Mùa chinh chiến ấy (2)
[...]
Chiến tranh - hai từ mà khi nhắc đến, dù ở thế hệ nào đi nữa, cũng cảm thấy xót xa!
Tổ quốc - danh từ thiêng liêng, mà có lẽ, những người lính đã từng tham gia hai cuộc chiến, thấy yêu mến và tự hào!
Chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế thì sao?
Ai đã từng đọc "Rừng khộp mùa thay lá", đã từng rung lên những thổn thức, thì với "Mùa chinh chiến ấy", lại càng cảm thấy nức nở nhiều hơn.
Dù đặt hai cuốn hồi ký này gần nhau, đâu đó phảng phất nét văn chương của hai người lính. Nhưng họ là những người lính cầm bút, ghi lại những sinh-tử của lính trận. Hai người sinh ra ở cùng một giai đoạn, cùng tham chiến tại biên giới Tây Nam. Cùng có những cái nhìn chân thực về những người bạn, đồng đội khi cầm súng; khi sinh hoạt giữa rừng khộp nắng đỏ da, và mưa thì dầm dề, dai dẳng.
"Mùa chinh chiến ấy" có nhiều tiếng cười, và "Rừng khộp mùa thay lá" cũng vậy. Nhưng không phải là tiếng cười rạng rỡ, vui tươi của những con người đang đứng trên đất Mẹ. Mà là tiếng cười chua xót, khi thiếu thốn, gian khổ bủa vây. Tiếng cười ngân lên day dứt, trong những miêu tả về đồng đội mình "hoá rồ hoá dại" vì trúng sốt rét độc. Vì đất nước (tuy chưa hết sạch bóng giặc - do biên giới phía Bắc còn TQ lăm le bờ cõi) đã được giải phóng, mà ở Campuchia, các anh vẫn ngày đêm hành quân, để giải phóng giúp nước bạn khỏi chủng Pol Pot-Iêngxari. Vẫn từng ngày chiến đấu với địch, với muỗi, vắt rừng, mìn và đạn.
Trong "Rừng khộp mùa thay lá", thỉnh thoảng có thấy nét thi ca vấn vít một vài trang, sự bay bổng trong tâm hồn của một chàng sinh viên tốt nghiệp khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp. Thì trong "Mùa chinh chiến ấy", sẽ thấy sự chân thực rõ nét hơn. Có rất nhiều phân đoạn khiến cho độc giả bật khóc. Không phải khóc lên thành tiếng, mà là sự nghẹn ngào, rung lên trong ngực:
.
.."Chúng tôi làm một cái nhà, giữa bãi tráng, đặt ông Lực vào đó. Buổi trưa, tôi và Thuận, hai thằng lang thang ra chăm sóc thủ trưởng. Bọn tôi đi khắp rừng, tìm những chùm hoa dại, đặt lên thi hài ông. Mùa khô, hoa thật hiếm. Nhưng chúng tôi cũng tìm được khá nhiều hoa. Ít ra, có ít hoa rừng, thủ trưởng nằm cũng đỡ trơ trọi. Bọn tôi cố gắng kiếm nén nhang, nhưng không đâu có.
Tôi lại phải làm biên bản kiểm nghiệm di vật tử sỹ cho thủ trưởng Võ Sỹ Lực. Chiếc ba lô của ông đã cũ sờn. Bao nắng mưa, bụi bậm, khói súng đã thấm vào đây. Tôi cứ nghĩ, chắc thủ trưởng mình phải đầy đủ lắm. Nhưng mở ba lô ra, chẳng có gì. Bộ quần áo cũ. Đồ lót cũ. Bàn chải, thuốc đánh răng, khăn mặt, đôi tất,...Quyển sổ tay, chiếc bút máy, địa bàn, mấy lá thư gia đình,...Một khẩu súng K.59. Gia tài người lính, có gì đáng giá đâu!
...
Tầm chiều, chiếc trực thăng HU-1A hạ cánh xuống tiểu đoàn, đưa thủ trưởng Võ Sỹ Lực về trung đoàn. Cả tiểu đoàn ra tiễn ông. Chưa bao giờ quân số tiểu đoàn tập trung tại bãi tráng đông thế. Ông đã ra đi từ tiểu đoàn 8. Khi chết, ông về tiểu đoàn 8 để chết.''
...
Xúc động và tiếc nuối. Mặc dù không có những chữ viết phải lên gân để người đọc thấy ý chí hừng hực, tinh thần chiến đấu dũng cảm, khí phách của người lính trận,...chỉ bằng những miêu tả chân thực, ghi chép hết sức dung dị, giản đơn, mà người đọc cảm thấy giá rét của mấy ngày Tết này, thực sự là quá nhỏ bé, tầm thường.
Dù chứng kiến, đối diện nhiều cái chết của đồng đội, nhưng trong cuốn Hồi ức của mình, bác Đoàn Tuấn không hề uỷ mị, không tiêu cực, lại rất nhẹ nhàng. Cái nhẹ nhàng này, như mạch nước len lỏi vào từng nhân vật, từng chữ viết. Dù là những chàng lính trẻ Hà Nội mới buông bút sách, đầy thơ ca lãng mạn, hay những người lính Hải Phòng đậm chất đàn ông đất Cảng. Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang thơ mộng với biển, với gió, cát, thì dưới ngòi bút của Đoàn Tuấn, hiện lên rất rõ ràng, mỗi người một màu sắc. Hoà vào bức tranh mịt mùng của đạn, mìn, là những người lính của tất cả mọi miền, hội quân về và cùng "chia nhau cái chết". Cùng văng tục, chửi thề khi sinh hoạt những lúc chờ lệnh hành quân, cùng chia nhau miếng nước, làm thơ viết lên cánh võng, đọc nghêu ngao để xua tan đi những thiếu thốn...
Cuốn Hồi ký có 7 chương. Chương nào cũng thấm đẫm "chất lính". Vừa sâu sắc, vừa hào hùng. Chương nào cũng phải gấp lại vài trang để đọc đi đọc lại cho thấm. Thấm cái nỗi khốn khổ vì đói, vì khát, vì ruồi, vì mìn, vì đạn. Vì những đêm mưa rừng nước chảy cả vào trong hầm, nằm võng mà ướt sượt,...Thấm cả tinh thần lạc quan, tếu táo, bông phèng mà bác Đoàn Tuấn đã nhớ lại. Cũng phải thôi, độ lùi của chiến tranh, đã bồi đắp thêm nhiều dữ kiện, của đồng đội, sau hơn 30 năm sau, mới cầm bút để viết thành Hồi ký và xuất bản. Bác viết, như là cho chính mình, tri ân đồng đội, viết để thoả nỗi "khát khao" được gọi tên những người đã nằm xuống. Không quá trau chuốt, mà lại cực kỳ hấp dẫn, do sự chân thực, nhất quán trong cách hành văn, kể chuyện. Chương nọ nối chương kia, liền mạch và gắn kết.
Nếu không đọc có sao không nhỉ?
- Chẳng sao cả! Chỉ tiếc, nếu như ai đó có người thân tham chiến tại chiến trường K, mà đời con cháu lại bỏ lỡ...Hoặc, muốn hiểu rõ hơn về chiến tranh biên giới Tây Nam, chỉ những gì báo chí đưa tin - là không đủ...
Có lẽ, cần nhiều hơn thế những cuốn Hồi ký có sức "nặng" như thế này, để thấy rằng, rét mướt của năm nay, thật quá xoàng và chưa hề hấn gì đâu á,
.
|11.02.2022|
Ảnh cũ...