Nhất định phải nói yêu anh (review 1)
Tháng 12 đến trong một ngày thứ Tư, nắng trong trẻo và trời xanh cao vời vợi. Một vài người bạn đã rời đi, một vài người mới tới - như dòng chảy của cuộc đời vốn thế. Tan-hợp, rồi lại hợp-tan, nhân duyên trong cuộc đời mỗi người, đều đã mặc định những mối liên hệ từ tiền kiếp (?!). Nên khi nhận được lời đề nghị : "
Tặng em cuốn sách này, để đọc giải khuây mỗi khi quá ư mệt mỏi vì những hỗn độn, cơm áo", ngoài việc nói "Cảm ơn", thì nên nói gì để người tặng vừa ý?
Và trong một buổi chiều đầy sương, một cuộc gọi từ một số máy lạ báo đi lấy truyện, cũng không tránh khỏi mừng thầm. Cầm cuốn truyện trên tay, không khỏi tò mò mà lật vài trang đọc thử. Bìa sách bắt mắt vô cùng với hình ảnh hoa hồng và một cặp nam nữ - dù muốn dù không, cũng sẽ gợi đến thứ tình cảm mà bấy lâu nay, nhân gian đã tốn nhiều giấy mực vì nó : Tình yêu!
Dù đã đọc vài cuốn ngôn tình, đã trải qua những cảm xúc thanh thuần của tuổi trẻ, thì khi đọc cuốn truyện này, cũng vẫn náo nức và bồi hồi. Không phải vì khao khát tình yêu như những bạn trẻ, mà là những cảm xúc trong trẻo của Mai Vy - nhân vật chính đi du học nhiều năm tại Pháp về Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Cũng như sự từng trải của Song Vũ - người đàn ông 47 tuổi, thành đạt và điềm đạm, mới khiến cho bản thân em có nhiều xúc cảm để review một cách trọn vẹn nhất.
Cuốn truyện được viết theo từng chương. Lướt qua mục lục, sẽ thấy tiêu đề của từng dòng suy nghĩ, nối liền các chương lại với nhau. Bắt đầu bằng việc trở về Việt Nam của Mai Vy, chạm trán người đàn ông hơn cô những 23 tuổi. Để sau này, qua những tréo ngoe, thử thách, chạy trốn, cấm cản của gia đình,...rồi vẫn "
nhất định phải nói yêu anh"!
Một vài sự cố nhỏ bất chợt đến, nên em mới đọc được ba chương đầu. Chưa có gì xuất sắc để đánh giá, chỉ cảm nhận một câu truyện sẽ rất dí dỏm, thắt-mở như hai thế hệ của hai nhân vật chính. Kèm theo đó là sự đấu tranh, giày vò nhau đến cùng kiệt - một hình thức quen thuộc trong các cuốn truyện ngôn tình. Nhưng "
Nhất định nói yêu anh" lại khác ờ chỗ, ngay từ đầu, ngôn từ không hề bi luỵ, không có giọng văn cường điệu, mông lung. Lời thoại - dù chỉ mới đọc được ba chương, nhưng cảm nhận không hề sáo rỗng, mà "đậm chất đời sống". Nhân vật nam chính thì phác hoạ qua vài nét đã thấy rất "cảm tình",
. Lĩnh vực đề cập cũng vô cùng sốt dẻo : Bất động sản!
Biết là viết vài lời về cuốn tiểu thuyết này ở đây có vẻ hơi lạc điệu. Nhưng có những ngày phải vật lộn với áo cơm, với đòi nợ, với bán hàng, với báo cáo báo mèo, thì chúng ta cũng nên thả lòng mình đu đưa một tẹo cũng chẳng sao đâu phải không các cụ/mợ?
(Còn tiếp)
Ảnh: St
Nhất định phải nói yêu anh (review 2)
[...]
Buộc lòng một phụ nữ trung niên đọc ngôn tình và review về nó - dù không ai ép uổng, quả thực rất khó khăn. Khi mà những cảm xúc trong trẻo của ngày còn trẻ đã bị mai một đi rất nhiều. Theo tuổi tác; theo những vụn vặt bởi áo cơm, do những bon chen của cuộc đời...dù có vùng vẫy như thế nào đi chăng nữa, có lúc cũng phải buông bỏ cảm giác thanh thuần đó và
hiện thực hoá mọi vấn đề bằng những con số. Chỉ có điều, cảm giác như vừa uống một ly sinh tố bơ vô cùng ngon nghẻ, ở một quán cafe đầy nắng chiếu qua những tán lá, làm cho sự thanh thuý của "
Nhất định phải nói yêu anh" thêm phần nào ngọt ngào bởi dư vị.
Liệu có sến súa không quá không nhỉ?
Nếu có sến súa, cũng là chuyện thường. Bởi đây đích thị là một cuốn ngôn tình, dành cho mọi phụ nữ.
Dành cho cả những người đàn ông - chưa một lần đắm đuối. Dù có già, trẻ, đạo mạo hay cà chớn. Chuẩn mực hay đời thường. Đọc thôi, như là "gia vị" cho cuộc đời vốn đã không hề đơn giản với những đạo lý, quy tắc. Đọc thôi, để còn biết yêu và biết đường cư xử sao cho ít gây tổn thương tới phụ nữ nhất,
.
Hay đơn giản, chúng ta đã quá già, đã quá chai sạn với những cuốn tiểu thuyết "ướt át" như này. Nên có dành một vài giờ đọc, cũng như là "tắm gội" cho mình một cảm giác tinh tươm. Được vui với mối tình nảy nở như hoa xuân của Mai Vy và Song Vũ. Được yên lặng suy nghĩ với những hỗn độn khi họ phải đấu tranh cho tình yêu của mình, để từ đó trui rèn cho mình thêm một "bản lĩnh" : Sự điềm đạm!
Cả cuốn truyện, không có sự đấu đá, tranh giành như thường thấy. Chỉ là sự xuất hiện của một người đàn ông khi Mai Vy 18 tuổi, choán hết tâm trí của một cô gái giỏi giang, xinh đẹp. Để cô giữ trọn vẹn tình cảm thuần khiết đó suốt 5 năm đi du học, trở về và nhất mực chỉ yêu người đó. Còn anh - Song Vũ, lại quá ưu tú, quá chuẩn mực. Không giống như đa số đàn ông thành đạt trong các bộ phim, ham chơi, đàn đúm, còn có những sở thích vô cùng bỉ ổi như cua gái để làm đầy thêm vào danh sách chinh phục của chính mình, hả hê coi những chiến tích đó là một "phần thưởng",...anh chừng mực và lịch thiệp. Dù biết Mai Vy sống chết yêu mình, nhưng không vì thế mà lợi dụng đá đưa để thoả mãn thú vui của một người đàn ông mất hết liêm sỉ.
Anh trân trọng. Băn khoăn. Lúng túng và có phần ngượng ngập.
Những chi tiết này, đủ để thấy, nếu như Mai Vy giỏi, Song Vũ ưu tú, cũng có những người khác ưu tú và giỏi giang hơn. Mặc dù quanh họ cũng có nhiều "vệ tinh" vây quanh: chơi trò đuổi bắt vì xã giao, vì tình cảm nhất thời nảy sinh do quan hệ, công việc và vì sự ái mộ tức thời. Song cái cốt lõi nhất trong cuốn truyện này, lại là một tình cảm chân thành, cảm xúc thuần khiết và mãnh liệt. Đặc biệt, không có những toan tính của bất cứ ai nhằm đạt mục đích đào mỏ, dù gia thế của mỗi người, đều có thể định giá bằng nhiều con số 0.
Mai Vy đã thổi vào tâm hồn của nhiều phụ nữ cả già và trẻ, một chân lý và một sự kiên định gần như tuyệt đối: Hãy yêu, bằng tất cả trái tim. Đừng toan tính, chân thành và da diết.
Song Vũ lại làm cho nhiều người tin tưởng: Đàn ông tốt vẫn luôn nhận được những phần thưởng xứng đáng!
Bởi sau rất nhiều đấu tranh, tự thú và nuôi dưỡng tình cảm của mình, cô ấy đã có được người đàn ông mà cô muốn. Còn anh, dù đã tưởng như mất hết cảm xúc hẹn hò, thì khi "dấn thân" vào tình yêu, vẫn ngốc nghếch đến mức phải buột miệng cười vì những dí dỏm, lí lắc của người yêu. Đơn thuần, con người mỗi chúng ta, ai cũng mong muốn cảm giác được bình an, được tin tưởng bên cạnh người mà chúng ta đã lựa chọn để gắn bó.
Cái hay của bản tình ca lúc trầm lúc bổng này, là cảm xúc của các nhân vật rất liền mạch, diễn biến tâm lý cũng vô cùng hợp với suy nghĩ của mọi người thường, logic và thực tế. Cũng bởi, tác giả là một nhà biên kịch, nên từng nút thắt-mở trong diễn biến tâm lý của nhân vật, được chị gỡ rối rất tinh tế. Từng chút, tưng chút, chị "vẽ" ra cho độc giả những khung cảnh đẹp mơ màng; những nguyên tắc xã giao của giới thượng lưu, tuy xa mà như chạm tay vào được; rồi đến cả những cử chỉ nồng nàn, cũng khiến cho độc giả như vừa nhấp một chén trà ngon, rồi "à" lên sảng khoái vì dư vị ngọt ngào đọng lại nơi đầu lưỡi...
Khen thì đã khen nhân vật, nhưng cũng nể về việc tác giả chắt chiu vốn sống, sự quan sát và nuôi dưỡng cảm xúc trong suốt quá trình sáng tác. Việc đặt nhân vật vào bối cảnh hơi tréo ngoe, rồi chậm dãi đưa hai người đến với nhau, không quá vội vàng, càng làm cho câu truyện "nhuốm" màu bi thương, mà kỳ thực, lại vô cùng hợp tình hợp lý : "Tình cảm thì không thể khiên cưỡng"!
Điểm cộng của tác phẩm này, là mặc dù ngôn tình, nhưng không hề uỷ mị, ướt át. Câu chữ rất thực tế, gần gũi. Có những đoạn, tưởng như chính chúng ta đối thoại với chính mình. Thật là diệu vợi,
.
Giá mà chúng ta được trở lại tuổi trẻ, khi ấy mới 18, đôi mươi, đọc cuốn truyện này xong, lại chẳng phấn đấu cho thật giỏi giang, ưu tú?!
Có thể lắm chứ, tại sao không?