HÀ NỘI, MONG ĐỢI NGẬM NGÙI
Hà Nội phố cổ từ những ngày xưa ấy có khác chăng so với những khu đô thị mới hiện đại như Sing, như Pháp kiểu “có thằng đeo dùi cui điện đứng ở barie”? Khác lắm chứ, thậm chí không phải cái chuyện ăn gì cũng ngon, muốn gì cũng có đâu mặc dù cái đó đã là quá quan trọng rồi. Mà khác ở cái tinh thần, ở một khu đô thị như Ecopark, Ciputra hay Vinhome chưa chắc gì hai nhà liền kề chủ nhân đã biết nhau, con cái đã chơi với nhau, có chăng chỉ có “công đoàn osin” thì ở đâu cũng đi sâu vào quần chúng mà thôi. Phố cổ là nơi gặp gỡ của quá khứ, hiện tại, tương lai, nơi mà người ta sẵn sàng trải lòng với một người chỉ vì có biết chung một chỗ mua cá chọi từ thời nhảy tàu điện, hay cùng thất tình trước một bà chị học cùng trường cấp hai… Phố cổ không có chỗ cho kẻ lạ, ai kia có thể có hai ba cái nhà ở phố “Hàng” nhưng chưa bao giờ được bơi ra Tháp Rùa hay đá bóng ở sân Long Biên thì đó vẫn chưa phải là người Hà Nội thực thụ. Đừng phải tranh cãi làm gì, nếu bạn không phải người Hà Nội “xưa” – khái niệm của chúng tôi khác với các nhà sử học, coi như chỉ tính từ những năm 60-70 đổ lại thôi – chúng ta khác nhau một chút thôi, chẳng tốt xấu gì ở đây cả. Nhưng mỗi một “người Hà Nội” như bọn tôi đều có ba, bốn, năm chục năm kiểm chứng, ai người thế nào, ra làm sao, nói đến là biết, vậy thôi. Ai kia dù có lớn lên ở chính Hà Nội và trở thành “ông nọ, bà kia” mà mấy cư dân Hà Nội cũ chỉ bảo một câu “phọt phẹt ấy mà” thì coi như đã an bài với hình tượng “dở hơi biết bơi” này mãi mãi, còn có những đứa dù có bị cuộc đời quăng quật vùi dập đến thế nào nhưng chỉ cần anh em chốt một câu “thằng ấy chơi được đấy” thì vĩnh viễn sẽ còn lại được một chỗ đứng dù nho nhỏ ở cái Hà Nội “tươi thắm, sống vui phố hè” này…
Một sáng chủ nhật đẹp trời, không hẹn mà lại gặp anh bạn đã biết nhau từ mấy chục năm, chả gặp bao giờ cuối cùng lại bén duyên ở cái phở Hàng Đồng. Nhưng người Hà Nội là thế, không gặp chả sao, lúc nào cũng có 500 bạn chung (ngoài đời thật nhé) để biết về nhau sống chết ra sao, và luôn có 5000 nhân vật “nó được đấy” hay “phọt phẹt ấy mà” để làm chủ đề câu chuyện khi gặp lại. Không quan trọng rằng anh ấy đã lâu nay nổi tiếng như cồn, là “bàn tay sạch” của công cuộc chống hàng lậu hàng giả, còn tôi chả ai biết đấy là đâu. Không quan trọng trước kia anh ấy nghịch phá “rạch giời rơi xuống” mà nay thành tấm gương đạo đức của bao người, còn tôi vốn dĩ con ngoan trò giỏi thì lại trở nên kẻ lang bạt kỳ hồ. Câu chuyện cứ thế kéo dài, hết phở đến cà phê thuốc lá rồi lại bia hơi, nhưng rồi cuối cùng vẫn quay về Hà Nội, nơi theo chúng tôi cùng nhận định là “thôi quen rồi, về hưu chắc chỉ sống ở đây được chứ chả báu gì mà đi đâu nữa…!”.
Rồi chuyện lại quay về việc “lò”, việc “sắp xếp nhân sự” – người Hà Nội vẫn quen thế đấy, có thể chỉ là bà giáo về hưu hay ông cắt tóc vỉa hè Tràng Thi thôi cũng phải thông tỏ vanh vách “ai đi đâu về đâu” – chuyện này bạn khó có thể gặp ở Sài Gòn hay Đà Nẵng. Rồi anh hỏi tôi nhận xét về người “ai cũng biết là ai” sẽ “tiến về Hà Nội” – tôi cũng chẳng ngại ngần gì mà không chia sẻ về nhân vật tưởng như khá trầm lặng mà nay lại sắp “nổi tiếng nhất vịnh Bắc Bộ" này:
-Nhân vật này chẳng có “phốt” gì nặng, cũng chẳng có chiến công hiển hách nào, chưa phải anh hùng bắt cướp hay “công dân thủ đô tiêu biểu” – cái này theo tôi là điều tốt, trong thời buổi thông tin nhiễu nhương này “no news is good neuws”. Nhưng cái thiếu nhất đầu tiên là anh ta chưa có bất cứ gì để thể hiện anh là “người Hà Nội đích thực” – theo cách hiểu đã nói như trên của tôi. Dù có từng ở Hà Nội bao nhiêu năm đi nữa, ông không thể có nét Hà Nội hào hoa như các bác sỹ Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng thuở trước, anh ta rồi vẫn sẽ giống mấy người tiền nhiệm mà thôi… (Và thật đáng chán nếu cả hai quan đầu tỉnh đều không có “chất” Hà thành – nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”!).
-Thứ nữa, tôi không đánh giá quan chức này theo kiểu mấy vợ, mấy con, mà theo công việc anh ta làm. Mà như thường thấy, tính cách bộc lộ trong những thời điểm quan trọng, đòi hỏi quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Điều này thì nói thật là tôi ít thấy ở vị quan đầu ngành này. Này nhé, chẳng hạn như năm 2016 cả nước sôi sục lên về việc Formosa gây “cá chết” – hơn bao giờ hết thì Chính phủ cũng như người dân rất cần một câu giải thích rõ ràng về nguyên nhân vụ việc – có xả thải hay không, xả thải như vậy có nguy hại nhiều cho môi trường biển hay không? Thì Bộ Tài-Môi trả lời trậc lấc đã đành, nhưng Bộ Khoa học Công nghệ cũng cả mấy tháng trời không đưa ra được lời giải thích cho thỏa đáng, vị này chả bơi biển, ăn hải sản Hà Tĩnh hay nói hớ câu nào cả, mà đúng hơn là tránh chả bình luận gì. Đến khi Formosa bị “bắt nọn” (bởi chính những nhà khoa học thuộc địa hạt của vị này quản lý) và phía Đài Loan chấp nhận xin lỗi, đền bù thì ông mới dõng dạc (trích nguyên văn): ““Kết quả công bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học cũng như trình độ và năng lực trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Tháng 12/2004, Nhật Bản có sự cố môi trường nghiêm trọng, hơn một năm sau, hội đồng đánh giá với những chuyên gia hàng đầu mới có thể kết luận được nguyên nhân là từ công ty gang thép. Như vậy để thấy sự nỗ lực của chúng ta”! Nếu ai đọc kỹ FB của tôi sẽ biết vai trò rất “bình vôi” của ông trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng này…
-Một trong những vấn đề tôi quan tâm theo dõi (nó được tua đi tua lại trên báo đài suốt mà, làm gì chả theo dõi được) là việc Việt Nam ta cứ rập rình định “phóng” hơn chục nghìn tỷ lên trời (về sau rút xuống còn 7000 tỷ, nhưng với số tiền phải đầu tư tương ứng dưới đất nữa thì tổng cộng đáng nhẽ cũng thành mười mấy nghìn tỷ mới đủ) cho tự hào có quả vệ tinh đời cũ, đổi lấy món nợ ODA Nhật Bản. Tuy rất rõ đấy là “sáng kiến” của Trung tâm vũ trụ VN và Viện Hàn lâm nhưng với tư cách người đứng đầu ngành khoa học, ông có thể đánh giá và chặn đứng nó từ khi còn “trứng nước” – thế mà với tính cách không quyết đoán vốn có ông lại “khiêm tốn” nhường cho các bộ ngành khác nêu ý kiến phản bác suốt lần này đến lần kia, từ các lực lượng vũ trang cho tới cả… ngoại giao! Cũng thật là may cuối cùng thì (cho đến nay) các cấp cao nhất đều đã thấy sự vô nghĩa cho việc dành lấy chút “tự hào” bằng số tiền rất lớn như vậy mà hiệu quả nếu “phóng” sẽ chẳng có là bao. Thận trọng quá mức, im lặng không làm ta vô can…
-Một trong những vụ án điểm của ngành y và rất có thể còn đang chờ tới lượt là những thanh củi khá lớn của “lò” là VN Farma – còn đang tiếp diễn, lại mới thêm vài con cá nhơ nhỡ sa lưới. (Câu chuyện này thì “người Hà Nội xịn” đang uống bia với tôi quá biết rõ, anh quá quan tâm và sẵn sàng để được gọi ra tòa làm rõ vấn đề, mà chả được vời đến…!?). Rồi có lẽ tòa và các cơ quan điều tra cũng sẽ đi tới tận cùng sự việc, những kẻ nào định làm giàu bất chính trên sức khỏe của biết bao bệnh nhân K sẽ được nêu tên bằng hết, nhưng quá trình này đang bị làm chậm lại khá nhiều. Một lí do mà đáng nhẽ Bộ của vị sắp bãi nhiệm này có thể làm rất tốt – đó là đưa ra kết luận: thuốc của VN Pharma giả hay không!! Nhiều vị trong ngành hẳn hoi vẫn coi “đây là thuốc thật, chỉ có nhãn mác là giả thôi” – mà không chịu hiểu nếu nhãn mác không đúng với nội dung thuốc thì đó phải coi là “giả”! Bộ Y tế mà không làm rạch ròi được chuyện đó thì phải để Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ làm, khó gì đâu? Tất cả cứ dồn việc và mong ngóng cơ quan điều tra họ lo…
-Lại một vụ đại án nữa mà liên quan đến có lẽ cả 60 triệu nông dân Việt Nam, khó mà có vụ điển hình hơn! (Người đối thoại với tôi lại quá trong cuộc của vụ này, nhưng giờ anh đã được đưa ra khỏi Ban 389 (Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu) và ngay cả ở Tổng cục quản lý thị trường thì anh cũng được cho “ngồi chơi xơi nước” dài dài…). Vụ phân bón giả Thuận Phong này còn khác lạ hơn nữa là đã có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Phó thủ tướng thường trực đã nhiều năm, nhưng dường như tỉnh Đồng Nai kiên thủ như một lãnh địa riêng, khó ai bên ngoài làm gì ở đó được. Rất dễ thấy thôi, không thể khởi tố được vụ án ở khâu nào thì thế lực bao che ở chính chỗ đó, tuy vậy cảm giác như “xuồng sắp chìm” rồi! Cũng may là ngay Đồng Nai cũng thay đổi rất nhiều, và với vị giám đốc rất trẻ tên Văn mới được điều chuyển từ nơi khác về rất nhiều nhóm bảo kê đã phải ra trước vành móng ngựa… Cũng lại vẫn với lối làm chậm quá trình điều tra như vụ VN Pharma, ở đây bất chấp câu hỏi của các đại biểu quốc hội và nhà báo, rằng phân bón Thuận Phong có phải “giả” hay không nhiều luồng dư luận vẫn bị lái đi!? Tưởng như câu trả lời chẳng có gì khó khăn, nếu phân tích không thấy được đủ 70% các chất được công bố trên bao bì cũng được làm giả luôn (made in USA) ấy thì chẳng còn gì để nói! Ấy thế mà chính vị đầu ngành khoa học này với sự cẩn thận vô đối của mình khi trả lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong công văn 18/7/2019 vẫn rào trước đón sau: “Vụ việc… Thuận Phong đang trong quá trình điều tra, hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có kết luận cuối cùng về giám định tư pháp theo vụ việc về nhãn hàng hóa… Để đảm bảo tính pháp lý của vụ việc Bộ KHCN sẽ thông báo yêu cầu của quý đại biểu tới Bộ Công an…”. Đố mà sai nhé! Nhưng có giúp gì cho đời những câu trả lời chỉ có đúng trở lên thế này không?
Quả là “Hà Nội không vội được đâu” – thế chúng ta hôm nay mới đang có tầu điện trên cao mãi chưa chạy được, nhà Lê Trực mãi cắt nóc chả xong, sông Tô Lịch mãi chưa hết mùi “hoa sữa”… Với vị “tổng đốc” mới này thực sự tôi chưa hình dung ra Hà Nội sẽ chuyển mình thế nào trong mấy năm tới đây! Phố cổ chắc là vẫn thế, hấp dẫn bởi những số phận đời thường, những cô gái đẩy xe hoa trên phố, những bom bia được “cắt tiết” ngầu bọt, chứ nó lại vẫn như xưa thôi, đến ngay cái phố đi bộ ở Bờ Hồ bây giờ cũng lại chả còn nữa rồi – một điều ít ỏi có được nhờ sự quyết đoán của người tiền nhiệm. Hà Nội vẫn vậy thôi, nhưng người Hà Nội rồi cũng dần sẽ khác… Ước gì tới lúc chính người Hà Nội được chọn thị trưởng cho mình! Bét ra cũng phải hào hoa tí chứ, nhỉ!
Trời đã ngả chiều, tôi và anh chia tay – những “mầm non của tổ hưu phố cổ”. “Lúc ấy chắc Thuận Phong cũng xong rồi!” – anh cũng muốn kết thúc câu chuyện lạc quan một tí, còn tôi chưa nghĩ được xa thế, đang buồn cho Hà Nội “của tôi”. Như nghe tiếng sông Hồng thở than, tôi muốn mang Hồ Gươm đi…