Có một mô hình khác có thể vừa phục vụ học sinh có năng khiếu, vừa đảm bảo phân bổ nguồn lực xã hội công bằng, vừa thúc đẩy khunh hướng tự lập và khả năng xác định phương hướng sở thích của học sinh mà tôi chưa thấy cụ mợ nào bàn đến chi tiết trong bốn năm thớt gần đây về trường chuyên và trường quốc tế tại Việt Nam. Đó là mô hình lớp bắt buộc + tự chọn (cores + electives)
Cores + Electives là mô hình khá phổ biến ở các nước phương Tây ở bậc THCS trở đi. Tựu trung lại gồm 2 bộ phận:
1. Cores: các môn học bắt buộc, thường được phân thành 4-6 nhóm chính với số lượng học phần mỗi nhóm khác nhau.
Vd: các trường THPT ở Mỹ thường có 24 - 32 ô chọn học phần chia đều cho 4 năm học (9-12), mỗi năm 6-8 học phần, và 1 học phần = 1 lớp kéo dài 2 học kỳ hoặc 2 lớp kéo dài 1 học kỳ. Trong đó khoảng 1/2 tới 3/4 là Cores:
- toán 3 học phần
- ngôn ngữ bản địa 3 học phần
- khoa học tự nhiên 3 học phần
- khoa học xã hội 3 học phần
- ngoại ngữ 2 học phần
- âm nhạc-nghệ thuật 2 học phần
- thể dục 2 học phần
Ngay cả trong hệ thống Cores này, học sinh vẫn có thể chọn các lớp với nội dung kiến thức và mức khó/chuyên sâu khác nhau.
Ví dụ, trong nhóm toán về mảng kiến thức thì có: Đại Số (algebra), Hình Học (geometry), Lượng Giác (trigonometry hoặc pre-calculus), Thống Kê, Vi phân và Tích Phân (Derivative and Integral ~ Calculus), v.v. Về mức khó/chuyên sâu thì phân ra làm: cấp 1, cấp 2, cấp Honors, cấp AP, v.v.
2. Electives: chiếm khoảng 1/2 tới 1/4 số học phần. Học sinh tùy ý chọn lớp thuộc các nhóm môn Cores nói trên hoặc nhóm khác ví dụ như nhóm kinh tế, khoa học máy tính, v.v.
Như vậy học sinh có thể tự chọn nội dung muốn học và mức khó, muốn chuyên biệt hóa và thử thách bản thân thì đăng ký vào lớp cấp Honors / AP và những nội dung cao cấp hơn trong Toán, Lý, Hóa, v.v. chỉ cần hoàn thành ở mức chấp nhận được (điểm A-B) các lớp ở nội dung/cấp thấp hơn và/hoặc được sự cho phép đặc biệt của giáo viên.
Bằng cách này, mọi học sinh đều có quyền và nghĩa vụ tìm hiểu và tham gia vào các lớp giúp nâng cao khả năng của bản thân ở một mức độ phù hợp. Đồng thời vì hệ thống này tồn tại ở gần như mọi trường công lập, rất hiếm có chuyện một trường chỉ toàn học sinh muốn luyện chuyên, và cũng không có chuyện học sinh chỉ học một môn hoặc nhóm môn nào đó trong 90-100% thời gian tại trường (và cũng không bao giờ được giáo viên môn khác du di sửa điểm) mà bỏ qua các lĩnh vực khác trong Cores.