Tháng Tư, năm thứ tư (1052), (Trí Cao) dẫn năm ngàn quân men theo sông Úc Giang đi xuống phía đông, công phá trại Hoành Sơn, rồi phá Ung Châu, bắt bọn Tri châu Trấn Củng, quân (Tống) chết hơn ngàn người. Trí Cao xem xét kho quân tư, tìm thấy thư của mình dâng khi trước, tức giận nói với Củng rằng: “Ta chỉ cầu xin một chức quan để thống lĩnh các bộ lạc, mà mày không tâu lên, thế là làm sao?” Củng đáp: “Tôi từng tâu rồi, nhưng không được trả lời. (Trí Cao) đòi tìm bản thảo tờ tâu không thấy, bèn lôi Củng ra, Củng sợ hãi hô vạn tuế, xin tự dốc sức, nhưng Trí Cao không nghe, rồi bèn đem hết cả gia quyến của Củng cùng với Quảng Tây Đô giám Trương Lập ra giết. Lập khi lâm hình vẫn ra sức chửi rủa không chịu khuất. Trí Cao bèn tiếm hiệu là Nhân Huệ Hoàng đế, đổi niên hiệu là Khải Lịch, xá tội cho cả trong địa giới, từ bọn Sư Mật trở xuống đều xưng theo quan chức như của Trung Quốc.
Bấy giờ, thiên hạ yên bình đã lâu, các châu huyện ở Lĩnh Nam không hề có phòng bị gì, một khi việc binh bất ngờ, thì không biết làm thế nào cả, các tướng trấn giữ phần đa bỏ thành mà trốn, cho nên Trí Cao càng đắc chí, liên tiếp phá chín châu: Hoành, Quý, Cung, Tầm, Đảng, Ngô, Phong, Khang, Đoan. Giết Tào Cận ở Phong Châu, Triệu Sư Đán, Mã Quán ở Khang Châu, ngoài ra giết hại các quan lại rất nhiều. Những nơi đi qua đều đốt kho tàng, rồi tiến binh vây Quảng Châu. Ban đầu, khi Trí Cao sắp tới, tướng giữ thành (Quảng Châu) là Trọng Giản không cho phép dần chúng vào trong thành để bảo vệ. Những kẻ không được vào thành đều quy phụ Trí Cao hết, nên Trí Cao thế càng thêm mạnh. Trước đây, khi Ngụy Quán dựng châu thành, cho đào giếng trữ nước, làm nỏ lớn để canh giữ. Đến đây, Trí Cao cho làm thang mây, đắp núi đất, đánh thành rất gấp. Lại cắt nguồn nước, nhưng thành trì kiên cố, nước giếng dùng không hết, nỏ bắn ra, trúng đấu liền tan vỡ đó, Tri Cao sức dẫn chùn. Gặp khi Tri Anh Châu là Tô Giám đóng quân ở thôn Biên Độ, chặn đường quay về của Tri Cao. Phiên Ngung Huyện lệnh Tiêu Chủ mộ quân địa phương cùng những kẻ cường tráng trên biển được hơn hai ngàn người, cùng đánh nhau với quân của Trí Cao, đốt cháy chiến thuyền của chúng. Chuyển vận sứ Vương Hãn cũng từ ngoài đến, (trong thành) càng tăng cường cố thủ. Trí Cao biết không thể hạ được, vây năm mươi bảy ngày, đến ngày Nhâm Tuất tháng Bảy thì giải vây rút đi, từ Thanh Viễn vượt qua sông, ôm gái, nổi nhạc mà đi. Gặp Trương Trung, lại đánh nhau ở Bạch Điển, Trung chết. (Trí Cao) lại đến đánh Hạ Châu, không hạ được. Trong đêm, giết Tưởng Giai ở bãi Thái Bình. Tháng Chín, ngày Canh Thân, phá Chiêu Châu, giết bọn Vương Chỉnh Luân ở trạm dịch Quán Môn. Núi non trong châu có mấy nơi hang động, cái lớn có thể chứa được vài trăm đến người. Dân chúng thấy quân giặc kéo đến, bèn chạy vào đó nấp. Trí Cao biết vậy, bèn phóng hỏa đốt chết hết. Tháng Mười, ngày Đinh Sửu, phá Tần Châu. Ngày Giáp Thân lại chiếm cứ Ung Châu, ngày đêm đốn cây làm thuyền bè, nói phao lên là lại xuống Châu. Tháng Chạp, ngày Nhâm Thân, (Trí Cao) lại đánh bại Trấn Thự ở trạm dịch Kim Thành. Khi trước, nghe tin Trí Cao làm phản, triều đình sai Thự đến đánh dẹp, sau đó đến Dương Điền, Tào Tu, Trương Trung, Tưởng Giai nối nhau đi sau. Lại lấy Dư Tĩnh, Tôn Miện làm An phủ sứ. Điển, Tu nghe Trí Cao đến, lui quân tránh né. Trung, Giai hữu dũng vô mưu, đều chết cả. Trí Cao càng thêm hoành hành, cả đất miền nam đều rúng động. Nhân tông lấy làm lo, sai Địch Thanh làm Tuyên phủ sử, các tướng đều phải chịu sự tiết chế của Thanh. Thự sợ Thanh đến lập được công, bèn ra khiêu chiến, cho nên bị bại.