Hôm nay truyền thông đã bắt đầu được tiếp cận một phần thông tin từ báo cáo của Bộ TNMT, đã hé lộ kết quả vụ đấu giá 19 lô đất ở Tiền Yên, Hoài Đức. Thông tin đấu giá tài sản công này, đáng lẽ huyện Hoài Đức phải công khai sớm, nhưng lại "im lặng" có chủ ý.
Kết quả 11/19 đã nộp tiền, còn lại 8/19 thì khả năng rất cao là tự nguyện bỏ cọc. (Trừ khi bị ép "dí súng vào đầu" thì sẽ nộp đủ).
Qua đó cũng thấy rất rõ các nhóm đầu cơ, và cá nhân không có nhiều tiền ("tiền như lá mít") như đồn thổi: 80% bỏ cọc ở Thanh Cao (Thanh Oai), 42% bỏ cọc ở Tiền Yên (Hoài Đức). Họ hy sinh 20% giá khởi điểm tức khoảng hơn 100 tr, chứ không điên đến mức chôn 8-10 tỷ vào lô đất mà nhiều năm nữa mới lấp đầy nhà ở.
Thông tin được cung cấp nhỏ giọt, nhưng đủ chứng cứ để nói rằng đầu cơ thổi giá đất đấu giá đang diễn ra, không quá nhiều X-lần, nhưng thổi tăng 20%-90% (giá ảo từ 1.2 đến 1.9 lần) trong 2 vụ đấu giá vừa qua.
==============================================
Nguồn
42% lô đất trúng đấu giá tại Hoài Đức chưa được nộp tiền
Hà NộiTrong 19 lô đất trúng đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, còn 8 thửa chưa được nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trong báo cáo tình hình triển khai Luật Đất đai gửi đại biểu Quốc hội.
Báo cáo nêu sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, nhiều phiên đấu giá tại một số địa phương gây xôn xao dư luận khi giá trúng chênh lệch rất lớn so với khởi điểm. Sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ cho biết một số phiên có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.
Dẫn chứng tại huyện Hoài Đức, trong 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên trúng đấu giá cuối tháng 8, có 8 thửa chưa được nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế. Tỷ lệ này chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá.
Phiên đấu giá này từng gây xôn xao dư luận vì kéo dài khoảng 18 giờ, trải qua 10 vòng trả giá với mức trúng cao nhất hơn 130 triệu đồng một m2,
gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Tương tự tại Thanh Oai, vẫn còn 56 trên 68 thửa đất trúng đấu giá ở xã Thanh Cao chưa được nộp tiền, tương đương tỷ lệ 80%. Chỉ có 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Đây cũng là một trong những phiên đấu giá vùng ven gây xôn xao thị trường trong tháng 8. Bởi số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.600 hồ sơ với hơn 1.500 người, tương đương một thửa đất có hơn 22 người quan tâm. 68 lô đất được bán thành công với giá gấp 5-8 lần khởi điểm, cao nhất đạt trăm triệu đồng một m2.
Thời hạn nộp tiền sử dụng đất của hai phiên đấu giá trên được áp dụng theo Nghị định 126/2020. Cụ thể, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo nộp tiền, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Một nửa còn lại phải nộp chậm nhất trong 60 ngày tiếp theo.
Như vậy, người trúng có thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận thông báo nộp tiền để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ tiền, kết quả trúng đấu giá sẽ bị huỷ, người trúng bị mất khoản tiền đặt cọc, tương đương 20% giá khởi điểm của lô đất.
Lý giải nguyên nhân trên, cơ quan này cho biết một số đối tượng tham gia đấu giá không có nhu cầu ở thực. Mục đích của nhóm này là đầu cơ, đẩy giá trúng lên cao và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với khu vực xung quanh.