Việc tìm hiểu lịch sử một nước, thông qua sử nước khác, là chuyện rất bình thường. Việt Nam là một trong những nước có truyền thống viết sử từ sớm, theo phương pháp khoa học, nên học sinh mới có sử tương đối đầy đủ mà học để biết về đất nước mình. Đại đa số các nước trên thế giới không có may mắn đó, một là đất nước quá lạc hậu không có sử (như hầu hết các nước châu Phi), hai là không có sử biên niên (tức là sử chép ngay tại thời điểm sự việc xảy ra) mà chỉ là do các nhà sử học sống hàng trăm năm sau viết ra (như các dân tộc nói ngôn ngữ Iran và các dân tộc Ả-rập và hầu hết các nước châu Âu đến tận thời cận đại), tức là mức độ hư cấu rất nhiều; ba là dựa vào sử nước khác để tìm hiểu sử nước mình. Trên thế giới, theo em biết chỉ có người Trung Quốc (và phần nào đó là Việt Nam, Triều Tiên) và một hai dân tộc nói ngôn ngữ Giéc-manh là có sử biên niên (nhờ các cụ chuyên ngành sử cho ý kiến thêm) mà mức độ cũng không thể nào chi tiết và khoa học như sử Trung Quốc.
Trung Hoa là nước văn hiến hàng đầu trên thế giới. Lịch sử mà họ viết không phải chỉ được mỗi Việt Nam tham khảo, mà các nước sau đây cũng phải dùng sử Trung Hoa để hiểu thêm về lịch sử của họ:
- Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ nói một ngôn ngữ Đột Quyết (Turkic) có xuất xứ từ Trung Quốc/Đông Á nên họ coi các dân tộc Đột Quyết cổ đại ở Trung Quốc và Mông Cổ là tổ tiên của họ. Sử Trung Quốc vẫn được sử dụng để giảng dạy ở trường học cho học sinh Thổ Nhĩ Kỳ về lịch sử các đế quốc Turkic mà người Thổ Nhĩ Kỳ coi là tiền thân, từ đế quốc Đột Quyết (Gokturk) cho đến Seljuk) (mức độ chi tiết tất nhiên tùy thời kỳ. Thời Gokturk là hoàn toàn dựa vào sử Trung Quốc).
- Nga: Nga vẫn phải sử dụng sử Trung Quốc để tìm hiểu về lịch sử của các dân tộc nằm trên đất Nga hiện đại mà trong lịch sử có quan hệ với người Hán. Tiếng Nga là một ngôn ngữ Xla-vơ nhưng về văn hóa và chủng tộc thì người Nga khá gần gũi với các tộc Đột Quyết và Finno-Ugric sống ở lưu vực sông Volga và Xi-bê-ri, mà lịch sử các dân tộc này trước thế kỷ 15 (sau khi Nga thoát khỏi ách thống trị của Mông Cổ) thì phải dựa (một phần) vào sử Trung Quốc mới biết được (tương tự, tiếng Việt thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, nhưng văn hóa của người Việt cổ không có gì chung với người Mon ở Myanmar hay người Khmer ở Campuchia và về chủng tộc, người Việt Nam gần với người nói ngôn ngữ Thái hơn (có lẽ là Đông Thái như Choang, Tày, Nùng, chứ không phải là Tây Thái như Lào, Thái Lan))
- Bulgari: Người Bulgari có gốc gác từ dân tộc Bulgar ở lưu vực sông Volga, xa hơn nữa là từ vùng Mông Cổ / Kazakhstan, đại khái là một bộ phận của các bộ tộc Hung-nô. Nếu họ muốn tìm hiểu sử của tổ tiên chắc chắn phải thông qua sử Trung Quốc
- Hungari: Người Hungari tự nhận mình là con cháu người Hung-nô (nên tên nước họ mới có chữ Hun), chắc chắn muốn tìm hiểu sử tổ tiên ở châu Á phải thông qua sử Trung Quốc
- Mông Cổ và hầu hết, nếu không nói là tất cả các dân tộc Trung Á: Cái này dễ hiểu, vì cho đến tận thời Thành Cát Tư Hãn thì đa phần họ chưa có chữ viết, mà kể cả có chữ viết và có nhà nước thì cũng chưa văn minh được như Trung Quốc để có ghi chép lịch sử của dân tộc của họ ở mức độ chi tiết
- Ấn Độ: Người Ấn Độ vẫn phải sử dụng ghi chép của nhà sư Đường Huyền Trang và các nhà lữ hành người Trung Quốc đã từng đi đến Ấn Độ / Trung Á để tìm hiểu về lịch sử của đất nước họl
- Gần như tất cả các dân tộc Đông Nam Á
- Còn nhiều dân tộc khác em không liệt kê hết được, như Phần Lan, Estonia,....vì họ cũng phần nào có gốc gác từ châu Á / Xi-bê-ri hay một số quốc gia Tây Âu khác đã từng bị các dân tộc châu Á da vàng (người Avar, người Hung-nô, người Mông Cổ) xâm lược.
Một điểm yếu nghiêm trọng của sử Việt Nam là các nhà sử học thời phong kiến đều viết sử bằng chữ Hán, tức là viết bằng tiếng nước ngoài, cho nên việc mô tả rất hạn chế, không thể nào phong phú được như người Trung Quốc viết chữ Hán. Về ngày tháng, sự kiện thì có thể có, nhưng phong tục, tập quán, quần áo, lễ tết, ma chay, hiếu hỉ, hình án, xét xử… và các vấn đề khác của cuộc sống hàng ngày hầu như không có mô tả, hoặc mô tả sơ sài (có lẽ chủ yếu do không biết được mặt chữ để viết), thậm chí đến đầu thời nhà Nguyễn cũng rất sơ sài, chưa nói đến nhà Lê hay Lý, Trần. Ngoài ra, ngành hội họa kém phát triển, nên không rõ vua ngày xưa mặt mũi thế nào, ăn mặc thế nào, chưa nói đến dân thường, dẫn đến những việc như tượng vua Lý Thái Tổ ở Bờ Hồ ăn mặc hoàn toàn như vua Trung Quốc, hay các bạn trẻ tập cưỡi ngựa bắn cung hiện nay mặc như người Mông Cổ / Bắc Trung Quốc (nếu em không nhầm) và nói đó là võ phục thời nhà Lê.
Chính vì thế, những tác phẩm văn học, hội họa, bút ký…của người nước ngoài (người Trung Quốc cũng như người phương Tây) viết về Việt Nam rất quan trọng để có thể hiểu được cuộc sống người Việt trong quá khứ, điều đó là thực tiễn lịch sử buộc phải chấp nhận. Và tất nhiên, khi đọc những tác phẩm đó, chúng ta cũng phải chấp nhận cách nhìn của các tác giả đó qua lăng kính của họ.