Ngày 18 tháng 11.
Vụ Kiên Chân [tức là Chơn Sảng]. Hôm nay Chuẩn Đô đốc Page đề xướng một cuộc tấn công vào các pháo đài nằm ở phía tây-bắc vịnh Đà Nẵng, nơi bảo vệ con đường ra Huế. Con đường này sau khi vòng quanh vịnh, chạy lên gần đến đỉnh đèo, nơi có một pháo đài và chiếc cổng lớn [Hải Vân Quan] trên đường của đế chế [đường Thiên lý]; bằng việc kiểm soát các pháo đài của phần phía tây vịnh Đà Nẵng, chúng tôi chặn được việc liên lạc với kinh đô của vương quốc An Nam tại bờ biển này. Chuẩn Đô đốc giữ bí mật kế hoạch của ông cho đến phút cuối; có thể chuyến đi diễn ra ngày hôm qua tại Hội An nhằm mục đích đánh lạc hướng quân An Nam về những ý định của ông.
Các cánh quân tấn công được thành lập.
1.Cánh thứ nhất chỉ huy là Martin des Pallières, bao gồm một phân đội công binh, một đại đội pháo binh và 6 đại đội thủy quân lục chiến có nhiệm vụ đánh chiếm hai pháo đài bằng tre [Đồn Chơn Sảng nằm ở phía đông làng Chơn Sảng (phía tây làng Chơn Sảng là trạm Nam Chơn), sát bên bờ vịnh Nam Chơn và ngay sau pháo đài Định Hải. Đồn chính Chơn Sảng hình chữ nhật được đắp bằng đất có rào tre che chắn chung quanh, nên tác giả gọi đây là “đồn tre”. Phía ngoài đồn chính, gần pháo đài Định Hải có thêm một đồn hình chữ nhật nhỏ hơn cũng đắp bằng đất và cọc tre, nên Pháp gọi đây là “đồn nhỏ”. Trang bị hỏa lực ở đồn Chơn Sảng ngoài các vũ khí bộ binh còn có những khẩu đội thần công đặt ở đồn chính và các giàn súng bắn đá đặt ở đồn nhỏ. Tất cả đều nằm dưới quyền chỉ huy của một phó vệ úy với nhiệm vụ phối hợp pháo đài Định Hải phòng giữ bờ vịnh Nam Chơn và bảo vệ con đường trạm đi lên Hải Vân Quan] nằm trên đường ngựa trạm [ đưa thư tín, tin tức].
2.Cánh thứ hai gồm lính Tây Ban Nha có nhiệm vụ bắn sập pháo đài bằng đá [pháo đài Định Hải] nằm trên một cái đồi hình núm vú, và khống chế vịnh biển [ Nam Chơn] cùng con đường [ngựa trạm].
3.Cánh dự phòng, do Trung tá Reybaud chỉ huy, gồm 5 đại đội thủy quân lục chiến Pháp và 2 đại đội lính Tây Ban Nha, không đổ bộ cho đến khi kết thúc cuộc tấn công; mục tiêu của cánh này là một cái tháp được gia cố, được biết đến dưới cái tên trạm đưa thư [khu nhà trạm Nam Chơn], nằm bên bờ biển phía trước pháo đài tre thứ nhất [của đồn Chơn Sảng].
Đúng 6 giờ sáng, các tàu chiến tiến về phía tây bắc vịnh Đà Nẵng theo đội hình sau: hai pháo hạm hơi nước Avalanche và Alarme đi trước; soái hạm Némésis được hộ tống bởi hộ tống hạm hơi nước Prégent; chiến hạm Tây Ban Nha Jorgo-Juan; pháo hạm Phlégéton được hộ tống bởi tàu Norzagarai. Cuối cùng là tàu vận hạm hỗn hợp Marne. Lính tấn công được đưa lên những chiếc sà lúp; lực lượng dự bị đi trên vận hạm hỗn hợp Marne. Cuộc hành quân bị chậm lại bởi cột buồm chính của hải phòng hạm hơi nước Prégent bị gãy.
Đúng 9 giờ, các tàu chiến Pháp xắp hàng phía trước những pháo đài bằng tre của đồn Chơn Sảng, còn chiếc tàu Tây Ban Nha đến trước pháo đài núm vú [fort du Mamelon: tức là pháo đài Định Hải]. Người An Nam bắt đầu khai hỏa: những quả đạn của pháo đài Định Hải sượt qua đầu các tàu chiến. Một quả đạn trái phá bắn ra từ tàu Tây Ban Nha nổ tung trong đồn Chơn Sảng, làm tiếng pháo giảm dần rồi im bặt. Pháo đài bằng tre thứ nhất của đồn Chơn Sảng chỉ bắn được 4 phát đạn rồi bị tiêu diệt bởi hỏa lực bắn thẳng dữ dội từ hầu hết các tàu chiến. Nhưng chẳng may, quả đạn thứ ba của họ đã cắt đứt đôi thân mình Thiếu tá chỉ huy công binh Déroulède đang đứng cạnh Chuẩn Đô đốc Page trên khoang thượng phía đuôi soái hạm Némésis. Chuẩn Đô đốc bị nhuốm máu khắp người. Quả đạn đó còn bay tiếp giết chết thêm một hạ sĩ thủy thủ đài chỉ huy, cắt đứt dây néo của cột buồm lái và làm bị thương hai chuẩn úy hải quân cùng một số thủy thủ.
Ụ pháo súng bắn đá bắt đầu bắn, nhưng không nhiều. Các quả đạn trái phá trên tàu nã tới tấp làm cháy bùng pháo đài bằng tre, những kho thuốc súng nổ tung lên, nhưng quân An Nam đã rút đi.
Các cánh quân đổ bộ vào bờ nhưng không tìm thấy ai trong những pháo đài, ngoại trừ ở pháo đài Núm vú, nơi lính Tây Ban Nha bắt được ba tù binh, và chiếm được 5 khẩu súng cỡ nòng 24 livres bằng sắt hơi hoen rỉ; pháo đài bằng tre có 3 đại bác thủy quân cỡ nòng 12 livres và vài súng bắn đá.
Làng Chơn Sảng còn nguyên vẹn nên người ta cấm đốt bỏ nó.
Vào buổi trưa, cánh quân dự bị quay lại Đà Nẵng; các toán lính Pháp khác chiếm đóng trạm Nam Chơn, còn lính Tây Ban Nha chiếm đóng pháo đài Định Hải.Hai pháo hạm thả neo đằng trước làng Chơn Sảng; các tàu khác tiếp tục neo đậu ở vị trí thường ngày.