@ Cụ dilac: Alice cũng là người thích lịch sử, nhưng cũng thích những huyền thoại lưu truyền trong dân gian. Dưới thời phong kiến, cùng với nguồn sử liệu của các sử quan, những huyền thoại nửa hư nửa thực lưu truyền trong dân gian, mà chúng ta còn gọi là dã sử, phản ánh tâm thế, ước vọng, cách nhìn nhận cuộc đời, cách nhìn nhận lịch sử của số đông quần chúng.
Cảm ơn cụ dilac đã thêm thông tin cho Côn Đảo, một mảnh đất gắn với nhiều huyền thoại. Cũng xin nói thêm là đã có những khảo cứu nhằm tìm kiếm xem nguồn gốc đích thực của ngôi miếu thờ bà Phi Yến là thờ ai. Vì cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng câu chuyện về bà Phi Yến chỉ là một huyền thoại, và có lẽ ngôi miếu này trước khi thờ bà Phi Yến, đã thờ một phúc thần nào đó. Tuy nhiên, cũng chưa ai tìm ra nguồn gốc đích thực của ngôi miếu thờ đó là gì. Vì vậy, đây vẫn là một điều bí ẩn của Côn Đảo.
Xin post tặng cụ một bài viết của bản thân Alice trên Facebook của mình nói về chuyện lịch sử.
Tán nhảm về chuyện chép sử
Ngày tết âm lịch bỗng có cảm hứng tán nhảm về cách viết sử của các sử gia phương Đông ngày xưa. Nói cho đúng là có cảm hứng nhân một câu đối. Những ngày cuối năm chấm một luận văn về “Hồng lâu mộng”, trong đó có nhắc đến câu đối treo ở nhà lưu niệm Tào Tuyết Cần bên Trung Quốc.
Hồng lâu thị mộng nguyên phi mộng
Thanh sử vô tình khước hữu tình.
Tạm dịch:
Hồng lâu là mộng nhưng vốn nó không phải là mộng
Sử xanh viết có tình mà lại như không có tình.
Nói về “Hồng lâu mộng” là lại nói về văn chương. Ngày trước cũng đeo đuổi tìm hiểu tác phẩm này gần 10 năm trời, từ khi còn học năm thứ 3 đại học cho đến mãi sau này, có lúc đã mơ ước mình thành “Hồng học gia”. Bây giờ vẫn thuộc lòng nhiều đoạn trong “Hồng lâu mộng”, dù đã bỏ niềm mơ ước rồi. Nhớ ngày trước có nhiều người hay bàn về phim “Hồng lâu mộng” trên một số forum. Đọc xong thấy buồn và cười (cảm nhận chủ quan của mình thôi nhé) vì một bộ phim truyền hình “thường thường bậc trung” không ngờ lại gây được một ấn tượng mạnh như vậy đối với khán giả Việt Nam và Trung Quốc. Không nói về mộng và thực trong “Hồng lâu mộng” vì sợ lạc đề sang văn chương, nhưng quả tình tác phẩm là một trong “tứ tài tử”, cũng là một trong “tứ đại kỳ thư”, cũng là một trong hai “tuyệt thế kỳ thư” của Trung Quốc, thì chỉ một bộ phim truyền hình mấy chục tập khó mà diễn tả nổi.
Ngày trước, khi học văn chương, chỉ nghĩ văn chương mới có tình. Sau này đọc nhiều sách, biết nhiều hơn, mới hiểu ra rằng sử sách cũng có tình. Có điều cái tình của văn chương thì như mây như gió, phóng dật, phiêu du, dễ gặp mà cũng dễ qua đi, nếu không có ấn tượng gì sâu nặng. Còn cái tình của sử xanh thì như khuất lấp, không dễ gì tìm thấy nếu chúng ta chỉ lướt qua những dòng lịch sử khô khan. Có điều, khi đã nhận ra rồi thì tình ấy thường lắng lại trong lòng, không quên được.
Mình thích vế thứ 2 của câu đối: “Thanh sử vô tình khước hữu tình”, bởi vì câu này đã thể hiện rất hàm súc tinh thần viết sử của các sử gia phương Đông ngày xưa, tất nhiên là các sử gia trong thế giới Hán hóa thôi. Những sự kiện lịch sử thì lạnh lùng khách quan, các con số, các ngày tháng thì vô cảm, các nhân vật lịch sử thì đã lùi xa trong quá khứ. Nhưng đằng sau đấy, nếu đọc các bộ sách sử, thậm chí cả những bộ chính sử, chúng ta vẫn thấy được tinh thần của sử gia, thấy được cảm quan của người viết và thậm chí sâu xa hơn, thấy được cái tình của họ. Cái tình ấy là gì? Là nỗi lòng của người cầm bút ghi lại những dòng sử xanh cho hậu thế soi xét. Trung thực và khách quan đến hết mức có thể, nhiều sử gia phong kiến thời xưa đã cố gắng thể hiện lại chân xác nội dung của thời đại, tinh thần của thời đại, đặc biệt là khi cầm bút viết về chính thời đại mà mình đang sống. Vì vậy người ta không quên được tên tuổi của Tư Mã Thiên, Ban Cố, Ban Chiêu, Trần Thọ, Phòng Huyền Linh, Âu Dương Tu, Thoát Thoát… cũng như ở Việt Nam thì khó mà quên được Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú…
Trong thời phong kiến, những lời chê vua là đáng tội chết. Tất nhiên đó chỉ là một điều ước định. Thực tế ngoài đời, những lời chê bai triều đại nọ kia vẫn nhiều như lá mùa thu. Nhưng đó là những lời không chính thức của dân chúng, là lời khuyên của các quan lại, là những tờ tấu trình mà vua có thể phẩy tay bỏ qua. Còn khi được ghi vào chính sử thì lại là chuyện khác. Nhờ sử sách chúng ta biết được sự hưng vong của bao triều đại, biết được chân dung thật của những còn người góp phần tạo dựng lịch sử. Ít nhất, đó cũng là những gương mặt không bị khuất lấp sau những sự tô vẽ của truyền thuyết, không sai lệch theo ký ức dân gian. Những gương mặt ấy chỉ được nhìn nhận qua cái nhìn của một con người, được soi sáng dưới quan điểm của một con người: nhà viết sử. Sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết: “Lời nói của bề tôi ngay thẳng không phải lợi cho mình mà lợi cho nước. Nhưng các vua chúa tầm thường thì không hay coi đó là lợi mà cứ muốn hại người ta.”
Nếu không có tình, làm sao Tư Mã Thiên có thể viết nên những thiên tuyệt bút trong Sử ký. Nếu không có tình, sao giải thích được hiện tượng chuyện cha truyền con nối hay là cả một dòng họ tham gia viết sử ở phương Đông.
Cái tình của nhà viết sử đôi khi chỉ được gói gọn trong một câu ngắn ngủi, qua đó cũng cho thấy cái tài của ngòi bút. Nói đến Lã Bất Vi buôn vua, ai mà không nhớ câu nói đã được Tư Mã Thiên ghi vào Sử ký: “Món hàng này có thể bán được đây”. Con vua Tần đi làm con tin ở Triệu, dưới mắt một kẻ như Lã Bất Vi chỉ là một món hàng. Đọc “Đại Việt sử ký toàn thư”, thấy những dòng chữ luận bàn về chính sự của Lê Văn Hưu, của Ngô Sĩ Liên, mới thấy được cái khí khái, cái tình của người viết sử.
Viết sử làm sao để có tình mà lại như vô tình? Viết làm sao để các sự kiện thật trung thực, khách quan, mà qua đó vẫn thấy được cái tâm và cái tài của người cầm bút? Viết làm sao để cho người đọc vẫn đủ sức rung cảm, thấy thú vị trước những dòng sử xanh? Không nhiều nhà viết sử làm được điều ấy. Triều Nguyễn có cả một Quốc sử quán nhưng những tên tuổi nổi tiếng mà hậu thế biết đến thì vẫn ít.
Nhưng tự thấy mình may mắn có lẽ vì từ trước, đã đọc được một số sách sử có tình. Đọc xong rồi mới thấy tình ấy chẳng kém gì văn chương, chỉ có điều, tình trong văn chương thì đa nghĩa hơn, mơ hồ hơn, mông lung hơn, như là câu đầu trong bài “Tặng biệt” của Đỗ Mục (Tiểu Đỗ của đời Đường): “Đa tình khước tự tổng vô tình” (Đa tình mà lại giống như vô tình).