Các cụ nói nhiều và cũng đầy đủ thông tin về nước Đức rồi. Em cũng cố biên một bài về Bỉ, nơi em đang sống. Em sẽ trình bày từng phần một. Trước hết là về cộng đồng mình ở bên đấy.
So với Đức thì cộng đồng mình ở Bỉ bé hơn nhiều, chỉ khoảng 12 – 13.000 người Việt. Đặc điểm của nước Bỉ là chia làm 3 vùng , vùng nói tiếng Hà Lan khoảng 60% dân số, vùng nói tiếng Pháp với 35% dân số và vùng nói tiếng Đức 5% dân số. Các cụ lưu ý là không có tiếng Bỉ nhé. Ngôn ngữ chính thức của nó là 3 thứ tiếng luôn nên các văn bản, giấy tờ pháp lý đều có 3 phiên bản hết. Người Viêt mình đa số sống ở vùng nói tiếng Pháp mà tập trung nhiều rất ở Brussels, chỉ một số ở vùng tiếng HL còn vùng tiếng Đức gần như không có. Tuy nhiên, dân Bỉ tiếng Anh rất ngon và quan trọng vì là ngã tư châu Âu tập trung đủ mọi quôc tịch nên rất vui vẻ giao tiếp bằng tiếng Anh (không như Pháp hoặc Đức, có vẻ không thấy thoải mái khi mình nói tiếng Anh).
Người mình sang Bỉ trong 3 thời kỳ khác nhau. Trước năm 75, bao gồm các bác Việt kiều, tầng lớp trí thức sang đây học hành rồi ở lại. Những bác này phần lớn là con nhà quý tộc, đại gia hồi xưa, kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ quá tốt nên hòa nhập với cuộc sống ở bên này ko có trở ngại gì. Nhiều bác bây giờ là giáo sư, luật sư, bác sỹ có tiếng…F1,F2 các cụ kiều đời đầu này thì Bỉ hóa hoàn toàn, gần như không còn ý niêm gì về VN nữa rồi.(giống em gì hát Bonjour Viet Nam)
Sau 75 đến trước 90, bao gồm các cụ đi theo đường biển, sang Sing hoăc Thái, ở trại vài năm rồi được Bỉ nhận. Thời kỳ đó, cụ nào sang đây cũng sẽ được chính phủ Bỉ cho người bảo trợ, người bảo trợ sẽ lo cho ăn ở, đào tạo nghề, học ngoại ngữ trong thời gian đầu. Thời gian đầu thì quá vất vả, tiếng tăm không biết, đi làm việc chân tay thì không lại với bọn Tây vì chúng nó quá khỏe. Phần lớn các cụ này một là làm công nhân trong xưởng, những công việc đòi hỏi khéo léo 1 chút như thợ hàn, lắp ráp máy cơ khí… hoăc khi có tí vốn rồi thì mở nhà hàng. Mấy năm gần đây,nhà hàng bên này không kiếm được như trước nữa. Kinh tế châu Âu mấy năm nay đi xuống, dân nó thắt chặt chi tiêu kinh quá nên ít khách. Với lại nhà hàng bây giờ cũng nhiều quá, của dân Tàu, Thái, rệp nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cụ nào chăm chỉ, chắt chiu thì cuộc sống đều ổn cả nhưng gần như không thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội ở đây. Sinh hoạt vẫn chủ yếu ở trong cộng đồng và lúc nào có cơ hội là đầu tư về VN mua nhà, đất tìm chỗ dưỡng già với lại ăn chơi nhảy múa. Một số cụ xuất phát điểm cũng như vậy nhưng giờ vẫn lay lắt là vì dính quá sâu vào casino, bóng bánh. Mà số này không phải là ít. Em biết một cụ cách đây khoảng chục năm đã có 2 nhà hàng tương đối lớn, nhưng dính vào trò đấy một cái giờ mất hết. Vợ bỏ, con cái đi làm thỉnh thoảng mới ngó đến. Cụ ý bây giờ lại quay lại như đợt mới sang, thuê nhà ở một mình, đi làm phục vụ trong nhà hàng. Nhưng có một điểm em thấy rất thích, đó là F1, F2 của các cụ sang đợt này tuy đều sinh ra, lớn lên ở đây nhưng tiếng Việt rất ngon lành, rất ngoan ngoãn, lễ phép. Có vẻ ở đây trẻ con khó hư hơn ở nhà.
Thời gian gần đây cũng có một đợt nữa đó là các cụ sang đây du học, kiếm được việc làm rồi ở lại luôn. Những cụ này thì có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ nên không găp trở ngại gì trong cuộc sống. Tất nhiên, phần lớn các cụ sang đây là học thạc sỹ, tiến sỹ nên cả thời tuổi trẻ tiêu hết ở Việt Nam rồi, tính cách cũng đã định hình từ Việt Nam. Vì thế cũng không thể hòa nhập 100% vào xã hôi bên này. Bạn bè, đồng nghiệp Bỉ cũng có nhiều nhưng để thật sự than thiết thì rất khó. Các cụ ấy vẫn thích tụ tập đàn đúm với anh em nhà mình hơn.
Cũng như ở Đức, việc nhập cư vào Bỉ càng ngày càng khó. Xin theo dạng tị nạn thì bây giờ Việt Nam không nằm trong danh sách nữa rồi, nên chỉ còn 1 số đường sau (chính sách nhập cư của Bỉ thay đổi hàng năm nên một số thông tin có thể không chính xác nữa. Em chỉ viết theo trí nhớ, không có thời gian kiểm tra lại)
(1)Theo dạng thu hút nhân tài của Bỉ, cái này cho cụ nào kiểu chứng minh bổ đề như cụ Ngô Bảo Châu hoặc chạy 100m dưới 9s như cụ Usal Bolt thì xin phát chắc được ngay.
(2)Kết hôn với người Bỉ: sau khi kết hôn thì cụ chỉ được cấp thẻ 1 cư trú năm, sau 1 năm nếu cụ/mợ chứng minh được là vẫn sống chung với nhau (hóa đơn điện, điện thoại, hợp đồng thuê nhà…) thì được thẻ 5 năm. Sau 3 năm mà cụ mợ chứng minh được là vẫn sống với nhau thì mới đủ điều kiện để nôp đơn xin quốc tịch
(3)Sống liên tục hợp pháp ở Bỉ 5 năm trong đó 4 năm (3 năm nếu có vợ con sống cùng) đi làm liên tục có đóng thuế . Nhưng việc xin giấy phép lao động ở EU càng ngày càng khó. Dân mình bao giờ cũng xếp chót trong thứ tự ưu tiên sau dân Bỉ, dân EU, dân châu Âu ngoài EU. Tuy dân Bỉ tiếng Anh tốt và khả thoải mái trong giao tiếp tiếng Anh, nhưng nếu không biết tiếng Hà Lan hoặc tiếng Pháp thì việc xin việc bên này phải nói là quá khó và nhiều khi phải rất may mắn. Nếu cụ mợ có blue card (dành cho công việc với mức lương trên ~50k EU/năm) thì thời gian sẽ ngắn hơn.
Ngoài ra trước khi nộp đơn xin quốc tịch, cụ phải có chứng chỉ tiếng Hà Lan hoặc tiếng Pháp và qua được bài thi về khả năng hòa nhập với nước Bỉ. Nội dung bài thi thì chủ yếu là các kiến thức chung về địa lý, xã hội, hê thống chính trị, an sinh xã hội… của Bỉ. Dễ nhưng cũng phải bỏ thời gian ra học. Đủ điều kiện nộp đơn không có nghĩa là đương nhiên cụ được quốc tịch. Rất nhiều người bị từ chối mà không hiểu vì sao. Từ lúc nộp đơn đến lúc có thông báo quốc tịch cũng mất 8 tháng đến 3 năm.
So với cộng đồng như ở Pháp hoặc Đức thì cộng đồng Việt mình ở Bỉ theo em có vẻ lành hơn (chắc tại do ít người hơn) cả về mặt cạnh tranh và chống +. Tuy nhiên, hình như cũng bi tiêm nhiễm từ dân Bỉ nên người Việt ở vùng tiếng Pháp và tiếng Hà Lan cũng không ưa nhau lắm. Cái này em nghe kể lại thôi, ko khẳng định, trước đây khi có biểu diễn văn nghệ là hội trường gần như phải chia đôi, 1 bên vùng Pháp, 1 bên vùng Hà Lan. Các cụ chửi nhau ác liệt, ném cả giày dép, chai nước vào nhau như CAHN gặp CAHP sân Hàng Đẫy nên bây giờ mấy ông bầu ca nhạc là cạch Bỉ luôn.
Có một bài viết về cuộc sống của Bỉ
http://vov.vn/blog/nen-den-vuong-quoc-bi-mot-lan-260447.vov, nhưng chỉ là từ cái nhìn của một người sang đây công tác trong thời gian ngắn nên toàn thấy mặt được. Cuộc sống không phải toàn màu hồng, em sẽ hẹn các cụ trong 1 bài khác.