Chỉ huy trưởng cuộc viễn chinh là phó thủy sư đề đốc Charner có toàn quyền tuyên chiến hay giảng hòa với xứ An Nam. Từ Hoàng Hải, eo biển Sakhaline, biển Nhật Bản cho đến eo biển Malacca và eo biển quần đảo Sonde, suốt 1800 dặm, tất cả tàu bè treo cờ Pháp phải thực thi mệnh lệnh của ông. Trọng trách của ông rất lớn: vì tình trạng chiến tranh, vì cách xa mẫu quốc, thêm việc nắm giữ hai trọng trách một lúc, vừa là chỉ huy trưởng viễn chinh, vừa là sứ thần, thêm số chiến thuyền quan trọng dưới quyền chỉ huy của mình; tất cả các trách nhiệm quan trọng đó đã góp phần làm chói lòa thanh danh của phó đề đốc. Chính đây là sự uỷ quyền rộng rãi nhất từ thời Ðệ nhất Đế chế (là chế độ chính trị Pháp từ tháng 5 năm 1804 đến tháng 4 năm 1814, dưới thời Napoléon) giao cho một vị tuớng lãnh hải quân.
Quyền chỉ huy của ông bao trùm một hạm đội hơn sáu mươi chiếc, gồm 1 tàu chuyên chở có trọng tải nặng, 2 tàu chiến loại một chạy bằng chân vịt, 5 tàu chiến loại một chạy bằng buồm ( frégate de premier rang: loại tàu chiến có 3 cột buồm), 1 tàu chiến đấu loại hai chạy buồm (frégate de deuxième rang: loại tàu chiến nhỏ hơn có 2 cột buồm), 1 đại pháo hạm trang bị đại bác chạy chân vịt, 2 đại pháo hạm chạy chân vịt trang bị súng nặng đặt trên sàn tàu, 2 hộ tống hạm loại một chạy chân vịt, một hộ tống hạm loại hai chạy chân vịt, 2 tàu hộ tống nhẹ chạy chân vịt, 1 hộ tống hạm loại một chạy bánh xe, năm tàu hộ tống nhẹ chạy bánh xe, 6 chiến hạm chạy buồm, 5 pháo hạm loại một chạy chân vịt, 16 thuyền đại pháo bằng sắt có thể tháo lắp được, 2 tàu trọng tải chạy chân vịt mang theo mỗi tàu hai giàn đại pháo, 4 tàu chuyên chở ngựa chạy chân vịt, 11 tàu chuyên chở đại pháo chạy chân vịt, 1 tàu cơ khí xưởng chạy chân vịt. Tất cả là 68 chiến thuyền gồm 13 chạy buồm và 55 chạy chân vịt. Nhân lực gồm có 4 đại tướng, 13 đại uý thuyền trưởng đại chiến hạm, 22 đại uý thuyền trưởng tàu chiến, 95 trung úy chiến hạm, 105 sĩ quan hải quân cấp trung úy, khoảng chừng 100 chuẩn uý, 100 bác sĩ y khoa, 80 sĩ quan hành chính, 8.000 lính thủy. Sức mạnh hỏa lực gồm 475 pháo các loại; sức mạnh mã lực của đội hải thuyền tổng cộng 7.866 mã lực. Nhiều tàu hơi nước của các công ty hàng hải thuộc vùng bán đảo và Viễn đông được thuê để nối liền các cứ điểm từ bờ biển TQ đến Nam Kỳ. Các tàu thuê đều phải mang cờ Pháp: vị tổng tư lệnh chọn lựa và biệt phái sĩ quan của mình giữ chức thuyền trưởng hoặc đại diện cho quân đội trên các tàu này. Tóm lại có 80 tàu buôn do nước Pháp thuê, chở lương thực, đạn dược, than, tạo thành một hải đội thương thuyền mà tầm quan trọng thật đáng chú ý.
Ðiều không được may là một số các chiến hạm đã tham chiến từ bốn năm nay, vài chiếc đã bước vào năm thứ năm. Thiết bị trên tàu ở vào tình trạng hao mòn, các nồi hơi súp-de của bốn pháo hạm lớn và ba hộ tống hạm gần như rã rời từng mảnh. Tuy nhiên thủy thủ đoàn tốt, sĩ quan xuất sắc, rất thành thạo sau bốn năm chiến đấu. Có thể nói rằng họ tuy có mệt mỏi nhưng không phải là kiệt sức, họ được khuyến khích bằng một luồng sinh khí anh hùng. Trong số các sĩ quan rời Pháp đã lâu, có nhiều người khi đến Trung Hoa vẫn còn là vị thành niên. Họ già đi trong gian khổ và chỉ còn biết nước Pháp qua các bức tranh họ mang theo, họ cũng chẳng hiểu gì hết về phong tục của những dân tộc trước mặt họ, biết đâu họ cũng chỉ vô tình như những thủy thủ khác mà thôi. Những năm tốt đẹp nhất của đời họ đã trôi đi trong khắc khổ, thiếu hẳn sự gần gũi với xã hội xung quanh ; sự chung đụng mà ta thấy nơi nào trên trái đất cũng có, nhưng tuyệt nhiên thiếu hẳn ở cái đất Trung Hoa này. Chẳng có gì để làm rung động trái tim của người trai trẻ mới hai mươi lăm tuổi đời (chính là tác giả, đang kín đáo bộc lộ mình, có lẽ tác giả là người nhát gái, vì hồi ấy ở các hải cảng, tô giới, gái TQ rất nhiều) Vì thế họ đành chú tâm đến những chuyện khác vậy. Họ kể chuyện xông pha chiến đấu, lập những thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ của mình, họ bàn với nhau về bảng thăng thưởng. Rốt lại cũng là lợi lộc (tôi muốn nói ở đây là danh dự chứ không phải là tiền bạc) đã làm món mồi để lôi cuốn tham vọng, làm mất đi ý nghĩa hy sinh cao cả của đời họ, kể cả những sở thích riêng tư họ cũng phải hy sinh, nhưng lúc nào họ cũng sẵn sàng hy sinh thêm, họ coi giá trị của huân chương và cấp bậc từ trên ban xuống thật xứng đáng với sự hy sinh của họ. Không còn ai non dại. Họ đều có vẻ rắn rỏi và năng động ; người nào trước kia dù có nông nổi cũng đã trở nên nghiêm trang hơn ; nhiều người đúng ra đã bước vào tuổi thích nghỉ ngơi nhưng vẫn tỏ ra rất hăng hái. Họ dễ bị kích động vì vinh quang, vì danh dự để bảo tồn thanh danh của người thủy thủ ; họ tạo thành một khối quân nhân đoàn kết chặt chẽ, nếu sau này có tan rã thì dù cho có gặp hoàn cảnh thuận lợi như trước cũng biết đâu không bao giờ còn tái tạo lại được một khối chặt chẽ như vậy, vì những người đã từng tạo ra nó không còn nữa. Không cần phải khó khăn tìm tòi, ta cũng nhận thấy họ là những người con của biển cả, những chiến sĩ, những nhà địa lý thủy học, bác học, ngôn ngữ học ; vị chỉ huy trưởng nào chẳng sung sướng thấy dưới tay điều khiển của mình có những đại úy thuyền trưởng mới ba mươi tuổi, chiến đấu không ngừng với sóng gió trên mặt biển xứ Tàu, cặp bờ vào đất Thượng Hải ở bất cứ thời tiết nào, mặc dù bờ biển nơi đây được coi là khó khăn nhất thế giới. Khả năng quyết định được đem ra thử thách liên tục ở mọi sự kiện, ngay khi hành động đang xảy ra, đã tạo cho mỗi người con đường đi lên. Người chỉ huy có thể trông cậy và tin cẩn ở những con người như thế.