Tác giả: Lý Đào 李燾
Lý Đào là người Mị Châu, đậu tiến sĩ năm Thiệu Hưng thứ 8 [1138]. Xuất sĩ, ông làm các chức như tri huyện, tri châu. Trong lúc làm quan, ông thấy sách Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang, nên muốn tiếp tục công việc ấy. Không ở sử quán, mà làm công việc sử rất khó. Muốn được vua để ý tới, ông bắt đầu soạn Bách quan Công khanh biểu dâng lên. Năm Càn Đạo thứ 3 [1167], được vua triệu về kinh. Năm sau ông đã dâng lên phần đầu sách Trường Biên, từ đời Kiến Long đến đời Trị Bình [960-1067] gồm 108 quyển.
Năm 1169, ông được bổ vào Bí Thư-cục, coi viện Khởi Cư-xá và kiêm chức kiểm thảo viện Thực Lục. Thế là ông đã được một chức thích hợp với sở trường. Nhưng vì hay nói mất lòng các quan khác, nên phải điều đi chỗ khác.
Năm đầu Thuần Hi [1174] ông được về kinh, nhưng sau lại phải đi xa. Ít lâu, ông được về Sử Quán, làm biên-tu viện Thực Lục. Trong thời kỳ ấy, ông vẫn tiếp tục soạn nối sách Trường Biên. Cho nên sau, tuy phải xa kinh, ông cũng soạn xong phần Bắc-Tống. Năm 1180, ông dâng toàn sách lên vua Tống Hiếu Tông, vua sai để sách tại Bi các.
Tự xét sách mình, Lý Đào đã nói:
- Thà chịu chê là sách bề bộn hơn bị chê là sơ lược.
Vua Tống cũng khen:
- Sách này thật không thẹn với sách [ Sử Ký của] Tư Mã Thiên.
Ông được bổ nhiệm làm Phu Văn Lâu học sĩ và coi việc viết quốc sử. Ông xin về hưu năm Thuần Hi thứ 11 [1184] và mất năm ấy. Các nhà nho được đọc sách Trường Biên, đều khen ngợi và thán phục.
Người ta không khỏi sửng sốt về công phu vĩ đại mà một viên quan nhỏ, phải thuyên chuyển nay đây mai đó, mỗi lần phải mang theo tài liệu đi đến nghìn dặm, đã cố gắng trong 40 năm, để làm xong bộ sách khổng lồ!
Sách rất to, không in được; cho nên không mấy ai đọc. Đến đời Minh Thành Tổ [1405-1424] sách được chép vào bộ Vĩnh Lạc Đại Điển; nhưng cũng chỉ để trong bi các mà thôi. Đến đời Thanh Khang Hi [1662-1721] mới được sao vào bộ Tứ khố Toàn thư, và từ đó mới được truyền bá.
Nhưng bấy giờ sách đã khuyết mất 3 khoảng thời gian: khoảng đầu, 4 năm, từ tháng 4 năm Trị Bình thứ 4 đến tháng 3 năm Hi Ninh thứ 3 [1067-1070], khoảng thứ hai, gần 4 năm, từ tháng 7 năm Nguyên Hữu thứ 8 đến tháng 3 năm Thiệu Thánh thứ 4 [1093-1097], và đoạn cuối là hai đời Huy-Tông [1101-1125] và Khâm Tông [1126]. Phần còn lại chia làm 520 quyển.
Năm Quang Tự thứ 7 [1881], có viên tuần phủ tỉnh Chiết Giang là Đàm Chung Lân đem khắc in. Ông tìm được một bản khá đầy đủ như bản Tứ khố Toàn thư và hai bản đời Tống nhưng sót nhiều. Ông so sánh cẩn thận với bản để ở bi các và các bản sao khác, rồi đem khắc in. Từ đó, người ta chủ yếu lấy bản này làm chuẩn.
Bộ Sử Trường Biên này rất khó dùng, vì quá dài, đồ sộ mà chép theo thứ tự thời gian. Đời Tống, đã có Dương Trọng Lương sao lại, nhưng xếp thành mục; được hơn 400 mục. Sách ấy gọi là Tục Tư-trị Thông-giám Trường Biên Bản Mạt. Sách này rất tiện cho việc kê cứu. Riêng về việc nước ta, sách có ba mục: Giao Chỉ nội phụ [quyển 12] chép chuyện Đinh, Lê về trước; Quảng Nguyên man bạn [quyển 50] chép chuyện Nùng Trí Cao, và Thảo Giao Chỉ [quyển 87] chép chuyện Lý Thường Kiệt đánh Tống và Quách Quì đánh Lý.
Tuy sách Bản Mạt dùng tiện, nhưng Dương Trọng Lương lúc sao lại, đã cắt bỏ nhiều chuyện, cho là không liên-quan, nên chỉ dùng để tham-khảo.
Bộ Sử này do Lý Đào trong đời Nam Tống, chép những sự việc xẩy ra từ đời Tống Thái Tổ đến lúc dời đô xuống miền nam [960 - 1126]. Việc chia theo ngày tháng, chứ không chia mục; cho nên hay được các sử gia đời sau gọi tắt là Trường Biên 長編.
Lý Đào đã dùng rất nhiều tài liệu rất hay mà nay không còn, trích những việc xẩy ra từng ngày, chép vào một tờ giấy rời, rồi bỏ giấy ấy vào một hòm riêng. Xong, sao lại thành sách, tổng cộng được hơn 4400 sự việc, thuộc chín đời vua Tống.
Những tài liệu, sử liệu Lý Đào dùng có Thực-lục của các đời vua Tống tức là theo công văn, giao cho sử quán chép, Thời Chính Lục, Nhật Lục tức là chép lời nói, việc làm của vua, do viện Thời Chính, Nhật Lục ở cạnh vua chép hàng ngày, và ghi những cử chỉ, tư tưởng riêng của vua. Hai loại tư liệu này rất quí mà nay không còn đủ hoặc đã mất.
Lý Đào lại đọc các mộ chí, tức là bài bia kể sự nghiệp để ở mộ các vị đại thần, do các đại nho đương thời soạn. Mộ chí các viên tướng tham chiến ở Đại Việt như Quách Quì, Triệu Tiết, Yên Đạt đã được đưa vào sách.
Một loại văn nữa rất quí là các tư-kỷ của các nhà chức trách, như tư-kỷ của Vương An Thạch, Tư Mã Quang, Tăng Bố; như Chinh Nam Nhất Tông văn-tự của Quách Quì.
Các văn tập của các đại nho đương thời, không có quyển nào Lý Đào không đọc tới, và đã được trích lục vào trong sách. Một phần các văn ấy nay còn, có thể khảo thẳng và so sánh.