Tre trúc
Ở Lĩnh Nam có rất nhiều sản phẩm từ tre trúc, khác hẳn những loại khác, có thể kể ra vài loại sau đây:
Ban Trúc 斑竹 [ trúc đốm], xuất xứ từ sông Tương, các huyện ở Quế Lâm đều có, thân cây màu xanh có điểm chấm những đốm như những vết sẹo, khi cây về già, màu xanh mất đi và chuyển sang màu tía, xem lẫn những vệt màu vàng. Người vùng Giang Chiết hay hỏi mua trúc đốm, đặc biệt loại có nhiều vết đốm xen lẫn màu vàng nhạt.
Sáp Trúc, nổi tiếng nhất trong nhóm Thông Lao Trúc 蔥簩竹 [ tên một giống tre có độc, người thời cổ thường dùng để đâm thú, trúng phải là chết], mỗi đốt phía trên giống như tre bình thường, nửa dưới to hơn.
Đãng Trúc [ 1 loại tre lớn], lá cây to và rậm, đại khái như lá cây chít vậy, lá mọc dày đến mức không có ánh sáng lọt xuống được. Cây măng mọc ở đốt bên trên, từ đây mọc thành cành. Mùa Xuân cả rừng tre xanh um, từ rễ cây măng mọc nhú lên, mọc đến mùa Đông vẫn chưa ngừng [lớn]. Giống tre này lớn thường dùng làm cột nhà.
Lặc Trúc 竻竹 [ 1 loại tre có gai rất cứng dùng làm hàng rào], loại tre này phía trên mọc gai, người An Nam trồng nó làm hàng rào. Giống tre này mọc rất dày, lâu ngày rất cứng. Ở Tân Châu vốn trước không có thành, bèn lấy loại tre ấy trồng xung quanh, gọi là Trúc Thành 竹城 [ thành tre]. Bên ngoài các thành của Giao Chỉ cũng trồng loại tre này.
Nhân diện trúc 人面竹 [ hay còn gọi là Trúc Hóa Long], các đốt co ngắn lại và phồng lên, đan chéo nhau tạo cho cây một dáng rất đẹp. Ở mỗi chỗ phồng lên, nhìn như con rồng bay lên, có khi là hình tròn nhìn lại như mặt người? Gần rễ các đốt dày hơn, vỏ cây nhìn rất đẹp, người ta còn dùng làm gậy.
Điếu Ti trúc 釣絲竹 [ trúc cần câu], thân và lá giống loại Đãng Trúc, nhưng nhỏ hơn nhiều, cành nhánh rất mềm, mỗi đợt gió là cả cây đều lay động rồi rạp xuống, thân nhỏ như cái cần câu, nhìn rất đáng yêu, măng nhỏ xíu có màu trắng, làm thực phẩm thì ngon tuyệt.
Tiễn Trúc 箭竹 [ một giống tre nhỏ nhưng rất cứng, dùng làm mũi tên]. Loại tre này mọc ở các vùng núi, các quận đều dùng làm binh khí.