Em dốt về nhạc lý chỉ biết nghe thôi nên post cái phân tích trên wiki hầu các cụ
Thanh Tuyền sở hữu chất giọng soprano trữ tình thuần túy (full lirico soprano). Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đẹp, ấm áp, đầy đặn, quãng trung và cận cao phát triển, nhưng vẫn lên được những nốt cao sáng rực. Nhờ lợi thế đó, ca sĩ sở hữu loại giọng này thường hát truyền cảm và có nội lực lớn hơn hẳn. Ai đã từng nghe Thanh Tuyền hát live trực tiếp, sẽ không khỏi bất ngờ trước nội lực giọng hát của bà. Dù hát Nhạc Vàng (dòng nhạc không đòi hỏi quá nhiều sự phô diễn), nhưng Thanh Tuyền vẫn khiến khán giả phải “choáng váng” thực sự trước âm lượng lớn và giọng hát xuyên thấu của mình. Giọng full lirico soprano bẩm sinh phú cho Thanh Tuyền quãng cận cao đanh dày, chắc khỏe vô cùng tận. Năng lực trong quãng giọng của Thanh Tuyền thuộc hàng đáng nể. Cô mixed cao rất tốt và thoải mái, có thể lên giọng thật tới C5, D5, Eb5 một cách dễ dàng. Nhưng đồng thời, cô còn xuống được nhiều nốt trầm chắc chắn, sâu và tối. Cô cũng có thể hát nhiều đoạn trầm liên tiếp ở F3, F#3, G3, G#3 một cách thoải mái, nhả vào từng chữ mà không bị mờ. Việc chuyển giọng liên tục trên các quãng từ cao xuống thấp, trải dài trong gần 2 quãng tám với sức nặng và chắc khỏe khi hát một ca khúc Bolero như Thanh Tuyền là điều cực kì khó nhằn, nếu không muốn nói là thách đố các ca sĩ nhạc vàng ngày nay. Thanh Tuyền tận dụng triệt để các lối hát truyền thống của dân ca vùng miền như nảy tiếng, đổ hột, vọng cổ câu vô và biến tấu, tinh giản đi cho phù hợp với Nhạc Vàng một cách hài hòa nhất, chứ không chỉ đơn giản là luyến láy theo nhịp điệu. Trong thanh nhạc, người ta gọi đây là sự thêm thắt, trang trí cho nốt nhạc lộng lẫy và đa dạng hơn. Mục đích của việc sử dụng các kĩ thuật này là thổi điệu hồn dân tộc đượm hơn vào Nhạc Vàng, biến nó từ ngoại lai thành thể thức nhạc riêng của người Việt, dân dã và đi sâu từ nguồn cội. Cô có thể giữ hơi hàng chục giây với đủ các luyến láy, chuyển giọng mà vẫn đều trằn trặn từ đầu tới cuối, không có dấu hiệu đứt khúc hay đuối dần. Nhờ đó, legato của Thanh Tuyền khá đẹp, mềm mại và liền mạch, trôi chảy như một dòng suối. Hơn 55 năm đi hát, Thanh Tuyền đã thể hiện trình độ nhạc lí cũng như thanh nhạc qua các thể loại khác nhau: nhạc vàng, trữ tình, bolero, dân ca, nhạc ngoại quốc, để lại một dấu ấn rực rỡ. Nhiều bài hát làm nên tên tuổi bà: Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn), Không bao giờ quên anh (Hoàng Trang), Đôi ngã chia ly (Khánh Băng), Chiều mưa biên giới (Nguyễn Văn Đông), Dấu chân kỉ niệm (Thúc Đăng), Chuyện buồn ngày xuân, Biển tình, Gửi người ngàn dặm, Chuyến đò vĩ tuyến (Lam Phương), Giấc ngủ cô đơn (Lê Dinh & Anh Bằng), Mưa chiều kỉ niệm (Duy Yên & Quốc Kỳ), Biển mặn, Đồn vắng chiều xuân, Chuyện tình Mộng Thường, Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh), Chuyến đi về sáng (Trần Thiện Thanh & Thúc Đăng).