Ngày 15 tháng Tư.
Tôi tranh thủ gia hạn thời gian lưu-trú để tìm hiểu về tình-hình thương mại của Sài Gòn và đưa ra quan-điểm về tương lai của nó.
Cảng Sài Gòn đã thông thương từ ngày 22 tháng 2 năm 1860. Thuế hải quan được ấn định ở mức hai đồng bạc [piastres] / thùng, như thuế neo đậu, và đối với thuốc phiện, ở mức 20% giá trị, theo giá thị trường của Singapore, do lãnh sự của chúng tôi đưa ra.
Ngay sau khi dỡ bỏ phong tỏa, một số lượng khá lớn tàu thuyền và tàu buôn Trung Quốc đã đến buông neo ngoài khơi Sài Gòn; trong vài ngày, một trăm nghìn lượng bạc tiền thuế hải quan đã được thu. Khởi đầu mỹ mãn này là một điềm báo hạnh phúc cho tương lai; có quyền hy vọng rằng tàu của tất cả các quốc gia sẽ cho tàu cập vào cảng; những người lạc quan thậm chí còn tuyên bố rằng Sài Gòn có thể sớm sánh ngang với Singapore.
Đấy là nói về tương lai, còn hôm nay chúng ta phải nhận ra rằng những dự báo của chúng ta dường như không có khả năng trở thành sự thật, ít nhất là trong tương lai gần. Trước hết thuế hải quan quá cao, [ theo tôi] nên giảm hơn một nửa; vì nghề buôn gạo là nghề duy nhất, cho đến ngày nay, được tiếp tục ở Sài Gòn. Một số tàu chở đầy thuốc phiện đã không cập bến hàng hóa của họ. Vì giá thuốc này cao, người An Nam hút thuốc rất ít; còn một vấn đề nữa là dân số Sài Gòn đã giảm đi rất nhiều kể từ sau chiến tranh: quan lại càng tạo ra khoảng trống xung quanh chúng tôi càng tốt. Còn đối với người Trung Quốc, họ không chịu sự kiểm soát trực tiếp của chúng tôi.
Tuy nhiên, nếu xuất khẩu gạo không giảm sút thì không có gì khác ngoài sự hài lòng về kết quả đạt được. Nhưng chúng tôi không nhận ra rằng dòng tàu đến tìm mua gạo ở Sài Gòn, là vì nạn đói đang bao trùm Ấn Độ và từ cuộc chiến ở An Nam. Giá gạo tăng cao đến nỗi thuyền trưởng của những con tàu đầu tiên chở gạo từ Sài Gòn đi bán kiếm được từ 80 đến 100% tiền lãi. Chỉ huy của François Ier đã bán ở Hồng Kông được 3 piastre/ picul (sáu mươi kg) gạo mà anh ta đã mua 1 piastre ở Sài Gòn.
Kể từ đó, tình hình đã thay đổi: thị trường Singapore và Hồng Kông được cung cấp gạo với số lượng lớn; kết quả là giá đã giảm đáng kể. Mặt khác, ở Sài Gòn, giá gạo đã cao gấp đôi so với trước đây. Sự tăng giá này phần lớn là do những người Hoa “tốt bụng” ở Chợ Lớn, những người đã độc quyền về gạo và cả tài chính [ nguyên văn là sapèques, nghĩa là đồng tiền cổ của Trung Quốc và Đông Dương có giá trị thấp, tác giả nhận xét khá chính xác về quyền lực về thương mại của người Hoa ở Nam Kỳ, gần như họ nắm toàn quyền về thương mại, tài chính, kinh tế].
Người Trung Quốc giống như là người Do Thái ở Viễn Đông. Nếu các biện pháp mạnh mẽ không được thực hiện để chống lại họ, việc tích trữ tiền và tất cả hàng hóa sẽ diễn ra trên quy mô lớn hơn nữa: các cửa hàng ở Chợ Lớn chật ních gạo và tiền mặt. Khi chúng tôi đến, 5 quan tiền Trung Quốc tượng trưng cho một đồng bạc [piastre]; hiện tại là 3,5 ăn một đồng bạc. Tại sao người ta không cảnh báo với thị trưởng Chợ Lớn rằng nếu tỉ giá bình thường không được khôi phục, chính quyền sẽ thu giữ những loại tiền Trung Quốc [phát hành], và sẽ được trả theo tỷ lệ hợp pháp? [Nguyên văn là ligatures: tức là những loại tiền, ký hiệu mà chỉ giới thương nhân Trung Quốc làm ăn mới hiểu, tác giả phát hiện rất chính xác việc người Hoa thao túng thị trường tiền tệ Nam Kỳ, qua đây, ta có thể thấy nhà Nguyễn hầu như không có chính sách gì để phát triển và quản lý kinh tế, thương mại, tất cả nằm trong tay người Hoa].
Tóm lại, Sài Gòn đang ở trong một viễn cảnh đặc biệt thuận lợi cho giao thương. Vùng đất này, được cắt ngang qua mọi hướng bởi các con sông và kênh rạch, đất đai rất phì nhiêu. Các loại gỗ thơm, mun, dâu, bông, mía, chàm, cau, quế, tiêu, thuốc lào… rất nhiều ở đó. Nhưng Sài Gòn chỉ có thể trở nên hưng thịnh nếu Chợ Lớn [ám chỉ người Hoa] được đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp và ngay lập tức của chúng ta, ngay sau khi chiếm được các phòng tuyến Kỳ Hòa, vốn ngăn cản mọi liên lạc với nội địa của các khu vực xung quanh. Sự kém phát triển ở Sài Gòn hiện nay thật đáng trách; Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng người chỉ huy cấp trên khó có thể đảm bảo an ninh cho thành phố với số lượng quân ít ỏi như vậy.
Liệu thuộc địa mới của chúng ta có bao giờ trở thành một Singapore thuộc Pháp? đây là bí mật của tương lai. Nhưng không nên quên rằng nếu vị trí địa lý của Singapore là không thể so sánh được, thì sự phát triển thương mại to lớn của nó trên hết là nhờ vào lời tuyên bố của vị thống đốc đầu tiên. Tại sao ngay từ đầu chúng ta không tuyên bố Sài Gòn là một thương cảng tự do? Đó chẳng phải là cách tốt nhất để thu hút một số lượng rất lớn tàu và để biết được những nguồn tài nguyên khổng lồ mà chúng ta sẵn sàng cung cấp sao? [kể từ ngày 23 tháng 3 năm 1868, việc xuất nhập khẩu hàng hóa — ngoại trừ một số hạn chế—không phải chịu bất kỳ loại thuế nào tại Sài Gòn. Người ta đã nhận ra, một chút muộn, dù không muốn nhận lỗi như tôi đã nói].