Theo em thì cái nguy hiểm nhất của đèo Lò Xo là nó quá dài nhưng bị ngắt ra thành các đoạn dốc nhỏ. Với những người đã đi đèo này nhiều lần thì có thể chủ động giữ vận tốc an toàn suốt chặng. Với người ít đi hoặc đi lần đầu dễ bị cảm giác đã sắp hết đèo nên không chủ động giảm tốc nữa, nhưng vừa qua khúc cua hoặc lên một con dốc nhỏ thì lại gặp ngay đoạn đèo mới nên thường đạp phanh gấp hoặc thời gian rà phanh quá lâu nên mất phanh.
Không gian nơi đây cũng có gì đó hơi ma mị khiến cảm nhận về vận tốc và vị trí tương đối sai khác so với bình thường mà mình không nhận thức được kịp thời. Em có nói chuyện với một vài người đã đi đèo này nhiều lần và có người nói là những thân cây cao ở đây có đặc điểm là hơi nghiêng nên tạo cảm giác về độ dốc ít hơn so với bình thường. Cụ nào đã đi nhiều thử kiểm chứng xem điều này có đúng không?
Đèo này không có dạng nhiều đường uốn lượn liên tiếp hay nhiều cua tay áo gấp nên cái sự khó của nó khó so sánh với đèo ngoài bắc.
Khi sắp đổ đèo và ngay trên đèo, rất nhiều biển cảnh báo khổ lớn nhấn mạnh "đi chậm về số thấp" nhưng có vẻ nhiều tay lái không để tâm. Thực tế nhiều đoạn em chạy vận tốc khoảng 40-50kmh thì có nhiều xe khách vẫn làm cái vèo cái vượt qua, vậy chắc họ phải tầm ít nhất là 70kmh.
Nếu ngay từ đầu mình chủ động giữ vận tốc an toàn ở khoảng 50kmh thì đi đèo này sẽ cực kỳ sốt ruột, và đây có thể là lý do chính khiến nhiều tay lái trót tăng tốc và không còn cơ hội sửa chữa.
Ở cuối những đoạn dốc nhỏ, thỉnh thoảng lại thấy xác xe cháy hoặc dấu vết tai nạn và các bia mộ. Nhìn thấy những hình ảnh này ở một nơi vắng vẻ u tịch dễ khiến người cầm lái rơi vào trạng thái tâm lý bất an và ít nhiều tác động đến khả năng lái xe.
Em mới chỉ đi đèo này 1 lần, lúc mới đổ đèo mọi người hào hứng lắm vì sắp có một trải nghiệm thú vị nơi cửa ngõ tây nguyên. Nhưng khi qua vài con dốc, vài khúc cua, chả hiểu sao mọi người bỗng im bặt không ai nói với ai điều gì, chỉ thỉnh thoảng lại thì thầm hỏi nhau "sắp hết đèo chưa nhỉ?".
Em chỉ tập trung vào tay lái và không nhìn về phía sau, nhưng em cảm nhận được sự sợ hãi mơ hồ đang xâm nhập tâm trí mọi người. Chỉ khi hết đèo, tới Dak Glei dừng chân sự tươi tỉnh mới quay trở lại.
Phải chăng cung đường này nhiều ám khí, hay tại những người lái xe chủ quan, hay do đặc điểm không gian, hay do đường xấu... khiến nó thường xuyên xảy ra những tai nạn thảm khốc? Lý giải nào cũng thấy có lý một phần - nhưng theo em thì cái quan trọng nhất để không trả giá vẫn là "quan sát đường và giữ tốc độ an toàn".