Những ngày này, thấy người ta bàn tán xôn xao "Em và Trịnh", mà vô tình, trong một clip được cắt bởi nhà sản xuất, em cũng có xem một trích đoạn. Rồi tìm "Ngẫu nhiên" để lí lắc với những ca từ dù nhuốm màu bi ai, nhưng lại mang âm điệu vui vui, không hề uỷ mị.
Cô Khánh Ly hát cũng hay, và mặc định, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn là cặp bài trùng trong việc truyền tải âm nhạc và ý niệm...nhưng, với "Ngẫu nhiên" trong giọng ca của Hồng Nhung và Quang Dũng, em lại thấy những nốt trầm, bổng rõ rệt hơn. Thế nên, cuối tuần này, cho em được mang "Ngẫu nhiên" về đây nhé:
"Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng
...
Hòn đá lăn bên đồi
Hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy
Chim chóc hót tiếng qua đời"...
Em chưa xem phim “Em và Trịnh” nhưng mỗi ngày lướt mạng thấy nhiều ý kiến xoay quanh bộ phim. Thực tế, mỗi người nên nhận định rõ ranh giới giữa thực và ảo, giữa cuộc sống và nghệ thuật thì sẽ có nhìn khách quan hơn về bộ phim.
Em nghe và hát nhạc Trịnh từ năm 15t, đã từng có những khoảng thời gian cảm giác như mình phiêu diêu trong từng ca từ và âm thanh của Trịnh để rồi trải dài những yêu thương với người với đời và nhặt lại mình trong đó trọn vẹn, như thể không phải mình hát nhạc của Trịnh mà là cất lên những tiếng hát từ chính cuộc đời của mình.
Em không quá ngưỡng mộ và sùng bái nhạc Trịnh nhưng em tìm thấy sự đồng điệu ở Trịnh là một tâm hồn cô đơn, lấy chim muông, cây cỏ, lấy nắng mưa của trời làm bạn để quên đi nhân tình thế thái nhưng vẫn nặng lòng với quá khứ, với thân phận những kiếp người. Vì thế, phảng phất đâu đó những ca từ như tự vỗ về chính mình và cả “ta”, như một cách níu kéo cuộc sống, gắng gượng đứng dậy sau những vấp ngã
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên…
Em cũng tìm thấy sự đồng điệu ở Trịnh bới tình yêu cái đẹp, những người con gái đi qua đời ông mong manh như sương sớm, thánh thiện như đức mẹ Maria “Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho môi mềm…”, “…vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xăm”
Đi bên đời những nàng thơ như thế, nhưng lòng Trịnh vẫn mãi cô đơn, vẫn khát khao yêu đương, “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ… lời hẹn thề là những cơn mưa”, mỗi người tình bỏ đi, trái tim một lần tổn thương, Trịnh lại tìm về với nắng mưa làm bạn, tuyệt nhiên không một lời trách cứ, chỉ đọng lại những dang dở, lỡ làng, những giây phút hạnh phúc không hình hài…
Rồi, em lại tìm thấy sự đồng điệu ở Trịnh trong sự bình thản đối diện với cuộc sống, mỗi người đều như một người khách tạm ở cõi trần, lãng du khắp chốn để cuối cùng lại về với cát bụi hư không. Suy cho cùng, vạn vật đều ở trọ cùng nhau, nương tựa nhau… “Mây kia ở trọ tầng không, mưa nắng ở trọ bên trong nỗi buồn… em nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cũng đành”
Nhiều người nói nhạc Trịnh buồn, u uất, cũng có người nói nhạc Trịnh giàu triết lý nhân sinh. Em không quá đặt nặng hay phán xét, nghe và hát nhạc Trịnh chỉ đơn giản bởi em tìm thấy trọn vẹn mình trong đó, để rồi tự thấy được vỗ về, tự tâm tình, tự an yên. Để mỗi giây phút trong cuộc đời đều muốn tự mình ngân nga vài câu từ dù ở sắc thái nào vẫn toát lên sự thiết tha với cuộc sống này.
Tuy vậy, những ca khúc Da vàng của Trịnh là em không dám nghe, 1 đôi lần em trót nghe, thấy lòng đau như cắt, sự giằng xe tâm can dữ dội từ nỗi đau của đồng loại trải qua chiến tranh, nỗi đau đó thật sự ám ảnh. Những ca khúc này không phổ biến vì nhiều giai đoạn bị cấm lưu hành.
Từ lúc bắt đầu nghe, em đã mặc định, chỉ có giọng Khánh Ly là đủ dày cho cái tình, cái hồn của nhạc Trịnh, nhưng sau này, có nhiều ca khúc tưởng như ông viết ra là để dành cho Hồng Nhung, giống như Hồng Nhung chính là đoá hoa vô thường trong lòng của ông vậy. Giống như cuộc đời Trịnh, mỗi nàng thơ đi qua để lại những dấu ấn riêng, những ca khúc của ông cũng mỗi bài 1 vẻ, một sắc thái, muôn mặt hình hài như tính cách của mỗi nàng thơ. Có lẽ phải thiết tha với đời, với người lắm ông mới viết được những ca từ và những âm thanh như thế.