13/ Mua sắm
Đối với người khách lãng du, lướt qua Răng-gun để tham dự một phiên họp nội vùng như Baoleo nhà cháu, thì không có cách nào tuyệt vời hơn để khám phá cuộc sống của người dân địa phương bằng dạo qua các khu chợ địa phương. Và việc khám phá những khu chợ nhiều sắc màu khi du lịch Yangon quả là đã mang lại cho cho nhà cháu nhiều trải nghiệm thú vị.
Trước hết, phải nói về khu chợ Bogyoke Aung San, nằm trên phố Bogyoke Aung San, thị trấn Kyauktada, Răng-gun. Đây là khu chợ lớn nhất Răng-gun, được xây dựng vào năm 1926 mang nét kiến trúc của Anh.
Khu chợ này thời Tây, à thời Anh, còn có tên là Scott Market, tên này vẫn còn thông dụng, kiểu như ta vẫn quen gọi là Sài Gòn, thay cho cách gọi trang nghiêm là: Thành phố mang tên Bác
.
Khu chợ này lúc nào cũng nhộn nhịp, và khách hàng tại khu chợ này hầu hết là người nước ngoài.
Bogyoke Aung San được ví như là một Myanmar thu nhỏ, bởi du khách có thể tìm thấy được bất cứ món đồ đặc sắc nào của văn hóa Myanmar tại đây. Tất tần tật các thứ từ quần áo, trang phục truyền thống Miến Điện cho đến quà lưu niệm.
Scott Market / Chợ Bogyoke Aung San
Xứ Miến là vựa của ngọc, đá quý và vàng.
Bởi thế cho nên, ngọc ngà bầy bán trong chợ Scott, cứ như bày bán khoai lang trong phiên chợ quê xứ ta
Vàng thì treo từng xâu, kiểu như xứ ta treo dồi chó
Ấy thế nhưng, kinh nghiệm của Baoleo nhà cháu là: bạn đừng ngại lang thang mặc cả khoảng chục hàng trước khi quyết định mua, ở đây người gốc Hoa buôn bán nhiều nên đôi khi giá cũng trên trời lắm.
Và cũng xin bật mí luôn, mua ở cửa hàng miễn thuế tại sân bay Quốc tế Răng-gun, thì lại là rẻ nhất.
Ngạc nhiên chưa.
Hôm đầu tiên lao vào chợ Scott, nhà cháu mặc cả mỏi cả mồm, mua được 1 chiếc vòng ngọc giá là 100%.
Chiều hôm gần về, tạt tiếp vào chợ Scott này, vẫn cái loại vòng ngọc ấy, ở chỗ khác, người bán hàng nhiều tuổi hơn chỗ kia, kém xinh hơn chỗ kia, ngữ âm ít ngọt hơn chỗ kia, thuận tình bán cho nhà chỉ với giá bằng 40%.
Ra đến sân bay, khi định tiêu hết các đồng kayats (đọc là ‘chạt’) còn lại, nhà cháu xém ngất, khi đọ giá cái vòng ngọc nhà cháu mua hôm đầu tiên đến xứ Miến, tại sân bay.
Tại quầy Duty Free Shop, cô bán hàng trẻ trung, nói tiếng Anh chuẩn âm Luân-đôn, trong trang phục Dior phiên bản đời mới nhất, thoang thoảng mùi Chanel 5, ốp-phơ cho nhà cháu với giá chỉ còn là 10%.
Ối giời ơi, cậu đây rồi. Không thể không nhại câu của MC Xuân Bắc khi dẫn chương trình game show này trên truyền hình, để tả lại cảm giác thật là Yomost của nhà cháu khi đó.
Hình ảnh đặc tả những vòng ngọc rất Yomost kể trên
Thôi, không nhắc đến chuyện đau thương kia nữa.
Bogyoke Aung San còn thực sự là "thiên đường" cho mua sắm, đặc biệt là những món đồ thủ công của Myanmar.
Đá quý, vàng bạc của Myanmar vốn đã có tiếng từ lâu. Và bên cạnh các shopping malls lớn bán ngọc ngà và vàng, thì ở khu chợ này, đồ thủ công mỹ nghệ còn là nhiều vô kể.
Những con thú làm từ gỗ thơm (nhà cháu đoán là giáng hương) như cá vàng, voi, rùa, heo... rất đẹp và cũng giá cả thì nghiến răng cũng mua được
.
Nó có mùi thơm tự nhiên của gỗ, nếu để ngoài một thời gian bay mất mùi, chỉ cần dùng giấy ráp đánh lại, mùi thơm của gỗ lại tỏa ra như ban đầu.
Nhà cháu đã mua hộp tăm cách điệu chùa Vàng và con heo đất cho ông con trai cầm tinh tuổi Hợi
Bên cạnh ngôi chợ Bogyke nổi tiếng, thì ở Răng-gun còn có rất nhiều những chợ hấp dẫn khác, đặc biệt là những khu chợ tọa lạc ngay trên những lề đường. Tuy là chợ lề đường, nhưng tại đây du khách sẽ tìm thấy đầy đủ các mặt hàng thực phẩm có giá trị từ thịt, cá, trứng, phô mai, và cả kem thanaka, đây là một loại kem mà người dân địa phương thường dùng để thoa lên mặt làm kem chống nắng.
Đây là cây thanaka, một mặt hàng không thể thiếu để làm nên những đôi má thanaka của thiếu nữ xứ Miến
Đất nước Miến điện bị cấm vận đã lâu, nên sản phẩm xuất khẩu của nước Miến nói chung là không có gì.
Thứ duy nhất để Miến trao đổi, hay dùng để trả tiền cho bên ngoài, chỉ độc có 3 thứ.
Đó là : vàng – ngọc (đá quý) – và ....gỗ.
Thế nhưng, có một điều ít người biết đến, xứ Miến còn là quê hương của sản vật thân thiết với người nghèo như nhà cháu, đó là dầu cù-là.
Hôm đi dạo ở chợ Bogyoke Aung San Market (hay gọi theo người Anh thời thực dân là chợ Scott Market), một ngôi chợ được xây năm 1926 theo kiến trúc Anh thuộc địa, là điểm đến nổi tiếng của Yangon - Nơi ta có thể mua các món thủ công mỹ nghệ Miến Điện đặc sắc, các vật trang trí xinh yêu, hay những chiếc Longchy truyền thống của các chàng trai, cô gái Miến về mặc lưu niệm, nhà cháu đã được một người bán hàng cho xem một hũ nhỏ và nói bằng tiếng Anh khá chuẩn:
-“Thuốc đặc biệt của người Myanmar trị muỗi cắn, nhức đầu, cảm sốt… đấy”.
Nhà cháu cầm “hũ thuốc bí truyền” lên xem, A! dầu cù là bán đầy ở Việt Nam đây mà. Nghe lạ nhỉ. Lọ dầu cù là quen thuộc với người Việt Nam gần cả trăm năm sao lại xuất phát từ…Miến Điện chứ (?!).
Nhà cháu tra Gúc thì quả thật vậy.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, đầu thế kỷ 19, con gái hoàng thái tử Myingun của Miến Điện (lúc đó đang sống lưu vong tại Sài Gòn)m đã lập gia đình với một người Việt Nam và mở hãng dầu cù là Mác-su (Mac Phsu) có màu xanh lá cây nổi tiếng khắp Đông Dương, cạnh tranh trực tiếp với dầu cù là ‘Con cọp’(Tiger Balm, cũng là sản phẩm của người Miến Điện).
Thời đó, dầu cù là Mac Phsu nổi tiếng khắp cả nước, và được ưa thích đến nỗi người dân dùng chữ dầu cù là để chỉ các loại dầu cao (bất kể nơi đâu sản xuất).
Trước đó, vào thế kỷ 19, theo nhà văn Sơn Nam, người Cù Là (Miến Điện) đã đến Rạch Giá, lập xóm Cù Là (làng Vĩnh Hoà Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 km). Xóm này nay hãy còn tên.
Thú vị hơn nữa, theo ông An Chi trong sách Chuyện Đông Chuyện Tây thì ngay cái chữ “Cù Là” cũng chính là tên mà người dân miền Tây Nam bộ ngày xưa dùng để gọi nước Miến Điện (Myanmar).
Ngày nay, dầu cù là vẫn còn sử dụng ở Myanmar (tuy không phổ biến như xưa nữa) nhưng vẫn còn bán nhiều ở các chợ và đấy vẫn là loại thuốc chữa “tứ thời cảm mạo” ưa chuộng của người nghèo.
Nhà cháu đưa hình món quà quý đã mua ở Miến điện ở chợ Bogyoke Aung San Market lên đây, để các bác tham khảo.
Shốp-ping trong siêu thị xứ Miến cũng là một trải nghiệm thú vị.
Điều khác lạ, so với ở Việt ta, là khách hàng thoải mái mang ba-lô, túi xách vào siêu thị, không phải gửi ở nơi giữ đồ.
Chỉ có thể giải thích được rằng :
-Xứ Miến, người dân quá thật thà, không có nạn trộm cắp vặt như ta.
Điều lạ kỳ khi shốp-ping xứ Miến, còn ảnh hưởng sang cả các sản vật bầy bán bên đường.
Tỏi cũng khác xứ Việt ta
Và gạo cũng được bầy bán ở trong các thùng phuy sắt tây, khác ta
Nhà cháu làm quả ảnh đánh dấu tại chợ Scotts, nơi nhà cháu đã có những trải nghiệm đau thương