Còn điều này nữa không biết bác Thăng đã xem chưa???????
Đường Nguyễn Văn Linh (Hà Nội):
Dân bị phạt “oan” vì “ma trận” biển báo, đèn tín hiệu
Thứ Bảy, 23.7.2011 | 10:55 (GMT + 7)
Theo phản ánh, biển báo và hệ thống đèn tín hiệu đường bộ tại một số nơi trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên (Hà Nội), như “đánh đố” người tham gia giao thông. Không hiếm trường hợp người dân bị phạt “oan” khi ở trong “ma trận” biển, đèn.
“Sai” hay “đúng”?
Ngày 21.07, anh Vũ Bá Linh điều khiển xe ô tô 4 chỗ trên đường Nguyễn Văn Linh theo chiều từ Hưng Yên về Hà Nội. Đến gần nút giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự (đầu Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng), anh bị tổ công tác Đội CSGT số 5 (Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe.
Theo CSGT, đoạn đường trên đã có biển chỉ rõ: Làn ngoài cùng bên tay trái dành cho xe con và xe du lịch, làn thứ hai của xe tải, làn thứ ba bên trong, phía bên phải là cho các xe rẽ phải về Bắc Ninh (ảnh 1), anh Linh đã lái xe du lịch loại 5 chỗ đi vào làn thứ hai, tức là đã đi sai làn đường quy định.
Nhưng anh Linh lại cho rằng, khi điều khiển xe trên đoạn đường, anh đã quan sát kỹ hệ thống biển báo và chỉ thấy loại biển chỉ dẫn (hình chữ nhật, màu xanh lam), không có biển hiệu lệnh hoặc biển cấm, anh chuyển dần từ làn trong cùng bên trái sang làn giữa, chuẩn bị rẽ phải để đi hướng Bắc Ninh. Do đó, anh khẳng định không đi sai làn đường. Không những thế, các chỉ dẫn rất “lạ”: Làn ngoài cùng, bên tay trái, ghi “Hà Nội (mũi tên đi thẳng), xe con, xe du lịch”, làn thứ hai “Hà Nội (mũi tên đi thẳng) xe tải, xe mô tô”.
Lái xe đi vào làn thứ hai bị coi là đi sai làn đường quy định?
Thực tế, từ chỗ đặt biển chỉ dẫn này đến ngã tư, phần lớn người tham gia giao thông phải rẽ trái (theo đường Nguyễn Văn Cừ) để đi vào trung tâm Hà Nội và rẽ phải (theo đường Ngô Gia Tự) đi hướng Từ Sơn, Bắc Ninh. Nếu theo chỉ dẫn của biển báo, thì các xe có lẽ leo thẳng ra đê sông Đuống, anh Linh phản bác.
Dưới cái nắng gay gắt hơn 40oC của chiều mùa hè, cả lái xe và CSGT cùng kiên quyết bảo vệ quan điểm, nên cuộc tranh luận rất “sôi nổi” và kéo dài tới gần 20 phút. Sau cùng, các tổ công tác Đội CSGT số 5 “nhượng bộ” không lập biên bản vi phạm, với điều kiện lái xe phải cam kết “rút kinh nghiệm” và về “học lại Luật GTĐB”, anh Linh kể.
Chứng kiến vụ việc, chị Nguyễn Thu Thủy (ở KĐT Việt Hưng, Hà Nội) cho biết: “Ngày nào tại đoạn đường này có hàng chục xe loại từ 4-9 chỗ bị CSGT “tuýt còi”, đa số do lỗi sai làn đường. Nhiều người bị phạt không “tâm phục”, nhưng chấp nhận nộp phạt cho đỡ rắc rối”.
Khảo sát thực tế của PV laodong.com.vn, đoạn đường Nguyễn Văn Linh là đoạn đầu của Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, đường rộng và thoáng nên xe cơ giới thường lưu thông với tốc độ từ 40-50 km/h, nhưng nhiều biển báo đường bộ tại đây lại bị khuất và lẫn với cây, biển quảng cáo của cửa hàng… Như thế, người tham gia giao thông rất dễ phạm luật “oan” khi không biết để tuân thủ đúng luật.
Với những biển được treo trên giá long môn ngay đầu Quốc lộ 5, thì đúng như phản ánh của anh Linh, đây là loại biển chỉ dẫn. Lùi xuống một chút khoảng 300m, tại ngã ba đường Nguyễn Văn Linh - phố Việt Hưng, đối với chiều từ đường Nguyễn Văn Linh về Hà Nội và từ phố Việt Hưng ra đường Nguyễn Văn Linh, có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhưng không được lắp bên phía bên tay phải, mà ở bên tay trái người sử dụng…
Theo luật thì…
Về quy định của Luật GTĐB đối với hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, LS Vũ Thái Hà, Công ty Luật TNHH YouMe (Hà Nội), cho biết: Biển chỉ dẫn (có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền màu xanh lam), có ý nghĩa báo cho người sử dụng đường biết: những định hướng cần thiết hoặc những điều có ích khác trong hành trình.
Gặp đèn đỏ tại đây, người dân băn khoăn đi hay dừng mới đúng luật?
Do đó, biển chỉ dẫn có ý nghĩa khác hoàn toàn với loại biển cấm (hầu hết có dạng hình tròn, có viền đỏ, nền màu trắng) nhằm báo điều cấm hoặc hạn chế, mà người sử dụng đường phải tuyệt đối tuân theo và Biển hiệu lệnh (có dạng hình tròn, nền màu xanh lam) nhằm báo cho người sử dụng đường biết điều lệnh phải thi hành. Như vậy, với những làn đường cấm, hoặc để dành riêng cho một số loại xe, bao giờ cũng phải đặt loại biển cấm, hoặc biển hiệu lệnh.
Theo LS Hà, trong Luật GTĐB không có định nghĩa “xe con”, “xe du lịch”. Có chăng, các khái niệm này đang hiểu theo “thông lệ”. LS Hà thử nêu một vài ví dụ: Loại xe 7-9 chỗ hiểu là “xe con” hay “xe du lịch”? “Xe buýt” không ghi trong biển chỉ dẫn đặt trên đường Nguyễn Văn Linh thì phải đi tại làn nào? Nếu hiểu loại xe 5 chỗ (xe con) bắt buộc phải đi làn ngoài cùng bên trái, vậy trường hợp phải nhường đường cho xe khác xin vượt, hoặc người lái xe muốn chuyển làn để rẽ phải sẽ xử lý như thế nào cho đúng luật, khi không được phép chuyển sang làn kế tiếp… LS Hà cho biết, giữa các làn đường có vạch phân chia bằng đường đứt khúc màu trắng, có nghĩa là “trong điều kiện cho phép, thì các xe được vượt xe và đổi sang chạy trên làn xe khác”.
Đối với một số hệ thống đèn tín hiệu trên đoạn đường này, như tại ngã ba đường Nguyễn Văn Linh - phố Việt Hưng, LS Hà cho là chưa phù hợp với quy định của Điều lệ Báo hiệu đường bộ.
Về nguyên tắc, đèn báo hiệu giao thông, phải được đặt bên phía tay phải của người sử dụng đường theo hướng đi, nhưng lại đang được đặt ở lề đường phía bên tay trái. Nếu tổ chức đèn như trên, hiểu đúng đèn đỏ chỉ có hiệu lực với hướng rẽ trái hoặc đi thẳng, còn hướng rẽ phải có thể hiểu là không cấm. Tuy nhiên, người tham gia giao thông sẽ lúng túng, bởi có đèn đỏ thì phải dừng. Nhưng nếu dừng xe trên đường Quốc lộ hoặc đoạn đường có biển báo cấm dừng, trong khi không có báo hiệu giao thông cho phép dừng, thì cũng sai luật.
Điều lệ Báo hiệu đường bộ năm 2002, quy định:
Vị trí và độ cao đặt đèn tín hiệu:
“a) Mặt đèn phải vuông góc với tim đường về phía tay phải người sử dụng đường theo hướng đi;
b) Đèn đặt trên lề đường hoặc giải phân cách và cách mép phần xe chạy là 0,50m đến 2,00m tính từ điểm tiếp xúc gần nhất của đèn;
c) Chiều cao từ mặt đèn dưới cùng đến mép phần xe chạy từ 2m đến 3m đối với hộp đèn 3 màu và từ 2,00m đến 2,50m đối với hộp đèn 2 màu áp dụng cho người đi bộ. Trường hợp đèn treo ngang thì chiều cao ít nhất là 5 m tính từ điểm thấp nhất của đèn đến mặt đường;
d) ở trong khu đông dân cư, đèn có thể treo ở phía trên phần xe chạy ở giữa ngã ba, ngã tư. Điểm thấp nhất của đèn đến phần xe chạy từ 5,0m đến 5,50m” (Điều 16).
Phân loại biển báo hiệu:
“Biển báo hiệu đường bộ nói trong điều lệ này được chia thành 5 nhóm.
1. Nhóm biển báo cấm: Có dạng hình tròn (trừ kiểu biển số 122 "Dừng lại" có hình 8 cạnh đều) nhằm báo điều cấm hoặc hạn chế mà người sử dụng đường phải tuyệt đối tuân theo. Hầu hết các biển đều có viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ màu đen đặc trưng cho điều cấm hoặc hạn chế sự đi lại của các phương tiện cơ giới, thô sơ và người đi bộ.
Nhóm biển báo cấm gồm có 39 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 101 đến số 139.
2. Nhóm biển báo nguy hiểm: Có dạng hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc báo hiệu nhằm báo cho người sử dụng đường biết trước tính chất các sự nguy hiểm trên đường để có biện pháp phòng ngừa, xử trí cho phù hợp tình huống.
Nhóm biển báo nguy hiểm gồm có 46 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 201 đến biển số 246.
3. Nhóm biển hiệu lệnh: Có dạng hình tròn, nền màu xanh lam, trên nền có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người sử dụng đường biết điều lệnh phải thi hành.
Nhóm biển hiệu lệnh gồm có 9 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 301 đến biển số 309.
4. Nhóm biển chỉ dẫn: Có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông nền màu xanh lam để báo cho người sử dụng đường biết những định hướng cần thiết hoặc những điều có ích khác trong hành trình.
Nhóm biển chỉ dẫn gồm có 47 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 401 đến biển số 447.
5. Nhóm biển phụ: Có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, được đặt kết hợp với các biển báo nguy hiểm, báo cấm, biển hiệu lệnh, và biển chỉ dẫn nhằm thuyết minh bổ sung để hiểu rõ các biển đó hoặc được sử dụng độc lập.
Nhóm biển phụ gồm có 9 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 501 đến biển số 509.
Ngoài 5 nhóm biển báo hiệu trên điều lệ này còn có loại biển viết bằng chữ có dạng hình chữ nhật nền màu xanh lam chữ màu trắng dùng để chỉ dẫn hoặc báo điều lệnh đối với xe thô sơ và người đi bộ”. (Điều 18).
Nhật Thăng