, mặt bị nhúng vào nước.
3.2 - Thở vào bằng miệng - Thở ra bằng mũi
Hãy luyện tập như chỉ dẫn trong hình vẽ. Đây là bài tập rất quan trọng, giúp biết cách hít thở khi bơi lội.
Khi thở ra thấy mũi phun bong bóng là đựơc.
3.3 - Thở vào bằng miệng rồi ngâm ư ư một đoạn nhạc để thở ra
Khi gặp khó khăn với việc thở ra bằng mũi, khi tập với chậu nước như trên, chỉ cần vừa ngậm miệng vừa ngân ư ư ư ư hoặc ngân một giai điệu bài hát nào đó là tự khắc hơi sẽ thoát ra đằng mũi. Càng ngân to thì hơi thoát ra càng mạnh.
3.3 - Thở vào - Nhịn thở - Thở ra - Nhịn thở...
Hãy tập bài tập 2.2 với chậu nước.
4 - Luyện thở khi tắm với vòi sen
Há miệng thở sâu, nín thở, cho nước vòi sen dội thẳng từ trên đầu xuống, bắt đầu thở ra bằng mũi. Khi gần hết hơi, từ từ há miệng to rồi từ từ thở vào, tránh không để nước lọt vào miệng.
Bài tập giúp vượt qua nỗi sợ nước, làm quen với cảm giác, đầu, mặt mũi bị chìm vào nước.
5 - Luyện thở dưới nước
Khi có điều kiện, hãy tập kỹ năng này ở bể bơi, ở những nơi nước nông. Nhớ là khi tập hãy đi cùng người biết bơi.
LƯU Ý: TRẺ EM DƯỚI 15 TUỔI KHÔNG ĐƯỢC LUYỆN TẬP CÁC BÀI TẬP THỞ VỚI NƯỚC,
DƯỚI NƯỚC KHI KHÔNG CÓ SỰ GIÁM SÁT CỦA NGƯỜI LỚN
© E-Bơi