Đi đâu loanh quanh...

Tran Thanh Hai

Xe buýt
Biển số
OF-13653
Ngày cấp bằng
2/3/08
Số km
857
Động cơ
525,870 Mã lực
Nơi ở
Đô thị Trung hoà Nhân chính
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ..........

nhưng mà chủ thớt tường thuật hay & trích dẫn chi tiết quá nhỉ.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Một chuyến công tác, nhân dịp ghé ngang đảo Long Sơn.

LONG SƠN – ĐẤT VÀ NGƯỜI

Đảo Long Sơn là một cù lao nằm ở gần Bà Rịa, cách Bà Rịa khoảng 9km, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xuôi theo quốc lộ 51 là đến. Có một dãy núi thấp trên cù lao, tên gọi cũng là núi Long Sơn, còn gọi là núi Nứa vì ngày xưa ở nơi này có rất nhiều nứa. Dân số trên đảo có khoảng 13.000 người, trong đó khoảng 2/3 là theo đạo ông Trần.

Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, Hà Tiên, Kiên Giang. Sở dĩ có tên gọi là ông Trần, vì ông hay… ở trần, một cách gọi rất chân chất, mộc mạc theo kiểu miền Tây Nam Bộ. Khoảng năm 1900, vì tham gia kháng Pháp, bị Pháp truy nã, nên ông cùng một đoàn người đi trên năm chiếc ghe lớn, tìm đến đảo Long Sơn nương náu (có tài liệu nói rằng ông dẫn 20 người cùng đi trên một chiếc ghe). Lúc đó nơi đây rất hoang vắng, xung quanh là rừng ngập mặn, ông đã cùng với mọi người khai hoang lập ấp, dần dà phát triển sầm uất. Nhiều người ở miền Tây nghe tiếng cũng đã theo về đây sinh sống.

Chiếc ghe tương truyền là đã chở ông đạo Trần đến vùng đất Long Sơn. Chiếc ghe được giữ gìn và bảo quản rất kỹ lưỡng.



Đạo ông Trần vốn có nguồn gốc từ đạo Tứ ân hiếu nghĩa ở vùng Thất Sơn, An Giang. Giáo lý chỉ là những lời dạy dỗ về kinh nghiệm sống, cách làm người. Dân gian cứ thế truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đạo không có kinh kệ, hoạt động truyền đạo, giảng đạo. Gia tộc ông Trần sống tập trung ở một khoảng đất rộng chừng 4 hecta. Điều kỳ thú ở trên khoảng đất ấy, nổi lên một ngôi nhà được gọi là Nhà Lớn Long Sơn.

Thật ra đó không hẳn là một ngôi nhà, mà là gồm nhiều mái nhà liền kề nhau, tạo thành một quần thể san sát. Ngày xưa ngôi nhà được xây bằng gỗ ván, tre nứa, trải qua nhiều năm tháng, đã xen vào những kiến trúc bằng gỗ, mái ngói và có thêm tầng lầu, cùng với những lầu gác làm nơi thờ phụng. Việc xây dựng một ngôi nhà lớn như vậy được giải thích bằng lý do là khi hữu sự thì dễ cứu giúp nhau trong trường hợp gặp cướp bóc, thú dữ.

Những mái nhà san sát, tạo thành một ngôi nhà lớn có kiến trúc độc đáo, nhưng cũng… khá lộn xộn



Hướng dẫn khách tham quan là những cư dân sống ngay trong ngôi nhà này, họ búi tóc, mặc đồ bà bà đen, nét mặt hiền lành, chân chất tựa như những lão nông Nam Bộ. Đặc biệt, khi vào tham quan, nam nữ phải đi thành hai đoàn riêng biệt, không đi cùng với nhau. Bên trong ngôi nhà la liệt đồ gỗ, bàn ghế, giường, tủ thờ, trông khá cổ kính, với lối trang trí và màu sơn nhìn như đã ngót trăm năm, có cả một bộ bàn ghế bát tiên được giới thiệu là vốn của vua Thành Thái. Nhà Lớn chia thành 3 khu vực với nhà khách, lầu cấm, nhà thánh, lầu giữa, lầu dài, lầu tiên, lầu Phật, nhà hậu, nhà hội, trường học, chợ, mộ, các dãy phố, nhà ghe sấm (còn lưu giữ một trong năm chiếc ghe đầu tiên về Long Sơn lập nghiệp), nhà mát (trạm, dành cho ghe thuyền bà con tránh mưa nắng), khu nhà ở, công viên...

Bên trong ngôi nhà khá tối, thoảng mùi ẩm mốc, không khí có phần tù đọng, dù rất sạch sẽ. Việc quản lý do con cháu trong gia tộc ông Trần điều hành. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hàng ngày do 5 người đảm nhiệm, cứ 3 ngày lại thay phiên một lần.

Một khoảng sân hiếm hoi trong Nhà Lớn để lấy ánh sáng




Nhà Lớn Long Sơn gắn liền với nhiều giai thoại ly kỳ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà hầu như không bị ảnh hưởng gì. Người dân ở đây kể rằng vào thời Pháp, lính Pháp đã định san bằng Nhà Lớn và di dân ra khỏi đảo nhưng không thành. Pháp đã bỏ bom xuống ngôi nhà nhưng bom không nổ, sau đó lính Pháp đặt mìn định giật sập nhà nhưng mìn cũng trơ ra. Nhà Lớn bị lính Pháp chiếm làm nơi ở nhưng nhiều lính Pháp bị té lầu mà chết một cách bí hiểm, nên cuối cùng phải rút ra khỏi ngôi nhà.

Một số phong tục của đạo ông Trần khác biệt với bình thường. Chẳng hạn như đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn 2 ngày nhất định trong tháng để tổ chức cưới là ngày 1 và 16 âm lịch. Đám tang chỉ chôn trong vòng 24g, không coi ngày giờ và xả tang ngay tại mộ. Hôm tôi đến Nhà Lớn Long Sơn, rất may là cái quan tài đang ở nhà, nên được tận mắt chứng kiến và thấy rất lạ lùng với phong tục này.

Tục lệ tang ma trong đạo ông Trần có phần kỳ lạ ở quan niệm “chết đồng quách”. Và tục lệ này vẫn được dân đảo thực thi cho đến ngày nay. Theo triết lý của ông Trần thì khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau, nên ông đã cho làm 1 cái áo quan đan bằng nứa và bằng gỗ, sơn đỏ, đặt trong Nhà Lớn. Quan tài có hình dạng như một quan tài bình thường, chỉ khác là phần trên đan bằng nứa làm tương tự như cái lồng bàn. Người chết nằm ở miếng ván gỗ phía dưới, úp phần trên của quan tài lên. Quan tài khi mang ra đến huyệt mộ thì người chết được quấn vào chiếu cói hay lá buông và chôn xuống đất. Chiếc quan tài rỗng lại được mang về Nhà Lớn. Nếu có người khác chết, thì gia đình có tang lại thỉnh chiếc quan tài ấy về tẩm liệm. Tôi tò mò hỏi nếu có vài người qua đời một lúc thì thế nào và được trả lời rằng ai qua đời trước thì được sử dụng quan tài trước, sau đó đến lượt người qua đời sau, cứ theo thứ tự lần lượt, bởi đám tang không phải coi ngày giờ.

Đây là hình ảnh chiếc quan tài đặc biệt





Một năm các tín đồ đạo ông Trần có 2 ngày lễ hội lớn là ngày 9/9 âm lịch (tết trùng cửu) và ngày vía ông Trần 20/2 âm lịch. Lễ hội không tổ chức linh đình mà chủ yếu là dâng hương, khấn niệm, tưởng nhớ công đức người xưa. Lễ hội thường thu hút hàng chục ngàn người tham dự, trong số đó có nhiều người từ miền Tây lặn lội lên.

Đặc sản trên đảo không có gì đặc biệt, ngoài món chao, mắm ruốc và mắm tôm chua.



Khách du lịch đến nơi này có lẽ vì bị thu hút bởi không khí yên bình, không gian thì xanh ngát và rất nhiều nắng gió. Và có lẽ là cảm giác về một thế giới xưa cũ còn vẹn nguyên.

Tự hỏi mình, liệu có nơi nào như ở mảnh đất này, nơi mà đạo và đời gần như không còn khoảng cách, nơi mà tôn giáo không dung nạp những triết lý cao xa, những tư tưởng dù rất sâu sắc nhưng trừu tượng. Tôn giáo không hướng con người đến những kiếp sau mòn mỏi, thần bí, mà tôn giáo chỉ nói đến kiếp này, đến những gì hiện hữu và thực tại.
 
Chỉnh sửa cuối:

devilmaycry

Xe tải
Biển số
OF-35624
Ngày cấp bằng
19/5/09
Số km
215
Động cơ
475,540 Mã lực
Tuổi
41
Đọc đang hay, tiếp đê chị gái ơi

rim 21 thế kia chắc đi nhiều -> có nhiều cái để kể ;))
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
HÀNH TRÌNH FANSIPAN

Tôi yêu núi nhiều hơn yêu biển. Biển không có độ cao, biển chỉ có chiều sâu bất tận. Còn núi thì có cả độ cao lẫn vực sâu. Núi là nơi ta cảm thấy gần với bầu trời nhất. Có lần giữa đám bạn bè, tôi rụt rè nhận xét núi giống như đàn ông, còn biển chắc là phụ nữ. Bởi lẽ sóng biển vỗ suốt ngày không ngừng nghỉ, cũng ồn ào, ầm ĩ, mau chán, giống hệt như… phụ nữ. Núi thì khác, núi thâm trầm, trang nghiêm, núi không dễ đến và cũng thật khó rời xa.

Giữa núi và biển cho một kỳ nghỉ, tôi sẽ chọn núi. Và lần này tôi chọn Fansipan.

Tôi làm Hội trưởng một cái hội gồm toàn phụ nữ có chồng, không chồng và chưa chồng. Gặp nhau trên mạng, quen nhau qua net. Giống nhau ở chỗ thích ăn ngon, mặc những bộ váy đẹp, đọc sách, đi du lịch, bản thân sống lãng mạn và luôn tin rằng trên đời này vẫn tồn tại nhiều điều lãng mạno:-). Chúng tôi thân nhau như chị em một nhà, dù tất cả đều sống ở Hà Nội, chỉ có mình tôi ở Sài Gòn.

Vào một ngày đẹp trời, vài thành viên trong Hội bỗng hứng chí muốn chinh phục Fansipan, cho dù chưa ai từng leo núi, trừ tôi. Tôi đã bỏ qua vài cơ hội leo Fansipan vì đủ thứ lý do. Và lần này lại càng không thể bỏ qua lời rủ rê đó, dù lòng vẫn băn khoăn không biết các cô nàng yểu điệu của Hội mình thì sẽ leo núi như thế nào:-s. Bởi leo Fansipan không phải như đi nghỉ bên bờ biển. Leo Fansipan cũng không phải là chuyến hành trình dạo chơi như leo núi Hàm Rồng ở Sa Pa. Leo Fansipan đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai, đòi hỏi một ý chí và nghị lực để vượt lên cái lạnh, cái vất vả, để vững bước trên những đoạn đường cheo leo.

Fansipan, mái nhà của Đông Dương với độ cao 3.143m, cao nhất Việt Nam và cũng là cao nhất trong 3 nước Đông Dương. Fansipan, có nhiều cách lý giải khác nhau về tên gọi. Có người bảo Fansipan theo tiếng Mông có nghĩa là “hoa đỗ quyên”, bởi lẽ ở Fansipan có rất nhiều cây đỗ quyên, có người lại bảo Fansipan là “phiến đá khổng lồ chênh vênh”.

Hình như ai có chút máu lãng du đều mơ một lần được lên đỉnh Fansipan. Fansipan, nghe gần gũi, thân quen hơn nhiều so với Kinabalu, với Mont Blanc, với Kilimanjaro, với Everest. Đơn giản chỉ vì Fansipan không xa, đơn giản vì Fansipan đã nhiều người đặt chân đến. Trên các diễn đàn, box du lịch, nhan nhản những kinh nghiệm leo Fansipan, từ chuyện mang theo những gì trong chuyến leo núi, đến những kinh nghiệm đi sắm đồ leo núi thế nào. Ba con đường leo lên Fansipan cũng được nhắc đến nhiều. Trong đó chủ yếu là con đường Trạm Tôn, con đường dễ đi nhất, mà vài chàng lữ hành cay độc luôn rêu rao rằng: “Phụ nữ mặc váy cũng leo lên được đến đỉnh”. Còn hai con đường kia thì khó đi hơn, dài hơn, cheo leo hơn.

Một số thành viên của Hội hăm hở với cuộc hành trình leo Fansipan cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Leo Fansipan chỉ là một hành động lãng mạn, chỉ đơn giản là thế. Khó khăn, hiểm trở hay vất vả thì cũng là một phần của lãng mạn.

Có nhiều kiểu lãng mạn trên đời. Chẳng biết là leo Fansipan thì thuộc vào dạng lãng mạn nào? Cho đến giờ tôi vẫn chưa trả lời được.

Sau rất nhiều thay đổi, biến động về số người đi vì mọi lý do, cuối cùng chúng tôi cũng lên đường với số thành viên vỏn vẹn 4 người: Alice, Carmen, Cathy và Tiny. Chúng tôi lên đường với ý nghĩ là toàn phụ nữ thế này, thì nhất định sẽ đi theo đường dễ nhất.

Nhưng chuyến đi tưởng êm đẹp đã không diễn ra như mọi người hình dung từ trước.
 

NguoiTlem

Xe hơi
Biển số
OF-7475
Ngày cấp bằng
26/7/07
Số km
131
Động cơ
540,582 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Cuộc đời là những chuyến đi và chuyến đi của khiến em "thèm thuồng" =D>
 

ntrson

Xe tăng
Biển số
OF-2997
Ngày cấp bằng
7/1/07
Số km
1,366
Động cơ
573,424 Mã lực
Cám ơn bác Alice, những hình ảnh đẹp, những lời văn hay làm em càng quyết tâm làm chuyến đi Lào bằng đường bộ dịp 30/4 này. Các cụ nào có cùng ý tưởng thì liên lạc với em nhé. Dự kiến đi ngày 29/4. Nhà em 3 người, một xe Escape.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Những chuyện rắc rối nho nhỏ bắt đầu từ ngay giây phút đầu tiên của chuyến đi. Theo đúng kế hoạch, cả nhóm sẽ tập trung tại văn phòng công ty du lịch vào lúc 8 giờ tối để từ đó ra ga đi Lào Cai. Nhà Carmen gần ga nên từ nhà đi thẳng ra ga. Còn đến văn phòng công ty thì có tôi, Cathy và Tiny.

Rắc rối thứ nhất là tôi và Cathy chưa kịp ăn tối. Hy vọng vào sự tiếp tế của một cô bạn, nhưng bạn ấy lại không đến kịp, trong khi giờ tàu chạy đã gần kề. Thế là tiêu tan hy vọng về một bữa tối, và cũng tiêu tan luôn hy vọng sẽ có người đứng dưới sân ga vẫy vẫy cái khăn tay (màu xanh hay màu trắng nhỉ) để sụt sùi tiễn mọi người đi cho đúng kiểu sến như tiểu thuyết lãng mạn >:)>:).

Rắc rối nữa là lúc đầu đăng ký 5 người đi, cuối cùng chỉ còn có 4. Một người bạn của Cathy rút lui vào giờ chót, thế nên công ty du lịch vẫn bắt đóng 50% số tiền, với lý do mọi thứ đều đã được book xong xuôi rồi. Thời gian gấp gáp, không kịp năn nỉ hay tranh cãi, nên Cathy đành đóng thêm 50% số tiền cho bạn, nhưng vẫn đủ sáng suốt để lấy theo 2 cái vé tàu chuyến đi và về, với hy vọng ra ga bán lại được vé để gỡ gạc chút ít.

Cũng vì cái chuyện bán vé mà dẫn đến rắc rối là suýt nữa cả nhóm chậm chuyến tàu. Loay hoay đi tìm người mua vé, rồi nhờ vả bán giúp. Nói chung là chuyện tập tành làm phe vé quả là rất khó khăn, không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Làm phe vé đòi hỏi phải nhanh mắt, nhanh tay, đoán được tâm lý người mua vé, miệng thì phải dẻo như kẹo cao su để thuyết phục người mua:).

Cuối cùng Cathy cũng bán được hai cái vé thừa. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhìn đồng hồ, thấy còn chưa đầy 10 phút nữa là tàu chạy. Nhìn quanh quất vẫn chưa thấy Carmen xuất hiện. Gọi điện thoại thì Carmen vẫn còn trên taxi trên đường ra ga. Người của công ty du lịch thì cứ giục giã, lôi kéo bắt đi vào sân ga kẻo lỡ chuyến tàu. Cả đám bối rối, nhưng đành phải bước qua cửa soát vé, rồi đứng ngay tại cửa nấn ná thêm mấy phút nữa, với hy vọng Carmen đến kịp.

Còn ba phút cuối cùng, Carmen đã xuất hiện ở đằng xa. Lúc đầu là đi nhanh, và sau là chạy. Chạy qua cửa soát vé mà không cần trình vé, quẳng cả cái ba lô cho người ở công ty du lịch xách hộ mà cũng không cần biết đấy là ai.

Và thế là bắt đầu một cuộc chạy đua ở cự ly trung bình có vác theo đồ nặng. Tất cả mọi người cùng chạy ra sân ga. Chạy như điên cuồng. Chạy như giông bão. Chạy bất kể cái ba lô nặng trĩu vác sau lưng. Chạy với ý nghĩ duy nhất trong đầu là cầu trời đừng cho muộn tàu kẻo chuyến leo Fansipan có nguy cơ tan thành mây khói. Tối 29/4 lên tàu, với lượng người đi nghỉ lễ đông thế này, lỡ chuyến tàu là coi như cầm chắc ở lại nhà vì không còn chỗ.

Leo được lên tàu, vào toa rồi, tôi mới định thần nhìn lại chân của mọi người, để xem mang giày gì mà chạy nhanh thế. Cathy chạy có lợi thế nhất với đôi giày thể thao. Tôi đi một đôi sandal Biti’s. Dưới chân Tiny là đôi dép tông yểu điệu màu trắng. Còn Carmen thì rực rỡ trong một đôi dép lê bằng nhựa màu cam nhìn chói mắt. Thôi thì mang giày dép gì cũng được, miễn là lên được tàu. Giày leo Fansipan thì đã được cất kỹ trong ba lô.

Ở đâu và lúc nào cũng vậy, sẽ luôn có người phụ nữ đến muộn. Đó là kết luận của tôi sau những chuyến đi:).

Tàu chạy lúc 9 giờ tối. Bụng đói cồn cào vì chưa ăn tối. Nhấm nháp vài cái bánh ngọt. Lòng bồn chồn nghĩ về chuyến leo Fansipan ngày mai.

Và rồi ngủ chập chờn với cái bụng đói, mơ về một sân ga đầy người, chả có gì thi vị như trong thơ ngày xưa mình từng đọc. Tôi vẫn luôn thích những chuyến tàu. Nhớ hoài cái cảm giác được đi tàu lần đầu tiên. Nhưng cảm giác ấy có phần do đọc nhiều trong sách vở. Nhớ những câu thơ ngày xưa của Tế Hanh về những chuyến tàu không phải chỉ chở người, mà chở cả tình cảm con người.

Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Và thơ của Nguyễn Bính, những câu thơ yêu thích của một thời đi học:

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Tôi đi qua nhiều sân ga, thấy sân ga nào cũng đông đúc, cũng ầm ĩ, nhưng sao sân ga nào cũng buồn. Những chuyến tàu lắc lư đi trong đêm cũng gợi một cảm giác buồn. Có quá nhiều kỷ niệm với những chuyến tàu, và bây giờ lại thêm một kỷ niệm nữa.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Khoảng 6 giờ sáng thì tàu đến nơi. Ngái ngủ, đói meo, lần mò xuống ga. Sân ga Lào Cai quá đông đúc, chắc phải 5 người/m2. Chặc lưỡi, thôi thì ngày lễ. Đủ mọi gương mặt, đủ mọi dáng vẻ. Nhưng ai nấy đều hớn hở, đều vui tươi.

Nhớ ngày xưa khi còn nhỏ xíu, được xem một bộ phim của Nga và có đọc cuốn sách cùng tên “Sân ga cho hai người”. Bộ phim hài lãng mạn nói về tình yêu của một hành khách và một cô phục vụ. Không biết trong đời thật cũng có những chuyện tình kiểu “Sân ga cho hai người” không?:P

Từ Lào Cai đến Sa Pa còn khoảng 37 km. Sa Pa là nơi tôi từng đến, từng rất thích, từng có rất nhiều kỷ niệm. Đó là điểm dừng chân cuối cùng của một hành trình xuyên Việt kéo dài 3 tuần của mấy năm về trước.

Sa Pa, với bản Cát Cát của người Mông, với bãi đá cổ, với động Tả Phìn, với thác Bạc, cầu Mây, với núi Hàm Rồng. Một chút kiến trúc Pháp vẫn còn đâu đây. Nhưng lần này chắc không có thời gian quay lại những địa điểm ấy. Lần này đi là chỉ để leo Fansipan.

Khoảng 7g30 thì đến một khách sạn ở Sa Pa. Khách sạn Hoàng Gia khá lớn, sẽ là nơi ở lại khi từ Fansipan quay về. Được thông báo là khoảng 9 sáng sẽ xuất phát. Từ Sa Pa đến chân núi Fansipan còn khoảng hơn 10 cây số nữa. Môt em gái rất trẻ, nhỏ nhắn xuất hiện. Em tự giới thiệu tên là Trang và sẽ là người hướng dẫn leo Fansipan. Cả đám nhìn nhau kinh ngạc. Không ai nghĩ sẽ gặp hướng dẫn là một cô gái còn rất trẻ như vậy.

Lại biết thêm một rắc rối mới. Hóa ra mọi khách du lịch khi leo Fan đều phải tự mang đồ cá nhân. Potter chỉ mang lều, túi ngủ, thức ăn cho khách. Trong khi công ty du lịch ở Hà Nội lại cứ khẳng định rằng potter sẽ vác đỡ cho khách một phần hành lý. Kêu ca ầm ĩ một lúc thì vấn đề được giải quyết. Một potter sẽ vác giúp một ba lô chung cho cả bốn người. Lại loay hoay chia đồ đạc, sắp xếp ba lô.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải nạp năng lượng vào cái dạ dày trống rỗng. Sau bao nhiêu mong chờ, bữa ăn sáng cũng được mang ra.

Đây là hình ảnh còn lại của bữa ăn sau 20 phút.



Sau đó là đến tiết mục thay đổi trang phục leo núi. Trước hôm đi, đã có vài cuộc mua sắm ở phố Lê Duẩn. Trang phục, theo kinh nghiệm của những người đi trước, phải là trang phục bộ đội. Giày bộ đội, tất chống vắt, mũ tai bèo, áo mưa bộ đội, còi, băng thun đầu gối, băng thun cổ chân, thuốc xịt chống muỗi, vắt, găng tay, gel khô rửa tay rửa mặt… và vô số thứ linh tinh khác. Mặc lên, nhìn rất giống “chị bộ đội Cụ Hồ”. Vất vả lắm mới kiếm được những đôi giày bộ đội vừa chân. Tôi mua luôn cả mũ tai bèo, cả mũ của bộ đội biên phòng. Tôi phát hiện ra rằng nếu đi cắm trại, dã ngoại, nên ra Lê Duẩn tìm mua đồ của các chú bộ đội, tuy hình thức không đẹp nhưng rẻ và rất tiện dụng, chẳng thua kém gì những hãng chuyên sản xuất đồ phục vụ du lịch.

Các cô bạn Carmen và Cathy của tôi với trang phục leo núi





Ở chân núi, tập hợp đội hình, mới biết là chúng tôi sẽ đi cùng với 2 nhóm khác. Một nhóm gồm 3 người, có một ông già tự hào khoe là mình đã 65 tuổi, một anh chàng tự xưng là họa sĩ, và một cô nàng tự xưng là phóng viên. Nhóm kia là 10 bạn Pháp và Bỉ, đủ cả nam lẫn nữ, đang trong cuộc hành trình leo núi vòng quanh châu Á (ngoại trừ Everest) và Fansipan chỉ là một trong nhiều điểm cao cần chinh phục. Ở họ, thấy rõ sự chuyên nghiệp như các vận động viên. Cô bé Trang nhỏ nhắn phụ trách 2 nhóm khách Việt, và một anh chàng nữa hướng dẫn nhóm khách Pháp và Bỉ. Đi cùng còn có 10 potter là người H’ Mông đen.

Vì đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên lượng khách leo núi Fansipan tăng đột biến. Dưới chân núi có nhiều nhóm đang tập hợp, chuẩn bị xuất phát. Khí thế rầm rộ, ngút trời. Nhưng nhìn quanh quẩn, chẳng có nhóm nào toàn nữ như nhóm mình, cũng chẳng có mấy nhóm nào ít ỏi số lượng như nhóm mình.

Bắt đầu leo núi vào khoảng hơn 10 giờ sáng. Tôi cố nén cảm giác phấn khích được bắt đầu chinh phục một độ cao. Sau vài lần đi hụt, bây giờ đã thật sự bước vào hành trình, dù vẫn chưa biết những điều gì đang chờ mình ở phía trước.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Hai tiếng đầu tiên đi khá dễ dàng. Con đường tuy dốc nhưng chưa thấy nguy hiểm, thỉnh thoảng còn gặp một vài khoảng trống rộng rãi, khá bằng phẳng. Nhưng chúng tôi đã phải tìm cây để làm gậy chống, đồng thời đeo găng tay để bám vào những chỗ nào có thể bám được (đất, đá, rễ cây…) để leo lên.

Lúc bấy giờ tôi cũng chưa biết chúng tôi leo lên bằng đường gì, chỉ thấy là đoạn đầu khá dễ đi. Cô bé Trang hướng dẫn viên du lịch cũng chả nói gì, chỉ cắm cúi leo.

Mấy tiếng đồng hồ đầu còn tươi cười ngó nghiêng và dừng lại chụp hình.

Con đường mòn xuyên rừng



Những gốc cây rêu mọc



Đến khoảng 12g trưa thì bắt đầu thấm mệt. Chân bắt đầu có cảm giác nặng như chì. Trời se lạnh mà mồ hôi đổ ướt áo. Những bài tập chạy bộ trên máy mỗi ngày của tôi xem ra cũng không có tác dụng gì mấy. Mệt và mệt. Và đói bụng.

Đầu giờ chiều thì chúng tôi tìm được khoảng đất rộng, dừng lại ăn trưa. Trên Fansipan có rất ít những khoảng đất trống và bằng phẳng, do vậy tìm chỗ hạ trại khá khó khăn. Chỉ có một vài điểm hạ trại được đông người, cô bé Trang giải thích như thế. Bữa trưa khá ngon lành với bánh mì, đồ hộp và trái cây. Các potter người H’Mông có vẻ như đã quen với việc du khách leo Fansipan sẽ ăn nhiều, nên gùi của ai cũng đầy ắp đồ ăn.

Trong nhóm bốn người, có lẽ tôi là khoẻ nhất, luôn cố gắng đi đầu đoàn người. Cô bạn Carmen của tôi nhờ có thâm niên khiêu vũ nên đi lại rất uyển chuyển, khéo léo, tránh được hầu hết các chướng ngại vật. Còn tôi thì bị đo… núi mấy lần, tay chân trầy xước, chảy máu. Giá ở nhà thì sẽ rên rỉ kêu đau, nhưng giữa chốn núi non thế này, không dám kêu vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người.

Đoàn du khách Tây đã đi vượt hẳn lên trên. Tôi thở không ra hơi. Xung quanh tôi, cô nàng Cathy bé nhỏ đã đi tụt hẳn lại, em Trang phải đi kè sát bên cạnh, nhiều đoạn phải dìu từng bước.

Tôi cố nhớ lại những gì mình đã đọc được trên mạng về đường leo lên Fansipan. Nghe nói đường Trạm Tôn là đường dễ leo hơn cả, nhiều người đi nhất và cũng đỡ mệt hơn cả. Từ cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn ở độ cao gần 2.000m, chỉ cần đi hơn 1.000m nữa là đến. Tính theo độ dài thì con đường này khoảng 18km, đi qua một góc rừng nguyên sinh, rồi chạy trên sống núi của Hoàng Liên Sơn, bên dưới là vực sâu.

Đường Sín Chải Việt Hùng là đường chinh phục Fansipan ngắn hơn, nhưng dốc kinh hoàng, vách núi dựng dứng, vực sâu thăm thẳm, nhiều chỗ phải leo dây vượt qua những vách đá. Con đường này không dành cho những ai yếu tim. Con đường này chỉ dành cho những ai thích chinh phục, khám phá và vượt qua thử thách.

Đường Cát Cát là đường đi từ bản Cát Cát lên, từ độ cao 1.200m. Đường này đi qua những rừng tùng cổ thụ đẹp quái lạ, mê hồn. Đường này cũng đi qua nhiều góc hoang dã của vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Trời xui đất khiến thế nào, mà chúng tôi lại đi theo đường Sín Chải Việt Hùng. Nhưng lúc ấy chả ai trong số chúng tôi lại biết rằng mình đang leo theo con đường khó nhất. Khó đến mức tôi không thể nào dừng lại, bám tay để chụp ảnh. Sau này nghe em Trang, hướng dẫn viên du lịch giải thích là em chỉ đi theo yêu cầu của đoàn khách Tây, mà bọn Tây thì thích leo con đường hiểm trở nhất. Bốn phụ nữ chúng tôi không may bị ghép đoàn và thế là cũng bị… leo theo.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Chiều buông xuống dần. Không thể diễn tả nổi cảm giác mệt và mỏi. Không thể diễn tả nổi cảm giác chỉ biết cắm mặt nhìn xuống đường, dò từng bước, chỉ sợ sẩy chân. Khoảng 4 giờ chiều mà trời âm u sương mờ bắt đầu phủ trắng, bắt đầu thấy lạnh. Giày và tất ướt đẫm, tóc bết lại với nhau, nhìn gương mặt ai cũng thảm não và nhăn nhó. Không còn hào hứng chụp hình nữa, chỉ mong đến chỗ nghỉ chân mau mau. :(

Nhìn xung quanh đã thấy có đoàn hạ trại mà chúng tôi vẫn tiếp tục đi.




Đoàn khách Tây với anh chàng hướng dẫn viên thì đã đi vượt lên trước từ lâu, chỉ còn nhóm của chúng tôi và nhóm của bác già 65 tuổi. Bác leo có vẻ không biết mệt, luôn miệng khoe là nhờ tập yoga. Bác nói mọi chuyện linh tinh trên trời dưới biển, tỏ ra quen biết toàn những vị quan trọng, rồi bác lại còn nói chuyện văn thơ nữa. Tôi ù hết cả tai, một phần vì độ cao, một phần vì bác cứ nói suốt. Bụng bảo dạ: chưa bao giờ gặp một ông già lắm lời như thế.:)) Chính bác già này và hai người đồng hành cùng bác đã khiến chúng tôi một phen khốn khổ trong đêm thứ hai hạ trại trên Fansipan.

Vượt qua một khe suối thì đến chỗ hạ trại ở phía bên kia. Sở dĩ phải cắm trại tại khe suối là để lấy nước nấu nướng.



Các potter bắt tay vào việc dựng trại, nấu nướng. Họ nhóm lửa rất khéo, nấu ăn một cách điệu nghệ, cử chỉ tỏ ra thành thục, như là đã rất quen với việc này.



Món thịt gà xào trên bếp, hứa hẹn một bữa ngon.



Tôi cởi tất, giày ra hong khô bên bếp lửa. Em Trang cười, bảo là đằng nào ngày mai cũng sẽ ướt hết.

Cô bạn Carmen của tôi lấy đồ nghề ra thêu bên bếp lửa. Mấy anh chàng potter chỉ trỏ ra vẻ ngạc nhiên.



Bạn Carmen thêu thùa rất khéo, lúc nào cũng mang theo miếng vải thêu trong túi, hễ rảnh là hí hoáy lôi ra thêu thêu thùa thùa. Bạn ấy cũng rất điệu, nhìn chả ai nghĩ là kỹ sư ngành giao thông vận tải. Em Tiny thì nhỏ bé nhất, nhưng có vẻ rất dai sức, không chịu thua chị kém em, cũng leo, cũng bò, cũng bám rễ cây, tảng đá đu người lên. Tôi không hình dung ra nổi chặng đường đầu tiên mà lại hiểm trở đến như vậy. Cô bé Trang bảo chúng tôi mới leo lên đến độ cao 2.100m, có nghĩa là gần một ngày đi loanh quanh leo được có vài trăm mét chiều cao.

Tôi cũng thư giãn bằng cách lôi ra một cuốn sách. Cuốn “Mùi hương” mượn của em Tiny. Đọc sách bên bếp lửa bập bùng ở độ cao 2.100m của Fansipan cũng là một điều thú vị. Cuốn sách hay nên lại càng thú vị.



Bữa tối trôi qua nhanh chóng, bởi rất cả mọi người đều đói. Ăn xong cả bọn ngồi nán lại bên bếp lửa, ngẫu nhiên thành một vòng tròn. Nhưng không ai cười đùa nhiều, vì đã quá mệt.

Đên khi chui vào lều thì lại là một thảm cảnh. Chiếc lều chỉ đủ sức chứa bốn người, mà nay nó phải chứa đến bảy người của hai nhóm, nhóm chúng tôi và nhóm bác già. Thu nhỏ người lại hết cỡ, tôi nằm thiếp đi, mê mệt, không mộng mị.
 
Chỉnh sửa cuối:

jack_derida2000

Xe tăng
Biển số
OF-7318
Ngày cấp bằng
21/7/07
Số km
1,048
Động cơ
550,682 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Mợ Alice viết hay quá , mời mợ một ly nhé
 

Thuxe

Xe tải
Biển số
OF-52796
Ngày cấp bằng
13/12/09
Số km
462
Động cơ
457,150 Mã lực
Cái giọng văn tưng tửng, hào hoa mà như ... thoáng buồn.
Hồi thế kỷ 20 người ta gọi là : Xê dịch, còn hiện nay là phượt.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy là đã nghe tiếng nói của Cathy. Bạn ấy nằng nặc… đòi về. Về ngay lập tức, về mà không cần biết ai sẽ đưa về. Bạn ấy mệt vì leo núi nhiều quá. Bạn ấy lạnh vì khí hậu ban đêm trên Fansipan rất lạnh. Bạn ấy ướt vì hôm qua mưa suốt đêm. Bạn ấy thiếu ngủ vì hôm qua lều chật quá, không ngủ được.=((

Thế là có một người không phải vì theo chồng mà cũng bỏ cuộc chơi. Cô bé Trang phải thu xếp cho một potter đưa Cathy ngược xuống núi. Còn lại ba người: tôi, Carmen và Tiny vẫn quyết định tiếp tục lên đường. Chẳng lẽ leo đến chặng đường này rồi mà bỏ thì… không còn gì để nói nữa.[-X

Chúng tôi xuất phát sớm nhất, sớm hơn mọi người nửa tiếng, đi từ lúc 7 giờ, sau bữa sáng vội vàng, vì chắc chắn thế nào cũng bị tụt lại phía sau.

Trời đổ mưa không ngớt từ đêm qua. Ngày thứ hai leo Fansipan là một ngày trời mưa từ sáng cho đến tối. Cũng vì trời mưa khá to mà tôi gần như chả chụp được tấm hình nào. Mưa ướt sũng, nhớp nháp, thỉnh thoảng phải đưa tay lên mặt gạt nước mưa. Tầm nhìn thì mờ mờ, không rõ. Nhưng nghe bảo thời tiết Fansipan là thế. Trong chuyến leo núi kiểu gì cũng gặp mưa, chỉ có là mưa lớn hay mưa nhỏ, mưa nhiều hay mưa ít. Đoàn chúng tôi xui xẻo gặp trận mưa lớn, mưa suốt ngày, thỉnh thoảng mới có một chút nắng hửng lên.

Mặc áo mưa bộ đội, tay chống gậy, ba người chúng tôi và em Trang khăn gói lên đường với quyết tâm hôm nay sẽ được ôm cột mốc Fansipan mà chụp hình.

Em Trang lúc nào cũng nhiệt tình, cũng vui vẻ, và đặc biệt tỏ ra dẻo dai không biết mệt. Em cũng hay kể chuyện. Em kể là em quê ở Hải Phòng, con gái vùng biển mà lại thích núi. Em đã hướng dẫn leo núi Fansipan được năm lần.

Em Trang là một cô gái nhỏ nhắn và dễ thương.



Chắc sau này có dịp leo lại Fansipan, sẽ vẫn liên hệ để đi cùng với em Trang, nếu em chưa chuyển nghề. Hiện nay em Trang vẫn là hướng dẫn viên nữ duy nhất làm nhiệm vụ dẫn các đoàn leo Fansipan.

Vài anh chàng người H’ Mông đi theo làm nhiệm vụ khuân vác.



Họ rất nhiệt tình, rất chu đáo và có trách nhiệm. Tôi hỏi là có potter nữ không, họ cười hiền lành lắc đầu. Họ sống trong các bản người H’ Mông, khi nào có khách leo núi thì họ tạm xa bản vài ngày để đi kiếm thêm ít tiền công. Khi nào không có khách leo Fansipan, họ lại quay về với nương ngô, với con ngựa và những buổi chợ phiên.

Carmen hỏi tôi: “Có ai mặc váy chụp trên đỉnh Fansipan chưa chị?” Tôi bảo: “Theo chị biết thì chưa có”. Carmen quả quyết ngay: “Thế thì em sẽ mặc váy. Em sẽ mặc quần ra bên ngoài, nhét váy vào trong quần, và lên đỉnh Fansipan thì… xòe váy ra”. Tưởng chỉ là đùa, nào ngờ cô bạn nói là làm.:D

Không biết dùng lời nào để diễn tả nỗi khổ của ngày leo thứ hai. Đầu tiên chúng tôi đi xuống theo một triền núi dốc, băng qua vài con suối, một cây cầu vắt ngang qua miệng vực. Đi trên những thanh gỗ trơn như mỡ, tay bám vào vách đá, tôi nhìn xuống vực sâu bên dưới chân mình với cảm giác rờn rợn. Tôi nghe nói có một du khách nước ngoài từng rơi xuống chết ở vực này. Hai tay tôi mải bám chặt vào vách đá, chỉ lo giữ cho thân khỏi rơi, không chụp được tấm hình nào ở nơi vực sâu chết người này. Về sau tôi cứ tiếc mãi.

Chúng tôi phải leo lên những dốc ngược thế này.



Nhiều đoạn phải dồn sức vào cả hai tay, chân đạp vào tảng đá, tay bám rễ cây đu lên. Không hiểu tại sao tôi lại leo được kiểu ấy. Những lúc ấy tôi thầm cảm ơn trời vì tổ tiên của mình là loài khỉ hay vượn hay tinh tinh gì đó. Bây giờ con người hiện đại dẫu sao vẫn còn sót lại chút bản năng leo trèo.

Và đi vòng tránh những tảng đá lớn.



Nhưng rùng rợn nhất là đoạn leo dây qua ba vách đá. Lần lượt vách sau cao hơn vách trước. Vách nào cũng cheo leo, phải ngửa cổ lên mới ngó lên đỉnh. Tôi không hiểu tại sao mình lại bám dây leo lên được. Chỉ nhớ là tay tôi bám chặt vào dây, chân đạp vào vách đá, một potter phải nắm dây lôi ngược lên. Trên đỉnh vách thì mọi người đứng cổ vũ, la hét động viên tinh thần.

Hình này thì mượn của hai người từng đi con đường giống tôi. Các bạn ấy may hơn tôi là lúc leo vách đá thì trời nắng đẹp, nên chụp được hình.



 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Thỉnh thoảng trên đường đi lại gặp một triền núi hoa vàng rực rỡ. Nhưng mà vì trong mưa nên nhìn hoa cũng mờ mờ, ảo ảo. Cũng nhiều hoa đỗ quyên nhưng mùa này hoa đỗ quyên đã lụi tàn nhiều.



Leo qua hết các vách đá, chúng tôi đi qua một rừng trúc. Cảnh cứ như trong phim “Ngọa hổ tàng long”. Nhưng chẳng còn tâm trạng nào mà ngắm cảnh đẹp. Tôi lê từng bước chân mệt mỏi trong bùn lầy lên đến mắt cá chân. Đường toàn bùn đen đặc quánh.

Giày của tôi.



Giày của Tiny.



Quần áo thì dính đầy bùn lầy. Tay cũng đen kịt đất. Mặt ướt đẫm nước, cả nước mưa lần mồ hôi hòa vào nhau, chảy ròng ròng trên mặt.

Đoạn đường qua rừng trúc tưởng chừng như dài vô tận. Nhiều phen tôi phải bám vào những thân cây trúc đổ rạp ven đường, cố đu người lên. Vách núi thì vẫn dốc ngược. Em Trang đi bên cạnh liên tục động viên cố lên, gần đến đỉnh rồi. Chúng tôi tiếp tục băng qua một vùng sườn núi khá bằng phẳng nữa. Đỉnh Fansipan đã gần lắm. Em Trang hỏi có cần nghỉ ăn trưa không. Tôi lắc đầu. Cố gắng lên leo đỉnh rồi ăn trưa trên đấy.

Đỉnh núi vừa hiện lên ngay trước mặt thì trời hửng nắng. Trời quả thật đã thương đoàn chúng tôi. Lúc ấy là hai giờ chiều.

Chúng tôi dừng chân trên đỉnh. Đầu tiên là màn chụp hình. Chụp cái khối kim loại tam giác lừng danh trước đã.





Tôi quá mệt nên chỉ ngồi im ôm khối kim loại, cười như mếu.

Bạn Tiny cười rõ tươi. Còn bạn Carmen thì hoành tráng nhất. Giữ đúng dự định ban đầu, bạn ấy xòe váy, vẫy cờ trên đỉnh Fansipan.



Tôi lần lượt lôi ra ba cái điện thoại di động của mình, nhìn ba mạng khác nhau. Vinaphone và Mobiphone không có sóng. Viettel thì có. Lập tức online chat trên Yahoo Messenger, nếm thử cảm giác chat trên đỉnh Fansipan là như thế nào.

Bữa trưa dọn ra ngay trên đỉnh Fansipan. Bữa trưa muộn. Tôi đã từng ăn nhiều bữa cơm bụi trên những chặng đường lang thang. Nhưng bữa trưa trên đỉnh Fansipan, ngay cạnh khối kim loại xám trắng, mang một hương vị đặc biệt, có lẽ mãi không quên được.

Từ đỉnh Fansipan nhìn xuống.



Ăn xong, nghỉ ngơi đến gần ba giờ, chúng tôi xuống núi. Lần này thì em Trang bảo không theo đường cũ nữa, về bằng đường Trạm Tôn cho an toàn. Hai nhóm đi cùng, nhóm khách Tây nghe nói đã leo gần về đến nơi hạ trại mới. Còn đoàn của bác già thì cũng đã bỏ xa chúng tôi.

Cô bé Trang hỏi tôi có mang theo đèn pin không. Tôi bảo có. Cô bé mừng rỡ bảo là thế thì yên tâm rồi. Chúng tôi phải leo núi ban đêm vì bây giờ xuống núi đến chỗ hạ trại mới còn xa lắm.

Tôi chưa từng leo núi đêm bao giờ. Tưởng tượng trên núi Fansipan ban đêm, những con rắn lục, những gốc cây, tảng đá… chợt rùng cả mình. Thế là vội vàng tăng tốc ngay từ khi bắt đầu xuống đỉnh.

Đường Trạm Tôn khá dễ đi, không dốc ngược như đường Sín Chải Việt Hùng, nhưng nhiều đoạn cũng phải bò, lần dò từng bước. Tôi cố đi nhanh hết mức có thể nhưng đã quá mệt. Hai chân nặng như chì, cảm giác không phải là của mình nữa. Mỗi bước đi là một sự cố gắng cao độ.

Hoàng hôn buông xuống dần. Hoàng hôn trên núi thật đẹp, nhưng chẳng còn tâm trí đâu mà ngắm cảnh đẹp nữa. Tôi vốn không sợ bóng tối, nhưng quả tình chả ai thích xuống núi trong đêm tối mịt mù.
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực

Em Trang không có đèn pin. Tôi chỉ có duy nhất một cây đèn pin nhỏ xíu. Quầng sáng nhỏ không đủ cho cả bốn người cùng thấy đường. Em Trang toàn phải đi vượt lên trên một chút rồi quay lại soi đèn cho tôi, Carmen và Tiny bám theo sau. Những potter thì đã đi trước từ lâu.

Dọc đường đi thỉnh thoảng gặp những nhóm cùng leo Fan. Dừng lại hỏi thăm nhau. Khi biết đoàn chúng tôi cả hướng dẫn và người leo vẻn vẹn có bốn phụ nữ, ai cũng bảo sao mà liều thế, lại đi trong đêm tối nữa. Nhưng nhóm nào cũng dần vượt qua rồi bỏ xa chúng tôi. Không ai có ý giúp đỡ gì. Mà thật ra ở chốn hoang sơ hiểm trở này, nhường nhau một cây đèn pin, hay ở lại chờ đi cùng với một nhóm phụ nữ chân yếu tay mềm có nghĩa là tự làm khó thêm cho bản thân mình.

Tôi chẳng nghĩ đến chuyện liều hay không liều. Tình thế buộc phải đi thì đi thôi. Đã leo đến đỉnh thì phải leo xuống núi, phải đến được chỗ hạ trại. Có đứng lại, ngồi khóc… thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Nhưng leo núi ban đêm ở Fansipan quả là rùng rợn. Màn đêm dày kịt, đen sẫm. Không chút ánh trăng sao. Ánh đèn pin thì quá yếu ớt và tôi chỉ lo hết pin dọc đường. Ban đêm trên núi nghe nhiều tiếng động lạ, tiếng sột soạt, và tôi chỉ mong đừng có con rắn nào bò ngang đường, mình đừng đạp phải nó.

Hai ngày leo Fansipan đã kịp chứng kiến nhiều chuyện. Em Trang cũng kể cho chúng tôi nghe thêm nhiều chuyện nữa. Có những đôi yêu nhau, rủ nhau leo Fansipan. Nhưng rồi về là bỏ nhau. Có lẽ chặng đường dài mệt mỏi, khó khăn đã khiến cho chàng và nàng bộc lộ ra tính xấu. Có những đôi lúc đầu còn vui vẻ cõng nhau, động viên leo núi, về sau chỉ quát nhau và càu nhàu. Ngược lại, cũng có những người đã thành đôi khi leo Fansipan. Hóa ra những sự động viên, giúp đỡ dù nhỏ nhoi nơi chốn hiểm trở này cũng có tác động rất lớn đến tinh thần, tình cảm.

Thời gian trôi chậm chạp, 7g, 8g, rồi 9g tối. Chỗ hạ trại thì còn xa lắm. Lúc này ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi là phải cố đi hết quãng đường. Tôi bắt đầu mơ về lán trại với bữa cơm muộn màng và một chỗ nghỉ lưng, dù chật chội.

Có những ánh đèn pin lóe lên ngược chiều. Một nhóm potter sau khi hạ trại nấu cơm chiều đã quay ngược lên đón chúng tôi, mang theo cả ít đồ ăn tiếp tế. Mừng rỡ, bớt lo lắng hẳn.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, đúng 10g đêm, chúng tôi nhìn thấy ánh lửa bập bùng và lán trại ở đằng xa. Lúc bấy giờ mấy chàng trai người H’Mông mới nói chuyện với nhau về một anh chàng potter mới bị rắn cắn, phải đưa xuống núi mà không biết có ổn không. Họ bảo lúc nãy không dám nói kẻo các chị sợ không dám đi.

Đoàn du khách Tây thấy chúng tôi về vỗ tay reo ầm ĩ, tíu tít hỏi thăm, chúc mừng cuối cùng đã về đến nơi. Họ nói đại ý, là người về cuối cùng vẫn dũng cảm hơn người bỏ cuộc. Tôi nhìn quanh không thấy đoàn của bác già đâu cả. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch đi cùng bảo tôi là họ ngủ cả rồi.

Quần áo bẩn như chưa từng bẩn như vậy. Chân hoàn toàn tê cứng, tôi lội xuống dòng suối rửa ráy qua loa. Bữa cơm đã dọn sẵn chờ nhưng quá mệt nên tôi chỉ nuốt vài miếng.

Định về cái lều dành riêng cho hai đoàn khách Việt thì cả hai hướng dẫn viên du lịch đều rụt rè gãi đầu gãi tai bảo là các chị ngủ tạm ở ngoài, ngủ chỗ của potter, vì đoàn của bác già không đồng ý cho chúng tôi vào lều. Họ nói không đủ chỗ và họ không chấp nhận cho thêm người vào, đêm trước họ đã không ngủ được vì quá chật.

Cả tôi, Carmen và Tiny đều sững sờ như không tin vào tai mình. Rõ ràng lều là của chung hai đoàn, mà bây giờ lại như vậy. Nói qua nói lại mấy lần, đoàn của bác già vẫn khăng khăng không cho chúng tôi vào lều.

Quá mệt, đêm quá khuya, không muốn cãi nhau vì một chuyện cỏn con, chúng tôi đành chấp nhận ngủ chỗ của potter, chỉ là một tấm vải bạt căng che sương, trống trải bốn bề. Gió lạnh thổi hun hút. Tôi cuộn mình trong chiếc túi ngủ, vẫn không sao ngủ được, lòng dạ hoang mang, bực bội vì lần đầu gặp những người… xấu tính đến thế.

 

Ba Gac

Xe máy
Biển số
OF-47912
Ngày cấp bằng
3/10/09
Số km
88
Động cơ
460,370 Mã lực
Vào cổ vũ cho người nhà nào. Viết tiếp đi em nhé, hay đưa cả cái ảnh của đội "xấu tính " kia lên cho cả nhà cùng chiêm ngưỡng đeeeeee :-ss
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Sáng hôm sau, vừa mới ngủ dậy, đã thấy đoàn của bác già mặt mũi tươi tỉnh ngồi ăn mì gói. Trời đánh còn tránh bữa ăn, nhưng tôi không phải là trời, tôi chỉ là một con người bình thường với đủ mọi hỉ nộ ái ố, thế nên chẳng nể nang gì, tôi xông vào… mắng đoàn của bác già. Họ cũng ấp úng bào chữa vài câu, nhưng có vẻ đuối lý nên không nói nữa.

Về sau anh chàng tự xưng là họa sĩ chạy đuổi theo xin lỗi ba chúng tôi. Lời xin lỗi quá muộn. Nhưng bác già và cô phóng viên thì vẫn khăng khăng cho là họ đúng. Chán chả muốn nói thêm gì nữa.

Đường về bình yên hơn rất nhiều lúc đi, dù vẫn thỉnh thoảng phải vượt qua con dốc nhỏ hay lội qua suối. Chỉ có điều sương mù vẫn dày đặc, tầm nhìn không xa được.



Đã bắt gặp nhiều người dân đi làm nương, đi hái quả. Những bóng người thình lình từ trong sương mù hiện ra.



Tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ lòng. Đỉnh núi Fansipan đã lùi dần về xa. Chuyến leo núi đã thành công và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã có thể cười đùa và bắt đầu nhớ lại những gì đã nếm trải trong mấy hôm qua.

Chúng tôi còn một ngày nghỉ ở Sa Pa nữa. Còn vô số trò vui: đi chợ, dạo phố ban đêm, đi tắm lá thuốc và leo đỉnh Hàm Rồng. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, khác hẳn Fansipan mù sương. Sau những gian nan ở Fansipan, Hàm Rồng chỉ như một chuyến dạo chơi.

Leo lên Hàm Rồng có thể ngắm toàn cảnh Sa Pa.



Đường đi không có dốc đá, không có cây cối chắn đường, chỉ có hoa và cỏ.





Tưởng chuyến đi sẽ kết thúc trong bình yên, nhưng vẫn còn một trục trặc cuối cùng. Buổi tối khi liên hệ công ty du lịch nhận vé lên tàu về lại Hà Nội, chúng tôi chỉ nhận được 2 vé cho 3 người.

Lại đứng ở ga, lại cãi nhau kịch liệt đòi vé, lại lo lắng. Khi chỉ còn 5 phút nữa là tàu chuyển bánh thì chúng tôi mới nhận được cái vé thứ 3. Lại tiếp tục chạy như bay trên sân ga cho kịp chuyến tàu.

Tàu chạy, tôi lại chìm dần vào giấc ngủ. Bắt chước cô nàng Scarlett trong “Cuốn theo chiều gió”, tôi khẽ lẩm nhẩm: “After all, tomorrow is another day!” Ừ, Fansipan đã lùi xa thật rồi, mọi thứ đã qua, ngày mai là một ngày khác. Ngày mai đã là Hà Nội.
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Có một địa danh đã gây ấn tượng rất sâu sắc với tôi. Đó là Cánh đồng chết của Campuchia. Viết những dòng chữ này để chia sẻ nhưng cũng xin nói trước là có một vài hình ảnh hơi sợ. Xin được thứ lỗi trước vì có những sự thật lịch sử ghê rợn nhưng chúng ta không thể không nhìn thẳng vào nó.

CÁNH ĐỒNG CHẾT - NƠI NHỮNG LINH HỒN LẨN KHUẤT

Tôi đến Cánh đồng chết (Killing Field) vào một buổi sáng sớm. Sớm đến mức chưa có người bán vé vào cửa. Sớm đến mức bầu trời còn chưa có nắng.

Không gian im vắng lạ kỳ, chỉ có ba người chúng tôi. Đi Campuchia với bốn người bạn, cả tôi là năm. Tôi lại là thành viên nữ duy nhất của đoàn.

Khi nghe nói sẽ đi đến Cánh đồng chết, có hai anh bạn đã từ chối không đi, với lý do ngày đầu năm không muốn đến nơi âm khí nặng nề, nơi hẳn có nhiều vong hồn còn lẩn khuất. Thế nên chuyến đi đến Cánh đồng chết chỉ còn lại có ba người, tôi và hai anh bạn nữa. Hai người cẩn thận hỏi tôi: “Có sợ không?”. Tôi không thấy sợ, tôi cũng không e ngại sẽ có những vong hồn ám vào mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đến đó để thắp những nén nhang tưởng niệm cho những linh hồn vô tội chết oan và nếu mình có lòng thành thì mình không phải sợ gì cả.

Cánh đồng chết là một địa danh rất nổi tiếng trên đất Campuchia. Nó nằm cách trung tâm Phnom Penh khoảng 20km, thuộc vùng ngoại ô. Nơi này Khmer Đỏ đã thảm sát dân thường bằng những hình thức vô cùng ghê rợn. Vùng đất này có tên gọi là Choeung Ek, vốn là những vườn cây ăn quả thuộc xã Choeung Ek, quận Dang Kor, tỉnh Kandal, Campuchia. Trong những năm 1975-1979, chính quyền Khmer Đỏ đã biến xã Choeung Ek thành cánh đồng giết chóc tàn bạo và dã man nhất. Khoảng 20.000 ngàn người, kể cả phụ nữ và trẻ em đã bị thảm sát tại đây bằng những hình thức tàn bạo như chặt đầu, đập đầu bằng cuốc xẻng, treo cổ, trẻ em bị nắm tay chân quật vào thân cây... Năm 1980 phát hiện ra cánh đồng này. Khi khai quật, chỉ tìm thấy hài cốt của 8.985 người. Có 129 ngôi mộ tập thể được phát hiện, nhưng chỉ mới khai quật được 86 ngôi mộ. Xương vụn tản mát khắp nơi. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng có những đốt xương người lại lộ lên khỏi mặt đất.

Trước khi đến Cánh đồng chết, tôi đã bỏ công xem lại bộ phim “Cánh đồng chết” từng gây chấn động một thời. Nhưng những gì tôi thấy trước mắt còn gợi cảm giác ghê rợn hơn phim gấp nhiều lần.

Bước vào khu đất Cánh đồng chết, đập vào mắt tôi là một tòa nhà được xây theo hình tháp, cửa bằng kính.



Từ góc nhìn này thì tòa tháp khuất sau hàng cây, có một cây thốt nốt lẻ bóng bên cạnh.



Lại gần thì thấy hàng ngàn đầu lâu xương sọ (nghe nói khoảng 8.000 đầu lâu) được xếp tầng tầng lớp lớp lên nhau, đang trừng trừng nhìn tôi bằng những hốc mắt trống rỗng vô hồn. Một tòa nhà để tưởng niệm và cũng để lưu giữ chứng tích. Tôi từng đọc một bài báo nước ngoài nói nhiều người dân của xứ sở Chùa Tháp này đã phản đối quyết định của chính phủ Campuchia trưng bày đầu lâu của những nạn nhân ở nơi này. Niềm tin tôn giáo khiến họ quan niệm rằng chỉ khi được hoả táng, những linh hồn mới siêu thoát, còn để lại như vậy, các linh hồn sẽ vĩnh viễn lẩn khuất ở nơi nằm xuống.





Tôi quỳ xuống đốt nén nhang cầu nguyện, mong cho những linh hồn sớm siêu thoát. Nếu quả có kiếp sau thì mong cho họ có kiếp làm người bình yên và hạnh phúc.

Đi tiếp ra sau tòa tháp, sẽ gặp một vùng đất vắng, có vài cây cổ thụ. Ngay phía sau tòa tháp là những hố chôn người.



Hố nối tiếp hố, ở mỗi hố có gắn một tấm bảng nhỏ ghi rõ có bao nhiêu xác người được tìm thấy trong hố.



Chiếc hố lớn nhất này khi khai quật đã tìm thấy xác của 450 nạn nhân.





Chiếc hố này từng chôn thi thể không đầu của 166 người.



Khi khai quật hố này, đã tìm thấy thi thể trần truồng của hơn 100 phụ nữ và trẻ em, hầu hết là trẻ em sơ sinh.



Ngay cạnh các hố là những tủ kính lưu giữ quần áo của những nạn nhân.



Và những tủ kính lưu giữ những mảnh xương người, những chiếc răng.



 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Gốc cây này từng dùng để đập đầu trẻ em. Cây vẫn xanh tốt đến giờ. Bên dưới gốc cây là những mảnh xương người xếp ở đó như là một chứng tích.



Được mệnh danh là "magic tree"



Những cành cây này dùng để treo cổ người.



Đặc biệt ở giữa những cái hố chôn người mọc lên một cây thốt nốt thật cao và xanh tốt, như được nuôi bằng xương thịt của bao con người bị vùi lấp nơi đây. Và trên cây thốt nốt, có một người đàn ông đang hứng nước thốt nốt.



Tôi rùng mình nhìn vào thùng nước thốt nốt để dưới gốc cây. Ai sẽ uống nước này, ai sẽ ăn những bánh đường thốt nốt làm ra từ thùng nước này?



Nhiều xương cốt qua năm tháng vẫn nằm yên dưới đất. Sau khi đi loanh quanh một hồi, tôi phát hiện dưới chân tôi là những mảnh xương trắng. Bỗng bước nhẹ chân hẳn, mà vẫn không thể nào tránh khỏi giẫm lên. Trên Cánh đồng chết này, đâu đâu cũng thấy xương. Xót xa cho bao nhiêu phận người nằm xuống mà xương thịt vẫn chưa được yên.





Tôi biết nhiều cuộc thảm sát đã đi vào lịch sử. Những cuộc thảm sát tàn bạo, ghê rợn không kém cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ. Nhưng đó là các dân tộc thảm sát lẫn nhau, các tôn giáo thảm sát lẫn nhau. Người Thổ Nhĩ Kỳ giết dân Armenia trong chiến tranh thế giới thứ nhất, phát xít Đức giết người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai, các cuộc thánh chiến trong lịch sử phong kiến. Nhưng không ở đâu trên thế giới này, lại có một dân tộc đi giết hại chính dân tộc mình như ở Campuchia. Vậy nên càng đáng sợ, càng đau xót.

Lý do vì sao Khmer Đỏ giết người, mà lại giết người bằng những hình thức thô sơ dã man nhất? Tôi hỏi câu này với nhiều người Campuchia nhưng đều chỉ nhận được những cái lắc đầu, nhún vai, thinh lặng. Họ luôn trả lời rằng họ không biết. Chính những người cầm đầu Khmer Đỏ cũng không trả lời trước công luận vì sao họ giết người. Một câu hỏi không có trả lời, một tội ác không có lời giải thích.

Tôi lại hỏi tiếp, vậy sách giáo khoa trong nhà trường của người Campuchia có dạy về những tội ác này không? Lại tiếp tục là những câu trả lời không và những cái lắc đầu.

Tại Cánh đồng chết có một nhà bảo tàng nhỏ, đúng hơn là một gian trưng bày có khá nhiều hình ảnh. Có cả hình ảnh bộ máy của Khmer Đỏ với những cái tên quen thuộc Khieu Samphon, Pol Pot, Ieng Sary… Tôi đọc tiểu sử của họ. Những con người du học ở Pháp về, một xứ sở văn minh, theo học ngành văn chương (Ieng Thirith còn theo học ngành Shakespeare học), nhưng lại đối xử với đồng bào mình cực kỳ dã man, tàn bạo. Mấy chục năm về trước, những gương mặt trẻ trung sáng sủa này lại là những kẻ giết người hàng loạt.



Tại bảo tàng, tôi còn được xem một bộ phim. Bộ phim chiếu khoảng 15 phút, chủ yếu ghi lại hình ảnh Khmer Đỏ ngày đầu tiên vào Phnom Penh, cảnh tượng Cánh đồng chết khủng khiếp và cuộc khai quật những nấm mồ chôn tập thể.

Điều an ủi duy nhất cho những linh hồn còn lẩn khuất nơi này là cách khu đất Cánh đồng chết chỉ một con đường đất nhỏ, có một ngôi trường học. Tiếng cười rộn rã ngây thơ của trẻ em liệu có đủ sức làm xua tan đi tử khí không? Tôi cũng không biết nữa. Có thể là không đủ sức xua tan, nhưng ít ra đó cũng là sự sống, là ấm áp, làm vơi bớt bầu không khí lạnh lẽo nơi này. Có lẽ cũng là một ý nghĩa biểu tượng. Bên cạnh Cánh đồng chết, những thế hệ mới đã sinh ra, đã đi học, đã lớn lên. Những ngày đen tối nhất trong lịch sử Campuchia đã qua rồi. Sự sống thật sự đã hồi sinh.



Những hình ảnh chụp được ở Cánh đồng chết và nhà tù Tuol Sleng , tôi để vào một folder riêng, không dám xem lại nhiều lần. Tôi đã bị ám ảnh bởi những cảnh tượng khủng khiếp. Tôi đã bị ám ảnh bởi những số phận bi thảm của những kiếp người chưa trọn.
 
Chỉnh sửa cuối:
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top