Rượu vang thì không phải để càng lâu càng ngon nhé, thông thường rượu vang ngon nhất thì chỉ khoảng 20 năm đổ lại.
Em thì không học về rượu vang, cũng không uống nhiều rượu nhưng em học 4 năm nghề nhà hàng bên Pháp nên có phải học qua môn này, nó là môn bắt buộc thôi. Cũng vì em học ở Pháp nên em khen vang Pháp hơn vang Chile ( ngoài việc bị thày giáo tiêm nhiễm thì cũng là cái tự hào riêng về nước mà mình đã học, cái này giống như ai đi học Liên Xô thì sẽ khen nhiều thứ của Liên Xô hơn các nước khác
Trong quá trình đi thực tập và đi làm thì cũng may mắn được làm và thực tập tại 1 số nhà hàng đắt tiền ( là nhà hàng dạng gastronomique ở Pháp, em có may mắn được làm ở 2 nhà hàng đều xếp hạng 1 macaron Michelin, trước đây họ hay gọi là 1 sao michelin nhưng sau này họ dùng biểu tượng chiếc bánh macaron của Pháp để thay thế cho ngôi sao ).
Tại nhà hàng thứ nhất em thân với cậu maitre d'hôtel ( nôm na là người đứng đầu trong đám phục vụ, là người được quyền nhận order từ khách ), nhà hàng này nhỏ nên cậu này kiêm luôn sommelier ( là người hầu rượu ), chính cậu ý nói cho em là vang ngon tầm đó đổ lại, và trong quá trình làm thì em thấy đa phần những chai khách cho là ngon đều là những chai năm 1996, 1997 gì đó.
Bản thân người Pháp cũng không rành về rượu nhiều đâu, khi đi nhà hàng thì họ cũng nhờ hầu rượu tư vấn là nhiều, thường tư vấn theo menu khách đã chọn và theo hầu bao, có thể hỏi qua gu của khách để chọn cho họ và đa phần khách không phản đối, hài lòng. Nếu để khách nhìn vào cái menu rượu thì nói thật hoa mắt, chả biết chọn chai nào đâu nếu không phải khách hay uống.
Đợt làm ở nhà hàng này em có may mắn được nếm 1 ngụm rượu của 1 chai vang đỏ từ năm 1946, số là hôm đó có 1 bàn 3 thằng khách Nga vào, bọn này lắm tiền nên chọn chai đó, chai rượu mang lên bụi phủ trắng cả chai. Có 1 chuyện như này mà qua đó cậu sếp của em chê đám Nga là bọn trọc phú, khi mang chai rượu đó lên thì khi nếm thử bọn nó kêu chua và nồng, đòi đổ ra cái bình thủy tinh, cậu kia khuyên không nên và nói là rượu này để lâu rồi, nó mang tính sưu tập nhiều hơn, vì thế nếu chưa hỏng thì nên uống càng nhanh càng tốt và người Pháp quý tốc thì thường dùng những chai này sau bữa ăn, mang tính ngồi thưởng thức chai rượu quý chứ không nhất thiết uống nhâm nhi trong bữa ăn, và càng không nên đổ vào bình thủy tinh vì nó sẽ hả rất nhanh ... Tư vấn kỹ như thế nhưng 3 đứa kia không nghe, cậu này đành phải làm theo và kết quả là sau 1 lúc chai rượu nhạt thếch, bọn này có rót 2 ly đưa cậu kia cầm vào, 1 ly mời cậu đấy và 1 ly mời ông chủ của em là bếp trưởng, bọn em mỗi đứa được nhấp môi 1 ngụm nhỏ và đúng là nó chả ra sao cả so với những chai vang bình thường bọn em được uống. Bọn kia có phàn nàn rượu chán nhưng vẫn phải trả hìu.
- Lần thứ 2 làm cho 1 nhà hàng ở làng Talloire gần thành phố Annecy, nhà hàng này tên là Auberge du Pere Bise ( các cụ có thể vào web của nó xem nhà hàng và menu, đẹp lắm ). Lần làm thứ 2 này em ở cùng phòng và thân với cậu hầu rượu kém em 2 tuổi, 2 thằng lại hay được xếp lịch nghỉ cùng nhau nên cứ nghỉ là ra ngoài chén, 1 lần vào nhà hàng bên cạnh ăn 1 menu degustation ( gọi là menu thưởng thức với 5 món khác nhau, là menu đắt nhất của nhà hàng ), khi ăn có nói chuyện với cậu chef sommelier bên đấy và khi biết bạn em làm sommelier ở nhà hàng bên cạnh, ông ta cho bọn em xuống thăm quan hầm rượu nhà đấy và giới thiệu các loại rượu, trong quá trình giới thiệu thì cũng khoe 1 số chai tuổi đời rất lâu và cũng nói là những chai này mang tính sưu tập của nhà hàng, đại loại mỗi nhà hàng cao cấp thường sưu tập 1 số chai như thế coi như của quý chứ thực tế nhiều chai đã hỏng và nếu chưa hỏng thì uống cũng không ngon, và cách dùng thì cũng chỉ là sau khi đánh chén say sưa, ra ngồi mở 1 chai như thế uống gọi là tự sướng với nhau là được uống chai vang có tuổi đời lớn hơn mình chứ về vị thì hoàn toàn không ngon.